3 NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC MANG VỀ THÊM GẦN 9 TỶ USD

(HQ Online)- Từ đầu năm đến trung tuần tháng 8, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã tạo thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng tới 8,783 tỷ USD so với cùng kỳ 2016.
Biểu đồ so sánh trị giá kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng lớn so với cùng kỳ 2016 (tính đến 15/8), đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Dựa vào thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, đến 15/8, trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao và con số tăng thêm lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể, đến 15/8, nhóm hàng này đạt tổng trị giá kim ngạch 14,635 tỷ USD, tăng tới 4,322 tỷ USD so với cùng kỳ 2016, tương đương tốc độ tăng trưởng 41,9%.

Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện cũng mang về thêm 3,299 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/8 lên 24,258 tỷ USD.

Với 1,162 tỷ USD tăng thêm so với cùng kỳ 2016, ngành hàng dệt may đạt được trị giá kim ngạch xuất khẩu 15,375 tỷ USD và đang đứng ở vị trí thứ 2 trong số các ngành hàng xuất khẩu của nước ta.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 54,268 tỷ USD, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên đang đóng góp tới gần 43,8% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Một số mặt hàng xuất khẩu lớn khác đáng chú ý của nước ta có thể kể đến như giày dép đạt trị giá kim ngạch 8,944 tỷ USD; thủy sản đạt 4,749 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,544 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,288 tỷ USD…

Thái Bình
Bao Cong thuong

8 THÁNG NĂM 2017, XUẤT KHẨU NÔNG LÂM VÀ THỦY SẢN ĐẠT GẦN 24 TỶ USD

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 8/2017 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2017 đạt 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Ảnh minh họa

Trong đó, so với cùng kỳ năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 17,2%; hàng thuỷ sản ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng 18,1%; hàng lâm sản chính ước đạt 5,07 tỷ USD, tăng 9,6%.

Một số mặt hàng chủ yếu có giá trị xuất khẩu trong tháng 8 tăng về số lượng và giá trị. Cụ thể, mặt hàng gạo có khối lượng xuất khẩu ước đạt 504 nghìn tấn với giá trị đạt 220 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,96 triệu tấn và 1,75 tỷ USD, tăng 19,8% về khối lượng và tăng 17,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với đó, mặt hàng cao su có khối lượng xuất khẩu tháng 8 đạt 160 nghìn tấn với giá trị đạt 243 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 8 tháng ước đạt 795 nghìn tấn và 1,36 tỷ USD, tăng 11,2% về khối lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 ước đạt 749 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 8 tháng ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng 18,1%…

Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 8/2017 ước đạt 2,69 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 8 tháng đạt 19,17 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,92 tỷ USD, tăng khoảng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyễn Hạnh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Từ đầu năm đến nay, XK cá ngừ đã có sự tăng trưởng đầy ấn tượng, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của XK thủy sản.

Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị XK thủy sản cả nước ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các mặt thủy sản XK chủ lực, cá ngừ là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.


Khai thác cá ngừ đại dương
Khai thác cá ngừ đại dương

Trong 5 tháng qua, XK cá ngừ đạt 215,893 triệu USD, tăng 20,3% so cùng kỳ 2016. Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh của cá ngừ cùng với cá các loại khác (tăng 9,4%) và nhuyễn thể (tăng 35,6%) đã giúp cho XK thủy sản nói chung có được mức tăng trưởng như trên trong bối cảnh các sản phẩm chủ lực khác là tôm, cá tra đều có mức tăng trưởng thấp, còn cua ghẹ và giáp xác khác lại tăng trưởng âm.

