3 NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC MANG VỀ THÊM GẦN 9 TỶ USD

(HQ Online)- Từ đầu năm đến trung tuần tháng 8, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã tạo thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng tới 8,783 tỷ USD so với cùng kỳ 2016.
Biểu đồ so sánh trị giá kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng lớn so với cùng kỳ 2016 (tính đến 15/8), đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Dựa vào thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, đến 15/8, trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao và con số tăng thêm lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể, đến 15/8, nhóm hàng này đạt tổng trị giá kim ngạch 14,635 tỷ USD, tăng tới 4,322 tỷ USD so với cùng kỳ 2016, tương đương tốc độ tăng trưởng 41,9%.

Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện cũng mang về thêm 3,299 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/8 lên 24,258 tỷ USD.

Với 1,162 tỷ USD tăng thêm so với cùng kỳ 2016, ngành hàng dệt may đạt được trị giá kim ngạch xuất khẩu 15,375 tỷ USD và đang đứng ở vị trí thứ 2 trong số các ngành hàng xuất khẩu của nước ta.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 54,268 tỷ USD, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên đang đóng góp tới gần 43,8% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Một số mặt hàng xuất khẩu lớn khác đáng chú ý của nước ta có thể kể đến như giày dép đạt trị giá kim ngạch 8,944 tỷ USD; thủy sản đạt 4,749 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,544 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,288 tỷ USD…

Thái Bình

INFOGRAPHICS: NHỮNG NHÓM HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU CHÍNH 7 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam đạt 233,13 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.

 
.
Trần Ánh- M.Hùng

ĐẠT 250 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Thông tin mới nhất được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến trung tuần tháng 8 đạt khoảng 250 tỷ USD.
Cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta đều đang đạt mức tăng trưởng cao ở mức 2 con số. Trong ảnh, hoạt động XNK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
.

Trong đó, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 124 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa đạt gần 126,4 tỷ USD. Như vậy, cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2016, trong đó, xuất khẩu tăng trưởng gần 19%, trong khi nhập khẩu tăng cao hơn đạt gần 22,3%. Tuy nhiên, cán cân thương mại của nước ta vẫn đang thâm hụt khoảng 2,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực nhập khẩu có 2 nhóm hàng có trị giá kim ngạch đạt từ 20 tỷ USD trở lên là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,603 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 20,581 tỷ USD.

Các nhóm hàng nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Vải đạt 6,869 tỷ USD; sắt thép 5,631 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 4,452 tỷ USD…

Trong khi đó nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện đạt 24,258 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo là dệt may đạt 125,375 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,635 tỷ USD; giày dép đạt 8,944 tỷ USD…

Nhìn vào kết quả trên dễ dàng nhận thấy những nhóm hàng tạo nên dấu ấn cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta như điện thoại; máy tính; máy móc thiết bị… đều nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp FDI. Tính chung đến hết 15/8, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 70,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi tỉ lệ này ở lĩnh vực nhập khẩu là 60%.

Thái Bình

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG HƠN 40 TỶ USD

(HQ Online)- Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố chiều nay (9/8) cho thấy, hoạt động XNK cả nước đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 (từ 16/7/2017 đến 31/7/2017) đạt  gần 18,40  tỷ USD, tăng 10,3% tương ứng tăng hơn 1,71 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7/2017.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 7/2017 đã đưa tổng kim ngạch XNK của cả nước tính hết tháng 7 đạt hơn 233,13 tỷ USD, tăng 21,1% tương ứng tăng hơn 40,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 7 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 429 triệu USD, nên giúp mức thâm hụt thương mại tính hết tháng 7 chỉ còn gần 2,53 tỷ USD, bằng 2,2% kim ngạch xuất khẩu.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, kỳ 2 tháng 7 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 9,41 tỷ USD, tăng 14,1% so với kỳ 1 tháng7. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ một số nhóm hàng chủ lực như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 158 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 110 triệu USD; giày dép các loại tăng 110 triệu USD; sắt thép các loại tăng 108 triệu USD…

Như vậy, tính đến hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 115,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với hoạt động nhập khẩu, tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 đạt hơn 8,98 tỷ USD, tăng 6,5% so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 cùng tháng. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tăng nhờ một số nhóm: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 159 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 75 triệu USD; sắt thép các loại tăng 60 triệu USD; phân bón các loại tăng 54 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 54 triệu USD…

Hết tháng 7, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 117,83 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Thái Bình

ĐỨC LÀ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM Ở CHÂU ÂU

(HQ Online)- Với tổng trị giá kim ngạch buôn bán 2 chiều đạt 3,859 tỷ USD, tính hết tháng 5/2017, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Biểu đồ trị giá kim ngạch 6 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang Đức tính hết tháng 5/2017, đơn vị tính “triệu USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, về xuất khẩu, hết tháng 5, thị trường Đức tiêu thụ lượng hàng hóa từ Việt Nam đạt tổng trị giá 2,628 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 2 ở khu vực châu Âu sau Hà Lan (đạt 2,672 tỷ USD).

