HẢI QUAN TP.HỒ CHÍ MINH: PHÁT SINH NỢ TỪ HẬU KIỂM

(HQ Online)- Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng hàng trăm tỷ đồng tiền thuế nợ đọng do phát sinh từ công tác kiểm tra sau thông quan (hậu kiểm) đang khiến Cục Hải quan TP.HCM khó có khả năng thu hồi.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV1 kiểm tra hàng NK. Ảnh: T.H.

Theo tìm hiểu tại các chi cục hải quan phát sinh số nợ thuế, nguyên nhân chính là do các DN nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng, khai báo giá thấp, từ chối tham vấn giá. Khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định, doanh nghiệp không hợp tác, nhiều trường hợp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Trần Ngọc Anh cho biết, số nợ của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát sinh 10 tỷ đồng, có đến 7 tỷ đồng phát sinh do ấn định thuế từ kiểm tra sau thông quan, nhưng doanh nghiệp đã bỏ trốn, khó có khả năng thu hồi nợ thuế. Trong đó có trường hợp Công ty TNHH Thương mại Phát triển Phú Phát nhập khẩu linh kiện điện tử, thẻ nhớ, khai giá thấp rồi “né” tham vấn giá để thông quan. Khi cơ quan Hải quan kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế các lô hàng gần 5 tỷ đồng, DN mất tích luôn. Xác minh thành viên đại diện cho DN này là 2 cô gái 19 và 21 tuổi. Nhưng cả 2 cô này đều cho biết, không hề hay biết gì đến DN, có thể người ta đã lợi dụng hồ sơ xin việc của 2 cô này để thành lập DN, NK hàng hóa trốn thuế.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Lê Văn Nhiễn cho rằng, trong gần 100 tỷ đồng nợ thuế phát sinh tại đơn vị trong thời gian qua chủ yếu do ấn định từ kết quả kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp không chấp hành nộp thuế. Chỉ trong tháng 6 và tháng 7/2016, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Gia Hưng Thịnh và Công Ty TNHH xây dựng Phúc Giang (cùng ở địa chỉ 63 Nguyễn Bá Huân, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) đã mở hàng chục tờ khai hải quan NK mặt hàng gạch lót sàn qua cảng Cát Lái, khai báo giá thấp, từ chối tham vấn giá để được thông quan theo quy định. Khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan, DN không hợp tác, không hoạt động tại địa chỉ đăng kí kinh doanh… để lại khoản nợ trên 3,4 tỷ đồng tiền thuế do cơ quan Hải quan ấn định.

Tương tự, trong tháng 8 và tháng 9/2016, Công ty TNHH Nguyễn Phụng (17 Hồ Bá Kiện, P.15, quận 10- TP.HCM) mở 17 tờ khai hải quan NK thực phẩm đông lạnh, gồm chân, cánh, đùi gà đông lạnh; khoai tây đông lạnh và chân lợn có xuất xứ từ Úc, Brazil, Ba Lan…khai báo giá thấp, chỉ nộp trên 324 triệu đồng tiền thuế.  Phát hiện giá khai báo bất hợp lý, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đề nghị tham vấn giá, DN không đồng ý, nên cơ quan Hải quan phải giải quyết thông quan theo quy định, đồng thời chuyển hồ sơ cho Đội Quản lý thuế thực hiện kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế trên 3,7 tỷ đồng. Như vậy, so với số thuế DN thực nộp tại thời điểm thông quan (324 triệu đồng), DN còn phải nộp bổ sung gần 3,4 tỷ đồng, nhưng hiện nay DN này đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh. 

Tháng 5 và tháng 6-2016, Công ty TNHH Gấu Đỏ mở 28 tờ khai hải quan NK mặt hàng đông lạnh là cánh, chân, đùi gà; đầu cá hồi đông lạnh khai báo giá tính thuế hàng NK rất thấp. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế tăng hơn 4,7 tỷ đồng. Hay như trường hợp của Công Ty TNHH Văn Thịnh và Công ty TNHH Asia Join đều được cấp phép vào tháng 5/2016, có địa chỉ tại  475D, Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, Quận Tân Phú, TP.HCM nhập khẩu hàng chục lô hàng thịt gà đông lạnh, khai báo giá thấp để thông quan hàng hóa như những trường hợp trên, cả hai DN cũng đang để lại số nợ thuế trên 10 tỷ đồng, sau khi hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan và ấn định thuế.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, mặc dù quy định của pháp luật là nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng nhưng số liệu nợ thuế luôn tăng qua các kỳ báo cáo. Tính đến ngày 28/2/2017, số nợ thuế phát sinh so với cùng kì năm 2016 gần 809 tỷ đồng. Nguyên nhân phát sinh số thuế nêu trên do các chi cục ấn định thuế sau thông quan, doanh nghiệp không chấp hành, khiếu nại, có trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, đóng mã số thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; Phát sinh nợ thuế do ấn định thuế hàng sản xuất xuất khẩu đối với doanh nghiệp không đến thanh khoản hợp đồng; Hàng an ninh quốc phòng miễn thuế, chờ quyết định miễn thuế. Một số trường hợp tờ khai chờ hủy, nộp nhầm đơn vị thụ hưởng chờ điều chỉnh.

