RA MẮT CHI CỤC HẢI QUAN THỦ DẦU MỘT

(HQ Online)- Ngày 23/2, Cục Hải quan Bình Dương tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường thừa ủy quyền trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập Chi cục Thủ Dầu Một. Ảnh: T.D

Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một tọa lạc tại địa chỉ số 18 L2-1 Trần Quốc Toản, phường Phú Hòa, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chi cục được thành lập trên cơ sở nâng cấp Đội thủ tục Hải quan Khu liên hợp thuộc Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước. 

Từ khi hoạt động năm 2009 đến nay, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu tại Đội Thủ Tục Hải Quan Khu Liên Hợp luôn ổn định và phát triển, số thu nộp ngân sách luôn đạt và tăng so với cùng kỳ, kim ngạch XNK tăng trung bình trên 25%/năm, số tờ khai đăng ký hiện nay đạt trên 400 tờ khai/ngày. 

Lúc đầu mới thành lập, số thu của Đội Thủ tục Hải quan Khu liên hợp chỉ đạt 2,1 tỷ đồng/năm, số tờ khai đạt hơn 1.900 tờ khai, số lượng doanh nghiệp là 120. Tuy nhiên, đến năm 2010, đội thu đạt hơn 77 tỷ đồng, gấp gần 40 lần so với năm 2009 cùng số tờ khai là hơn 22.000 tờ khai, doanh nghiệp tăng lên 377. Năm 2016, số thu đạt gần 1.000 tỷ đồng cùng với hơn 100.000 tờ khai và số doanh nghiệp là hơn 1.100. Qua đó cho thấy mức độ đô thị hóa, thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI về Khu đô thị Bình Dương tăng rất mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc…

Với số lượng doanh nghiệp đến làm thủ tục hải quan tại Đội thủ tục Hải quan Khu Liên hợp hiện nay khoảng 950 doanh nghiệp, số lượng tờ khai phát sinh hàng ngày khoảng 400 tờ khai/ngày, bình quân một công chức phải kiểm tra đăng ký gần 100 tờ khai/ngày thì với mô hình tổ chức cấp đội là chưa phù hợp, gây quá tải trong công việc, dễ dẫn đến các sai sót về nghiệp vụ do thiếu công tác kiểm tra chéo với nhau.

Xuất phát từ các phân tích tình hình trên, từ định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, và để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 2674/QĐ-BTC ngày 16/12/2016 thành lập Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một trực thuộc Cục Hải quan Bình Dương. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, nâng cấp Đội thủ tục hải quan Khu Liên hợp lên Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một là rất cần thiết trong tình hình phát triển kinh tế tại địa phương và cũng để tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, có việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu ủa doanh nghiệp đầu tư trong  Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích qui hoạch là 4.196 ha. 

Giao nhiệm vụ cho Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, đơn vị cần tích cực phát huy thành tích chung của Cục Hải quan Bình Dương trong công tác cải cách hành chính, xây dựng và triển khai thành công 37 dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Hoàn thành và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017, giữ vững vị trí là một trong những đơn vị có số thu nộp ngân sách lớn trong toàn ngành. Làm tốt công tác chống buôn lậu. Xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh, không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp…

Thu Dịu

ĐÃ CÓ HƯỚNG SỬA QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TẠM NHẬP TÁI XUẤT

(HQ Online)- Để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến cơ chế báo cáo của các cơ quan, trách nhiệm và thẩm quyền của địa phương, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì quản lý, tức Bộ Công Thương.

Công chức Hải quan Cao Bằng kiểm tra container tạm nhập tái xuất. Ảnh: T.Bình.

Quản lý chưa chặt

 
Liên quan đến kiến nghị điều chỉnh điều kiện kinh doanh TNTX quy định tại Thông tư 05 (quy định ký quỹ, kho bãi và một số điều kiện khác), do Bộ Công Thương đã rà soát theo hướng loại bỏ các quy định chưa phù hợp; kế thừa một số quy định đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tế để đưa vào Nghị định 77/2016/NĐ-CP nên Bộ Công Thương chưa xem xét, tiếp thu điều chỉnh nội dung này trong phạm vi của thông tư thay thế Thông tư 05.
 