XK cá ngừ đầu năm nay tăng trưởng tốt trước hết là nhờ sự gia tăng về sản lượng khai thác. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh trọng điểm là Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa đạt 8.545 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng yếu tố chính là nhờ sự phục hồi về XK cá ngừ vào các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Mấy năm qua, XK cá ngừ sang Nhật Bản liên tục sụt giảm do khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines… (cá ngừ của những nước này vào Nhật Bản có mức thuế thấp hơn nhiều, thậm chí không còn phải chịu thuế NK như cá ngừ Việt Nam). Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, XK cá ngừ sang Nhật Bản đã từng bước hồi phục. Trong quý 1, XK cá ngừ sang Nhật Bản tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở các thị trường Mỹ, EU…, XK cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, giúp cho sự tăng trưởng chung của cả ngành hàng cá ngừ. Tăng trưởng ấn tượng nhất là cá ngừ chế biến đóng hộp, với mức tăng tới 35% trong 5 tháng qua. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, trong khi giá cá ngừ vằn tăng cao (thông thường sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ cá ngừ chế biến đóng hộp), nhưng cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn thu hút khách hàng nước này. Tại EU, cá ngừ chế biến đóng hộp cũng chiếm tỷ trọng lớn trong XK cà ngừ của Việt Nam vào khu vực này. Trong quý 1, cá ngừ chế biến đóng hộp chiếm 37% tổng giá trị cá ngừ XK vào EU. Còn thăn/philê cá ngừ đông lạnh, có mức tăng trưởng XK là 11%.

Một điều cũng đáng chú ý trong XK cá ngừ 5 tháng qua là số thị trường được mở rộng. Hiện cá ngừ Việt Nam đã được XK sang 79 thị trường, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo trong những tháng tới, XK cá ngừ vẫn tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường chủ lực. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến, XK cá ngừ sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc hiện nay.

Cụ thể, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá. Điều này đáp ứng được yêu cầu đánh bắt trong tương lai, thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Rõ ràng đây là một lợi thế của Việt Nam trong khai thác cá ngừ, cần được đẩy lên thành thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cá ngừ của các nước khác. Do đó, Tổng cục Thủy sản cần xem xét, sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ.

Một băn khoăn lớn của các DN chế biến, XK cá ngừ sang EU là Hiệp định thương mại tự do EVFTA sắp có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có quy định, hướng dẫn nào về con số quota cũng như quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch XK cá ngừ Việt Nam vào EU. Vì vậy, Bộ Công thương cần sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch cho cá ngừ Việt Nam vào khu vực này. EU hiện đang là thị trường lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam, với kim ngạch 115 triệu USD trong năm 2016.

Theo Nông nghiệp VN

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

THU GẦN 50 TỶ USD, DOANH NGHIỆP FDI ÁP ĐẢO VỀ XUẤT KHẨU

(HQ Online)- 49,398 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 71% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là trị giá kim ngạch xuất khẩu tính đến 15/5, theo thông tin mới từ Tổng cục Hải quan.

Sản xuất điện thoại tại Samsung Bắc Ninh. Ảnh: T.Bình.

Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ trọng về giá trị kim ngạch của doanh nghiệp FDI đã tăng thêm 1 điểm phần trăm (cùng kỳ chiếm khoảng 70%).

Với tốc độ tăng trưởng 19%, giới doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt mức tăng cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước (cả nước đạt 17,6%).

Sự tăng trưởng mạnh về doanh nghiệp FDI là điều dễ hiểu khi giới doanh nghiệp này đang nắm thế áp đảo ở những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta như điện thoại và máy vi tính, hàng điện tử…

Mặt khác, như ở Chương trình doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan (dành cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, uy tín) cũng có đến 35/60 doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI.

Biểu đồ tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước tính hết 15/5. Ảnh: T.Bình.

Hoặc ở nhiều địa phương xuất khẩu lớn hiện nay như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai… trị giá kim ngạch hầu hết phụ thuộc vào giới doanh nghiệp FDI.

Đơn cử như trường hợp của Thái Nguyên, trước khi có sự xuất hiện của Samsung, địa phương này gần như không mấy tên tuổi trên “bản đồ” xuất khẩu của nước ta.