Theo Phó Chi cục trưởng Lê Văn Nhiễn, chi cục đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo Luật Quản lý thuế, trừ 2 biện pháp khó áp dụng: Kê biên tài sản doanh nghiệp; phối hợp với Cục Thuế địa phương tạm ngừng sử dụng hóa đơn, nhưng đều không hiệu quả, do các hầu hết những DN này đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Để kịp thời có biện pháp thích hợp nhằm thu hồi nợ thuế cho ngân sách nhà nước, hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã  rà soát danh sách 17 DN nhập khẩu mặt hàng thực phẩm đông lạnh và gạch men trong năm 2016, khai báo giá thấp để thực hiện đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đối với các trường hợp DN cố tình không nộp thuế, kết quả xác minh phát hiện DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, cơ quan Hải quan sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để hỗ trợ truy tìm giám đốc DN

Nêu khó khăn về thủ tục để được xóa nợ thuế, ông Lê Chiến Thắng, Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, hiện nay số nợ không có khả năng thu phần nhiều của các doanh nghiệp không hoạt động sắp phá sản. Việc xóa nợ chỉ áp dụng được với doanh nghiệp nhà nước giải thể, phá sản, chưa có cơ chế áp dụng đối với các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân… khiến công tác xử lý, thu hồi nợ thuế của đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. 

Để công tác thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp chỉ đạo thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ đọng từ cấp cục đến các chi cục; các chi cục lên danh sách các doanh nghiệp nợ đọng, tên giám đốc, địa chỉ thường trú của giám đốc, số thuế nợ đọng gửi cho Phòng Thuế XNK  để sàng lọc công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một số trường hợp nợ thuế lớn phát sinh gần đây, Cục Hải quan TP.HCM sẽ xem xét chuyển cho cơ quan Công an để phối hợp truy tìm giám đốc DN, thu hồi nợ đọng.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HOÀN THIỆN PHÁP LÝ ĐỂ MỞ RỘNG KẾT NỐI HẢI QUAN VỚI DOANH NGHIỆP KHO, BÃI, CẢNG

(HQ Online)- Song song với việc hoàn thiện hệ thống CNTT, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ việc mở rộng trao đổi, kết nối thông tin giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng phục vụ công tác giám sát hàng hóa XNK.

Đối tượng hàng hóa được phối hợp giám sát sẽ mở rộng thêm hàng rời, hàng lỏng. Trong ảnh: Hàng hóa nhập khẩu tại cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình​​​.

Việc phối hợp, kết nối hệ thống CNTT giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh cảng để giám sát hàng hóa XNK được Tổng cục Hải quan thực hiện từ tháng 9/2015 tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng). Đến nay, có 9/14 cảng khu vực cảng biển Hải Phòng và cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Cát Lái (TP.HCM) thực hiện nội dung này. Đối tượng đầu tiên được Tổng cục Hải quan lựa chọn triển khai kết nối để phối hợp giám sát hàng hóa XNK là doanh nghiệp kinh doanh cảng biển với đối tượng hàng hóa được vận chuyển bằng container. Sắp tới, Tổng cục Hải quan sẽ mở rộng đối tượng doanh nghiệp kết nối (thêm doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi) và đối tượng hàng hóa (hàng rời, hàng lỏng).

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn đánh giá, quá trình triển khai vừa qua đạt kết quả khả quan nhưng vẫn phát sinh một số vướng mắc về CNTT và cơ sở pháp lý. Đơn cử, mỗi cảng biển, doanh nghiệp kinh doanh cảng có đặc thù khác, mặt hàng, cũng như CNTT và chỉ tiêu thông tin quản lý khác nhau… Vì vậy, hệ thống CNTT, các chỉ tiêu thông tin áp dụng tại cảng này chưa chắc phù hợp hoàn toàn với cảng khác, áp dụng đúng với đặc thù mặt hàng này chưa chắc đúng với mặt hàng khác…

Mặt khác, cơ sở pháp lý quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển trong giám sát hải quan (giám sát hàng hóa XNK) đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 34 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Tuy nhiên, quy định về chỉ tiêu thông tin sẽ trao đổi giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng còn chung chung, chưa cụ thể.

Ông Cao Hồng Phong- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nam Hải Đình Vũ (doanh nghiệp đầu tiên thực hiện phối hợp giám sát với cơ quan Hải quan) cho biết, quá trình phối hợp kết nối vừa qua giữa doanh nghiệp với Hải quan Hải Phòng diễn ra thuận lợi. Giải pháp này đã từng bước khẳng định hiệu quả trong đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK, góp phần giúp cảng Nam Hải Đình Vũ tăng được sản lượng hàng hóa thông quan cảng từ 400.000 container năm 2015 lên 550.000 container năm 2016 và hết quý I/2017 đạt 200.000 container và dự kiến kết thúc năm nay là 750.000 container. Tuy nhiên, ông Cao Hồng Phong cũng bày tỏ băn khoăn thời gian tới hàng hóa được phối hợp giám sát sẽ mở rộng (hàng rời, hàng lỏng) là thách thức cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, hệ thống CNTT đảm bảo cho việc kết nối.

