BIỂU THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI MỚI ÁP DỤNG TỪ 1/1/2018

(HQ Online)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

thuế
Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Ảnh: Internet

Trong đó, ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục I – Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục III – Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng; Phụ lục IV – Danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho từng nhóm mặt hàng, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu.

Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng có số thứ tự (STT) 211 tại Biểu thuế xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan kê khai tên hàng và mã hàng của mặt hàng đó theo mã hàng 8 chữ số tương ứng với mã hàng 8 chữ số của mặt hàng đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm có STT 211 là các mặt hàng đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện:

Thứ nhất là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không thuộc các nhóm có STT từ 1-210 tại Biểu thuế xuất khẩu.

Thứ hai là có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Việc xác định tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thực hiện theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Thuế nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng.

Cụ thể, xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 (ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02: xe có động cơ chở 10 người trở lên, kể cả lái xe), kể cả ô tô chở người có khoang hành lý chung và ô tô đua) áp dụng mức thuế tuyệt đối.

Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh trên 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 và xe ô tô chở người từ 10-15 chô ngồi, kể cả lái xe thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế hỗn hợp.

Xe ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên (kể cả lái xe) thuộc nhóm hàng 87.02 và xe có động cơ dùng để chở hàng hóa có khối lượng toàn bộ theo thiết kế không quá 5 tấn, thuộc nhóm hàng 87.04: xe có động cơ dùng để chở hàng (trừ ô tô đông lạnh, ô tô thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, ô tô xi téc, ô tô bọc thép để chở hàng hóa có giá trị; ô tô chở xi măng kiểu bồn và ô tô chở bùn có thùng rời nâng hạ được) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.

Các loại xe ô tô khác thuộc các nhóm hàng 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng mức thuế suất bằng 1,5 lần so với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô mới cùng chủng loại thuộc cùng nhóm hàng.

Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2018.

Hương Dịu

UNTIL THE END OF THE THIRD QUARTER OF 2017, REVENUES FROM IMPORT-EXPORT DUTY OF CUSTOMS REACHED 75% OF THE ESTIMATE

VCN- According to statistics from Vietnam Customs, until the end of September 2017, the State revenues of the Customs is estimated at 214,000 billion VND, reaching 75% of the estimate an increase of 10.16% compared to the same period in 2016.

until the end of the third quarter of 2017 revenues from import export duty of customs reached 75 of the estimate
Customs officers of Bac Phong Sinh Customs Branch, Quang Ninh Customs Department inspect goods at border gate. Photo: Thu Trang

Only in September 2017, total import and export value is estimated at US$ 37.6 billion, a slight decrease of 0.9% compared to the previous month. The total export value is estimated at US$ 19 billion, a decrease of 3.9%. The total import value is estimated at US$ 18.6 billion, an increase of 2.3%. Thereby, tax revenue of the Customs in September 2017 is estimated at 22.000 billion VND.

The import value of some major commodities in September, 2017 decreased compared to the previous month such as machinery, equipment, tools and accessories estimated at US $ 2.9 billion, a decrease 0.7%, Iron and steel at US$ 782 million, a decrease of 1.6%, Chemical at US$ 330 million, a decrease of 3.5%.

However, the import value of many commodities increased compared to the previous month such as: Computer, electronics and parts estimated at US$ 3.6 billion, an increase of 17.4%, mobile phones and accessories at US$ 1.75 billion, an increase of 19.6%, raw materials or textiles and garments, leather and footwear at US $ 440 million, an increase of 1.9 %, Petroleum products at US$ 596 million, an increase of 0.8%, Other metal at US$ 500 million, an increase of 12.3%.

The revenue collection of the Customs in 3 quarters of 2017 showed that if the revenues in the first quarter of the Customs increased by 23.3%, the revenues in the second quarter only increased about 13.6% and the third quarter increased by 9.3% compared to the same period in 2016.

According to Mr. Luu Manh Tuong- Director of Import and Export Duty Department, this is an opposite trend compared to the rules of the previous years. It is shown that the revenue collection of the Customs will be very difficult in the last months of 2017. Although the growth rate of import-export turnover is still high compared to the same period, the increase of revenues has decreased gradually due to the implementation of international commitments and the impacts of FTAs. This has led to the channel transfer of imported goods from countries in the region which are not enjoyed the special incentive tax rate. This directly has affected the revenues of the Customs.

By Thu Trang/Ngoc Loan

Cre: http://customsnews.vn/

Bao Cong thuong

XUẤT KHẨU TÔM TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa công bố, tính tới tháng 8/2017, giá trị XK tôm Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016.

