BỎ GIẤY CHỨNG NHẬN BẢO HÀNH, BẢO DƯỠNG KHI NHẬP Ô TÔ DƯỚI 9 CHỖ

(HQ Online)- Kể từ ngày 9/3, các thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp (1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).

Các thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp . Ảnh Hà Phương

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 04/2017/Tt-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo đó, Thông tư này bãi bỏ khoản 2 Điều 1 Thông tư số Thông tư số 20/2011/TT-BCT.

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư số Thông tư số 20/2011/TT-BCT nêu rõ, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp (1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).

Điều kiện còn lại là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật (1bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) vẫn chưa được bãi bỏ.

Phan Thu

XEM “MẮT THẦN” CỦA HẢI QUAN HOẠT ĐỘNG

(HQ Online)- Các hệ thống máy soi container được ví von là “mắt thần” của ngành Hải quan, đây là trang thiết bị hiện đại trong công tác quản lý hải quan, được sử dụng tại nhiều nước phát triển giúp phát hiện các container nghi vấn chứa hàng cấm, đồng thời giúp thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng.
Hàng hóa trước khi được đưa vào khu vực soi chiếu, công chức Hải quan tiến hành kiểm tra các dữ liệu, thông tin liên quan đến lô hàng tại cổng vào.

Theo Cục Tài vụ, quản trị (Tổng cục Hải quan) hiện cả nước có 11 hệ thống máy soi container (cố định và di động) được lắp đạt tại 5 cục hải quan địa phương có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn là: Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Dưới đây là những hình ảnh vừa được phóng viên Báo Hải quan trực tiếp ghi nhận về quy trình hoạt động của một trong những hệ thống “mắt thần” của ngành Hải quan là Trung tâm máy soi container cố định (Cục Hải quan Hải Phòng). Trung tâm máy soi container cố định tại Hải Phòng được giao cho Phòng Quản lý rủi ro (Cục Hải quan Hải Phòng) quản lý. Đây là hệ thống máy soi do Nhật Bản viện trợ, được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2011.

Sau khi kiểm tra tại cổng, công chức Hải quan Hải Phòng điều tiết, hướng dẫn tài xế điều khiển phương tiện vào khu vực soi chiếu.
Tài xế điều khiển phương tiện vào khu nhà chuyên dụng phục vụ soi chiếu.
Khu vực nhà soi chiếu có hệ thống bức xạ rất lớn nên sau khi phương tiện được đưa vào, tài xế sẽ ra khu vực an toàn để chờ, đồng thời, các hệ thống cửa được đóng kín.

 

 

Sau khi thực hiện các biện pháp an toàn, công chức Hải quan bắt đầu điều khiển thiết bị soi chiếu container.
Kết thúc soi chiếu, hình ảnh được chuyển về hệ thống máy vi tính để công chức Hải quan phân tích hình ảnh. Các công chức phân tích hình ảnh phải qua khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ liên quan đên phân tích hình ảnh máy soi container.
Trường hợp không phát hiện các dấu hiệu bất thường từ hình ảnh soi chiếu, lô hàng sẽ được thông quan ngay. Thời gian soi chiếu trong nhà chuyên dụng rất nhanh chóng, chỉ hết 1 phút 45 giây.
Nếu phát hiện hình ảnh bất thường, container sẽ được đưa ra bãi kiểm tra thực tế bên cạnh khu vực soi chiếu để công chức Hải quan mở container để kiểm tra thực tế hoặc soi chiếu lại.
Thời gian qua, hệ thống máy soi container tại Hải quan Hải Phòng đã giúp phát hiện nhanh nhiều lô hàng vi phạm, trong đó có cả hàng cấm như ngà voi. Đây là tang vật trong vụ ngụy trang ngà voi trong vỏ ốc được phát hiện năm 2013.
Có 8 bước trong thực hiện quy trình soi chiếu tại Trung tâm máy soi container cố định của Cục Hải quan Hải phòng.
Năm 2016, hai hệ thống máy soi container (cố định và di động) tại Cục Hải quan Hải Phòng soi chiếu 22.968 container. Qua soi chiếu phát hiện 104 container vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1,05 tỷ đồng, tổng số thuế điều chỉnh 1,16 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hải quan Hải Phòng thực hiện soi chiếu 141 container trong quá trình xếp dỡ, phát hiện 6 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 179 triệu đồng.