Nhưng hiện nay, Thái Nguyên đã vươn lên mạnh mẽ thành địa phương đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước (sau TP.HCM) về trị giá kim ngạch xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo- Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương Thái Nguyên) cho hay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Thái Nguyên là điện thoại, linh kiện điện thoại, máy tính bảng của Tập đoàn Samsung…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, sự lên ngôi ngoạn mục trong hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên những năm gần đây chính là nhờ hiệu quả trong hoạt động đầu tư của Tập đoàn Samsung.

“Các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống của địa phương cũng có sự cải thiện, tăng trưởng nhưng không thể tạo được sự đột phá như vừa qua nếu không có sự góp mặt của Tập đoàn Samsung”- lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

INFOGRAPHICS: CƠ CẤU HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng/2017 với kim ngạch đạt hơn 12,44 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; EU (28 nước) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch 11,41 tỷ USD, tăng 9,6%. Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và có mức tăng trưởng mạnh nhất 40,8% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Hàn Quốc đứng thứ 4 và cũng có mức tăng mạnh 31,5%;…

 
Trần Ánh- Mạnh Hùng

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

XUẤT KHẨU THỦY SẢN DỰ KIẾN ĐẠT 7,4 TỶ USD

(HQ Online)- Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo tăng trưởng vào khoảng 5% đến 6%, với trị giá kim ngạch đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Biểu đồ tỉ lệ (%) về thị trường xuất khẩu thủy sản tính hết tháng 4/2017. Biểu đồ: T.Bình.

4 tháng qua, xuất khẩu thủy sản- ngành hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá 10,1%, với trị giá kim ngạch 2,15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều về bức tranh xuất khẩu thủy sản của cả nước vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ.

Năm 2016, thủy sản xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 7,043 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo ông Trương Đình Hòe, sự tăng trưởng nêu trên cho thấy đơn giá bình quân năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái (vì sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều).

“Đơn giá bình quần tăng cao có thể do yếu tố doanh nghiệp tăng sản phẩm có hàm lượng gia trị gia tăng; do yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tăng giá sản phẩm bán ra; hoặc trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới không đạt như dự báo cũng có thể là yếu tố để tăng giá sản phẩm”- Tổng Thư ký VASEP nói.

Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lĩnh vực thủy sản đang dựa chủ yếu vào 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác.

Với thực tế hiện nay và quy luật nhiều năm qua, ông Trương Đình Hòe dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành hàng này tăng khoảng 5% đến 6% và đạt 7,4 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Thư ký VASEP thông tin là ở thị trường Hoa Kỳ- một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của ngành hàng thủy sản, sản phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia…; các rào cản thương mại của Hoa Kỳ, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá.

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, cả nước có 4 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trị giá kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 361 triệu USD, Nhật Bản đạt 360 triệu USD, Trung Quốc đạt 230 triệu USD và Hàn Quốc đạt 200 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn:http://www.baohaiquan.vn/

KÉO GIẢM THỜI GIAN THÔNG QUAN HÀNG XUẤT KHẨU 70 GIỜ

(HQ Online)- Đây là một trong những mục tiêu cụ thể được Tổng cục Hải quan đặt ra để thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP  của Chính phủ.
Ngành Hải quan đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK. Trong ảnh, hàng hóa XNK tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Theo thông tin được Tổng cục Hải quan phát đi vào hôm nay 17/5, trên cơ sở mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 19, Tổng cục Hải quan đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực Hải quan.

Các chỉ tiêu đáng chú ý được Tổng cục Hải quan đặt ra là: Phấn đấu hết năm 2017, rút ngắn thời gian thông quan còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; đến hết năm 2020, thời gian tlần lượt xuống dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, hết năm 2017, cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới từ thứ hạng 93 về thứ hạng dưới 82 (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới).

“Trong năm 2017, 100% dịch vụ công của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4”- thông tin từ Tổng cục Hải quan chỉ rõ.