XK tôm tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm

Trong cơ cấu sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 64,2%, đạt 1,2 tỷ USD; tôm sú chiếm 24,5%, đạt 605,9 triệu USD và tôm biển 11,2%, đạt khoảng gần 500 triệu USD. Top 10 thị trường nhập khẩu (NK) tôm chính của Việt Nam gồm EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ. Ngoại trừ Mỹ, XK tôm sang tất cả các thị trường còn lại đều tăng trưởng tốt.

8 tháng đầu năm nay, EU vươn lên trở thành thị trường lớn nhất của con tôm Việt. Giá trị XK tôm sang EU trong giai đoạn này đạt 483,6 triệu USD; tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khối EU, XK sang 3 thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam (Anh, Hà Lan, Bỉ) đều tăng trưởng ở mức 2 con số, lần lượt đạt 46,5%; 47,8% và 34,1%. Giá trị XK tôm Việt Nam sang EU tính tới hiện tại khá tích cực do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng NK để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Đây là tín hiệu tốt, tạo đà tăng trưởng mạnh hơn cho XK tôm sang thị trường này những tháng cuối năm khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực.

Để tận dụng cơ hội đẩy mạnh XK tôm sang thị trường EU, Vasep cho rằng, các doanh nghiệp cần bảo đảm tuân thủ mọi yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch động thực vật của EU cũng như nên thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, đóng gói, ghi nhãn… Doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm nâng cao năng lực để đối phó với thách thức.

Từ vị trí thứ nhất, Mỹ đã tụt xuống vị trí thị trường thứ tư của tôm Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay. Giá trị XK tôm sang Mỹ đạt gần 416 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2016. XK tôm sang Mỹcó chiều hướng đi xuống do tác động của việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11), đồng USD sụt giá do tác động từ các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump.

Bộ Công Thương lý giải thêm, sự phục hồi nguồn cung của thị trường Ấn Độ- đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ sau một thời gian bị dịch bệnh đã làm giảm thị phần của tôm Việt Nam vốn kém cạnh tranh hơn về giá do chịu thuế chống bán phá cao hơn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh XK tôm sang Mỹ khó khăn, các DN đã chủ động chuyển hướng XK sang các thị trường khác dễ tính hơn thuộc khu vực châu Á và EU nên kim ngạch XK sang Mỹ giảm hơn thời gian trước. Tuy vậy, do nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường Mỹ được dự báo sẽ tăng vào nửa cuối năm nay nên dự kiến, kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn này sẽ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, dù tốc độ tăng trưởng không cao.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, hiện tại các DN XK tôm đã bước đầu có sự chuyển hướng sang một số thị trường khác ít khó khăn hơn để XK được với mức giá tốt hơn, tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển do vậy, về lâu dài, cần có giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, về an toàn thực phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK tại thị trường này.

Với nhu cầu tăng trưởng tốt từ các thị trường châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…) và EU, DN cũng có ý thức nâng cao năng suất chế biến, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm tinh chế, Vasep dự báo, XK tôm Việt Nam năm 2017 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ; tăng khoảng 6% so với năm 2016.

Phương Lan

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

HOA KỲ CHÍNH THỨC NHẬP KHẨU TRÁI VÚ SỮA CỦA VIỆT NAM

Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS, Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức đồng ý cho phép Việt Nam được xuất khẩu quả vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ. Đưa Việt Nam là nước đầu tiên được phép xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ.

Trái vú sữa Việt Nam chính thức xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ với các yêu cầu về điều kiện, quy trình kiểm dịch thực vật khắt khe

Đây là kết quả sau gần 10 năm phía Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu loại quả này và được phía Hoa Kỳ xem xét thông qua về điều kiện kiểm dịch thực vật (KDTV). Như vậy đến nay, cùng với vải, nhãn, chôm chôm và thanh long, vú sữa là loại quả thứ năm của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Với các yêu cầu về điều kiện, quy trình KDTV đối với quả vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng tương tự như đối với các loại trái cây khác đã được xuất khẩu sang nước này trước đây, bao gồm việc phải có vùng trồng được cấp mã số và phải trải qua quá trình chiếu xạ trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan KDTV hai nước về bản đồ, liều lượng chiếu xạ (Bose mapping). Đối với các đối tượng dịch hại, phía Hoa Kỳ yêu cầu việc kiểm soát đối tượng dịch hại bắt buộc đối với 8 loại sâu hại, chủ yếu là các loại ruồi đục quả và rệp.