Cập nhật trong hai tháng đầu năm 2017, có 2.161 container được soi chiếu, và phát hiện 2 container vi phạm.

 

Thái Bình (thực hiện)
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO THÔNG TƯ MỚI VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN

(HQ Online)-Có 11 nhóm vấn đề về thủ tục hải quan trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK đang được lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng DN và người dân.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.Linh

Các nhóm vấn đề về thủ tục hải quan đang được lấy ý kiến gồm: Hồ sơ hải quan; nộp hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử; khai hải quan; thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai; thời điểm nộp giấy phép khi thực hiện thủ tục hải quan; khai bổ sung hồ sơ hải quan; hủy tờ khai hải quan; đưa hàng về bảo quản; giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK ; quản lý hàng hóa gia công, sản xuất XK, DN chế xuất.

Chẳng hạn, quy định về nộp, xác nhận và sử dụng các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ thuế (tại Điều 3 Thông tư 38/2015/TT-BTC) có một số điểm được sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Người khai hải quan, người nộp thuế không phải nộp tờ khai hải quan hàng hóa XK, NK (sau đây gọi tắt là tờ khai hải quan) khi đề nghị cơ quan Hải quan thực hiện các thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, trừ trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy.

2. Các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ khai bổ sung, hồ sơ thông báo Danh mục hàng hoá miễn thuế, hồ sơ báo cáo sử dụng hàng hóa miễn thuế, hồ sơ, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hồ sơ đề nghị xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế, hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, hồ sơ đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trường hợp theo quy định phải nộp bản chính thì người khai hải quan phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính cho cơ quan hải quan. 

Khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan Hải quan căn cứ vào các thông tin và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để kiểm tra, đối chiếu và lưu trữ”…

Về hồ sơ hải quan, dự thảo thông tư bổ sung quy định “Hồ sơ người khai hải quan phải lưu giữ:

1. Hồ sơ hải quan gồm: 

a) Tờ khai hải quan hàng hóa XK, NK;

b) Giấy phép XK, NK đối với hàng hóa phải có giấy phép;

c) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

d) Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức có giá trị tương đương;

đ) Chứng từ xác nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện XK hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: 01 bản chụp;

e) Chứng từ xác nhận hàng hóa đủ điều kiện XK theo quy định của pháp luật chuyên ngành: 01 bản chụp;;

g) Hóa đơn thương mại trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán;

h) Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương;

i) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

k) Phiếu đóng gói hàng hóa (nếu có);

l) Tài liệu kỹ thuật, catalogue, bản phân tích thành phần, chứng thư giám định liên quan đến hàng hóa XK, NK (nếu có);

m) Danh mục máy móc thiết bị và Phiếu theo dõi trừ lùi khi khai báo mã số đối với trường hợp phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, 85 và 90 của Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và trường hợp phân loại máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời;

n) Sổ, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;

o) Quy trình sản xuất; các quy trình kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp (nếu có); Kế hoạch sản xuất; Báo cáo quyết toán nhập-xuất-tồn về tình hình sử dụng nguyên liệu vật tư, máy móc, thiết bị, hàng hóa XK và chứng từ, tài liệu liên quan đến định mức thực tế để gia công, sản xuất sản phẩm XK.

p) Các chứng từ, hồ sơ có liên quan đến việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính;

q) Hồ sơ liên quan đến việc miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế XK, thuế NK, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