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thúc đẩy thương mại cho một số địa phương có cửa khẩu thì hoạt động TNTX đang được cho là loại hình kinh doanh có nhiều bất cập. Chính bởi thế, cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg để tăng cường công tác hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này.Tuy nhiên, kết luận thanh tra báo cáo của Thanh tra Chính phủ vào tháng 6/2016 vẫn tiếp tục nêu ra nhiều điểm bất cập của hoạt động kinh doanh TNTX. Cụ thể, trong những năm qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vi phạm gian lận thương mại qua hoạt động TNTX như nhập, kê khai không đúng chủng loại, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên việc xử lý chưa đủ sức răn đe, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận và chi phí phải xử lý hậu quả do vi phạm gây ra, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… dẫn tới nhiều DN lợi dụng hoạt động TNTX để gian lận thương mại như dùng mã số kinh doanh là hàng đông lạnh, nhưng lại kê khai là hàng đã qua sử dụng, hàng có thuế TTĐB…

Thực tế này cũng được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) thừa nhận trong một lần trả lời phóng viên Báo Hải quan. Hoạt động kinh doanh TNTX đã bộc lộ một số hạn chế nhất định trong quản lý, kiểm soát nhất là kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng quy định về TNTX để buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế.

Với những bất cập đó, Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành còn tồn tại, bất cập, chưa sát thực tế về TNTX, trong đó có việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư 05/2014/TT-BCT. Được biết, 2 vấn đề gồm: Thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND tỉnh; trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan và địa phương nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Bởi lẽ, việc phân cấp, phân quyền, phối hợp của các đơn vị để quản lý hoạt động TNTX còn có hạn chế.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi Thông tư 05 theo hướng tập trung việc phân cấp, đi cùng với phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan thực hiện là các địa phương và cơ quan chủ trì là Bộ Công Thương. Bộ Quốc phòng kiến nghị bổ sung vào Điều 20 của Thông tư 05 nội dung quy định trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng như trách nhiệm trong phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, cung cấp trao đổi thông tin định kì, đột xuất; quản lý, điều tiết hoạt động TNTX tại cửa khẩu, lối mở biên giới.

Đối với vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, theo quy định tại khoản 4, Điều 20 của Thông tư 05, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm “định kỳ hàng tháng cung cấp cho Bộ Công Thương các thông tin sau để điều tiết hàng hóa và có biện pháp xử lý kịp thời”. Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định cơ quan Hải quan phải cung cấp thông tin theo định kỳ hàng tháng dẫn đến tăng khối lượng công việc không nhỏ cho cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư này, các DN tham gia hoạt động kinh doanh tái xuất nhóm hàng hóa có điều kiện đã phải thực hiện định kỳ hàng tháng báo cáo trực tiếp nên đề nghị điều chỉnh lại nội dung này.

Phân định rõ trách nhiệm

Trên cơ sở những đóng góp của các cơ quan liên quan, đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành bản dự thảo lần 1 thông tư thay thế Thông tư 05. Bản dự thảo này có một số nội dung đã được điều chỉnh, sửa đổi. Theo đó, Bộ Công Thương đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến theo hướng bổ sung và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TNTX; điều chỉnh trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, các địa phương và các DN có liên quan; điều chỉnh quy định về điều tiết hàng hóa và thẩm quyền điều tiết hàng hóa.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã bổ sung vào phần trách nhiệm của mình như sau: “Tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, thương nhân có liên quan trong việc thực hiện quy định tại Thông tư này” thay vì quy định cũ “tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho bãi của doanh nghiệp” và “chủ trì và phối hợp thu hồi mã số của DN theo quy định”.

Đối với kiến nghị về của Bộ Tài chính về việc sửa quy định Tổng cục Hải quan kỳ hàng tháng cung cấp thông tin, Bộ Công Thương đề xuất hướng sửa là “Tổng cục Hải quan định kỳ hàng quý cáo báo tình hình thực hiện TNTX theo mẫu báo cáo quy định của Bộ Công Thương (số lượng, giá trị hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện, hàng hóa khác theo quý…) để phục vụ công tác điều hành”.  Tổng cục Hải quan cũng có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công Thương các vụ vi phạm quy định về kinh doanh TNTX chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan; tình trạng hàng hóa ách tắc tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu trong thời gian sớm nhất để phối hợp có biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ Công Thương cũng đề xuất, Sở Công Thương các tỉnh liên quan định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo ủy quyền của Bộ Công Thương kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh TNTX theo quy định tại Nghị định 77/2016/NĐ-CP; kiểm tra tình hình thực hiện TNTX của các DN liên quan.

