XUẤT KHẨU THỦY SẢN DỰ KIẾN ĐẠT 7,4 TỶ USD

(HQ Online)- Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo tăng trưởng vào khoảng 5% đến 6%, với trị giá kim ngạch đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Biểu đồ tỉ lệ (%) về thị trường xuất khẩu thủy sản tính hết tháng 4/2017. Biểu đồ: T.Bình.

4 tháng qua, xuất khẩu thủy sản- ngành hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá 10,1%, với trị giá kim ngạch 2,15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều về bức tranh xuất khẩu thủy sản của cả nước vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ.

Năm 2016, thủy sản xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 7,043 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo ông Trương Đình Hòe, sự tăng trưởng nêu trên cho thấy đơn giá bình quân năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái (vì sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều).

“Đơn giá bình quần tăng cao có thể do yếu tố doanh nghiệp tăng sản phẩm có hàm lượng gia trị gia tăng; do yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tăng giá sản phẩm bán ra; hoặc trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới không đạt như dự báo cũng có thể là yếu tố để tăng giá sản phẩm”- Tổng Thư ký VASEP nói.

Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lĩnh vực thủy sản đang dựa chủ yếu vào 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác.

Với thực tế hiện nay và quy luật nhiều năm qua, ông Trương Đình Hòe dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành hàng này tăng khoảng 5% đến 6% và đạt 7,4 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Thư ký VASEP thông tin là ở thị trường Hoa Kỳ- một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của ngành hàng thủy sản, sản phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia…; các rào cản thương mại của Hoa Kỳ, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá.

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, cả nước có 4 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trị giá kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 361 triệu USD, Nhật Bản đạt 360 triệu USD, Trung Quốc đạt 230 triệu USD và Hàn Quốc đạt 200 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn:http://www.baohaiquan.vn/

59 DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN ĐÓNG GÓP 94 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Tính trung bình mỗi doanh nghiệp ưu tiên có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu gần 1,6 tỷ USD.
Biểu đồ: T.Bình.

Đây là thông tin đáng chú ý được Tổng cục Hải quan chuẩn bị phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 (ngày 17/5).

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chế độ doanh nghiệp ưu tiên là một trong những giải pháp quan trọng để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lợi ích cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng (theo quy định của Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn) khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên như: Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

Đồng thời doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan…; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật…

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên, tổng số doanh nghiệp ưu tiên hiện nay của cả nước là 59 doanh nghiệp. Trong năm 2016, tổng trị giá kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này đạt 94 tỷ USD.

Như vậy, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên chiếm đến 26,8% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm ngoái (cả nước đạt 350,74 tỷ USD).

Trong số các doanh nghiệp đang được công nhận có 24 doanh nghiệp trong nước, 13 doanh nghiệp vốn của Nhật Bản, 9 doanh nghiệp vốn của Hàn Quốc và một số doanh nghiệp thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hồng Kông, Đài Loan, Italy, Singapore, doanh nghiệp liên doanh.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU THỦY SẢN TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG

(HQ Online)- Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay có 6 nước bao gồm Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Mexico và Brazil hoặc là đã tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín hoặc sẽ áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các lô tôm chưa qua nấu chín của Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang đối mặt với hàng rào kỹ thuật khắt khe từ các nước nhập khẩu Ảnh: Nguyễn Huế.

Được biết, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 6 nước này khoảng trên 2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD. Do đó, các biện pháp mà các nước này đưa ra đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Vì vậy, để giúp các đơn vị nắm được các yêu cầu, có định hướng và chủ động trong sản xuất nhằm có được các sản phẩm phù hợp với yêu cầu các thị trường nhập khẩu thủy sản, vừa qua, Cục Thú y đã tóm tắt và cung cấp thông tin về những thay đổi trong quy định nhập khẩu thủy sản của một số nước đã có thông báo cho Việt Nam.

Theo đó, đối với thị trường Úc, theo quy định pháp luật hiện hành của Úc, tôm được phép nhập khẩu vào Úc theo các dạng được tóm tắt như sau:

Đối với tôm chưa qua nấu chín: Tất cả tôm và các sản phẩm của tôm phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng lãnh thổ được Cơ quan có thẩm quyền của Úc công nhận là sạch các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura,  hoại tử gan tụy do vi khuẩn và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp, chế biến theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận để sử dụng làm thực phẩm cho người. Hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ, đông lạnh trước khi xuất sang Úc và phải được lấy mẫu từng lô hàng khi đến Úc để xét nghiệm khẳng định không có mầm bệnh đốm trắng và đầu vàng.

