SẢN PHẨM XUẤT KHẨU LÀ TÀI NGUYÊN, KHOÁNG SẢN CHƯA CHẾ BIẾN KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT

(HQ Online)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 về hướng dẫn thi hành các luật về thuế.

Tài nguyên, khoáng sản, thuế GTGT
Quy định mới về thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Internet

Cụ thể, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) trường hợp sản phẩm XK là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.

Ngoài ra, đối tượng không chịu thuế GTGT còn có sản phẩm XK là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên, trừ các trường hợp sau:

Sản phẩm XK được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm XK (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm XK này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật thuế GTGT.

Sản phẩm XK được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm XK (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm XK này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật thuế GTGT.

Sản phẩm XK được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm XK thì sản phẩm XK này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật thuế GTGT

Sửa quy định về hoàn thuế GTGT

Bên cạnh đó, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP của sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT.

Cụ thể, cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ XK bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó XK vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó XK ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo; trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ XK, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ XK còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.

Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ XK, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ XK trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế GTGT tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó XK mà hàng hóa XK đó không thực hiện việc XK tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa XK không thực hiện việc XK tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan

Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa XK không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hương Dịu

HÀNG NK ĐỂ GÓP VỐN KHÔNG PHẢI NỘP THUẾ GTGT

(HQ Online)- DN góp vốn bằng tài sản NK để thành lập DN thì không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: T.Trang.

Đó là trả lời của Tổng cục Hải quan trước kiến nghị của Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong về việc NK máy móc thiết bị về Việt Nam để góp vốn không phải nộp thuế GTGT khâu NK.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT quy định về đối tượng chịu thuế thì: Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.

Bên cạnh đó, tại Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng quy định: “Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân NK hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm…”

Như vậy, theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì khi NK hàng hóa vào Việt Nam, DN phải nộp thuế GTGT khâu NK, trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 của Thông tư này. Sau đó, DN góp vốn bằng tài sản NK đó để thành lập DN thì không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Thu Trang

TÍNH THUẾ GTGT ĐỐI VỚI TRANG THIẾT BỊ Y TẾ NK

(HQ Online)- Trước đề nghị của Công ty TNHH DV Hàng hóa Trí Việt về hướng dẫn quy định về thuế GTGT đối với mặt hàng trang thiết bị y tế, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cụ thể về nội dung này. 

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Phó Bảng, Cục Hải quan Hà Giang. Ảnh: T.Trang.

Theo Tổng cục Hải quan, đối với một số mặt hàng không có văn bản xác nhận của Bộ Y tế, nhưng có mã số HS tại Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính thì trong một số trường hợp sẽ có cách tính thuế GTGT khác nhau.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Thông tư 83/2014/TT-BTC thì: Trường hợp hàng hoá được quy định cụ thể thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% hoặc 10% theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT thì thực hiện theo quy định tại các văn bản đó. Riêng hàng hoá là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản; thiết bị, dụng cụ y tế chuyên dùng thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 4, Thông tư  83/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, tại khoản 5, Điều 4, Thông tư 83/2014/TT-BTC quy định thì: Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: Các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác thực hiện theo quy định tại Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư 83/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Được biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có một số công văn hướng dẫn về thuế GTGT đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu để thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 8, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính. 

Cụ thể: Công văn số 8159/BTC-TCT ngày 18/6/2015 của Bộ Tài chính; Công văn số 17278/BTC-TCT ngày 20/11/2015 của Bộ Tài chính; Công văn số 743/BTC-TCHQ ngày 17/1/2017 của Bộ Tài chính; Công văn số 2446/TCHQ-TXNK ngày 12/4/2017 của Tổng cục Hải quan. Trong đó, điểm 1 công văn số 743/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính đã hướng dẫn rõ vấn đề này.

Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty TNHH DV Hàng hóa Trí Việt nghiên cứu quy định nêu trên để thực hiện. Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan để được hướng dẫn cụ thể.