Ngoài những nội dung trên, Bộ Công Thương cũng bổ sung một số mặt hàng vào Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh TNTX gồm: Các mặt hàng nhạy cảm tác động đến an ninh, môi trường (các loại phế liệu, phế thải như phế liệu cấm XK, cấm NK là phế liệu cao su, phế liệu sắt, thép…), vật liệu nổ, vũ khí đạn dược; động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã theo Công ước CITES. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng bổ sung một số quy định khác nhằm tăng cường công tác quản lý như: DN không được ủy thác và nhận ủy thác đối với hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện; quy định về hoàn trả mã số TNTX của DN.

Phan Thu
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Đến 15/2: Nhập siêu gần 1,21 tỷ USD

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa XNK vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết ngày 15/2/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 41,65 tỷ USD, tăng 25% (tương ứng tăng hơn 8,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 2/2017 thâm hụt gần 2,45 tỷ USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 2/2017 thâm hụt gần 1,21 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam(Lũy kế đến 15/2/2017 so với cùng kỳ năm 2016)

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2017 (từ 01/02 đến 15/02/2017) đạt hơn 14,22 tỷ USD tăng 10,9% (tương ứng tăng 1,4 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 1/2017.

Trong 15 ngày đầu tháng 2/2017 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 9,3 tỷ USD, tăng 13,1% tương ứng tăng gần 1,08 tỷ USD so với nửa cuối tháng 1/2017. Tính đến hết ngày 15/02/2017 khối này đạt kim ngạch xuất nhập khẩu  gần 26,89 tỷ USD, tăng 25,2%, tương ứng tăng hơn 5,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn FDI trong nửa đầu tháng 2/2017 đạt thâm hụt 784 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/2/2017 hơn 1,55 tỷ USD.

Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2017 đạt gần 5,89 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm gần 1,12 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 1/2017. Tính đến hết ngày 15/2/2017 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt  hơn 20,22 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng hơn 3,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

So với nửa cuối tháng 1/2017, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 2/2017 biến động mạnh ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 16,6%, tương ứng tăng 166 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,8%, tương ứng tăng 96 triệu USD; xơ, sợ dệt các loại tăng 44,8%, tương ứng tăng 39 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 87,4%, tương ứng tăng 29 triệu USD; … Trong khi đó, hàng dệt may giảm 53,4%, tương ứng giảm 625 triệu USD; giầy dép các loại giảm 29,3%, tương ứng giảm 159 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 44,3%, tương ứng giảm 133 triệu USD; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù giảm 57,4%, tương ứng giảm 90 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 28%, tương ứng giảm 82 triệu USD; …

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt gần 4,26 tỷ USD, giảm 10,9% (tương ứng giảm 519 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 1/2017. Như vậy, tính đến hết ngày 15/2/2017 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt  gần 14,22 tỷ USD, tăng 21,3% tương ứng tăng hơn 2,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm đến 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2017 đạt gần 8,34 tỷ USD, tăng 43,3% ( tương ứng tăng gần 2,52 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 01/2017. Tính đến hết ngày 15/2/2017 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 21,43 tỷ USD, tăng 31,7% (tương ứng tăng hơn 5,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

So với nửa cuối tháng 1/2017, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 2/2017 biến động mạnh ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 38,7%, tương ứng tăng 387 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 35%, tương ứng tăng 352 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 87,9%, tương ứng tăng 151 triệu USD; sắt thép các loại tăng 52,1%, tương ứng tăng 138 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 28,4%, tương ứng tăng 115 triệu USD; … Ở chiều ngược lại, xăng dầu các loại giảm 30,9%, tương ứng giảm 94 triệu USD; đậu tương giảm 69,3%, tương ứng giảm 25 triệu USD; ngô giảm 19,1%, tương ứng giảm 15 triệu USD; ….