Theo ông Âu Anh Tuấn, để mở rộng hoạt động phối hợp giám sát, thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện về hệ thống CNTT, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện về cơ sở pháp lý phục vụ việc kết nối, trao đổi thông tin để giám sát hàng hóa XNK giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng được thực hiện thuận lợi. Đồng thời, cơ sở pháp lý đang được hoàn thiện sẽ xây dựng theo hướng mở rộng việc áp dụng cho tất cả cảng biển, cảng hàng không và các cảng nội địa (ICD), kho ngoại quan, kho hàng lẻ (CFS), kho hàng không kéo dài, địa điểm tập kết hàng hóa XNK… trên toàn quốc. Theo ông Âu Anh Tuấn, các nội dung trên sẽ được đưa vào Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Tại Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển” do Tổng cục Hải quan tổ chức tại Hải Phòng tuần qua, để ghi nhận ý kiến đóng góp của các đơn vị hải quan địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết: Việc sửa đổi Thông tư 38 liên quan đến nội dung trên được thực hiện theo hướng, quy định trách nhiệm của tất cả các đối tượng tham gia vào quá trình vận chuyển, lưu giữ, giao nhận hàng hóa XNK đang chịu sự giám sát hải quan tại cảng, kho, bãi, địa điểm tập kết hàng hóa XNK. Đồng thời quy định rõ nguyên tắc kết nối, trao đổi thông tin và những thông tin cần trao đổi giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng…  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh:

Kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng để quản lý hàng hóa XNK là giải pháp quan trọng đang được ngành Hải quan tập trung thực hiện. Bởi thực tế việc ứng dụng CNTT phục vụ kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng vẫn còn hạn chế cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việc kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Để thực hiện việc kết nối, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện Đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống điện tử”.

Nhằm thực hiện việc kết nối trong thực tiễn được thực hiện một cách hiệu quả, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị hải quan, nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ý kiến đóng góp tại Hội thảo, quá trình chuẩn bị doanh nghiệp có phát sinh thêm ý kiến đóng góp có thể gửi về Cục CNTT và Thống kê Hải quan; Cục Giám sát quản lý về hải quan; Cục Hải quan Hải Phong; Báo Hải quan…

(Phát biểu tại Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển”)

Thái Bình

ĐỂ ĐẠT CHỈ TIÊU, BÌNH QUÂN MỖI THÁNG HẢI QUAN PHẢI THU 24.800 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)- Để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2017 là 285.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng ngành Hải quan phải thu 23.750 tỷ đồng và để đạt được chỉ tiêu phấn đấu 290.000 tỷ đồng, 8 tháng cuối năm 2017 ngành Hải quan phải thu 198.336 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng còn lại phải thu 24.800 tỷ đồng. Đây là một áp lực không nhỏ.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi cục Hải quan Yên Bình, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Trong khi đó, sau khi số đạt số thu NSNN tăng vọt trong quý I/2017 so với cùng kỳ các năm trước thì sang đến đầu quý II, số thu NSNN của toàn ngành lại có chiều hướng giảm.

Cụ thể, số thu NSNN của toàn ngành trong tháng 4/2017 đạt: 22.133 tỷ đồng, tương đương giảm 20% (tương đương giảm 5.576 tỷ đồng) so với tháng 3/2017 (27.709 tỷ đồng). Trong đó, giảm thu chủ yếu từ các mặt hàng như: ô tô giảm khoảng 808 tỷ đồng; xăng dầu giảm khoảng 186 tỷ đồng; linh kiện, phụ tùng ô tô giảm 185 tỷ đồng; than đá giảm 290 tỷ đồng, máy móc thiết bị giảm 543 tỷ đồng… Ngoài ra, tháng 4 chỉ có 19 ngày làm việc cũng là nguyên nhân giảm thu NSNN tháng 4/2017 so với tháng 3/2017. Lũy kế đến 30/4/2017 đạt 91.664 tỷ đồng, đạt 32,2% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2016.

Tuy nhiên, tính tổng 4 tháng đầu năm 2017 thì số thu NSNN của Hải quan tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch XNK có thuế đạt 29.668 triệu USD tăng 22% so với cùng kỳ 2016 (24.247 triệu USD). Nhìn chung 4 tháng đầu năm các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng tốt, nhưng số thu tăng chủ yếu vẫn ở các mặt hàng chủ lực như: ô tô và linh kiện ô tô, xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị (chiếm khoảng 50%/tổng thu), cụ thể:

Dẫn đầu trong các mặt hàng là ô tô nguyên chiếc nhập khẩu: số lượng xe NK trong 4 tháng đầu năm là 33.198 chiếc tăng 15,2% (tương đương tăng 5.046 chiếc) so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên trị giá giảm 11,7% so với cùng kỳ 2016. Nguyên nhân kim ngạch NK ô tô giảm nhưng số thu tăng là do kim ngạch NK ô tô dưới 9 chỗ tăng 83% về lượng, tăng 42% về trị giá làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 1.500 tỷ đồng.  

Cùng với đó là các mặt hàng: Linh kiện phụ tùng ô tô: đạt 1.036 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016; xăng dầu: kim ngạch NK (có thuế) đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 1.690 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và tăng 35,9% về trị giá so với cùng kỳ 2016; Sắt thép: Kim ngạch NK có thuế đạt 4.879 triệu tấn, trị giá 2.673 triệu USD, giảm 12,6% về lượng, tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ cùng kỳ năm 2016; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng: Kim ngạch NK có thuế đạt 5.801 triệu USD tăng 10,6% so với cùng kỳ 2016. 

Cũng trong 4 tháng đầu năm, một số cục hải quan tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ thu NSNN trên 50% như: Gia Lai – KonTum (126%); Đắk Lắk (59%); Nghệ An (55%); Hà Nam Ninh (54%); Quảng Ninh (54%); Hà Tĩnh (52%); An Giang (52%)… Nguyên nhân: do chính sách mở cửa rừng của Lào nên tăng lượng gỗ tại Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum; Đắk Lắk. Do tăng kim ngạch xăng dầu NK bao gồm giá và lượng nên làm tăng thu cho Cục Hải quan Quảng Ninh, Nghệ An; đối với Cục Hải quan Hà Nam Ninh do tăng lượng NK linh kiện ô tô của Công ty Thành Công (số thu của Công ty này chiếm 55%/tổng thu của đơn vị).