Thu Trang

MÁY MÓC THUÊ MƯỢN THEO LOẠI HÌNH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT KHÂU NK

(HQ Online)- Trường hợp máy móc, thiết bị thuê mượn NK theo loại hình tạm nhập, tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khâu NK. Tuy nhiên, với dịch vụ thuê mượn máy móc, thiết bị, DN thực hiện kê khai, tính và nộp thuế GTGT với cơ quan Thuế nội địa.

Công chức hải quan kiểm tra máy móc NK. Ảnh: T.Trang.

Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan với Cục Hải quan Hải Phòng về việc tính thuế GTGT phí thuê, mượn đối với máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì: “Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất, gia công hàng hóa XK theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Hồ sơ, thủ tục để xác định và xử lý không thu thuế GTGT trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK”.

Theo đó, trường hợp máy móc, thiết bị thuê mượn NK theo loại hình tạm nhập, tái xuất nếu đáp ứng quy định tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219 thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khâu NK. Đối với dịch vụ thuê mượn máy móc, thiết bị, DN thực hiện kê khai, tính và nộp thuế GTGT với cơ quan Thuế nội địa.

Hải Nam

TÍNH PHỤ PHÍ CIC TÍNH VÀO TRỊ GIÁ HÀNG NK

(HQ Online)- Trước thắc mắc của một số DN về việc tính phụ phí CIC (phí mất cân bằng vỏ container) tính vào trị giá hàng NK, Tổng cục Hải quan đã trả lời về vấn đề này.

DN làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân. Ảnh: T.Trang.

Về việc điều chỉnh cộng phí CIC, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 6 phương pháp xác định trị giá hải quan.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2Q15/TT-BTC thì các khoản điều chỉnh cộng phải cộng vào trị giá hàng NK nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán; Phải liên quan đến hàng hóa NK; Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.

Và quy định tại điểm g khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên là khoản phải cộng vào trị giá hàng NK.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp phí CIC có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa và đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được xem xét là khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hàng nhập khẩu.

Riêng về việc thu thuế GTGT phụ phí phí CIC của hãng tàu, Tổng cục Hải quan cho biết, vấn đề này thuộc chức năng, thẩm quyền quản lý của cơ quan thuế nội địa. Do đó, các DN liên hệ với cơ quan thuế nội địa để được hướng dẫn cụ thể.

Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KHAI THÁC CHUYẾN BAY QUỐC TẾ TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG THỌ XUÂN-THANH HÓA

(HQ Online)- Cơ quan Hải quan sẽ bố trí CBCC hải quan phù hợp để làm thủ tục cho khách XNC, khi có các chuyến bay quốc tế tại Cảng hàng không Thọ Xuân-Thanh Hóa.

Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: Internet

Cảng hàng không Thọ Xuân là cảng hàng không nội địa hiện đang được khai thác các chuyến bay Thanh Hóa-TP.Hồ Chí Minh, Thọ Xuân-Cam Ranh; Thọ Xuân-Buôn Mê Thuột và sắp tới sẽ mở thêm tuyến Thọ Xuân-Đà Nẵng; Thọ Xuân-Cần Thơ và ngược lại.

Để phát triển du lịch, thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư, hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các thủ tục liên quan để đưa vào khai thác chuyến bay quốc tế charter (thuê riêng cho từng chuyến) từ Thanh Hóa-Băng Cốc (Thái Lan), dự kiến khai thác trong tháng 6/2017. 

Dự kiến Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị GTGT Việt Nam (Viettravel),sẽ thực hiện khoảng 20 lượt bay quốc tế vận chuyển hành khách du lịch đi/đến giữa Thanh Hóa-Băng Cốc trong thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9/2017.

Đáp ứng yêu cầu trên, Tổng cục Hải quan đã đồng ý phương án của Cục Hải quan Thanh Hóa giao Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định khi Bộ Giao thông vận tải cấp phép khai thác chuyến bay quốc tế. Căn cứ theo thông báo về lượng hành khách XNC để bố trí cán bộ phù hợp, được đào tạo về nghiệp vụ soi chiếu hàng hóa, hành lý. 