Ngoài ra, như các loại rau qua khác, trái vú sữa cũng phải đáp ứng các quy định chung về nhập khẩu rau quả vào thị trường Mỹ theo điều 319. 56- 3 của Luật về các quy định của Liên bang (CFR), trái vú sữa tươi nhập khẩu vào Mỹ còn phải đáp ứng bốn tiêu chuẩn như chỉ được nhập khẩu như hàng hóa thương mại; mỗi lô hàng xuất khẩu vú sữa tươi đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam cấp; từng lô hàng phải được xử lý đúng quy định theo mục 7 phần 305 của CFR; mỗi chuyến hàng xuất khẩu trái vú sữa tươi đều là đối tượng kiểm tra ngay khi cập cảng vào Hoa Kỳ…

Trong số 16 loại trái cây mà phía Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Hoa Kỳ sang Mỹ, vú sữa là một trong số những loại trái cây được các đối tác DN nhập khẩu Hoa Kỳ đánh giá rất cao về chất lượng cũng như tính đặc sản riêng mà nhiều nước không có.

Thống kê sơ bộ hiên nay diện tích trồng cây vú sữa của nước ta đạt khoảng 5.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là Tiền Giang (3.100ha), Cần Thơ (1.200ha). Năng suất trái đạt khoảng 18 – 22 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm khoảng trên 60 nghìn tấn. Tuy nhiên, vú sữa lâu nay chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa hoặc một phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và ASEAN. Việc xuất khẩu thành công trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ mở ra cơ hội lớn cho các vùng trồng chuyên canh tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. 

Thanh Thanh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

TỪ NGÀY 30/9 TẠM DỪNG GIÁM SÁT HÀNG HÓA ĐIỆN TỬ TẠI CẢNG CÁT LÁI

(HQ Online)-Từ ngày 30/9, Cục Hải quan TP.HCM chính thức tạm dừng triển khai giám sát hàng hóa điện tử tại cảng Cát Lái- TP.HCM theo Điều 41 Luật Hải quan để chuẩn bị triển khai theo Đề án mới của Tổng cục Hải quan.  
Hàng hóa XNK qua cổng cảng Cát Lái. Ảnh: Thu Hòa
Ngày 29/9, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng đã chủ trì cuộc họp với đại diện Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan- Tổng cục Hải quan Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, các đơn vị Cục Hải quan TP.HCM bàn và thống nhất các giải pháp liên quan đến giám sát hàng hóa điện tử theo điều 41 Luật Hải quan. 

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, với mục đích hiện đại hóa công tác quản lý, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp.  từ cuối năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM triển khai thí điểm giám sát hàng hóa XNK hteo Điều 41 Luật Hải quan tại cảng Cát Lái. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm đã bộ lộ những khó khăn, vướng mắc, nên Tổng cục Hải quan đã chấp thuận cho Cục Hải quan tạm dừng việc triển khai thí điểm này từ 30/9/2017. 

Tại cuộc họp, các đơn vị đã thống nhất thời điểm chốt số liệu vào 0 giờ ngày 1/10/2017, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ cụ thể các hóa các tiêu chí xử lý các dữ liệu có liên quan để đảm bảo tốt công tác quản lý… 

Để thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý hải quan tại cảng Cát Lái, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn  chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM rà soát việc triển khai, đánh giá Điều 41 Luật Hải quan. Hiện nay Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo tạm dừng thực hiện Điều 41 trong giai đoạn này. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng, việc tạm dừng để thực hiện đánh giá, rà soát toàn diện theo kế hoạch mà Tổng cục Hải quan mới ban hành. Theo đó, Cục Hải quan TP.HCM làm việc với tất cả các bên có liên quan, như: Hãng tàu, cơ quan kinh doanh cảng, các doanh nghiệp… để triển khai các nội dung theo đề án mà Tổng cục Hải quan đã ban hành và hiện đang triển khai tại Cục Hải quan Hải Phòng.

Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không không chỉ kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh cảng, mà còn kết nối với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi…. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không thông qua việc cơ quan Hải quan áp dụng hệ thống công nghệ thông tin tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi và các bên liên quan, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh.

Được biết, từ ngày 26/12/2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 triển khai thí điểm thực hiện Điều 41 Luật Hải quan năm 2014 đối với hàng hóa XNK nguyên container. Theo quy trình này, việc xác nhận qua khu vực giám sát sẽ do Hệ thống của Tổng cục Hải quan và Hệ thống của DN kinh doanh cảng trao đổi dữ liệu để xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải quan khi container ra khỏi cảng. Công chức hải quan giám sát không thực hiện xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên hệ thống. Việc trả dữ liệu hàng đã qua khu vực giám sát do Phòng Công nghệ thông tin của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian chạy thí điểm hệ thống còn đang trong quá trình hoàn thiện nên còn nhiều tờ khai đã được công chức hải quan ký xác nhận đã qua khu vực giám sát, nhưng hệ thống điện tử lại chưa được xác nhận.