Tất cả các loại tôm, sản phẩm tôm chưa qua nấu chín phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận là phù hợp làm thực phẩm cho người; đã được chế biến, kiểm tra và phân loại tại các nhà máy đã được kiểm soát và phải không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh truyền nhiễm. Đối với tôm đã được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận khi xuất khẩu sang Úc sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Úc kiểm tra ngẫu nhiên.

Đối với tôm đã nấu chín: Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải xác nhận là tôm và các sản phẩm tôm đã nấu chín phù hợp để làm thực phẩm cho người; tôm và sản phẩm tôm phải được nấu chín tại các nhà máy đã được phê duyệt và dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để bảo đảm thời gian và nhiệt độ nấu chín là phù hợp, không còn thành phần chưa nấu chín lẫn vào các sản phẩm.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản quốc gia thuộc Bộ Thủy sản Hàn Quốc quy định: Tất cả các loại thủy sản nuôi và hoang dã khi nhập khẩu vào Hàn Quốc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, bao gồm cả tôm đông lạnh và ướp lạnh ngoại trừ tôm bóc vỏ, bỏ đầu; hàu, nhuyễn thể đông lạnh, kể cả hàng xách tay. Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên các lô hàng thủy sản (thông qua hệ thống tự động truy xuất thông tin nhập khẩu) để xét nghiệm các loại mầm bệnh theo quy định của OIE (bao gồm các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử cơ, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu). 

Tại thị trường Trung Quốc, yêu cầu của Trung Quốc đối với việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm các loại mầm bệnh trên tôm sú sống vẫn tiếp tục được thực hiện trong tương lai. 

Ngoài ra, một số thị trường như Ả rập Xê út, Brazil, Mexico, Liên bang Nga, Armenia,…cũng có các quy định cụ thể đối với việc nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản liên quan đến vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh…

Xuân Thảo

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

GẦN 25,5 TỶ USD KIM NGẠCH, VIỆT NAM BUÔN BÁN NHIỀU NHẤT VỚI TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với nhập khẩu.

Hoạt động XNK tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

Xuất khẩu tăng gần 41%

Với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25,469 tỷ USD (theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 4/2017), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Kết quả này có mức tăng trưởng trên 23% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm có sự tăng trưởng mạnh mẽ gần 41%, đạt tổng giá trị kim ngạch 8,324 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).

Sự tăng trưởng cao về xuất khẩu vào Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu cả nước nói chung những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này cao gấp gần 2,5 lần mức bình quân chung của cả nước cũng là một điều cần được ghi nhận (tăng trưởng xuất khẩu cả nước 4 tháng đầu năm đạt 16,8%).

Hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với một số mặt hàng quan trọng của Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông sản hay một số mặt hàng điện tử.

Đối với mặt hàng rau quả, 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 759 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 74,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước.

Thêm một thông tin đáng chú ý là hết tháng 4, nước ta đã có mặt hàng xuất khẩu “tỷ USD” đầu tiên sang Trung Quốc, một điểm mới so với cùng thời điểm này năm 2016. Đó là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá kim ngạch đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng tới gần 108% so với 4 tháng đầu năm 2016 và chiếm gần 24,4% trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước…

Biểu đồ: T.Bình.

Cần tăng sự chủ động trong sản xuất, xuất khẩu

Hoạt động XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những dấu hiệu khởi sắc, nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quan hệ giao thương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn bị phụ thuộc lớn.

Đánh giá về hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam tiếp giáp một thị trường có dân số lớn nhất thế giới với sức mua vô cùng lớn. Nhưng Trung Quốc cũng là công xưởng lớn nhất nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam vừa có thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực trong quan hệ giao thương với quốc gia láng giềng này (về nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc).

 
“Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng.
 

PGS-TS Phạm Tất Thắng phân tích, lợi thế của Việt Nam là có thể đưa được những mặt hàng mà nước ta có thế mạnh và phù hợp với thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản. Mặt khác, thị trường Trung Quốc cũng có yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe như nhiều thị trường lớn khác.

