Bao Cong thuong

XUẤT KHẨU TÔM TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa công bố, tính tới tháng 8/2017, giá trị XK tôm Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016.

XK tôm tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm

Trong cơ cấu sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 64,2%, đạt 1,2 tỷ USD; tôm sú chiếm 24,5%, đạt 605,9 triệu USD và tôm biển 11,2%, đạt khoảng gần 500 triệu USD. Top 10 thị trường nhập khẩu (NK) tôm chính của Việt Nam gồm EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ. Ngoại trừ Mỹ, XK tôm sang tất cả các thị trường còn lại đều tăng trưởng tốt.

8 tháng đầu năm nay, EU vươn lên trở thành thị trường lớn nhất của con tôm Việt. Giá trị XK tôm sang EU trong giai đoạn này đạt 483,6 triệu USD; tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khối EU, XK sang 3 thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam (Anh, Hà Lan, Bỉ) đều tăng trưởng ở mức 2 con số, lần lượt đạt 46,5%; 47,8% và 34,1%. Giá trị XK tôm Việt Nam sang EU tính tới hiện tại khá tích cực do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng NK để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Đây là tín hiệu tốt, tạo đà tăng trưởng mạnh hơn cho XK tôm sang thị trường này những tháng cuối năm khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực.

Để tận dụng cơ hội đẩy mạnh XK tôm sang thị trường EU, Vasep cho rằng, các doanh nghiệp cần bảo đảm tuân thủ mọi yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch động thực vật của EU cũng như nên thực hiện các yêu cầu kỹ thuật, đóng gói, ghi nhãn… Doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm nâng cao năng lực để đối phó với thách thức.

Từ vị trí thứ nhất, Mỹ đã tụt xuống vị trí thị trường thứ tư của tôm Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay. Giá trị XK tôm sang Mỹ đạt gần 416 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2016. XK tôm sang Mỹcó chiều hướng đi xuống do tác động của việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11), đồng USD sụt giá do tác động từ các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump.

Bộ Công Thương lý giải thêm, sự phục hồi nguồn cung của thị trường Ấn Độ- đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ sau một thời gian bị dịch bệnh đã làm giảm thị phần của tôm Việt Nam vốn kém cạnh tranh hơn về giá do chịu thuế chống bán phá cao hơn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh XK tôm sang Mỹ khó khăn, các DN đã chủ động chuyển hướng XK sang các thị trường khác dễ tính hơn thuộc khu vực châu Á và EU nên kim ngạch XK sang Mỹ giảm hơn thời gian trước. Tuy vậy, do nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường Mỹ được dự báo sẽ tăng vào nửa cuối năm nay nên dự kiến, kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong giai đoạn này sẽ tăng so với cùng kỳ năm ngoái, dù tốc độ tăng trưởng không cao.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, hiện tại các DN XK tôm đã bước đầu có sự chuyển hướng sang một số thị trường khác ít khó khăn hơn để XK được với mức giá tốt hơn, tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển do vậy, về lâu dài, cần có giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, về an toàn thực phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK tại thị trường này.

Với nhu cầu tăng trưởng tốt từ các thị trường châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…) và EU, DN cũng có ý thức nâng cao năng suất chế biến, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm tinh chế, Vasep dự báo, XK tôm Việt Nam năm 2017 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ; tăng khoảng 6% so với năm 2016.

Phương Lan

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Comments for this post are closed.