Theo Tổng cục Hải quan, trên cơ sở mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, ngành Hải quan đã tổ chức rà soát toàn bộ các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao để đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, 29 giải pháp gắn với 39 sản phẩm đầu ra cụ thể trong Kế hoạch hành động ban hành kèm theo Quyết định số 737/QĐ-TCHQ (ngày 8/3/2017 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP).

Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực Hải quan; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN…

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Bao Cong thuong

4 THÁNG ĐẦU NĂM: XUẤT KHẨU TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng tiếp tục có những dấu hiệu khả quan khi kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng trưởng đến 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã giảm.

Tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa để nâng cao giá trị xuất khẩu

Những kết quả đáng ghi nhận

Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 4 ước đạt 16,7 USD, tính chung 4 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Mức tăng này cũng vượt nhiều lần so với con số Quốc hội giao cho ngành Công Thương trong năm 2017 (tăng 6 – 7%). Tất cả các nhóm hàng XK đều có sự tăng trưởng về kim ngạch với mức tăng từ 12 – 43,6%.

Đáng chú ý, liên tục từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK của khu vực kinh tế trong nước – động lực chính của nền kinh tế đã liên tục tăng cao, gần bằng mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 16,1%).

Tính chung 4 tháng, kim ngạch XK của nhóm này đã đạt 17,3 tỷ USD, tăng đến 13,7%. Nếu so sánh với con số tăng nhẹ 3,4% của cùng kỳ năm 2016, đây là kết quả rất đáng ghi nhận.

Những lo ngại về việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạm thời “đóng băng” sẽ tác động mạnh đến kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ vẫn chưa xảy ra. Tính đến hết tháng 4, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016. Những thị trường lớn truyền thống khác của Việt Nam cũng giữ được mức tăng trưởng kim ngạch tương đối mạnh là EU với 11,3 tỷ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc, ASEAN đạt 6,7 tỷ USD, tăng 26%; Nhật Bản đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,3%; Hàn Quốc đạt 4,4 tỷ USD, tăng 32%.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm cần hạn chế giảm 7%

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa tháng 4 đã dần suy giảm, ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm nhẹ 4,6% so với tháng trước. Trong đó, các nhóm hàng đều giảm từ 0,6 – 5,2% và giảm mạnh nhất là nhóm cần hạn chế nhập khẩu (NK). Tính chung 4 tháng, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhóm hàng cần NK có mức tăng mạnh nhất (26,5%) với sự gia tăng của các mặt hàng phục vụ chế biến, sản xuất như than đá, xăng dầu, sắt thép, hóa chất, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị…, riêng nhóm cần hạn chế NK giảm 7%.

Với tình hình xuất nhập khẩu như vậy, sau 4 tháng, cả nước đã nhập siêu 27,3 tỷ USD, tương đương 4,5% tổng kim ngạch XK, vẫn thấp hơn so với con số Quốc hội cho phép (5%).

Nhận định về tình hình xuất siêu đã duy trì từ đầu năm đến nay, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc phải NK nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến XK cho thấy, sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy vậy, để hạn chế NK những nhóm hàng hóa không thực sự cần thiết, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm NK cùng loại. Đồng thời, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên sử dụng những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước để hạn chế NK.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu chúng ta phát triển XK thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện XK vào Việt Nam, dẫn đến gia tăng NK. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa để có thể đạt giá trị XK cao hơn.

Phương Lan

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

ĐỒNG NAI GIỮ NHỊP ĐỘ TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU VÀ XUẤT SIÊU

Trong 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đã đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016; nhập khẩu đạt 4,78 tỷ USD, Đồng Nai tiếp tục duy trì vị trí xuất siêu. 

