DN XUẤT KHẨU THỦY SẢN KHÓ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC TIÊU CHUẨN QCVN

(HQ Online)- Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do yêu cầu của nước xuất khẩu trong chế biến thủy sản, các DN khó có thể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật (QCVN) về môi trường. 

DN chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: T.H

Cụ thể, theo phản ánh của các DN, theo yêu cầu của khách hàng Mỹ, các DN chế biến tôm XK sang thị trường Mỹ buộc phải sử dụng nhiều phosphate trong quá trình chế biến khiến cho nước thải của các nhà máy chế biến có chỉ tiêu phospho cao từ 2-9 lần so với QCVN 11:2015. 

Với các công ty chế biến surimi, nước rửa cá cũng thường có dư lượng phospho và nitơ rất cao, đặc biệt là nitơ do công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá. Do vậy, gần như không có nhà máy surimi nào đạt chỉ tiêu Nitơ, mà thường vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép của QCVN. Các DN chế biến thủy sản đã đầu tư chi phí rất lớn cho việc xử lý nitơ, phospho trong nước thải nhưng vẫn không thể đạt được QCVN theo yêu cầu.

Theo phản ánh của các DN chế biến thủy sản, việc xử lý phospho rất khó bởi nếu DN sử dụng nước ngầm trong sản xuất thì chỉ tiêu phospho có sẵn trong nước nhiều khi đã lên mức 19 mg/l, trong khi QCVN 11:2015 cho phép chỉ tiêu phospho trong nước thải đã là 20 mg/l, chính vì thế, sau quá trình  sản xuất của DN thì mức phospho chắc chắn vượt quá mức cho phép của QCVN 11:2015.

Tại các công ty chuyên chế biến surimi, nước rửa cá thường có dư lượng phospho và nitơ rất cao, đặc biệt là dư lượng Nitơ (do công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá). Do đó gần như không có nhà máy surimi nào đạt chỉ tiêu nitơ, mà thường vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép của QCVN.

Hiện nay, các nước khác tại ASEAN không quy định chỉ tiêu phospho trong tiêu chuẩn về nước thải. Quy định này gây ảnh hưởng bất lợi tới khả năng cạnh tranh của DN thủy sản so với các nước trong khu vực.

Hơn nữa, Đoàn thanh tra môi trường lấy mẫu kiểm tại 3 thời điểm khác nhau và các mẫu này cho các kết quả phân tích khác nhau, nhưng Đoàn lại chọn giá trị vi phạm cao nhất để xử phạt DN. 

Để hỗ trợ DN, VASEP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh nâng giới hạn tối đa của chỉ tiêu phospho và nitơ tại QCVN 11:2015 và có lộ trình cho phép để DN thủy sản có thể hạ dần dư lượng phospho và nitơ trong nước thải sau xử lý của DN xuống đạt giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn Thanh tra môi trường nên lấy kết quả trung bình của các mẫu kiểm để làm căn cứ xử phạt nhằm đảm bảo công bằng cho các DN.

Về bùn thải từ quá trình xử lý nước thải, từ năm 2012, VASEP cũng đã gửi Công văn số 49/2012/CV-VASEP ngày 15/5/2012 tới Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN chế biến thủy sản trong việc thực hiện về quản lý môi trường. Tại công văn này, VASEP đề nghị Bộ sớm có quy định chính thức xác định bùn thải thuộc loại hình chế biến thủy hải sản không phải là bùn thải nguy hại. Do nguồn nguyên liệu của các DN chế biến thủy sản là cá, tôm và các loại thủy sản khác nhau nên thành phần hữu cơ chiếm đa số.

Theo QCVN 07:2009/BTNMT và Thông tư số 12/2011/TT-BNTMT ngày 14/4/2011 quy định về quản lý chất thải nguy hại thì bùn thải từ hệ thống xử lý là các chất hữu cơ tạp chất không chứa nhiều kim loại nặng.

Lê Thu