Đồng thời, Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch.

Nhưng những lợi thế kể trên có thể sớm mất đi. Bởi “Trung Quốc đang siết lại các tiêu chuẩn trong hoạt động XNK theo quy định của WTO, đặc biệt là hạn chế việc nhập khẩu qua đường mòn, lối mở. Đồng thời điều tiết luồng hàng hóa XNK theo nhu cầu phát triển của nước họ. Và như vậy, hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn”-  PGS-TS Phạm Tất Thắng nói.

Chính vì vậy, dù hoạt động xuất khẩu của nước ta đang có sự tăng trưởng cao vào Trung Quốc nhưng vẫn chưa tạo được sự bền vững. Bởi có không ít thời điểm, Trung Quốc tăng mua ồ ạt một số mặt hàng nhưng sau đó ngừng mua đột ngột đẩy Việt Nam vào thế bị động, lúng túng và phải đi giải cứu.

Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương lấy ví dụ việc giải cứu mặt hàng thịt lợn gần đây là một điển hình. Nhưng theo ông, đề nghị Trung Quốc giúp “giải cứu” là không hề dễ dàng vì khi đó đối tác sẽ có những điều kiện đổi lại để chúng ta phải tiêu thụ những hàng hóa của họ.

Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, những bất lợi nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản. Trước tiên là chất lượng, mẫu mã hàng hóa của Việt Nam còn hạn chế nên chưa đến được nhiều thị trường tiêu thụ khác trên thế giới. Và khi bị phụ thuộc lớn vào một thị trường thì việc xuất khẩu luôn bị động.

Một điểm yếu khác được chuyên gia đề cập là, Việt Nam chưa nắm bắt được hết quá trình tiêu thụ hàng hóa của mình ở thị trường Trung Quốc. “Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng chia sẻ.

Để khắc phục được những hạn chể nêu trên, tận dụng tốt lợi thế ở gần thị trường tiêu dùng lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề cốt yếu của Việt Nàm là tổ chức lại hoạt động sản xuất, công tác quản lý, điều hành, xúc tiến thương mại một cách bài bản, chủ động, hiệu quả gắn với nâng cao mẫu mã, chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thái Bình
Bao Cong thuong

4 THÁNG ĐẦU NĂM: XUẤT KHẨU TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng tiếp tục có những dấu hiệu khả quan khi kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng trưởng đến 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã giảm.

Tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa để nâng cao giá trị xuất khẩu

Những kết quả đáng ghi nhận

Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 4 ước đạt 16,7 USD, tính chung 4 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Mức tăng này cũng vượt nhiều lần so với con số Quốc hội giao cho ngành Công Thương trong năm 2017 (tăng 6 – 7%). Tất cả các nhóm hàng XK đều có sự tăng trưởng về kim ngạch với mức tăng từ 12 – 43,6%.

Đáng chú ý, liên tục từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK của khu vực kinh tế trong nước – động lực chính của nền kinh tế đã liên tục tăng cao, gần bằng mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 16,1%).

Tính chung 4 tháng, kim ngạch XK của nhóm này đã đạt 17,3 tỷ USD, tăng đến 13,7%. Nếu so sánh với con số tăng nhẹ 3,4% của cùng kỳ năm 2016, đây là kết quả rất đáng ghi nhận.

Những lo ngại về việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạm thời “đóng băng” sẽ tác động mạnh đến kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ vẫn chưa xảy ra. Tính đến hết tháng 4, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016. Những thị trường lớn truyền thống khác của Việt Nam cũng giữ được mức tăng trưởng kim ngạch tương đối mạnh là EU với 11,3 tỷ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc, ASEAN đạt 6,7 tỷ USD, tăng 26%; Nhật Bản đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,3%; Hàn Quốc đạt 4,4 tỷ USD, tăng 32%.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm cần hạn chế giảm 7%

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa tháng 4 đã dần suy giảm, ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm nhẹ 4,6% so với tháng trước. Trong đó, các nhóm hàng đều giảm từ 0,6 – 5,2% và giảm mạnh nhất là nhóm cần hạn chế nhập khẩu (NK). Tính chung 4 tháng, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhóm hàng cần NK có mức tăng mạnh nhất (26,5%) với sự gia tăng của các mặt hàng phục vụ chế biến, sản xuất như than đá, xăng dầu, sắt thép, hóa chất, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị…, riêng nhóm cần hạn chế NK giảm 7%.