Theo phân tích của Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), dự kiến tốc độ tăng thu NSNN quý II/2017 sẽ chậm hơn so với Quý I/2017 (do quý II/2016, chính sách tăng thuế TTĐB  đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi nên các DN đã NK ồ ạt).

Có thể thấy, dự báo trong năm 2017 đi ngược với quy luật các năm- số thu những tháng cuối năm sẽ giảm dần có khả năng sẽ thành hiện thực. Vì vậy, phải tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện mọi biện pháp để đạt nhiệm vụ được giao, phải quản lý và khai thác tốt nguồn thu- là nhiệm vụ mà các cục hải quan địa phương cần phải thực hiện.

Thu Trang

ĐƯỢC NỘP DẦN TIỀN THUẾ NỢ NẾU CÓ BẢO LÃNH CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

(HQ Online)- Trường hợp DN có nợ tiền thuế bị cưỡng chế nhưng không có khả năng nộp một lần và có đề nghị nộp dần thì được nộp số thuế nợ trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

CBCC Chi cục Hải quan Phó Bảng, Cục Hải quan Hà Giang hướng dẫn chính sách thuế cho DN. Ảnh: T.Trang.

Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trước đề nghị của Công ty CP Chế biến thực phẩm Thiên Hồng về việc đăng ký tờ khai NK trong thời gian bị cưỡng chế thuế.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại Điều 48 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định: “Trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế về số tiền thuế do cơ quan quản lý thuế tính hoặc ấn định, người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế đó, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện quyết định tính thuế, quyết định ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế”.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13 (sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 92 Luật Quản lý thuế) quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh cùa tố chức tín dụng, Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.”

Cũng quy định về nội dung này, tại Điều 39 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế thì:”Người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nhưng không có khả năng nộp đủ số thuế nợ trong một lần thì được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về số tiền thuế nợ đề nghị nộp dần và cam kết tiến độ thực hiện nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước”.

Căn cứ quy định trên, trong thời gian giải quyết khiếu nại, Công ty vẫn phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định. Trường hợp Công ty có nợ tiền thuế bị cưỡng chế nhưng không có khả năng nộp 1 lần tiền thuế và có đề nghị nộp dần tiền thuế nợ thì được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng về số tiền thuế nợ. 

Điều kiện, hồ sơ, thẩm quyền, thời hạn giải quyết, thời gian nộp dần tiền thuế nợ được quy định cụ thể tại Điều 39 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013, khoản 3 Điều 3 Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và Điều 134 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Hải Nam

HÀNG NK ĐỂ GÓP VỐN KHÔNG PHẢI NỘP THUẾ GTGT

(HQ Online)- DN góp vốn bằng tài sản NK để thành lập DN thì không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: T.Trang.

Đó là trả lời của Tổng cục Hải quan trước kiến nghị của Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong về việc NK máy móc thiết bị về Việt Nam để góp vốn không phải nộp thuế GTGT khâu NK.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT quy định về đối tượng chịu thuế thì: Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.

Bên cạnh đó, tại Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng quy định: “Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân NK hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm…”

Như vậy, theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì khi NK hàng hóa vào Việt Nam, DN phải nộp thuế GTGT khâu NK, trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 của Thông tư này. Sau đó, DN góp vốn bằng tài sản NK đó để thành lập DN thì không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Thu Trang

BÀ RỊA – VŨNG TÀU: GIA TĂNG BUÔN LẬU TẠI KHU VỰC CẢNG BIỂN

(HQ Online)- Trong thời gian gần đây, lực lượng Hải quan tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) liên tục phát hiện các vụ buôn lậu tại khu vực Tân Cảng – Cái Mép với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, táo bạo.

Phần lớn số hàng hóa vi phạm phát hiện thời gian gần đây là hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.

Trong đó, chỉ riêng trong tháng 4, Chi cục HQCK Cảng Cái Mép, Cục Hải quan BR-VT đã liên tục phát hiện hàng trăm mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm NK, hàng không đủ điều kiện quá cảnh, hàng nhập lậu, trong các contairner hàng chuyển cảng, hàng quá cảnh, phần lớn là hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng.

Gần đây nhất, ngày 17 và 18/4, qua kiểm tra 2 container hàng chuyển cảng về Cảng Hiệp Phước, TP.HCM, Chi cục HQCK Cảng Cái Mép đã phát hiện hàng trăm mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm NK bao gồm tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa, máy lọc không khí, máy hút ẩm điều hòa… đã qua sử dụng. Chi cục HQCK cảng Cái Mép cho biết, 2 container hàng này thuộc tờ khai vận chuyển độc lập ngày 13/4/2017 của Công ty TNHH cảng Quốc tế Tân Cảng Cái Mép. Theo thông tin khai báo trên E-Manifest hàng hóa trong container là máy móc đã qua sử dụng.