N.Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HẢI QUAN TP.HCM: ĐỐI THOẠI THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CHO DN NGÀNH BÔNG, SỢI

(HQ Online)- Ngày 15/5, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong hoạt động XNK cho các DN ngành bông, sợi; đồng thời bàn giải pháp ngăn chặn hiện tượng gian lận trong việc NK vải, sợi tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DN. 

Đại diện các DN bông sợi phản ánh khó khăn tại hội nghị. Ảnh: T.H

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng Thuế XNK- Cục Hải quan TP.HCM, ngày 31/3/2017, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và 9 DN chuyên kinh doanh sản xuất mặt hàng bông, xơ, sợi đồng kiến nghị gửi Cục Hải quan TP.HCM về hiện tượng gian lận thương mại qua giá tính thuế và mã số hàng hóa. 

Trong đó, các DN bông sợi cho rằng, có hiện tượng nhiều DN nhập khẩu khai báo tính thuế chỉ bằng 1/3 giá thực nhập, phá giá thị trường, trốn thuế GTGT và thuế Thu nhập doanh nghiệp mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. 

Từ phản ánh của DN, Cục Hải quan TP.HCM thống kê có 57 DN NK bông, sợi khai báo giá quá thấp dưới 0,8 USD/kg  và 8 DN khai báo giá thấp. Đối với những DN này, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các chi cục rà soát để thực hiện kiểm tra sau thông quan. 

Liên quan đến nội dung trên, ông Nguyễn Bình An, đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, Cục Hải quan TP.HCM rất nhiệt tình, trọng thị khi tổ chức cuộc họp này để gặp gỡ nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ các DN ngành bông sợi.

Theo ông An, hiện nay hầu hết nguyên liệu bông sợi là nhập khấu, chiếm 99,9%, trung bình mỗi năm NK từ  4-4,1 triệu tấn và con số này còn sẽ tăng mạnh trong các năm tới. Trong khi các ngành khác đang gặp không ít khó khăn thì bức tranh ngành sợi đang trên đà tăng trưởng rất mạnh. 

Do ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá sợi từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, các DN Việt Nam không thể xuất hàng, nên  90% sợi XK của Việt Nam đều phải xuất sang Trung Quốc, do có lợi thế về giá nguyên liệu NK, chênh lệch mức thuế NK nguyên liệu sợi giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 40% . Đây là rủi ro lớn cho các DN Việt Nam.

“Trong thời gian vừa qua, các DN sản xuất bông sợi còn phải đối mặt với tình trạng một số thương gia Trung Quốc chào bán giá vải, giá sợi rất thấp tại thị trường TP.HCM. Hiện tượng cạnh tranh về giá xảy ra cục bộ trên địa bàn TP.HCM”- ông Nguyễn Bình An nhất mạnh. 

Tại hội nghị, đại diện các DN bông sợi Việt Nam đều cho rằng, do các đối tượng chào bán giá quá thấp đã làm cho các DN mất khách, mất nguyên mảng thị trường trong nước. 

Đại diện các DN bông sợi Việt Nam đều cho rằng, có 3 yếu tố tạo nên giá thành sợi, gồm: nguyên liệu, máy móc, nhân công. Trong đó, giá điện chiếm khá cao.Tại Việt Nam giá điện để sản xuất chỉ bằng một nửa giá điện của Trung Quốc; lương bình quân của công nhân cũng thấp hơn nhiều; máy móc trong ngành sợi hiệu suất đầu tư như nhau, Việt nam có lợi thế rất nhiều, nhưng không hiểu lý do vì sao giá vải, sợi của Trung Quốc lại được chào bán quá thấp!  

Ngoài mất thị trường, ông Nguyễn Quốc Bảo, đại diện Công ty CP dệt Đông Quan còn cho rằng, hiện nay đang xuất hiện tình trạng làm nhái sản phẩm sợi của các DN trong nước.