Lê Thu

NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN THỐNG NHẤT VỀ KHAI BÁO ĐỊNH MỨC HÀNG GIA CÔNG, SẢN XUẤT XK

(HQ Online)- Làm cách nào để tạo thuận lợi cho DN gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trong quá trình làm thủ tục hải quan, đồng thời cơ quan Hải quan có cơ sở để quản lý, tránh thất thu thuế? Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC do Tổng cục Hải quan tổ chức, ngày 27/9. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các DN XNK liên quan lĩnh vực điện tử, dệt may, da giầy, cơ khí và thủy sản.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư-gia công (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.LINH

Loại hình nhiều đặc thù

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định, quan điểm của cơ quan Hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho DN, không gây khó khăn so với quy định hiện hành, song phải đảm bảo quản lý của cơ quan Hải quan đối với hoạt động sản xuất của DN.

Đại diện ban soạn thảo, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trong quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, Tổng cục Hải quan đã nhận được ý kiến tham gia của một số DN, Hiệp hội DN về nội dung dự thảo Thông tư. Những vấn đề DN gia công, sản xuất XK phản ánh liên quan tới định mức; báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư NK. Nhiều vấn đề đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa. Tại hội nghị này sẽ tiếp tục thảo luận về những vấn đề trên nhằm đưa ra giải pháp quản lý tốt nhất cho cả hai bên.

Trao đổi về những vấn đề DN phản ánh trong quá trình hoàn thiện dự thảo, ông Âu Anh Tuấn cho biết, mỗi nhóm DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau lại có những đặc thù riêng.

Nhóm DN điện tử phản ánh, do tính chất đặc thù của ngành hàng điện tử, trước khi sản xuất sản phẩm DN xây dựng định mức kỹ thuật chưa tính hao hụt trong quá trình sản xuất. Định mức kỹ thuật của sản phẩm và các tài liệu liên quan đến thay đổi định mức đều được lưu trữ trên phần mềm. Khi sản xuất sử dụng định mức kỹ thuật để tính toán lượng nguyên liệu thực tế đưa vào sản xuất và ghi nhận lượng nguyên liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất bằng hệ thống theo dõi riêng của DN.

Cùng một mã sản phẩm của nhiều đơn hàng khác nhau thì DN chỉ tính toán “định mức trung bình tháng” dựa trên định mức của từng đơn hàng. Như vậy, DN cho rằng thực tế khi kết thúc quá trình sản xuất, DN không tính toán định mức thực tế bao gồm tỷ lệ phế liệu, phế phẩm mà có hệ thống theo dõi toàn bộ lượng nguyên liệu hao hụt được ghi nhận trên hệ thống và trên sổ sách kế toán thay vì phải phân bổ thành tỷ lệ hao hụt trong định mức. Kiến nghị của nhóm DN ưu tiên điện tử và Công ty Samsung Thái Nguyên là sử dụng định mức trung bình tháng= tổng lượng từng nguyên liệu cấp cho các lệnh sản xuất/tổng lượng sản phẩm và bán thành phẩm của các lệnh sản xuất.

Nhóm DN dệt may phản ánh: Hiện nay, công ty may mặc đang ký kết hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài theo dạng hợp đồng nguyên tắc có thời hạn thực hiện từ 1 đến 5 năm. Vì vậy khi ký hợp đồng gia công hai bên chưa có đầy đủ các thông tin của các đơn hàng sẽ sản xuất, khi có đơn hàng phát sinh cụ thể hai bên ký phụ lục thực hiện. Do vậy, quy định thông báo định mức kỹ thuật khi thông báo hợp đồng gia công chưa phù hợp với thực tế.

Trong quy định về định mức có đưa ra hai khái niệm về định mức kỹ thuật và định mức thực tế. DN đề nghị làm rõ nội hàm của từng khái niệm và giá trị sử dụng của cả phía DN cũng như cơ quan Hải quan. Tránh trường hợp định mức kỹ thuật, định mức thực tế có sự sai khác là lý do để cơ quan Hải quan kiểm tra, xử lý thuế. Hơn nữa, các DN dệt may cho rằng việc xác định định mức thực tế dựa vào định mức kỹ thuật và các chứng từ như xuất bù nguyên phụ liệu, chứng từ thu lại nguyên phụ liệu, sản phẩm hư hỏng, phế liệu, hạch toán vào hệ thống kế toán theo từng kỳ kế toán, điều này gây khó khăn cho DN và kiến nghị không phải thông báo định mức kỹ thuật chỉ yêu cầu định mức thực tế sử dụng của đơn hàng khi kết thúc sản xuất cùng với thời điểm nộp báo cáo quyết toán. DN có trách nhiệm xây dựng, lưu giữ tài liệu và chứng minh định mức thực tế sản xuất cho từng mã hàng của mình.