Các DN dệt may của Đồng Nai giữ vị thế tăng trưởng xuất khẩu trước nhiều áp lực cạnh tranh 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Đồng Nai, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ đều có mức tăng trưởng cao trong 4 tháng/2017. Đặc biệt với mặt hàng dệt may trung bình hàng tháng các DN trên địa bàn xuất khẩu được khoảng trên 150 triệu USD. Tuy nhiên, theo các DN dệt may, xuất khẩu ngành này đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khối ASEAN tại những thị trường lớn, như Hoa Kỳ, châu Âu. Để ổn định đầu ra, nhiều DN dệt may đã tìm cách mở rộng thị trường sang các nước Việt Nam đang có lợi thế hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như hạt điều, cà phê, cao su giá xuất khẩu tăng đáng kể. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt điều đang ở mức 9.147 USD/tấn; giá cà phê ở mức 2.209 USD/tấn; giá cao su ở mức 1.872 USD/tấn, tăng 46,7% so cùng kỳ năm 2016… đã góp phần làm tăng chung kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Để duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao các DN xuất khẩu trên địa bàn đã tiếp tục khai thác tối đa thị trường truyền thống. Trong đó, thị trường Hàn Quốc tăng gần 88%; Nhật Bản tăng gần 13%; Pháp tăng hơn 9%; Hoa Kỳ tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu các DN cần tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác triệt để những thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hàn Quốc, Nhật Bản… để hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Ngoài ra, các DN Đồng Nai liên tục cải thiện quản trị, sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Để hỗ trợ DN giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, lãnh đạo tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để có thể tìm thêm những khách hàng, đơn hàng mới; Kết nối DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các DN sản xuất để có thể cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau nhằm giảm nhập khẩu, dễ dàng hưởng được các ưu đãi về thuế khi xuất sang các thị trường Việt Nam đã ký các FTA. Các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Thanh Thanh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ PHỤC HỒI MẠNH

(HQ Online)-Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, quý I/2017, xuất khẩu (XK) cá ngừ của cả nước đạt 121 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. XK cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ và EU…

Chế biến cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: Thu Hòa

Ba tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trọng điểm đạt khoảng 5.846 tấn. Hiện nay, giá cá ngừ đại dương được thu mua tại cảng dao động ở mức 93.000 – 110.000 đồng/kg. Tại Phú Yên sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 1.500 tấn giảm 2,7% so với cùng kỳ 2016; Tại Bình Định đạt 3.446 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ (1.970 tấn); tại Khánh Hòa sản lượng cá ngừ đại dương là 900 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ.

XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang các nước trên thế giới đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, XK cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 39,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các dòng sản phẩm cá ngừ XK của Việt Nam, thăn/philê cá ngừ đông lạnh vẫn là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 47% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong quý I/2017, đạt 57 triệu USD, tăng 12,5%. Tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 30,4%, đạt 37 triệu USD, tăng 53,2%.

Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 nước trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốp 8 thị trường XK cá ngừ chính của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc và Mexico chiến 88% tổng giá trị XK cá ngừ trong 3 tháng đầu năm 2017. Trong đó, XK sang thị trường Israel tăng trưởng ấn tượng 172,9%. Với tốc độ tăng trưởng cao lên tới 3 con số, Israel đã vượt qua ASEAN và Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3.

Trong quý này, XK cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản đã phục hồi. Còn XK sang ASEAN lại giảm.

Trong quý I/2017, Mỹ vẫn là thị trường XK cá ngừ số 1 của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi sụt giảm trong tháng đầu năm, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại trong 2 tháng cuối quý. Tổng giá trị XK cá ngừ sang đây trong quý I/2017 chỉ  đạt hơn 44,575 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

EU tiếp tục là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam. XK cá ngừ sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm đã phục hồi tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,6 triệu USD.

Trong quý I, Việt Nam vẫn chủ yếu XK cá ngừ đóng hộp và thăn/philê cá ngừ đông lạnh sang khối thị trường này, chiếm tỷ trọng lần lượt là 37% và 36,8%. XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Và EU có xu hướng tăng NK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, giảm NK cá ngừ chế biến khác, trái với xu hướng năm ngoái. Cụ thể, XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam tăng 16,4% và cá ngừ đóng hộp tăng 67,5%. XK cá ngừ chế biến khác giảm 68%.

Dự báo, trong 3 tháng tới XK cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng 20%, đạt 151 triệu USD.

Lê Thu