Trước thực trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp nhấn mạnh, cơ quan Hải quan luôn tạo thuận lợi thương mại, DN và cơ quan Hải quan cần gắn kết để nếu có nguồn thông tin. Theo đó, DN cung cấp cho cơ quan Hải quan để xem xét, xử lý; ngược lại cơ quan Hải quan sẽ cung cấp cho DN những thủ đoạn gian lận mới để DN biết phòng tránh, để cùng nhau tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trước mắt, Cục Hải quan TP.HCM sẽ cử cán bộ làm đầu mối thu thập tin từ hiệp hội và các DN. Thông tin về vấn đề hóa đơn cơ quan Hải quan sẽ được cung cấp cho cơ quan Thuế địa phương để xử lý những vấn đề liên quan đến trốn thuế nội địa; cơ quan Hải quan sẽ xem xét tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan.

Đối với hàng trong thông quan, các chi cục lưu ý, tăng tỷ lệ kiểm tra xác suất đối với lô hàng được hệ thống phân luồng Xanh, những DN nào có thông tin vi phạm cụ thể thực hiện kiểm tra luồng Đỏ. Liên quan đến giá, các cửa khẩu cần tăng cường kiểm tra mức giá khai báo mặt hàng này.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

Hải quan TP.HCM: Phân cấp mạnh kiểm tra sau thông quan tại cửa khẩu

(HQ Online)- Từ hiệu quả chống thất thu ngân sách qua công tác kiểm tra sau thông quan ngay tại cửa khẩu, năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM thực hiện phân cấp mạnh cho các chi cục để thực hiện nghiệp vụ này ngay tại cửa khẩu. 

Cơ quan Hải quan sẽ phối hợp với cơ quan Thuế kiểm tra giá xe ô tô NK. Ảnh: T.H

Ngoài việc thực hiện chặt chẽ xác định trị giá tính thuế và ấn định thuế các nhóm mặt hàng trọng điểm, các chi cục hải quan chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đúng thời gian, đúng quy định các nhóm hàng khác có nghi vấn, thu đúng thu đủ vào NSNN. 

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện quyết định kiểm tra sau thông quan của cơ quan Hải quan, các chi cục hải quan chỉ đạo ban hành quyết định ấn định thuế căn cứ trên các cơ sở nghi vấn ban đầu và từ lô hàng sau trở đi, các trường hợp nghi vấn không cho doanh nghiệp được lựa chọn thông quan theo giá khai báo mà phải tổ chức tham vấn ngay theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 10773/TCHQ-TXNK ngày 15/11/2016. Gửi danh sách doanh nghiệp không chấp hành quyết định kiểm tra sau thông quan về Cục Hải quan TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền. 

Để công tác chống thất thu từ nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan đạt hiệu quả cao nhất, Cục Hải quan TP.HCM vừa chỉ đạo các chi cục từ nay trở đi đối với quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan đối với hồ sơ nghi vấn giá tính thuế, các chi cục hải quan phải kiểm tra, ban hành thông báo kết quả kiểm tra và ấn định thuế (nếu có) 100% tờ khai nghi vấn, không chuyển hồ sơ nghi vấn cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan khi chưa xử lý tại khâu kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan. 

Nếu doanh nghiệp không chấp hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan, các chi cục hải quan thực tổ chức tham vấn ngay, bác bỏ giá khai báo. Nếu doanh nghiệp không đồng ý, ban hành quyết định ấn định thuế và yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế ngay trong khâu trong thông quan cho các lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp.

Đối với công tác kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp, căn cứ kế hoạch trong năm 2017 đã được Tổng cục Hải quan phê duyệt, Chi cục Kiểm tra sau thông quan tổ chức thu thập thông tin để ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục phối hợp với Cục Thuế TP.HCM tập trung kiểm tra các lĩnh vực hoàn thuế GTGT, quyết toán hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu, tình hình sử dụng máy móc thiết bị phục vụ gia công, sản xuất xuất khẩu của một số doanh nghiệp; kiểm tra chặt chẽ giá tính thuế ôtô nhập khẩu, tránh tình trạng đao giá, trốn thuế… 