Với tình hình xuất nhập khẩu như vậy, sau 4 tháng, cả nước đã nhập siêu 27,3 tỷ USD, tương đương 4,5% tổng kim ngạch XK, vẫn thấp hơn so với con số Quốc hội cho phép (5%).

Nhận định về tình hình xuất siêu đã duy trì từ đầu năm đến nay, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc phải NK nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến XK cho thấy, sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy vậy, để hạn chế NK những nhóm hàng hóa không thực sự cần thiết, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm NK cùng loại. Đồng thời, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên sử dụng những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước để hạn chế NK.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu chúng ta phát triển XK thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện XK vào Việt Nam, dẫn đến gia tăng NK. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa để có thể đạt giá trị XK cao hơn.

Phương Lan

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

NHẬP SIÊU GẦN 1,89 TỶ USD

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn khiến nước ta vẫn bị thâm hụt thương mại lớn.

Máy móc thiết bị đang là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Trong ảnh, máy xúc được nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố chiều ngày 9/5, tổng giá trị kim ngạch XNK cả nước trong tháng 4/2017 đạt gần 34,91 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Qua đó, nâng tổng tổng trị giá XNK hàng hoá đạt tính hết 4 đầu năm đạt 126,1 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ 2016.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 62,11 tỷ USD, tăng 16,8% và tổng trị giá nhập khẩu đạt gần 64 tỷ USD, tăng 24%. Như vậy, tính hết tháng 4, Việt Nam đang nhập siêu gần 1,89 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, một số nhóm hàng nhập khẩu có sự biến động đáng chú ý (tăng, giảm) trong tháng 4 vừa qua có thể kể đến như: Máy móc thiết bị tiếp tục tăng 5,7% so với tháng trước, với trị giá kim ngạch đạt 3,44 tỷ USD và lũy kế hết tháng 4 đạt 11,505 tỷ USD và đây là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta.

Trong khi đó, mặt hàng gây được nhiều sự chú ý là ô tô nguyên chiếc các loại tiếp tục có chiều hướng suy giảm với việc giảm 38,1% về lượng và giảm 7% về trị giá. Trong 4 tháng qua, cả nước nhập khẩu 33.404 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 663 triệu USD.

Ở chiều xuất khẩu, điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá kim ngạch đạt 12,148 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may dù vẫn đứng ở vị trí thứ 2 (đạt 7,478 tỷ USD) nhưng đã bị nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện bám sát với khoảng cách chỉ còn 128 triệu USD…

Thái Bình

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ PHỤC HỒI MẠNH

(HQ Online)-Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, quý I/2017, xuất khẩu (XK) cá ngừ của cả nước đạt 121 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. XK cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ và EU…

Chế biến cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: Thu Hòa

Ba tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trọng điểm đạt khoảng 5.846 tấn. Hiện nay, giá cá ngừ đại dương được thu mua tại cảng dao động ở mức 93.000 – 110.000 đồng/kg. Tại Phú Yên sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 1.500 tấn giảm 2,7% so với cùng kỳ 2016; Tại Bình Định đạt 3.446 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ (1.970 tấn); tại Khánh Hòa sản lượng cá ngừ đại dương là 900 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ.

XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang các nước trên thế giới đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, XK cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 39,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các dòng sản phẩm cá ngừ XK của Việt Nam, thăn/philê cá ngừ đông lạnh vẫn là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 47% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong quý I/2017, đạt 57 triệu USD, tăng 12,5%. Tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 30,4%, đạt 37 triệu USD, tăng 53,2%.

Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 nước trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốp 8 thị trường XK cá ngừ chính của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc và Mexico chiến 88% tổng giá trị XK cá ngừ trong 3 tháng đầu năm 2017. Trong đó, XK sang thị trường Israel tăng trưởng ấn tượng 172,9%. Với tốc độ tăng trưởng cao lên tới 3 con số, Israel đã vượt qua ASEAN và Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3.

Trong quý này, XK cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản đã phục hồi. Còn XK sang ASEAN lại giảm.