2. Người khai hải quan chịu trách nhiệm lưu giữ bản chính các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định tại khoản 1 Điều này, nộp, xuất trình cho cơ quan Hải quan khi kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành. Trường hợp đã nộp bản chính cho cơ quan Hải quan thì phải lưu bản sao hoặc trường hợp cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các tổ chức có liên quan thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hàng hóa XK, NK thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan lưu giữ dưới dạng điện tử hoặc chuyển đổi ra chứng từ giấy theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.”…

N.Linh

KHAI BÁO HẢI QUAN ĐỐI VỚI LÔ HÀNG THANH TOÁN NHIỀU LẦN

(HQ Online)- Báo Hải quan nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc nhập một lô hàng từ Italy, thanh toán lô hàng chia làm hai lần, việc báo hải quan sẽ thực hiện như thế nào?

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Hà Tây. Ảnh: N.Linh

Cụ thể, Công ty có nhập một lô hàng từ Italy, giá trị thanh toán lô hàng: 14000 Eur, thanh toán được chia làm 2 lần: lần 1 là 7000 Eur (gồm: 3000 Eur bằng TTR và 4000 Eur là khoản bù trừ công nợ), lần 2 là 7000 Eur thanh toán sau 6 tháng kể từ ngày nhận được hàng. Tại thời điểm nhập hàng, Invoice bên Italy xuất cho chúng tôi thể hiện số tiền: 7000 Eur.

Vậy khi khai báo hải quan, chúng tôi để tổng giá trị hóa đơn là 7000 Eur và điều chỉnh cộng mã Q (AD): 3000 và điều chỉnh cộng mã M(AD): 4000 có hợp lý không? 

Trả lời câu hỏi của bạn đọc, Cục Thuế XNK cho biết, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 15/3/2015 của Bộ Tài chính thì người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quán theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan, Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung kê khai và kết quả tự xác định trị giá hải quan.

Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan hàng NK là giá thực tế phải tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BTC.

Việc khai báo trị giá hải quan thực hiện theo quy định tại Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào quy định nêu trên, tổng trị giá tính thuế là 14000 euro, được khai báo như nội dung tại câu hỏi.

Tổ tư vấn pháp luật

HẢI QUAN TĂNG CƯỜNG CHỐNG HÀNG GIẢ TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố; các đơn vị: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Quản lý rủi ro, Cục Kiểm tra sau thông quan, Văn phòng Tổng cục Hải quan, Vụ Thanh tra, kiểm tra và Báo Hải quan tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Thực phẩm chức năng nhập lậu do lực lượng Hải quan Quảng Ninh bắt giữ Ảnh: Quang Hùng

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc Công điện số 90 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Công văn số 134 của Tổng cục Hải quan về phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Tại các địa bàn trọng điểm, lực lượng Hải quan đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm, hóa chất bảo quản thực phẩm,chất cấm trong chế biến thực phẩm; hoa quả, đồ uống, thực phẩm chức năng; dược phẩm, mỹ phẩm…, đồng thực phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các đơn vị tập trung xác đinh các rủi ro về điều kiện nhập khẩu như: Giấy phép tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu… để kịp thời kiểm tra, kiểm soát; phát hiện những vướng mắc, bất cập về chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và chấn chỉnh kịp thời.

Quang Hùng
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN CỦA NGÀNH HẢI QUAN THẾ NÀO?

(HQ Online)- Từ ngày 1/3/2017, 41 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan sẽ được tiếp nhận và trả kết quả qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của ngành Hải quan tại địa chỉ  http://pus.customs.gov.vn. Để thực hiện Hệ thống DVCTT cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì?

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Lạng Sơn. Ảnh: T.B.

41 thủ tục được triển khai chính thức

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan (Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện nay, ngành Hải quan đã thực hiện 73 thủ tục hành chính ở mức độ 3, mức độ 4 thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS và Cổng thanh toán điện tử. Đây hầu hết là thủ tục cốt lõi trong lĩnh vực hải quan liên quan đến việc khai báo hải quan và thanh toán thuế, phí.