Trong năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM đã thực hiện kiểm tra sau thông quan, kiểm tra giá, xác định thuế hàng phí mậu dịch tăng thu cho ngân sách nhà nước trên 1.700 tỷ đồng.
Trong đó, các đơn vị thực hiện xác định giá hàng phi mậu dịch, ấn định thuế trên 102 tỷ đồng; thực hiện tham vấn giá, ấn định thuế tăng trên 34 tỷ đồng.
Chi cục  Kiểm tra sau thông quan thực hiện 44 cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan, tăng 17 vụ; Kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp 274 vụ, tăng gần 60 vụ so với năm 2015. Tổng số thuế ấn định phải thu trên 939 tỷ đồng, tăng trên 400 % so với cùng kỳ, đạt gấp hơn 3 lần chỉ tiêu được giao.
Số thuế tăng còn lại do Phòng thuế XNK và các chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện. Trong đó, Phòng Thuế XNK tăng thu 95,3 tỷ đồng; các chi cục thực hiện 337 tỷ đồng.

 

Lê Thu

Xử lý sao đối với phần phế liệu quá 3% của hợp đồng gia công?

(HQ Online)- Bạn đọc gửi đến Báo Hải quan đề nghị được hướng dẫn về thủ tục hải quan liên quan xử lý đối với phần phế liệu quá 3% tổng lượng từng nguyên liệu của hợp đồng gia công và xuất bán vào thị trường nội địa. Vấn đề này, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã hướng dẫn cụ thể.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Việt Xanh. Ảnh: H.Nụ

Bạn đọc hỏi: DN có thực hiện hợp đồng gia công thì phần phế liệu quá 3% tổng lượng từng nguyên liệu sẽ được xử lý như thế nào? Cụ thể: Định mức đã bao gồm cả hao hụt của sản phẩm là: 1.9-2.5, tức là cứ 1.9-2.5 kg nguyên liệu sẽ gia công được 1kg thành phẩm. Phế liệu sẽ là 0.9-1.5kg (quá 3% tổng lượng từng nguyên liệu).

DN cho rằng, nếu theo Điều 10 Khoản 4 của Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì: Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực NK theo hợp đồng gia công được miễn thuế NK khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan Hải quan.

DN hỏi, với trường hợp này sẽ phải xử lý như thế nào? Hiện tại DN có thu gom toàn bộ những phế phẩm trên và xuất bán, cho dân quanh khu vực để nuôi gà, vịt…. và đã tiến hành kê khai thuế GTGT với cơ quan thuế địa phương. Vì do đặc thù của ngành không thể lưu trữ toàn bộ phế phẩm thủy sản được (ô nhiễm). Vậy thủ tục với cơ quan Hải quan, DN sẽ phải kê khai và tiến hành thủ tục gì tiếp theo?

Trả lời DN về vấn đề này của bạn đọc, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Khoản 5, Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25-3-2015 của Bộ Tài chính và theo hướng dẫn tại Điểm b mục 8 Công văn số 18195/BTC-TCHQ ngày 8-12-2015 của Bộ Tài chính thì trường hợp phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng không vượt quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư đã NK của hợp đồng gia công này tính theo từng chủng loại nguyên liệu, vật tư của hợp đồng gia công thì khi bán, tiêu thụ nội địa phải kê khai nộp thuế theo quy định.

Cũng theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, căn cứ theo Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 của Chính phủ quy định các trường hợp miễn thuế đối với hàng hóa NK để gia công, sản phẩm gia công XK thì trường hợp phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực NK cho hợp đồng gia công khi tiêu thụ nội địa không quy định được miễn thuế NK.

Theo hướng dẫn tại Điểm 6 mục III Công văn số 11567/TCHQ-TXNK ngày 8-12-2016 của Tổng cục Hải quan thì: “việc kê khai, nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường (nếu có) đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa NK để gia công thực hiện trên tờ khai hải quan mới theo quy định về thay đổi mục đích sử dụng tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC và mã loại hình là A42”,

Với các quy định này, Cục Giám sát quản lý về hải quan đề nghị DN thực hiện khai hải quan theo quy định tại Khoản 5, Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính khi thay đổi mục đích sử dụng và chuyển tiêu thụ nội địa.

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/