Tuy nhiên, với trị giá kim ngạch nhập khẩu trong cùng thời điểm là 1,231 tỷ USD, tổng trị giá kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt con số lớn nhất trong các bạn hàng của nước ta ở châu Âu (bởi kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan chỉ đạt hơn 271 triệu USD).

Trong số các nhóm hàng xuất khẩu lớn của nước ta sang Đức, có 6 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Trong đó, điện thoại và linh kiện đứng vị trí số 1 với trị giá kim ngạch gần 733 triệu USD (cập nhật hết tháng 5/2017). Các nhóm hàng kế tiếp là: Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt hơn 394 triệu USD; cà phê gần 270 triệu USD; dệt may 258 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 188,6 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 143 triệu USD.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, cùng thời điểm trên có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Đức đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 516,4 triệu USD; dược phẩm 127,8 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, trị giá kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Đức tăng 8,5% tương đương 206 triệu USD; trong khi đó nhập khẩu tăng tới 16%, tương đương 170 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Bao Cong thuong

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Từ đầu năm đến nay, XK cá ngừ đã có sự tăng trưởng đầy ấn tượng, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của XK thủy sản.

Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị XK thủy sản cả nước ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các mặt thủy sản XK chủ lực, cá ngừ là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.


Khai thác cá ngừ đại dương
Khai thác cá ngừ đại dương

Trong 5 tháng qua, XK cá ngừ đạt 215,893 triệu USD, tăng 20,3% so cùng kỳ 2016. Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh của cá ngừ cùng với cá các loại khác (tăng 9,4%) và nhuyễn thể (tăng 35,6%) đã giúp cho XK thủy sản nói chung có được mức tăng trưởng như trên trong bối cảnh các sản phẩm chủ lực khác là tôm, cá tra đều có mức tăng trưởng thấp, còn cua ghẹ và giáp xác khác lại tăng trưởng âm.

XK cá ngừ đầu năm nay tăng trưởng tốt trước hết là nhờ sự gia tăng về sản lượng khai thác. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh trọng điểm là Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa đạt 8.545 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng yếu tố chính là nhờ sự phục hồi về XK cá ngừ vào các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Mấy năm qua, XK cá ngừ sang Nhật Bản liên tục sụt giảm do khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines… (cá ngừ của những nước này vào Nhật Bản có mức thuế thấp hơn nhiều, thậm chí không còn phải chịu thuế NK như cá ngừ Việt Nam). Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, XK cá ngừ sang Nhật Bản đã từng bước hồi phục. Trong quý 1, XK cá ngừ sang Nhật Bản tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở các thị trường Mỹ, EU…, XK cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, giúp cho sự tăng trưởng chung của cả ngành hàng cá ngừ. Tăng trưởng ấn tượng nhất là cá ngừ chế biến đóng hộp, với mức tăng tới 35% trong 5 tháng qua. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, trong khi giá cá ngừ vằn tăng cao (thông thường sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ cá ngừ chế biến đóng hộp), nhưng cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn thu hút khách hàng nước này. Tại EU, cá ngừ chế biến đóng hộp cũng chiếm tỷ trọng lớn trong XK cà ngừ của Việt Nam vào khu vực này. Trong quý 1, cá ngừ chế biến đóng hộp chiếm 37% tổng giá trị cá ngừ XK vào EU. Còn thăn/philê cá ngừ đông lạnh, có mức tăng trưởng XK là 11%.

Một điều cũng đáng chú ý trong XK cá ngừ 5 tháng qua là số thị trường được mở rộng. Hiện cá ngừ Việt Nam đã được XK sang 79 thị trường, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo trong những tháng tới, XK cá ngừ vẫn tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường chủ lực. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến, XK cá ngừ sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc hiện nay.