Theo kế hoạch triển khai DVCTT của Tổng cục Hải quan, hết năm 2016 phải cung cấp DVCTT cho 46 thủ tục (trong đó có 5 thủ tục sẽ được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia), và năm 2017 thực hiện cho 49 thủ tục còn lại để 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp trên môi trường điện tử ở mức độ 3 và mức độ 4.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan Hải quan sử dụng chứng từ điện tử thuộc hồ sơ hành chính theo các nguyên tắc: Cơ quan Hải quan sử dụng chứng từ điện tử thuộc các bộ hồ sơ thủ tục hành chính và thông tin trên các hệ thống thông tin để kiểm tra, xử lý theo quy định. Trường hợp hồ sơ thủ tục hành chính có các chứng từ (chứng từ phải xuất trình cho cơ quan Hải quan theo quy định; chứng từ theo quy định phải có xác nhận của cơ quan Hải quan để trả cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính) cơ quan Hải quan phải thông báo trên hệ thống thông tin để người thực hiện nộp bổ sung chứng từ giấy trước khi trả kết quả.

Để thực hiện yêu cầu của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan lựa chọn 41 thủ tục hành chính để thực hiện trên Hệ thống DVCTT. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan, 41 thủ tục trên đã được khảo sát kỹ tại các đơn vị hải quan và là những thủ tục có số lượng thực hiện nhiều. Trong đó, lượng thủ tục ở các chi cục là chủ yếu như: Thủ tục hủy tờ khai hải quan; bổ sung thông tin trên hồ sơ khai hải quan; thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe ô tô, xe hai bánh gắn máy nhập khẩu; phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy; sao y tờ khai hải quan; hoàn thuế theo Thông tư 38/2015/TT-BTC; xét giảm thuế đối với hàng hóa bị hư hỏng, mất mát trong quá trình giám sát; xét miễn thuế quà biếu, quà tặng, hàng mẫu…

Lãnh đạo Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan cho biết thêm, việc triển khai chính thức Hệ thống DVCTT đáp ứng mục tiêu về thực hiện Chính phủ điện tử và là bước đi quan trọng trong cải cách, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Đơn cử như với trường hợp hồ sơ cần chỉnh sửa, bổ sung, nếu thực hiện qua giao dịch trực tiếp tại cơ quan Hải quan, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian đi lại để chỉnh sửa, bổ sung. Nhưng với phương thức giao dịch trực tuyến việc này sẽ được thực hiện qua mạng internet.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Được biết, việc thực hiện các thủ tục qua Hệ thống DVCTT khá đơn giản. Trước tiên, doanh nghiệp hoặc cá nhân cần có tài khoản đã đăng ký với cơ quan Hải quan (sử dụng tài khoản trên Hệ thống VNACCS/VCIS hoặc đăng ký tài khoản mới theo hướng dẫn trên cổng thông tin Hệ thống DVCTT).

Sau khi có tài khoản, để nộp hồ sơ, doanh nghiệp hoặc cá nhân cần chuẩn bị kỹ hồ sơ theo quy định; tiếp đó thực hiện khai và nộp theo hướng dẫn trên cổng thông tin Hệ thống DVCTT.

Đơn cử như trường hợp thực hiện thủ tục hủy tờ khai đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, hệ thống có hướng dẫn chi tiết gồm: Trình tự thực hiện; cách thức thực hiện; thành phần, số lượng hồ sơ…

Đại diện Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan cho biết thêm, để chuẩn bị cho việc triển khai chính thức vào ngày 1/3 tới, Tổng cục Hải quan đã thử nghiệm Hệ thống DVCTT trong hai tháng (tháng 11 và tháng 12/2016) và chạy thí điểm vào tháng 1 và tháng 2/2017. Trong 2 tháng chạy thí điểm vừa qua, Hệ thống tiếp nhận hơn 900 hồ sơ. Việc tiếp nhận, vận hành diễn ra ổn định, thông suốt và đảm bảo cho triển khai chính thức.