Cần giải pháp chung nhất

Những ý kiến phản hồi của DN trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được ban soạn thảo tiếp thu và giải trình cụ thể. Một trong những vấn đề được làm rõ là khái niệm định mức kỹ thuật, bao gồm định mức sử dụng và lượng hao hụt của từng nguyên liệu, vật tư dự kiến (riêng đối với DN điện tử khi xây dựng định mức kỹ thuật không xác định hao hụt sẽ ghi nhận và quy định phù hợp với đặc thù của DN điện tử). DN sẽ tổ chức sản xuất theo định mức kỹ thuật do DN tự xây dựng. Trong quá trình tổ chức sản xuất của sản phẩm theo định mức kỹ thuật này, thực tế lượng nguyên liệu, vật tư sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm (bao gồm phế liệu, phế phẩm, phế thải trong quá trình sản xuất) thì được gọi là định mức thực tế.                           

Tiếp thu ý kiến các DN dệt may, tại thời điểm thông báo hợp đồng gia công có thể không có định mức thỏa thuận trên hợp đồng và thực tế khi DN xây dựng định mức kỹ thuật để sản xuất hàng hóa cho hợp đồng cũng có thể sai khác so với định mức thỏa thuận tại hợp đồng. Mặt khác, căn cứ thực tế sản xuất tại các DN trước khi tổ chức sản xuất đều đã xây dựng định mức kỹ thuật của từng mã sản phẩm và đình định mức kỹ thuật này trong sản xuất tại DN. Do vậy, ban soạn thảo gộp khái niệm về định mức kỹ thuật đối với cả loại hình gia công, sản xuất XK là định mức do DN xây dựng trước khi tổ chức sản xuất và chỉ phải thông báo định mức kỹ thuật này cho cơ quan Hải quan khi XK mã sản phẩm đầu tiêu.

Liên quan đến mục đích sử dụng định mức, ban soạn thảo cho biết, cơ quan Hải quan chỉ sử dụng định mức thực tế khi kiểm tra việc khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm của DN, khi hoàn thuế, không thu thuế hoặc khi kiểm tra, thanh tra DN. Về định mức kỹ thuật, khi tiêp nhận cơ quan Hải quan dùng để phân tích, đánh giá quá trình hoạt động của DN để xác định đối tượng rủi ro, bất thường. 

Tuy nhiên, do các DN với quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau nên tại hội nghị này, đại diện các DN ở các lĩnh vực, ngành nghề tiếp tục cho ý kiến góp ý về xác định định mức thực tế sử dụng tại DN, thời điểm thông báo định mức. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của DN để nghiên cứu, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác được DN tham gia ý kiến như: Hồ sơ hải quan; thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan; giám sát hải quan… cũng được ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa.

Về vấn đề báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nguyên liệu, phản ánh của nhiều DN là giữ nguyên tần suất báo cáo quyết toán theo năm tài chính và một số DN cho rằng mẫu báo cáo quyết toán này quay trở lại cách quản lý truyền thống. Đồng thời về quy định cơ quan Hải quan sẽ xây dựng hệ thống kết nối để DN cung cấp thông tin với cơ quan Hải quan. DN quan ngại quá nhiều thông tin cung cấp và khối lượng thông tin lớn dấn đến chi phí cao và chất lượng kết nối để chuyển thông tin từ DN đến Hải quan không đảm bảo ổn định.

Về vấn đề này, ban soạn thảo cho biết, trong dự thảo thông tư đã quy định rõ trường hợp thực hiện kết nối hệ thống thì không phải thực hiện quy định về báo cáo quyết toán. Như vậy, đối với những trường hợp chưa sẵn sàng thực hiện kết nối với cơ quan Hải quan sẽ phải thực hiện báo cáo quyết toán định kỳ với cơ quan Hải quan. Hiện tại giải pháp công nghệ thông tin kết nối dữ liệu giữa DN và cơ quan Hải quan nhằm quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đang được Tổng cục Hải quan xây dựng, sẽ có những chỉ tiêu thông tin để quản lý xuất-nhập-tồn kho nguyên liệu, vật tư, sản phẩm XK của hàng hóa gia công, sản xuất XK, DN chế xuất.

Ngọc Linh

5 NGÂN HÀNG ĐƯỢC CHỌN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM NỘP THUẾ ĐIỆN TỬ 24/7

(HQ Online)- Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó trưởng Phòng Dự toán- Quản lý thu ngân sách, Cục thuế XNK cho biết, hiện đã có 5 ngân hàng được Tổng cục Hải quan lựa chọn thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 từ tháng 11/2017. Đó là các ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank; BIDV, MB và Techcombank.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Phó Bảng, Cục Hải quan Hà Giang. Ảnh: T.Trang.