Cụ thể, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá. Điều này đáp ứng được yêu cầu đánh bắt trong tương lai, thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Rõ ràng đây là một lợi thế của Việt Nam trong khai thác cá ngừ, cần được đẩy lên thành thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cá ngừ của các nước khác. Do đó, Tổng cục Thủy sản cần xem xét, sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ.

Một băn khoăn lớn của các DN chế biến, XK cá ngừ sang EU là Hiệp định thương mại tự do EVFTA sắp có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có quy định, hướng dẫn nào về con số quota cũng như quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch XK cá ngừ Việt Nam vào EU. Vì vậy, Bộ Công thương cần sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch cho cá ngừ Việt Nam vào khu vực này. EU hiện đang là thị trường lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam, với kim ngạch 115 triệu USD trong năm 2016.

Theo Nông nghiệp VN

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

QUY ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN LÝ HÀNG HÓA Ở KHU VỰC HẢI QUAN RIÊNG

(HQ Online)- Chiều nay (12/6) với tỉ lệ 88,19% đại biểu tán thành, Quốc hội thông quan Luật Quản lý ngoại thương. Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua việc điều chỉnh một số nội dung trong chương trình nghị sự từ ngày 16/6 đến ngày bế mạc.
Ông Vũ Hồng Thanh: Khái niệm về kho ngoại quan, việc thành lập, hoạt động và quản lý kho ngoại quan đã được quy định thống nhất tại Luật Hải quan.

Khu hải quan riêng

Một nội dung đáng chú ý trong Luật là quy định về quản lý hàng hóa trong khu vực hải quan riêng (Mục 8, Chương II).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến quy định về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Có ý kiến đề nghị rà soát khoản 1 và khoản 2 Điều 57 quy định đối với hàng hóa xuất khẩu để thống nhất với các quy định về thông quan và quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng đã được rà soát thống nhất với quy định về thông quan hàng hóa theo quy định hiện hành, theo đó quy trình thực hiện làm thủ tục hải quan không thay đổi, được thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Luật không quy định các nội dung về quản lý thuế mà chỉ quy định các nội dung liên quan đến các biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của luật này.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định thống nhất về chính sách kho ngoại quan trong Luật để thống nhất, tránh tình trạng chính sách về kho ngoại quan do Bộ Tài chính đề xuất và thực hiện còn chính sách quản lý ngoại thương giao cho Bộ Công Thương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Kho ngoại quan là một hoạt động mang tính chất nghiệp vụ của cơ quan Hải quan. Khái niệm về kho ngoại quan, việc thành lập, hoạt động và quản lý kho ngoại quan đã được quy định thống nhất tại khoản 10 Điều 4 và Mục 5 Luật Hải quan.

Chưa thông qua Luật Quy hoạch

Trong phần đầu phiên làm việc chiều nay (12/6) Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Quốc hội một số nội dung điều chỉnh về chương trình nghị sự của kỳ họp lần này (từ 16 đến 21/6).

Theo đó, Quốc hội sẽ chưa xem xét thông quan Luật Quy hoạch như dự kiến ban đầu. Theo dự kiến ban đầu Luật Quy hoạch được biểu quyết thông qua vào ngày 19/6. Tuy nhiên, căn cứ kết quả thảo luận của Quốc hội tại phiên họp sáng 26/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, có nhiều vấn đề liên quan đến quy định của số lượng lớn luật hiện hành, cần có sự tham gia sâu của các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp của dự án luật. Vì vậy, dự án Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận, nâng cao chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Một nội dung quan trọng là dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam dự kiến được bổ sung trong chương trình kỳ họp lần này cũng không xuất hiện trong nội dung chương trình được điều chỉnh từ 16/6 đến khi bế mạc.

Trong khi đó, một nội dung được đề nghị bổ sung là việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (vào sáng 16/6)…

Với tỉ lệ 86,97% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua điều chỉnh chương trình làm việc từ ngày 16/6 đến ngày bế mạc (dự kiến 21/6).

Thái Bình

ĐẾN HẾT THÁNG 5/2017: TỔNG KIM NGẠCH HÀNG HÓA XNK ĐẠT GẦN 162,45 TỶ USD

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng/2017 đạt gần 162,45 tỷ USD, tăng 21,5% tương ứng tăng gần 28,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 5 tháng/2017 so với 5 tháng/2016

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 (từ 16/5/2017 đến 30/5/2017) đạt 20,08 tỷ USD, tăng 22,9% tương ứng tăng hơn 3,74 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 05/2017.