Việc triển khai chính thức Hệ thống DVCTT đáp ứng mục tiêu về thực hiện Chính phủ điện tử và là bước đi quan trọng trong cải cách, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Thái Bình

MÃ NƯỚC NGƯỜI NK LÀ MÃ NƯỚC CỦA NGƯỜI MUA HÀNG TẠI NƯỚC NGOÀI

(HQ Online)- Trước thắc mắc của Bạn đọc gửi về Tổ tư vấn pháp luật trên Báo Hải quan xoay quanh vấn đề ghi mã trên tờ khai hải quan đối với hình thức XNK tại chỗ, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, mã nước người NK là mã nước của người mua hàng tại nước ngoài.

CBCC Chi cục Hải quan Nam Định (Cục Hải quan Lạng Sơn) hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan. Ảnh: H.Nụ

Bạn đọc đặt câu hỏi: Hiện nay công ty chúng tôi đang thanh khoản HS HT/KTT mọi data đều truyền qua mạng đến Hải quan để đối chiếu dữ liệu chính xác. Tuy nhiên, công ty chúng tôi chủ yếu là XNK tại chỗ nhưng trên tờ khai xuất nước NK mình phải ghi mã nước ngoài không thể ghi mã Việt Nam. Khi chúng tôi khai mã Việt Nam thì khách hàng mở tờ khai nhập đối ứng và yêu cầu công ty chúng tôi phải khai đúng mã nước ngoài. Vậy chúng tôi khai mã nước ngoài đối với tờ khai XNK tại chỗ có đúng không?

Về câu hỏi này, Cục Hải quan Đồng Nai cho rằng, tại Mục 2.19, 2.22 Phụ lục II – Chỉ tiêu thông tin liên quan đến thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa XK, NK ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Mục 2.19 – Tên người NK: mô tả nhập như sau:

(1) Nhập tên người nhập khẩu hoặc tên chủ hàng nước ngoài trong trường hợp gửi kho ngoại quan (nếu chưa đăng kí vào hệ thống).

(2) Trường hợp đã đăng kí, hệ thống sẽ tự động xuất ra.

Lưu ý:

– Nhập tên người NK (người mua) theo hợp đồng mua bán hàng hóa XK (kể cả trường hợp mua bán qua bên thứ ba);

– Trường hợp hợp đồng mua bán có điều khoản chỉ định nhận hàng tại Việt Nam (XK tại chỗ) thì tên người NK là tên người mua hàng tại nước ngoài; ghi người được chỉ định nhận hàng (tại Việt Nam) tại ô tên người ủy thác nhập khẩu;

– Chấp nhận tên viết tắt hoặc rút gọn của người NK”.

… Mục 2.22 – Mã nước: mô tả nhập như sau:

(1) Nhập mã nước người NK gồm 2 kí tự theo bảng mã UN LOCODE (tham khảo bảng “Mã nước” tại website Hải quan: www.customs.gov.vn)

(2) Nhập mã nước chính xác nếu hệ thống hiển thị không đúng.

(3) Không phải nhập liệu trong trường hợp không xác định được nước NK hoặc không có trong bảng mã UN LOCODE”.

Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, với thông tin hướng dẫn trên thì mã nước người NK là mã nước của người mua hàng tại nước ngoài hoặc không phải nhập liệu nếu không xác định được nước NK.

Tổ tư vấn pháp luật
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HẢI QUAN TP.HCM TẬP HUẤN DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN CHO DOANH NGHIỆP

(HQ Online)-Từ ngày 21 đến 23/2/2017, Cục Hải quan TP.HCM phối hợp Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã tổ chức tập huấn chuyên sâu cho CBCC Hải quan và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn về dịch vụ công trực tuyến.