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 2/2017 đạt hơn 5,04 tỷ USD, tăng 108% (tương ứng tăng gần 2,62 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 1/2017. Như vậy, tính đến hết ngày 15/2/2017 kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt gần 12,67 tỷ USD, tăng 29,9%, tương ứng tăng gần 2,92 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Bảo Nhi

Nhận đất Quốc phòng:Sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng xong trước Tết 2018

Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT ký kết biên bản bàn giao phần đất sân đỗ quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất…

 
1

Gần 20ha đất được Bộ Quốc phòng bàn giao để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: Phan Tư

Sáng 21/2, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT ký kết biên bản bàn giao phần đất sân đỗ quân sự tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT để triển khai đầu tư nâng cấp, xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay. Đại diện hai Bộ tham dự ký kết biên bản bàn giao có Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

Giao gần 20ha đất quốc phòng để làm sân đỗ

Trước khi ký kết, lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng trực tiếp khảo sát lại các mốc giới phân định khu đất. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam và Cục Phòng không – Không quân sau đó ký biên bản ghi nhận các mốc giới. Khu đất Bộ Quốc phòng giao cho Bộ GTVT được xác định bởi 11 mốc. Phía Bắc giáp với đường lăn song song W11; Phía Nam giáp khu đất Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, khu doanh trại Lữ đoàn 918, nhà xưởng hangar (nhà chứa máy bay) 917/Sư đoàn 370. Phía Đông giáp khu 7,6ha mà Bộ Quốc phòng đã bàn giao để làm sân đỗ cho tàu bay dân dụng. Phía Tây giáp Sư đoàn 370 và Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt. Tổng diện tích được kiểm đếm chính xác là 19,79ha.

Trong biên bản ghi rõ mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng tạm bàn giao mặt bằng khu đất này cho Bộ GTVT để đầu tư, nâng cấp, mở rộng sân đỗ tàu bay và hệ thống đường lăn. Khi có tình huống phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, diện tích này phải được ưu tiên cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng công trình và quản lý sử dụng đất đúng mục đích, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Sau khi CHK quốc tế Long Thànhhoàn thành, Bộ GTVT bàn giao lại toàn bộ diện tích mặt bằng khu đất trên để Bộ Quốc phòng sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng mà không phải bồi thường giá trị tài sản trên đất. Trường hợp có nhu cầu sử dụng tiếp, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

2
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ xem sơ đồ thực địa khu vực gần 20ha mà Bộ Quốc phòng bàn giao cho Bộ GTVT để xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay – Ảnh: Phan Tư

Hoàn thành trước Tết 2018

Khu vực đất quốc phòng hiện hữu đang là khu sân đỗ cho tàu bay quân sự, hiện có 7 tàu bay quân sự đang đỗ ở đây. Hệ thống sân đỗ, đường lăn này đã được đầu tư từ lâu, chỉ đáp ứng cho những tàu bay nhỏ đỗ. Vì vậy, sau khi bàn giao, Cục Hàng không VN sẽ tiến hành nâng cấp toàn bộ khu đất này để đáp ứng điều kiện kỹ thuật cho những tàu bay dân dụng loại lớn có thể đỗ được.

Về giao thông kết nối bên ngoài sân bay, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, đã có kế hoạch mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình) ra 25m. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng cầu vượt trên đường Trường Sơn, cải tạo đường Cộng Hòa đoạn gần khu vực Lăng Cha Cả… để đảm bảo kết nối giao thông vào sân bay, kể cả việc kết nối với nhà ga lưỡng dụng sau này.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, với diện tích vừa được bàn giao, sau khi nâng cấp sẽ xây dựng được khoảng từ 30 – 35 vị trí đỗ tàu bay. Trong đó, sẽ dành 6 vị trí cho tàu bay quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng. “Hiện, Tân Sơn Nhất có 50 vị trí đỗ tàu bay, sau khi hoàn thành nâng cấp khu vực này có thể đáp ứng nhu cầu đỗ tàu bay khi Tân Sơn Nhất nâng công suất khai thác khoảng trên 40 triệu hành khách/năm”, ông Thanh nói và cho biết, một trong những điểm tắc của Tân Sơn Nhất là năng lực thông qua của khu bay. Tàu bay sau khi hạ cánh thoát ra khỏi đường cất/hạ cánh chậm dẫn đến việc ùn tắc trên trời. Tại khu vực gần 20ha được bàn giao, sau khi cải tạo, ngoài việc thêm các vị trí sân đỗ còn có thêm các đường lăn tạo điều kiện giải thoát nhanh tàu bay trên khu bay, từ đó giải quyết nhanh năng lực của vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông liệu với một khu vực diện tích lớn, quá trình thi công phức tạp bao giờ thì nâng cấp xong? Ông Thanh cho biết, sau khi tiếp nhận khu đất này, Bộ GTVT giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bắt tay lập dự án triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp. Về phương án thi công, đơn vị tư vấn là Công ty ADCC cũng tính toán, đưa ra các giải pháp. “Tinh thần là sẽ thực hiện cuốn chiếu theo từng khu vực nhỏ. Khu vực nào hoàn thành đưa vào khai thác luôn, nhưng tổng thể, phấn đấu hoàn thành và đưa và khai thác toàn bộ trước Tết 2018”, ông Thanh nói.