Trước đó, ngày 7/4, Chi cục HQCK Cảng Cái Mép phối hợp với Đội kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan BR-VT kiểm tra một container hàng quá cảnh có nghi vấn, phát hiện một số mặt hàng không đủ điều kiện quá cảnh trong đó chủ yếu là loa, amply, bộ chỉnh âm thanh… đã qua sử dụng.  Theo thông tin từ Chi cục, lô hàng trên thuộc tờ khai vận chuyển độc lập do Công ty Cổ phần Gemadept mở ngày 3/4/2017. Đây là container hàng quá cảnh đi Campuchia. Theo khai báo của chủ hàng trên E-manifest, hàng hóa NK là đồ gia dụng. Ngày 5/4, kiểm tra thực tế 1 container hàng quá cảnh, Chi cục HQCK cảng Cái Mép cũng đã phát hiện số lượng lớn hàng không đủ điều kiện quá cảnh gồm nhiều mặt hàng đã qua sử dụng như: loa thùng, ampli, đĩa nhạc; nước giải khát, bia, sữa… Đặc biệt, trong container hàng quá cảnh này còn có 1 xe Honda SH 150i. Theo khai báo của chủ hàng là Công ty TNHH Madame Anime Inc, hàng hóa trong container này là hàng tạp hóa tiêu dùng mới 100%, sẽ xuất qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Bình Phước. Ngày 1/4/2017, Chi cục HQCK Cảng Cái Mép khám xét và phát hiện 1 container hàng cấm NK chứa đầy hàng điện lạnh, hàng gia dụng, máy móc nông ngư cơ đã qua sử dụng như: Máy điều hòa, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy cắt cỏ… Lô hàng trên được nhập về cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) vào ngày 31/3/2017 do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải An Hòa Bình đứng tên nhận hàng. Theo nội dung thể hiện trên bản lược khai hàng hóa, hàng NK là máy chà nhám rung băng và bột mài máy chà nhám.

Trước đó, trong tháng 2, cũng tại Tân Cảng Cái Mép, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và Chi cục HQCK Cảng Cái Mép cũng đã thực hiện khám xét container được khai là hàng tiêu dùng của một công ty tại quận Gò Vấp, TP.HCM phát hiện hàng trăm kiện hàng bách hóa các loại. Trong mỗi kiện chứa đủ các loại hàng hóa, như: Mỹ phẩm, âm ly, bếp từ… Theo phân tích của các cán bộ hải quan khám xét lô hàng, các kiện hàng này được gom theo dạng quà biếu, quà tặng. Tuy nhiên, lô hàng lại được các đối tượng vận chuyển về theo dạng hàng quá cảnh đi Camphuchia. Đây là hình thức buôn lậu mới đối với hàng quà biếu, quà tặng. Trước đó, Đội 3 và Chi cục HQCK Cảng Cái Mép đã thực hiện khám xét 4 container hàng quá cảnh, phát hiện hàng hóa trong container là đồ điện tử, điện máy các loại, như: Quạt máy, máy lạnh, tủ lạnh, bếp điện… tất cả đều đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng không đủ điều kiện quá cảnh theo quy định của Bộ Công Thương.

Thông tin về số hàng vi phạm nêu trên, ông Nguyễn Văn Danh, Chi cục trưởng Chi cục HQCK cảng Cái Mép cho biết, tất cả các DN đứng tên nhận hàng trong các container hàng hóa vi phạm bị phát hiện trong thời gian qua đều chưa từng mở tờ khai tại Chi cục, vì hàng hóa vi phạm đều nằm trong các container hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, hoặc mở tờ khai ở Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu. Hiện các mặt hàng vi phạm đang được niêm phong chờ kết quả giám định để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhận định về tình hình buôn lậu tại khu vực cảng biển trong thời gian từ đầu năm đến nay, Phó cục trưởng Cục Hải quan BR-VT Nguyễn Thanh Sang, cho biết tình hình buôn lậu trên địa bàn hoạt động của đơn vị có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng táo bạo với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau như lợi dụng loại hình quá cảnh, chuyển cảng nhập kinh doanh sản xuất để buôn lậu các mặt hàng chủ yếu như hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, diện thoại, rượu, thực phẩm chức năng.

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Thanh Sang là do việc buôn lậu với quy mô hàng chục container đem lại cho các đối tượng buôn lậu một khoản lợi nhuận khổng lồ. Bên cạnh đó, thủ tục hải quan ngày càng thuận lợi cũng tạo điều kiện cho các hoạt động XNK hợp pháp dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu.

Trước tình hình trên, ông Sang cho biết, ngay từ đầu năm, Cục Hải quan BR-VT đã triển khai kế hoạch kiểm soát hải quan theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan để nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, thu thập, phân tích thông tin để phát hiện các dấu hiệu vi phạm từ đó tiến hành kiểm tra, bắt giữ. Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành như Cục Điều tra chống buôn lậu và các Cục Hải quan địa phương như TP.HCM, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai và các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 địa phương để thực hiện các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu hiệu quả.  

Nguyễn Huế

HẢI QUAN TP.HỒ CHÍ MINH: NHIỀU GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN GIAN LẬN QUA GIÁ

(HQ Online)- Chủ trì hội nghị công tác giá năm 2017 của Cục Hải quan TP.HCM vào cuối tuần qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chỉ đạo đơn vị tập trung thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tồn tại, ngăn chặn gian lận qua trị giá tính thuế.

Ô tô nhập khẩu qua cảng Hiệp Phước- TP.HCM. Ảnh: Thu Hòa​​​.
 