Doanh nghiệp sẽ được sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Hải quan. Ảnh: Thu Hòa

Theo ông Bùi Thanh Hùng, Phó trưởng Phòng Công nghệ thông tin- Cục Hải quan TP.HCM, tại các buổi tập huấn, Ban tổ chức sẽ hướng dẫn CBCC hải quan và doanh nghiệp tham gia chạy thử hệ thống dịch vụ công trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính cấp Cục. 

Trong đó, dịch vụ cung cấp cho người dùng bao gồm: Khai báo-tiếp nhận-giải quyết yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính; tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ; thanh toán phí và lệ phí; trao đổi thông tin hai chiều, thông tin hướng dẫn thực hiện thủ tục.

Các dịch vụ có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi và bằng nhiều phương tiện khác nhau; triển khai các chức năng, dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng thiết bị điện tử thông minh; thanh toán trực tuyến các khoản thuế, phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính…

Theo kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến, năm 2017, cơ quan Hải quan  triển khai tối thiểu mức độ 3 cho 46 thủ tục hành chính (có 41 thủ tục thực hiện thông qua hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 5 thủ tục thực hiện bằng hệ thống khác).  Để chuẩn bị triển khai theo đúng kế hoạch, từ cuối năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM đã chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực, tổ chức nhiều đợt đào tạo, tập huấn cho CBCC hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đã sẵn sàng thực hiện từ ngày 1/3/2017. 

Từ ngày 1/1/2017 đến 28/2/2017 sẽ  vận hành thí điểm hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Trong giai đoạn chạy thí điểm, các đơn vị thực hiện song song việc tiếp nhận hồ sơ điện tử và hồ sơ giấy để xử lý thủ tục hành chính. Kết quả xử lý thủ tục hành chính căn cứ trên hồ sơ giấy là kết quả chính thức trả cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính. Từ ngày 1/3/2017 vận hành chính thức hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Lê Thu

RA MẮT CHI CỤC HẢI QUAN THỦ DẦU MỘT

(HQ Online)- Ngày 23/2, Cục Hải quan Bình Dương tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường thừa ủy quyền trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập Chi cục Thủ Dầu Một. Ảnh: T.D

Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một tọa lạc tại địa chỉ số 18 L2-1 Trần Quốc Toản, phường Phú Hòa, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chi cục được thành lập trên cơ sở nâng cấp Đội thủ tục Hải quan Khu liên hợp thuộc Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước. 

Từ khi hoạt động năm 2009 đến nay, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu tại Đội Thủ Tục Hải Quan Khu Liên Hợp luôn ổn định và phát triển, số thu nộp ngân sách luôn đạt và tăng so với cùng kỳ, kim ngạch XNK tăng trung bình trên 25%/năm, số tờ khai đăng ký hiện nay đạt trên 400 tờ khai/ngày. 

Lúc đầu mới thành lập, số thu của Đội Thủ tục Hải quan Khu liên hợp chỉ đạt 2,1 tỷ đồng/năm, số tờ khai đạt hơn 1.900 tờ khai, số lượng doanh nghiệp là 120. Tuy nhiên, đến năm 2010, đội thu đạt hơn 77 tỷ đồng, gấp gần 40 lần so với năm 2009 cùng số tờ khai là hơn 22.000 tờ khai, doanh nghiệp tăng lên 377. Năm 2016, số thu đạt gần 1.000 tỷ đồng cùng với hơn 100.000 tờ khai và số doanh nghiệp là hơn 1.100. Qua đó cho thấy mức độ đô thị hóa, thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI về Khu đô thị Bình Dương tăng rất mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc…

Với số lượng doanh nghiệp đến làm thủ tục hải quan tại Đội thủ tục Hải quan Khu Liên hợp hiện nay khoảng 950 doanh nghiệp, số lượng tờ khai phát sinh hàng ngày khoảng 400 tờ khai/ngày, bình quân một công chức phải kiểm tra đăng ký gần 100 tờ khai/ngày thì với mô hình tổ chức cấp đội là chưa phù hợp, gây quá tải trong công việc, dễ dẫn đến các sai sót về nghiệp vụ do thiếu công tác kiểm tra chéo với nhau.