Trong quý I/2017, Mỹ vẫn là thị trường XK cá ngừ số 1 của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi sụt giảm trong tháng đầu năm, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại trong 2 tháng cuối quý. Tổng giá trị XK cá ngừ sang đây trong quý I/2017 chỉ  đạt hơn 44,575 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

EU tiếp tục là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam. XK cá ngừ sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm đã phục hồi tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,6 triệu USD.

Trong quý I, Việt Nam vẫn chủ yếu XK cá ngừ đóng hộp và thăn/philê cá ngừ đông lạnh sang khối thị trường này, chiếm tỷ trọng lần lượt là 37% và 36,8%. XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Và EU có xu hướng tăng NK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, giảm NK cá ngừ chế biến khác, trái với xu hướng năm ngoái. Cụ thể, XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam tăng 16,4% và cá ngừ đóng hộp tăng 67,5%. XK cá ngừ chế biến khác giảm 68%.

Dự báo, trong 3 tháng tới XK cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng 20%, đạt 151 triệu USD.

Lê Thu

DN XUẤT KHẨU THỦY SẢN KHÓ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC TIÊU CHUẨN QCVN

(HQ Online)- Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do yêu cầu của nước xuất khẩu trong chế biến thủy sản, các DN khó có thể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật (QCVN) về môi trường. 

DN chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: T.H

Cụ thể, theo phản ánh của các DN, theo yêu cầu của khách hàng Mỹ, các DN chế biến tôm XK sang thị trường Mỹ buộc phải sử dụng nhiều phosphate trong quá trình chế biến khiến cho nước thải của các nhà máy chế biến có chỉ tiêu phospho cao từ 2-9 lần so với QCVN 11:2015. 

Với các công ty chế biến surimi, nước rửa cá cũng thường có dư lượng phospho và nitơ rất cao, đặc biệt là nitơ do công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá. Do vậy, gần như không có nhà máy surimi nào đạt chỉ tiêu Nitơ, mà thường vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép của QCVN. Các DN chế biến thủy sản đã đầu tư chi phí rất lớn cho việc xử lý nitơ, phospho trong nước thải nhưng vẫn không thể đạt được QCVN theo yêu cầu.

Theo phản ánh của các DN chế biến thủy sản, việc xử lý phospho rất khó bởi nếu DN sử dụng nước ngầm trong sản xuất thì chỉ tiêu phospho có sẵn trong nước nhiều khi đã lên mức 19 mg/l, trong khi QCVN 11:2015 cho phép chỉ tiêu phospho trong nước thải đã là 20 mg/l, chính vì thế, sau quá trình  sản xuất của DN thì mức phospho chắc chắn vượt quá mức cho phép của QCVN 11:2015.

Tại các công ty chuyên chế biến surimi, nước rửa cá thường có dư lượng phospho và nitơ rất cao, đặc biệt là dư lượng Nitơ (do công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá). Do đó gần như không có nhà máy surimi nào đạt chỉ tiêu nitơ, mà thường vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép của QCVN.

Hiện nay, các nước khác tại ASEAN không quy định chỉ tiêu phospho trong tiêu chuẩn về nước thải. Quy định này gây ảnh hưởng bất lợi tới khả năng cạnh tranh của DN thủy sản so với các nước trong khu vực.

Hơn nữa, Đoàn thanh tra môi trường lấy mẫu kiểm tại 3 thời điểm khác nhau và các mẫu này cho các kết quả phân tích khác nhau, nhưng Đoàn lại chọn giá trị vi phạm cao nhất để xử phạt DN. 

Để hỗ trợ DN, VASEP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh nâng giới hạn tối đa của chỉ tiêu phospho và nitơ tại QCVN 11:2015 và có lộ trình cho phép để DN thủy sản có thể hạ dần dư lượng phospho và nitơ trong nước thải sau xử lý của DN xuống đạt giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn Thanh tra môi trường nên lấy kết quả trung bình của các mẫu kiểm để làm căn cứ xử phạt nhằm đảm bảo công bằng cho các DN.