Để hỗ trợ hơn nữa cho DN, từ tháng 11/2017 Tổng cục Hải quan sẽ mở thêm một kênh nộp thuế điện tử 24/7, DN sẽ nộp tiền trực tiếp tại cổng thanh toán điện tử hải quan (24/7), cơ quan Hải quan sẽ trực tiếp hỗ trợ DN lập chứng từ nộp tiền từ những dữ liệu gốc, để hạn chế những sai sót trong thủ tục chuyển tiền. 

Bên cạnh việc hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, việc tham gia thu thuế điện tử 24/7 còn giúp các ngân hàng phát triển và nâng cao dịch vụ thanh toán cho khách hàng, thu hút thêm khách hàng tiềm năng, hạn chế sai sót thông tin cần phải tra soát của các chứng từ nộp tiền.

Để triển khai chương trình này, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các ngân hàng thương mại, trong đó, điều kiện để các ngân hàng tham gia là phải bổ sung, nâng cấp phần mềm trao đổi thông tin nhận thông điệp từ Tổng cục Hải quan chuyển lệnh thanh toán của người nộp thuế (kiểm tra, xác thực chữ ký số của người nộp thuế, chữ ký số của cơ quan Hải quan, số dư trên tài khoản của người nộp thuế).

Đồng thời các ngân hàng thương mại phối hợp thu sẽ ký với người nộp thuế về việc ủy quyền vô điều kiện và không hủy ngang cho ngân hàng thương mại thực hiện trích tiền từ tài khoản thanh toán của người nộp thuế tại chi nhánh ngân hàng thương mại để thực hiện các giao dịch nộp thuế và thông quan 24/7. Chuyển danh sách và nội dung văn bản người nộp thuế cam kết, ủy quyền vô điều kiện và không hủy ngang với ngân hàng sang Tổng cục Hải quan.

Hiện, để tham gia thực hiện thí điểm triển khai nộp thuế điện tử 24/7, 5 ngân hàng trên đã thực hiện ký bổ sung thảo thuận hợp tác với Tổng cục Hải quan. Đồng thời, 5 ngân hàng này cũng đã thống nhất với Tổng cục Hải quan bộ chuẩn thông điệp trao đổi thông tin.

Được biết, việc triển khai nộp thuế điện tử 24/7 tới đây sẽ chỉ thực hiện đối với các ngân hàng thương mại đã ký kết phối hợp thu với Tổng cục Hải quan. Đến thời điểm hiện tại đã có 36 ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận phối hợp thu NSNN với Tổng cục Hải quan, trao đổi thông tin nộp tiền bằng phương thức điện tử; người nộp thuế có mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. 

Thu Trang

XUẤT KHẨU CÁ TRA SANG MỸ DỰ KIẾN ỔN ĐỊNH ĐẾN THÁNG 3/2018

(HQ Online)- Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sẽ rà soát bản câu hỏi đánh giá tương đương (SRT) cho sản phẩm cá họ Siluriformes và các tài liệu khác do các quốc gia đệ trình, và sẽ xem xét tiến độ thanh tra ở cấp quốc gia trước ngày 1/3/2018.

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Quy định của USDA về đánh giá tương đương cho sản phẩm cá họ Siluriformes đồng nghĩa với việc các nước đang tìm cách tiếp tục XK các sản phẩm cá tra sang Mỹ phải nộp tài liệu chứng minh sản phẩm cá tra được sản xuất, chế biến tại các quốc gia đó tương đương với hệ thống của Mỹ trước ngày 1/9/2017.

Theo các nguồn tin, doanh thu cá tra trong giai đoạn từ 1/9/2017 đến trước tháng 3/2018 dự kiến vẫn ổn định, vì đây là khoảng thời gian mà USDA rà soát tất cả các tài liệu đệ trình.

Trong khi đó, 100% cá tra XK của Việt Nam đã được thanh tra tại biên giới Mỹ, kể từ ngày 2/8/2017.

Ông Don Kelley, giám đốc phụ trách mua sắm của công ty NK Mỹ Western Edge Seafood, cho rằng vào tháng 8/2017, giá cá tra trên thị trường đang ở mức 2,05 – 2,15 USD/pao.

Mức giá tăng là do các chi phí liên quan đến USDA chứ không phải là chi phí nguyên liệu trong khi nguồn cung cá tra trong thời gian này giảm. 

Nếu quyết định của USDA được thực hiện từ tháng 3/2018, điều đó có nghĩa là thuế quan đối với một số công ty sẽ tăng. Tuy vậy, ngành cá tra Việt Nam vẫn còn hy vọng đảo ngược lại tình thế.

Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất, chiếm 22% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam và cũng là thị trường có giá bán cao nhất. Việc Mỹ đưa ra các phán quyết bất lợi, nếu có, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ cá tra Việt Nam tại thị trường này.

Lê Thu

CHỐNG BUÔN LẬU TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT: CÒN NHIỀU TỒN TẠI

(HQ Online)- Việc thực hiện kiểm tra không theo trình tự hay không thông báo kết quả kiểm tra… đang là những tồn tại trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường sắt thời gian qua.

Lực lượng chức năng kiểm tra toa tàu chứa hàng lậu vào tháng 6/2016. (Ảnh do C74 cung cấp).
 
Thông tư 83/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia, trong đó có quy định chặt chẽ giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa.

Cụ thể, người thuê vận tải có trách nhiệm giao cho doanh nghiệp tại ga gửi hàng hóa đầy đủ những giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật; ghi đầy đủ vào tờ khai gửi hàng, đồng thời phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do không có, không đủ giấy tờ hoặc giấy tờ không đúng quy định. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo quản đầy đủ các giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa, gửi kèm theo toa xe hàng và giao cho người nhận hàng. Nếu doanh nghiệp làm mất, hư hỏng giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa thì phải lập biên bản xác nhận sự việc xảy ra để gửi kèm theo toa xe hàng…

 

Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 Bộ Giao thông vận tải, từ đầu năm 2017 đến hết tháng 8/2017, ngành Giao thông đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 24 trường hợp hàng hóa, hành lý được vận chuyển trên các toa tàu; tại kho, bãi, các ga đi, ga đến (tăng 6 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016), lập biên bản tạm giữ hàng chục tấn hàng hóa để xác định xuất xứ, nguồn gốc. Đáng chú ý, qua các lần kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 5 vụ việc liên quan đến hành vi vận chuyển thuốc lá, động vật quý hiếm và ma túy tổng hợp.Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt có gần 300 ga, trong đó có 200 ga tiếp nhận hàng hóa, hàng hóa bao gửi. Riêng số cán bộ, nhân viên làm công tác vận tải đường sắt tại Hà Nội có trên 4.000 người; TP. Hồ Chí Minh có gần 3.000 người. Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản quy định rõ về vận chuyển hàng hóa, hàng hóa bao gửi; quán triệt tới toàn thể cán bộ, nhân viên không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và kiên quyết xử lý các sai phạm. Đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong các đợt kiểm tra đột xuất, theo kế hoạch, đồng thời, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ giao thông vận tải trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn, gian lận thương mại. Tuy nhiên, theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong quá trình phối hợp, lực lượng chức năng chưa thực hiện đúng thủ tục pháp lý về kiểm tra, tạm giữ hàng hóa.

Điển hình như ngày 1/6, tại ga Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 26 và Phòng An ninh kinh tế, Công an TP. Hà Nội đến ga xuất trình Quyết định kiểm tra song tổ công tác tiến hành kiểm tra toa xe khác, không có trong quyết định kiểm tra. Tương tự, ngày 14/8, tại kho hành lý ga Sài Gòn, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, tạm giữ hàng hóa trên 2 toa xe HL71503 và toa xe hành lý số 231444 trong thành phần đoàn tàu TN1 nhưng không xuất trình quyết định kiểm tra, không xuất trình quyết định tạm giữ hàng hóa trên 2 toa xe nói trên.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hầu hết các biên bản tạm giữ phương tiện hàng hóa của lực lượng chức năng còn sơ sài; thông báo quyết định, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng còn thiếu, chậm trễ. Như trong 2 năm 2015 và 2016, đơn vị không nhận được bất kỳ thông báo, kết luận kiểm tra nào của lực lượng chức năng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2017, có 7/24 vụ được cơ quan chức năng thông báo kết quả kiểm tra, nhưng còn chậm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74-Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với đơn vị kinh doanh vận tải đường sắt phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ trên tuyến này nhất là hàng hóa có nguồn gốc NK. Để phát hiện, xử lý mỗi vụ việc kéo dài hàng tháng, có khi lên đến vài năm. Chính vì vậy, để đảm bảo tính bí mật, khó có thể đáp ứng yêu cầu của ngành Đường sắt trong việc thông báo kết quả kiểm tra, kết quả điều tra ngay được.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất, tại các địa phương cần thành lập các trạm liên ngành để kiểm soát hàng hóa trước đi đưa lên tàu. Song song với đó, cơ quan chức năng cần thực hiện đúng trình tự kiểm tra, cung cấp các thông tin, sở hở, thiếu sót về âm mưu thủ đoạn, các đối tượng cầm đầu để ngành Đường sắt nắm bắt thông tin, đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm, cũng như có biện pháp giáo dục phòng ngừa. Nếu có đơn vị, cá nhân vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ thì ngành Đường sắt kiên quyết, xử lý kỷ luật nghiêm túc các đối tượng có hành vi tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại.