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK- Tổng cục Hải quan Nguyễn Hoàng Tuấn, việc một số công chức hải quan không cập nhật, không xác định nghi vấn giá… sẽ ảnh hưởng đến các khâu nghiệp vụ tiếp theo. Những tồn tại trong công tác giá không chỉ ở TP.HCM mà là tình trạng chung ở nhiều đơn vị hải quan. Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh nghiệp vụ về công tác giá. Tổng cục Hải quan sẽ tiếp thu những kiến nghị của Cục Hải quan TP.HCM về giá một số mặt hàng có biến động thường xuyên. Nhóm giải pháp về chính sách, từ nay đến tháng 7 sẽ đưa ra nội dung sửa đổi Thông tư 38 để lấy ý kiến, sau đó trình Bộ Tài chính ban hành…
 

Tại hội nghị, các cán bộ làm công tác giá đã đánh giá, phân tích làm rõ các nguyên nhân tồn tại tại 8 khâu nghiệp vụ trong công tác giá tính thuế, như: Khâu tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa; Kiểm tra trị giá tính thuế; Xác định trị giá hàng phi mậu dịch, tham vấn và kiểm tra sau thông quan về giá; Công tác rà soát, kiểm tra thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan trên hệ thống của các chi cục; Khâu báo cáo số liệu về giá, đề xuất sửa đổi bổ sung mức giá, tham chiếu tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá; Cập nhật quyết định ấn định thuế trên chương trình kế toán thuế tập trung và theo dõi thu nộp thuế, phạt chậm nộp; Khâu xử lý vi phạm trong lĩnh vực trị giá hải quan và khâu giải quyết khiếu nại về giá.Chủ trì hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, tất cả những tồn tại, bất cập trên cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất các giải pháp khắc phục, cũng như các kiến nghị cụ thể. Trong giải pháp, cái gì là đột phá, là căn bản phải làm để khắc phục. Qua đó xây dựng kế hoạch tương đối căn cơ thực hiện từ nay đến cuối năm cho hiệu quả.

Từ những tồn tại trên, Cục Hải quan TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, Phòng Thuế XNK phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ mở các lớp đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho CBCC làm công tác giá, tạo cơ hội học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị bằng các chuyên đề thiết thực, gắn liền với thực tiễn, tập trung đào tạo kỹ năng về tham vấn giá/kiểm tra sau thông quan về giá, kỹ năng bác bỏ trị giá khai báo của doanh nghiệp, cập nhật thường xuyên các hình thức gian lận qua giá; Phân công mỗi công chức phụ trách một số nhóm hàng thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá; hàng ngày thực hiện rà soát, kiểm tra việc xác định dấu hiệu nghi vấn, việc cập nhật kết quả tham vấn, kiểm tra sau thông quan, xác định giá trên chương trình của các chi cục.

Về công tác kiểm tra trị giá, kiểm tra thực tế hàng hóa, tham vấn, kiểm tra sau thông quan về giá, Cục Hải quan TP.HCM yêu cầu khi làm thủ tục, công chức hải quan tại bước tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra trị giá hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa phải yêu cầu doanh nghiệp khai báo tên hàng đầy đủ thông tin, chi tiết các yếu tố liên quan có ảnh hưởng đến trị giá hải quan (nhãn hiệu, model, công dụng, thành phần, định lượng, kích cỡ…) theo đúng quy định. Công chức tại bước kiểm tra giá khi chấp nhận hoặc nghi vấn giá phải có cơ sở vững chắc, tránh trường hợp chấp nhận không đúng quy định hoặc nghi vấn tràn lan, không hiệu quả. Công chức tại bước tham vấn, kiểm tra sau thông quan phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, thu thập các nguồn thông tin, chuẩn bị trước nội dung làm việc với DN để kết quả tham vấn/kiểm tra sau thông quan đạt hiệu quả cao, xác định trị giá đúng quy định. Thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với tờ khai luồng Xanh vì hiện tại, tờ khai luồng Xanh chiếm tỷ lệ rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại qua giá, mã số, chính sách mặt hàng, có khả năng gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước…

Chỉ đạo khắc phục những tồn tại của Cục Hải quan TP.HCM trong công tác giá, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, giá tính thuế là bộ phận cấu thành trong yếu tố thu ngân sách nhà nước, nếu làm tốt công tác giá sẽ chống được thất thu ngân sách về trị giá tính thuế. Trong thời gian qua, bên cạnh DN chấp hành tốt pháp luật, khai báo đúng giá tính thuế, vẫn có không ít DN gian lận trị giá tính thuế, thực trạng này đã được các cấp lãnh đạo yêu cầu ngăn chặn kịp thời. Qua đánh giá thực trạng về công tác giá tính thuế cho thấy tất cả các khâu, quá trình phối hợp, cơ chế chính sách về công tác giá đều tồn tại những hạn chế , nhưng tồn tại chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện.

Ngoài các giải pháp nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chỉ đạo, trước hết Phòng Thuế XNK tham mưu cho lãnh Cục xây dựng văn bản chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện ngay các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại nêu trong báo cáo, trong hội nghị; các chi cục hải quan phải tổ chức quán triệt cho CBCC để thấy rõ những tồn tại, nguyên nhân, thực hiện các giải pháp khắc phục ngay; tập huấn lại các quy định về công tác giá cho toàn bộ công chức làm công tác giá; các chi cục tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và khắc phục ngay kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác giá…

Lê Thu

CHI CỤC KIỂM ĐỊNH HẢI QUAN 1 CHÍNH THỨC ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

(HQ Online)- Sáng 26/4, Cục Kiểm định Hải quan (Tổng cục Hải quan) tổ chức Lễ khai trương Chi cục Kiểm định Hải quan 1. Đến dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cùng toàn thể đại diện các vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan. 
Chi cục Kiểm định Hải quan 1 chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/4. Ảnh: H.Nụ

Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Ngọc Huân, Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan đã đọc Quyết định 1365/QĐ-TCHQ ngày 20/4/2017 của Tổng cục Hải quan điều động ông Phan Đình Nguyên, Trưởng phòng Kiểm định giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm định Hải quan 1.