Về bùn thải từ quá trình xử lý nước thải, từ năm 2012, VASEP cũng đã gửi Công văn số 49/2012/CV-VASEP ngày 15/5/2012 tới Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN chế biến thủy sản trong việc thực hiện về quản lý môi trường. Tại công văn này, VASEP đề nghị Bộ sớm có quy định chính thức xác định bùn thải thuộc loại hình chế biến thủy hải sản không phải là bùn thải nguy hại. Do nguồn nguyên liệu của các DN chế biến thủy sản là cá, tôm và các loại thủy sản khác nhau nên thành phần hữu cơ chiếm đa số.

Theo QCVN 07:2009/BTNMT và Thông tư số 12/2011/TT-BNTMT ngày 14/4/2011 quy định về quản lý chất thải nguy hại thì bùn thải từ hệ thống xử lý là các chất hữu cơ tạp chất không chứa nhiều kim loại nặng.

Lê Thu

XUẤT KHẨU THAN ĐÁ TĂNG GẦN 7 LẦN VỀ SẢN LƯỢNG

(HQ Online)- Đây là thông tin đáng chú ý liên quan đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng tài nguyên này của nước ta trong những tháng đầu năm 2017.
Biểu đồ về sản lượng và trị giá kim ngạch xuất khẩu than (tính từ đầu năm đến 15/4) của năm 2016 và 2017. Biểu đồ: T.Bình.
Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính từ đầu năm đến 15/4, tổng sản lượng than xuất khẩu cả nước đạt 504.663 tấn, tổng trị giá kim ngạch đạt 79,438 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016, tổng sản lượng và trị giá kim ngạch xuất khẩu than đầu tăng mạnh. Trong đó tổng sản lượng xuất khẩu tăng đến 6,7 lần và trị giá kim ngạch tăng hơn 13 lần.

Với tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn so với sản lượng nên mức giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng này cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể mức giá xuất khẩu than trung bình cùng kỳ năm 2016 chỉ là 79 USD/tấn, trong khi tính đến 15/4 năm nay con số này đã vọt lên trên 157 USD/tân.

Đáng chú ý, nếu như nhiều năm trước một trong những thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, thì từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc gần như “vắng bóng” trên bản đố xuất khẩu than của nước ta.

Căn cứ dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I/2017, các thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc…

Thái Bình

THỦ TƯỚNG YÊU CẦU ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU GẠO

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động XK gạo theo mục tiêu, phương hướng điều hành XK gạo năm 2017 đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường XK gạo. Ảnh: Internet

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình thương mại gạo thế giới, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của các thị trường nhập khẩu để kịp thời hướng dẫn, tuyên tuyền đến các địa phương, thương nhân kinh doanh XK gạo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt kịp thời lượng gạo hàng hóa theo từng thời kỳ, mùa vụ, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ lúa gạo, kịp thời có giải pháp tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm có lãi cho người trồng lúa.

Đồng thời khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường XK gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, đề ra những biện pháp khắc phục khó khăn, hạn chế để xây dựng kế hoạch, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gạo trong năm 2017 theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là đối với các thị trường tập trung truyền thống và thị trường trọng tâm, tiềm năng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan chỉ đạo UBND các địa phương, thương nhân kinh doanh XK gạo thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa với Lộ trình đã được ban hành theo các chỉ đạo liên quan của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với gạo để làm cơ sở kiểm tra, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý II/2017.

Đồng thời rà soát, phổ biến quy định của các thị trường, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và có biện pháp thay thế những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất trong sản phẩm gạo không phù hợp với quy định của từng thị trường nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu phương án đầu tư phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để giảm chi phí cho thương nhân XK và người sản xuất lúa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), UBND các tỉnh biên giới liên quan thực hiện thống kê đầy đủ số lượng gạo thực tế xuất nhập khẩu, mua bán qua biên giới. Riêng đối với hoạt động mua bán, trao đổi gạo qua các cửa khẩu phụ, lối mở chưa bố trí lực lượng hải quan, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện thống kê đầy đủ theo nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ và thông báo cho lực lượng hải quan nơi quản lý địa bàn để tổng hợp chung.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, XK gạo theo quy định; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò hỗ trợ thương nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, thị trường XK gạo; điều phối, hỗ trợ hiệu quả các thương nhân đầu mối trong giao dịch và tổ chức thực hiện các hợp đồng tập trung; tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời kiến nghị các giải pháp thúc đẩy XK, giữ vững và mở rộng thị trường XK gạo.

Hương Dịu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/