Về công tác phối hợp dừng, cắt toa tàu vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ trên tuyến đường sắt, đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, vẫn còn những tồn tại trong công tác phối hợp của ngành Đường sắt với các lực lượng chức năng liên quan đến thủ tục, quy trình kiểm tra, lập biên bản… Việc kiểm tra cần thống nhất ở ga đầu và ga cuối, ngoại trừ trường hợp vận chuyển hàng cấm, hàng hóa dễ chạy nổ… phải cắt toa để xử lý.  Đối với hàng nguyên toa, hàng hóa kinh doanh thông thường… việc thực hiện kiểm tra ở ga đầu và ga cuối tránh ảnh hưởng đến hàng hóa không thuộc đối tượng kiểm tra, lịch trình chạy tàu và uy tín của ngành đường sắt. Trong trao đổi, chia sẻ thông tin (hàng hóa, phương thức thủ đoạn, đối tượng vi phạm, kết quả điều tra, bắt giữ…) phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Đề nghị, ngành Đường sắt bám sát Quyết định số 19 về ban hành Quy chế phối hợp của các lực lượng, UBND các cấp; Quyết định số 361/QĐ-BCĐ389 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Quy chế phối hợp của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương để xây dựng cơ chế, quy trình phối hợp cung cấp thông tin.

Quang Hùng

Đến hết tháng 8/2017: Nhập siêu chỉ còn mức 842 triệu USD

(HQ Online)- Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2017 đạt gần 37,95 tỷ USD, tăng 8,2% so với tháng trước. Qua đó đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2017 đạt gần 270,91 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cán cân thương mại theo tháng.

Trong đó, xuất khẩu trong tháng 8/2017 đạt gần 19,77 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng 7/2017 đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng/2017 đạt hơn 135,03 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu trong tháng 8/2017 đạt hơn 18,18 tỷ USD, tăng 4,5%, tương ứng tăng 775 triệu USD so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 8 tháng/2017 đạt gần 135,88 tỷ USD, tăng 22,5%, tương ứng tăng 24,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2017 đạt gần 25,08 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 8 tháng/2017 đạt gần 176,96 tỷ USD, tăng 22,8%, tương ứng tăng 32,89 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 8/2017 đạt hơn 14,02 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 1,87 tỷ USD so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng/2017 của khối này đạt gần 95,09 tỷ USD, tăng 20,4%, tương ứng tăng gần 16,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; Nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng đạt gần 11,06 tỷ USD, tăng 7,9%, tương ứng tăng 805 triệu USD so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 8 tháng/2017 đạt 81,87 tỷ USD, tăng 25,8%, tương ứng tăng gần 16,78 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước, trong tháng 8/2017 đạt kim ngạch 12,87 tỷ USD, tăng 1,5%, tương ứng tăng 196 triệu USD so với tháng trước.

Qua đó, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của khối này 8 tháng/2017 đạt gần 93,95 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 13,91 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp hoàn toàn vốn trong nước tháng 8/2017 đạt hơn 5,74 tỷ USD, tăng 4,1%, tương ứng tăng 226 triệu USD, so với tháng trước.

Đưa kim ngạch xuất khẩu của khối này 8 tháng/2017 đạt hơn 39,94 tỷ USD, tăng 16,7%, tương ứng tăng gần 5,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; Nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp hoàn toàn vốn trong nước tháng 8/2017 đạt gần 7,13 tỷ USD, giảm 0,4%, tương ứng giảm 30 triệu USD so với tháng trước. Đưa kim ngạch nhập khẩu của khối này 8 tháng/2017 đạt hơn 54 tỷ USD, tăng 17,9%, tương ứng tăng 8,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước  tháng 8/2017 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến này, với thặng dư thương mại 1,59 tỷ USD, đưa thâm hụt thương mại hàng hóa trong 8 tháng/2017 còn mức 842 triệu USD.

Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt thặng dư gần 2,97 tỷ USD trong tháng 8/2017, đưa thặng dư thương mại hàng hóa của khối này từ đầu năm đến hết tháng 8/2017 đạt gần 13,22 tỷ USD.

Ngược lại, khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thâm hụt tới hơn 1,38 tỷ USD trong tháng 8/2017, đưa thâm hụt thương mại của khối này từ đầu năm đến hết tháng 8/2017 gần 14,06 tỷ USD, bằng 35,2% kim ngạch xuất khẩu của khối này.

Hà Nhi