Phát biểu tại Lễ khai trương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho rằng, Chi cục Kiểm định Hải quan 1 được thành lập mang một ý nghĩ đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Tổng cục Hải quan theo Quyết định 65/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ Kiểm tra chuyên ngành; nâng tính pháp lí của một cơ quan kiểm định thuộc Tổng cục Hải quan. 

 Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái đánh giá, thời gian qua Cục Kiểm định Hải quan có nhiều cố gắng, trong đó có việc ra mắt chính thức Chi cục Kiểm định Hải quan 1, tích cực bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất tiến tới khai trương và đưa vào hoạt động Chi cục Kiểm định Hải quan 5, 6 tại Quảng Ninh và Lạng Sơn.

 Phó Tổng cục trưởng yêu cầu, sau khi đi vào hoạt động Chi cục Kiểm định Hải quan 1 cần nắm thật chắc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai hoạt động; tạo dựng cơ sở pháp lí, nhân lực, cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực nghiệp vụ tại đơn vị để khẳng định hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó,cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành trong giải quyết các vướng mắc, khiếu kiện; tạo dựng quan hệ với cơ quan giám định bên ngoài để có các kết quả chính xác và quan hệ khăng khít với DN, thể hiện DN là đối tác, có trách nhiệm, đảm bảo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái tin tưởng Chi cục Kiểm định Hải quan 1 sẽ hoàn thành sứ mệnh và khẳng định vị thế của mình trong công tác kiểm định. 

Đảo Lê

HẢI QUAN TP.HCM CÙNG TCS THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CHO DOANH NGHIỆP XNK

(HQ Online)-Ngày 24/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cùng đoàn công tác của Cục Hải quan TP.HCM đã có buổi làm việc với Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn nhất (TCS) nhằm tháo gỡ vướng mắc cho TSC và các doanh nghiệp XNK. 

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường phát biểu tại buổi làm việc với TCS. Ảnh: Thu Hòa

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến 2020, Cục Hải quan TP.HCM đã và đang triển khai Kế hoạch hành động “Cộng đồng DN và cơ quan Hải quan là đối tác tin cậy và đồng hành cùng phát triển”. Theo đó, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động đến với các DN ghi nhận khó khăn, vướng mắc, cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN… để hỗ trợ DN.

Đến nay, Cục Hải quan TP.HCM đã đến trực tiếp làm việc với trên 20 DN, với các DN còn lại sẽ tiếp tục làm việc trong quý 2/2017. Tại các buổi làm việc, một số DN phản ánh vướng mắc khi nhận hàng tại kho của TCS. Nhằm hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho DN có hoạt động XNK, đồng thời tạo thuận lợi, phối hợp tốt với các bên có liên quan, buổi làm việc hôm nay, cơ quan Hải quan và TCS sẽ cùng bàn giải pháp thống nhất quan điểm chủ trương của 2 bên để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động XNK của DN. Qua đó, DN sẽ đồng hành với 2 cơ quan Hải quan và TCS để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

Ông Nguyễn Cao Cường, Tổng Giám đốc TCS cho biết, TCS là một trong những DN hàng đầu có 20 năm kinh nghiệm phục vụ hàng hóa hàng không, công suất của TCS là 350.000 tấn/năm, phục vụ cho 32 hãng hàng không. Tổng sản lượng hàng hóa từ đầu năm 2017 đến 19/4/2017 đạt gần 39.000 tấn. 

Theo ông Cường, với lưu lượng hàng hóa lớn, nhưng mặt bằng nhập khẩu hiện đang quá tải, sản lượng chênh lệch nhiều giữa các giai đoạn cao điểm và thấp điểm, lượng hàng hóa về cuối tuần nhiều, trước đây không thực hiện phát hàng ngày Chủ Nhật… nên dễ dẫn đến tắc nghẽn cục bộ. Để giải quyết bất cập này, TCS đã cải tiến quy trình phát hàng vào cuối năm 2016, thực hiện phát hàng ngày Chủ Nhật, miễn phí lưu kho và phụ phí ngoài giờ cho các lô hàng TCS phục vụ trễ… đã giảm thiểu thời gian chờ nhận hàng từ 160 phút xuống còn 75 phút (giảm trên 50%), đồng thời giảm dần tỷ lệ lô hàng có thời gian nhận hàng cao.

“Để tiếp tục cải tiến thủ tục, tạo thuận lợi cho khách hàng, TCS sẽ triển khai dự án tòa nhà phức hợp; xây thêm 3 kho lạnh chứa hàng dược phẩm; áp dụng CNTT vào việc khai thác hàng hóa, triển khai làm thủ tục nhận hàng trực tuyến, lắp đặt thêm máy soi mâm; bổ sung nhân sự tiếp nhận hàng thực hiện theo quy định tại Thông tư 38…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Cao Cường chia sẻ.  

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường kiểm tra quy trình tại kho hàng hóa nhập khẩu TCS. Ảnh: T.H

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất  Đỗ Thanh Quang cho biết, trong thời gian qua, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất và TCS đã có sự phối hợp rất tốt. TCS đã hỗ trợ rất kịp thời cho cơ quan Hải quan trong việc bố trí trụ sở làm việc, phối hợp trong quá trình tạo thuận lợi cho DN trong việc nhận hàng… Để xử lý những phản ánh, kiến nghị của DN trong quá trình cơ quan Hải quan tiếp xúc và làm việc, TCS đã cam kết hỗ trợ các DN, đặc biệt là 53 DN thuộc danh sách ưu tiên của Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Hội đồng thành viên, ban Tổng Giám đốc TCS đã tạo điều kiện cho Hải quan TP.HCM nói chung và Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn. 