Xuất phát từ các phân tích tình hình trên, từ định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, và để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 2674/QĐ-BTC ngày 16/12/2016 thành lập Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một trực thuộc Cục Hải quan Bình Dương. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, nâng cấp Đội thủ tục hải quan Khu Liên hợp lên Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một là rất cần thiết trong tình hình phát triển kinh tế tại địa phương và cũng để tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, có việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu ủa doanh nghiệp đầu tư trong  Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích qui hoạch là 4.196 ha. 

Giao nhiệm vụ cho Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, đơn vị cần tích cực phát huy thành tích chung của Cục Hải quan Bình Dương trong công tác cải cách hành chính, xây dựng và triển khai thành công 37 dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Hoàn thành và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017, giữ vững vị trí là một trong những đơn vị có số thu nộp ngân sách lớn trong toàn ngành. Làm tốt công tác chống buôn lậu. Xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh, không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp…

Thu Dịu

Ngày mai, tàu siêu vận tải cập cảng Cái Mép

Tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn (DWT) của hãng Maersk Line có sức chở lên đến trên 18.000 Teus.

 
CC-Laperouse-14000-TEU-cua-CMA-CGM-tuyen-chau-Au-e

CMIT là cảng nước sâu có thể đón được tàu siêu lớn

Ngày mai (20/2), CMIT (Cảng Quốc Tế Cái Mép) – một cảng liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Cảng Sài Gòn và APM Terminals, sẽ tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn (DWT), tàu loại EEE của hãng tàu Maersk Line, có sức chở lên đến trên 18.000 Teus. Đây là tàu siêu vận tải, chuyên tuyến dịch vụ Á-Âu do liên minh 2M khai thác.

Với khả năng tiếp nhận làm hàng cho tàu mẹ kích cỡ siêu lớn này, CMIT tiếp tục khẳng định chức năng của CMIT cũng như của cả cụm cảng Cái Mép mà Chính phủ đã đề ra. Tàu Margrethe Maersk cập cảng là một dấu mốc quan trọng đối với CMIT và cả Việt Nam trong sứ mệnh này. Điều này chứng tỏ năng lực của cảng có thể trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực phục vụ cho hàng hoá khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là hàng hoá xuất nhập khẩu tuyến thương mại châu Á và Bắc Âu.

Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đóng vai trò to lớn trong việc đưa chuyến tàu trọng tải 18.000 Teus này cập thử nghiệm thành công tại cảng CMIT. Cái Mép trở thành một trong số rất ít cảng khu vực Đông Nam Á có khả năng tiếp nhận tàu kích cỡ 18.000 Teus. Chính điều này đã mang đến cơ hội đặc biệt cho sự phát triển hơn nữa của Cái Mép.

CMIT là một trong 11 cảng biển của Vinalines và là cảng chủ lực tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Việc tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk có sức chở lên đến trên 18.000 Teus đã đánh dấu sự thành công trong chiến lược tập trung phát triển các cảng trung chuyển quốc tế của Vinalines trong giai đoạn đến năm 2020, sau giai đoạn tái cơ cấu hết sức hiệu quả của doanh nghiệp.

Vinalines phấn đấu trở thành doanh nghiệp chủ đạo của nhà nước trong lĩnh vực khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải của Việt Nam, nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong hoạt động logistics trên nền tảng cung ứng dịch vụ “door to door”, từng bước hình thành dịch vụ “chuỗi cung ứng toàn cầu/supply chain” với chất lượng tốt nhất.

Thiện Anh
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/