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ đạt kim ngạch gần 13,13 tỷ USD, tăng 22,1% tương ứng tăng 2,38 tỷ USD so với nửa đầu tháng 05/2017. 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 106,5 tỷ USD, tăng 23,7% tương ứng tăng 20,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 5/2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 540 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 5 tháng/2017 về mức thâm hụt gần 2,5 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 đạt hơn 10,31 tỷ USD, tăng 35,3% (tương ứng tăng gần 2,69 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 5/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 5/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 5/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 34,7%, tương ứng tăng 611 triệu USD; hàng dệt may tăng 42,5%, tương ứng tăng 339 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 56,7%, tương ứng tăng 265 triệu USD; giầy dép các loại tăng 34%, tương ứng tăng 200 triệu USD; … Trong khi đó, chỉ một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với kỳ trước như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 12,8%, tương ứng giảm 17 triệu USD; than đá giảm 8,1%, tương ứng giảm 2 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 5 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 79,98 tỷ USD, tăng 18,4% tương ứng tăng hơn 12,45 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 05/2017 đạt gần 7,28 tỷ USD, tăng 33,3% tương ứng tăng hơn 1,82 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 05/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên  gần 56,66 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 đạt hơn 9,77 tỷ USD, tăng 12,1% (tương ứng tăng hơn 1,05 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 5/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 5/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 5/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau:  máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 17,1%, tương ứng tăng 232 triệu USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác tăng 10,7%, tương ứng tăng 177 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 33,9%, tương ứng tăng 159 triệu USD; hạt điều tăng 126,2%, tương ứng tăng 113 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 39,1%, tương ứng tăng 89 triệu USD; … Ở chiều ngược lại, nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 46,9%, tương ứng giảm 81 triệu USD, đậu tương giảm 65%, tương ứng giảm 25 triệu USD; than đá giảm 45,4%, tương ứng giảm 24 triệu USD; …

Như vậy, tính đến hết tháng 5/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 82,47 tỷ USD, tăng 24,7% (tương ứng tăng gần 16,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 5,85 tỷ USD, tăng 10,6%  tương ứng tăng 560 triệu USD so với kỳ 1 tháng 5/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 5 tháng/2017 đạt hơn 49,84 tỷ USD, tăng 28,1% tương ứng tăng gần 10,94 tỷ USD so với  5 tháng/2016.

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

THU GẦN 50 TỶ USD, DOANH NGHIỆP FDI ÁP ĐẢO VỀ XUẤT KHẨU

(HQ Online)- 49,398 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 71% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là trị giá kim ngạch xuất khẩu tính đến 15/5, theo thông tin mới từ Tổng cục Hải quan.

Sản xuất điện thoại tại Samsung Bắc Ninh. Ảnh: T.Bình.

Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ trọng về giá trị kim ngạch của doanh nghiệp FDI đã tăng thêm 1 điểm phần trăm (cùng kỳ chiếm khoảng 70%).

Với tốc độ tăng trưởng 19%, giới doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt mức tăng cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước (cả nước đạt 17,6%).

Sự tăng trưởng mạnh về doanh nghiệp FDI là điều dễ hiểu khi giới doanh nghiệp này đang nắm thế áp đảo ở những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta như điện thoại và máy vi tính, hàng điện tử…

Mặt khác, như ở Chương trình doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan (dành cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, uy tín) cũng có đến 35/60 doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI.

Biểu đồ tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước tính hết 15/5. Ảnh: T.Bình.

Hoặc ở nhiều địa phương xuất khẩu lớn hiện nay như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai… trị giá kim ngạch hầu hết phụ thuộc vào giới doanh nghiệp FDI.

Đơn cử như trường hợp của Thái Nguyên, trước khi có sự xuất hiện của Samsung, địa phương này gần như không mấy tên tuổi trên “bản đồ” xuất khẩu của nước ta.

Nhưng hiện nay, Thái Nguyên đã vươn lên mạnh mẽ thành địa phương đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước (sau TP.HCM) về trị giá kim ngạch xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo- Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương Thái Nguyên) cho hay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Thái Nguyên là điện thoại, linh kiện điện thoại, máy tính bảng của Tập đoàn Samsung…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, sự lên ngôi ngoạn mục trong hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên những năm gần đây chính là nhờ hiệu quả trong hoạt động đầu tư của Tập đoàn Samsung.