Đối với các hạng mục đầu tư nhà ga lưỡng dụng và đường kết nối vào nhà ga, ông Thanh cho biết, hạng mục này đang nghiên cứu và sẽ có quyết định sau khi Chính phủ thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất sắp tới.

Phan Tư

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

Lưu ý để có C/O mẫu D hợp lệ

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn về cách hiểu trường hợp C/O mẫu D có hóa đơn thương mại do bên thứ ba phát hành.

Công chức Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc kiểm tra hồ sơ hải quan. Ảnh: N.Linh

Theo Tổng cục Hải quan, các nội dung hướng dẫn trên cơ sở kết quả Phiên họp Tiểu ban Quy tắc xuất xứ ASEAN lần thứ 22, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất về cách hiểu trường hợp C/O có hóa đơn thương mại do bên thứ ba phát hành theo quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, đối với các C/O mẫu D được cấp kể từ ngày 1/11/2016, trường hợp người sản xuất và công ty phát hành hóa đơn có trụ sở cùng một quốc gia thì không phải đánh dấu vào mục “hóa đơn bên thứ ba” trên ô số 13. Số và ngày tháng hóa đơn thương mại, tên công ty phát hành hóa đơn phải được khai báo trên C/O.

Đối với các C/O mẫu D được cấp trước ngày 1/11/2016, thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 1, công văn số 4573/TCHQ-GSQL ngày 31/7/2009 về cách hiểu đối với trường hợp hóa đơn nước thứ ba, cụ thể: “Cơ quan Hải quan nước thành viên NK phải chấp nhận C/O mẫu D trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba không phải là nước thành viên hoặc bởi một nhà XK ASEAN đại diện cho công ty đó miễn là hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ.

Trường hợp hóa đơn do một công ty của ASEAN cấp (công ty ngày không phải là nhà XK hoặc nhà NK) có trụ sở ở cùng hoặc khác quốc gia với quốc gia của nhà XK hoặc nhà NK đặt trụ sở cũng được hiểu là trường hợp hóa đơn nước thứ ba”.

Trong trường hợp gặp vướng mắc liên quan đến tính hợp lệ của các C/O mẫu D được cấp không đúng quy định tại công văn 4573/TCHQ-GSQL, hải quan địa phương gửi báo cáo lên Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn cụ thể.

Đối với các C/O mẫu D hóa đơn bán hàng được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba không phải là nước thành viên hoặc bởi một nhà XK ASEAN đại diện cho công ty đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu thực hiện theo đúng quy định về hóa đơn do nước thứ ba phát hành tại Điều 23, Phụ lục 7, Thông tư 22/2016/TT/BCT của Bộ Công Thương: Cơ quan Hải quan nước thành viên NK phải chấp nhận C/O trong trường hợp hóa đơn bán hàng được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại mộtnước thứ ba không phải là nước thành viên hoặc bởi một nhà XK ASEAN đại diện cho công ty đó miễn là hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ nêu tại Phụ lục I. Người XK sẽ đánh dấu vào ô “Third country invoicing” và ghi các thông tin như tên và nước của công ty phát hành hoá đơn trên C/O.

N.Linh

Tàu container “khủng” cập cảng Cái Mép

Theo lịch trình, đúng 12h ngày 20/2, tàu khủng 18.000 teu cập phao số 0 để vào cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).