Phó Tổng cục trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của TCS trong việc đã giảm trên 50% thời gian nhận hàng, đồng thời chia sẻ với khó khăn của TCS. “Với sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, TCS cần phải tính toán có kế hoạch trước mắt quy hoạch về kho hàng; đồng thời cùng cơ quan Hải quan rà soát lại quy trình hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu để xem có thể đơn giản được bước nào, rút ngắn được thủ tục gì trong quy trình để tiếp tục giảm thời gian nhận hàng hóa cho người dân và DN”- Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường đề xuất. 

Về công tác phối hợp, trước hết cơ quan Hải quan tạo điều cho TCS trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời, cùng với TSC khắc phục những hạn chế, khó khăn để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XNK của cộng đồng DN. Thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho TCS để cùng nhau tạo thuận lợi cho người dân và DN làm thủ tục XNK hàng hóa qua đường hàng không; Tăng cường phối hợp với nhau trong việc giải quyết thủ tục đối với hàng hóa XNK, đặc biệt thời gian cao điểm, ngoài giờ, quan điểm của Hải quan là “làm hết việc chứ không hết giờ”.

* Trước khi vào làm việc với Hội đồng thành viên và ban lãnh đạo TCS, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường và đoàn công tác đã đi thị sát tại các khâu thủ tục tại kho hàng xuất khẩu và kho hàng nhập khẩu của TCS, cũng như quy trình giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa XNK. 

Lê Thu

XÂY DỰNG 18 SỔ TAY NGHIỆP VỤ HẢI QUAN

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan đang lên kế hoạch xây dựng 18 sổ tay nghiệp vụ cơ bản trong năm 2017, nhằm hướng dẫn thao tác cụ thể cho CBCC thực hiện tại vị trí việc làm tương ứng.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc. Ảnh: N.Linh

Danh sách các sổ tay nghiệp vụ cơ bản được Tổng cục Hải quan ban hành tại Quyết định 977/QĐ-TCHQ về việc ban hành Kế hoạch xây dựng sổ tay nghiệp vụ năm 2017.

Theo đó, trong giai đoạn 1, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng sổ tay nghiệp vụ cơ bản ở các lĩnh vực như: Giám sát quản lý; thuế XNK; kiểm tra sau thông quan; quản lý rủi ro; chống buôn lậu; pháp chế; kiểm định hải quan.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực giám sát quản lý sẽ xây dựng các sổ tay thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa XNK (cấp chi cục hải quan), phần: Kỹ năng kiểm tra hồ sơ hải quan và xử lý kết quả kiểm tra, kỹ năng kiểm tra thực tế hàng hóa và xử lý kết quả kiểm tra; sổ tay giám sát hải quan (cấp chi cục hải quan).

Trong lĩnh vực thuế sẽ xây dựng sổ tay thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa XNK (cấp chi cục hải quan), phần: kỹ năng kiểm tra xác định trị giá tính thuế, kỹ năng phân loại hàng hóa XNK, kỹ năng áp dụng mức thuế đối với hàng hóa XNK; sổ tay quản lý thuế (cấp chi cục hải quan): Kỹ năng thực hiện nghiệp vụ chính sách thuế đối với hàng hóa XNK.

Đối với lĩnh vực kiểm tra sau thông quan, sẽ xây dựng sổ tay nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan cấp Tổng cục. 

Trong lĩnh vực quản lý rủi ro, các sổ tay được xây dựng gồm: Quản lý tiêu chí quản lý rủi ro; thực hiện đánh giá tuân thủ DN; quản lý, vận hành hệ thống thông tin quản lý rủi ro; tham mưu thực hiện về công tác quản lý tuân thủ (cấp Cục); quản lý hệ thống thông tin quản lý rủi ro (cấp Cục); quản lý rủi ro (cấp chi cục).

Lĩnh vực điều tra chống buôn lậu xây dựng các sổ tay: Tham mưu nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tham mưu xử lý vi phạm; kiểm soát chống buôn lậu hàng hóa; kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả; kiểm soát chống buôn lậu ma túy. 

Trong lĩnh vực pháp chế sẽ xây dựng sổ tay xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại (cấp cục hải quan); lĩnh vực kiểm định hải quan xây dựng sổ tay kiểm định hải quan.

Trong giai đoạn 2, ngành Hải quan sẽ triển khai ứng dụng các sổ tay nghiệp vụ nêu trên trong toàn ngành. 

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã ban hành các quy trình nghiệp vụ, quy định các bước cần thực hiện đối với các nghiệp vụ cơ bản của Ngành. Theo xu thế quản lý mới, việc tổ chức công việc được thực hiện theo từng vị trí việc làm. Mỗi vị trí việc làm đều có bản mô tả công việc trong đó nêu rõ công chức hải quan phải làm gì, phải phối hợp, phải liên hệ với ai trong quá trình xử lý công việc.

Mỗi công chức tại một vị trí việc làm thường phải thực hiện một bước/một số bước của một hoặc nhiều quy trình, toàn bộ một hoặc nhiều quy trình nghiệp vụ khác nhau.

Việc xây dựng sổ tay nghiệp vụ cho từng vị trí việc làm với nội dung quy định cụ thể các thao tác phải thực hiện tại vị trí việc làm đó đi kèm với cơ sở dữ liệu bao gồm hệ thông kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và bài học kinh nghiệm liên quan là cơ sở giúp công chức hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời đây cũng là cơ sở để giám sát kiểm tra, kiểm soát hiệu quả công việc.

N.Linh