“Các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống của địa phương cũng có sự cải thiện, tăng trưởng nhưng không thể tạo được sự đột phá như vừa qua nếu không có sự góp mặt của Tập đoàn Samsung”- lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất trong 4 tháng/2017 đạt 41,96 tỷ USD, chiếm 65,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng/2017

Trong đó, đạt kim ngạch lớn nhất là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,51 tỷ USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng xăng dầu các loại là nhóm hàng có mức tăng về trị giá là lớn nhất 41,8%; sắt thép các loại đạt mức đứng thứ 2 với 10,9%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4 là 3,44 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng/2017 lên 11,5 tỷ USD, tăng 39,3% so với 4 tháng/2016; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 7,22 tỷ USD, tăng 60,1% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 4,28 tỷ USD, tăng 16,1%.

 

Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc, trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 với trị giá là 3,79 tỷ USD, tăng 135%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 3,4 tỷ USD, tăng 31%; Nhật Bản: 1,39 tỷ USD, tăng 7,4%; Đài Loan: 408 triệu USD, giảm 3,4%…

 

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2017 đạt 2,85 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 10,44 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với 3,84 tỷ USD, tăng 39,2%; thị trường Trung Quốc với 2,09 tỷ USD, tăng 26,1%; thị trường Đài Loan với 1,06 tỷ USD, tăng 15,4%;…

 

Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,2%. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 4,02 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Trung Quốc với 2,13 tỷ USD, tăng 6,3%; thị trường Hàn Quốc đạt 1,43 tỷ USD, tăng 31,5%;…

 

Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 4/2014 đạt 1,44 triệu tấn, trị giá 866 triệu USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 0,8% về trị giá. Đưa lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 4 tháng/2017 đạt 5,64 triệu tấn, trị giá 3,23 tỷ USD, gảm 8,3% về lượng, tuy nhiên tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

 

Thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Trung Quốc với 2,76 triệu tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Nhật Bản với 747 nghìn tấn, trị giá 447 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và tăng 32,4% về trị giá; thị trường Hàn Quốc đạt 535 nghìn tấn, trị giá 383 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và tăng 38,4% về trị giá;…

 

Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng là hơn 1,05 triệu tấn, trị giá là 543 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 18% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2017, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,98 triệu tấn, giảm 3,2%. Đơn giá nhập khẩu bình quân tăng tới 46,5% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu là gần 2,15 tỷ USD, tăng 41,8% so với 4 tháng/2016.

 

Trong 4 tháng/2017, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 1,65 triệu tấn, giảm 9,5%; Hàn Quốc: 986 nghìn tấn, gấp 2 lần; Ma-lai-xi-a: 770 nghìn tấn, giảm 24,1%; Trung Quốc: 344 nghìn tấn, giảm 16%… so với cùng kỳ năm trước.

 

Than đá: Lượng nhập khẩu trong tháng là 1,02 triệu tấn, giảm mạnh 48,8% so với tháng trước nhưng gần tương đương với mức trung bình của năm 2016 (1,11 triệu tấn/tháng). Đơn giá trong tháng giảm 20,2% dẫn đến trị giá nhập khẩu than đá tháng 4/2017 giảm mạnh 59,3% so với tháng 3/2017, đạt 88,2 triệu USD. Tính trong 4 tháng/2017, lượng than đá cả nước nhập về là 4,63 triệu tấn, trị giá là 498 triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 71,3% về trị giá do đơn giá nhập khẩu tăng cao (tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2016).

 

Than đá nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Ôxtrâylia là gần 1,4 triệu tấn, giảm 3,8%; In-đô-nê-xi-a: 1,6 triệu tấn, tăng 93,4%; Liên bang Nga: 762 nghìn tấn, giảm 45,9%… so với 4 tháng/2016.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 4/2017 là 6,96 nghìn chiếc, giảm 37,8% so với tháng trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở nhóm hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhập khẩu trong tháng là gần 2,5 nghìn chiếc, trong khi đó con số này của tháng trước là hơn 6,7 nghìn chiếc. Tính đến hết tháng 4/2017, cả nước nhập khẩu 33,4 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 15,6% (tương đương tăng 4,5 nghìn chiếc) so với cùng kỳ năm trước.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan vớ 12 nghìn chiếc trị giá 219 triệu USD, tăng 18,7% về lượng và 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Inđônêxia với gần 6 nghìn chếc trị giá 102 triệu USD, tăng 5,3 lần về lượng và 7,6 lần về trị giá; thị trường Ấn Độ với gần 5 nghìn chiếc, trị giá 22 triệu USD, tăng 1,1 lần về lượng nhưng giảm 3,5% về trị giá;…

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/