 
IMG_8882

Tàu khủng hơn 18.000 teu sắp cặp phao số 0

Đến 10h30 hôm nay (20/2), siêu tàu container Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn với sức chở 18.300 teu (1 teu tương đương với một container 20 feet) đã vào vùng biển Việt Nam, cách phao số 0 biển Vũng Tàu khoảng 1,5 giờ hành trình.

Theo lịch trình, đúng 12h cùng ngày, tàu khủng này cập phao số 0 để vào cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).

Với chiều dài 399m, rộng hơn 59m, tàu container Margrethe Maersk là con tàu khổng lồ hàng đầu thế giới hiện nay. Trên thế giới, hiện chỉ có 18 cảng có đủ năng lực và điều kiện tiếp nhận tàu này vào làm hàng và cảng CMIT là cảng thứ 19.

Để thực hiện kế hoạch, Haivanship điều động 3 tàu lai Azimuth phục lai tàu khủng. Cụ thể, tàu Mirai 5,900hp escort hộ tống từ phao số 0, tàu Seaa Tiger 4,430hp escort và Kasuga 4,330hp escort từ phao số 17. 3 tàu nói trên sẽ hỗ trợ siêu tàu container cập, rời cảng. Ngoài ra, Haivanship còn sắp xếp tàu lai Kamiya dự phòng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Portcoast – đơn vị tư vấn lập quy hoạch cảng biển Việt Nam cho biết, tàu container Margrethe Maersk thuộc thế hệ tàu Triple-E là hạng tàu “khổng lồ”, lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Cái tên Triple-E được lấy từ 3 tiêu chí thiết kế của loại tàu này, đó là Economy of scale (tiết kiệm chi phí nhờ hiệu suất sản xuất cao), Energy efficient (tiết kiệm nhiên liệu) và Environmentally improved (thân thiện với môi trường).

16839435_1629456727069939_1708305078_n

Vị trí tàu khủng trên biển Đông lúc 10h30

Để tiết giảm chi phí vận chuyển, đội tàu khai thác trong tuyến Á-Âu hiện phần lớn là loại tàu này. Theo dự báo của tạp chí Alphaliner (tạp chí hàng đầu thế giới về hàng hải), tổng công suất đội tàu này sẽ tăng thêm trên 200% vào năm 2019 so với cuối năm 2015. Do vậy, chuyến tàu triple-E thử nghiệm này thành công là một bước đột phá và là đòn bẩy để Cái Mép đón nhận kịp thời cơ hội phát triển của ngành hàng hải, nhanh chóng trở thành cảng trung chuyển của khu vực.

Liên minh 2M (gồm hai hãng tàu lớn nhất thế giới là Maersk Line và MSC) đã xem xét đến việc cập thử nghiệm tàu trọng tải siêu lớn loại Triple-E 18,000TEU trên tuyến dịch vụ Á-Âu tại cảng CMIT khoảng giữa tháng 10/2016.

Việc liên minh 2M quyết định xem xét đưa Cái Mép vào mạng lưới các cảng có thể tiếp nhận đội tàu loại triple-E thể hiện vị trí chiến lược của Cái Mép trong hoạt động hàng hải quốc tế. Cái Mép sẽ trở thành một trong số ít cảng tại châu Á có khả năng làm hàng cho tàu 18.000 teu (như Busan, Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore, Malaysia,…).

Các hãng tàu với những yêu cầu khắt khe trong hoạt động khai thác tàu đã đánh giá rất kỹ các yếu tố về an toàn hàng hải, khả năng của cảng cũng như lợi thế về mặt thương mại khi đưa tàu về khai thác tại Cái Mép.

Mai Huyên – Linh Hoàng

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

Khai báo trong trường hợp nhiều tờ khai XK, NK chung container

(HQ Online)- Với trường hợp DN khai báo nhiều tờ khai XK, NK chung container, cách thức khai báo các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai như thế nào? Các bước thực hiện đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể.

Hàng hóa XNK ở cảng Green Port, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo đó, trường hợp hàng đóng trong một hoặc nhiều container nhưng phải khai nhiều tờ khai do vượt quá 50 dòng hàng hoặc khai theo một hoặc nhiều vận đơn của cùng một chủ hàng: Với tiêu chí “số tờ khai đầu tiên”, tại ô 1: Đối với tờ khai đầu tiên nhập vào chữa “F”, từ tờ khai thứ 2 trở đi thì nhập số tờ khai đầu tiên. Ô 2: Nhập số thứ tự của tờ khai trên tổng số tờ khai của lô hàng. Ô 3: Nhập tổng số tờ khai của lô hàng.

Với tiêu chí “Mã hiệu phương thức vận chuyển”: nhập là mã 2 (container đường biển).

Danh sách container: Khai báo tại tờ khai đầu tiên.

Trường hợp hàng đóng chung container của nhiều chủ hàng chia tách, đóng ghép ngoài CFS, công chức hải quan giám sát thực hiện theo các trường hợp cụ thể: Trường hợp tất cả các tờ khai thuộc container đã được khai báo đầy đủ và đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát thì hướng dẫn người khai hải quan liên hệ với DN cảng để làm tiếp thủ tục xác nhận hàng qua khu vực giám sát theo quy định.

Trường hợp một trong các tờ khai thuộc container chưa đủ điều kiện qua khu vực giám sát (cho dù thông tin của các tờ khai đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát đã gửi cho hệ thống của cảng hay chưa) thì sử dụng chức năng trên Hệ thống của DN cảng để dừng container và hướng dẫn người khai hoàn thiện thủ tục hải quan cho các tờ khai còn lại. Sau khi người khai xuất trình đầy đủ tờ khai và xác định tất cả các tờ khai đủ điều kiện qua khu vực giám sát thì bỏ dừng trên Hệ thống của cảng.

N.Linh
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Ngày mai, tàu siêu vận tải cập cảng Cái Mép

Tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn (DWT) của hãng Maersk Line có sức chở lên đến trên 18.000 Teus.

 
CC-Laperouse-14000-TEU-cua-CMA-CGM-tuyen-chau-Au-e

CMIT là cảng nước sâu có thể đón được tàu siêu lớn

Ngày mai (20/2), CMIT (Cảng Quốc Tế Cái Mép) – một cảng liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Cảng Sài Gòn và APM Terminals, sẽ tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn (DWT), tàu loại EEE của hãng tàu Maersk Line, có sức chở lên đến trên 18.000 Teus. Đây là tàu siêu vận tải, chuyên tuyến dịch vụ Á-Âu do liên minh 2M khai thác.

Với khả năng tiếp nhận làm hàng cho tàu mẹ kích cỡ siêu lớn này, CMIT tiếp tục khẳng định chức năng của CMIT cũng như của cả cụm cảng Cái Mép mà Chính phủ đã đề ra. Tàu Margrethe Maersk cập cảng là một dấu mốc quan trọng đối với CMIT và cả Việt Nam trong sứ mệnh này. Điều này chứng tỏ năng lực của cảng có thể trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực phục vụ cho hàng hoá khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là hàng hoá xuất nhập khẩu tuyến thương mại châu Á và Bắc Âu.

Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đóng vai trò to lớn trong việc đưa chuyến tàu trọng tải 18.000 Teus này cập thử nghiệm thành công tại cảng CMIT. Cái Mép trở thành một trong số rất ít cảng khu vực Đông Nam Á có khả năng tiếp nhận tàu kích cỡ 18.000 Teus. Chính điều này đã mang đến cơ hội đặc biệt cho sự phát triển hơn nữa của Cái Mép.

CMIT là một trong 11 cảng biển của Vinalines và là cảng chủ lực tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Việc tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk có sức chở lên đến trên 18.000 Teus đã đánh dấu sự thành công trong chiến lược tập trung phát triển các cảng trung chuyển quốc tế của Vinalines trong giai đoạn đến năm 2020, sau giai đoạn tái cơ cấu hết sức hiệu quả của doanh nghiệp.

Vinalines phấn đấu trở thành doanh nghiệp chủ đạo của nhà nước trong lĩnh vực khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải của Việt Nam, nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong hoạt động logistics trên nền tảng cung ứng dịch vụ “door to door”, từng bước hình thành dịch vụ “chuỗi cung ứng toàn cầu/supply chain” với chất lượng tốt nhất.

Thiện Anh
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

Xăng RON 92 tăng mạnh hơn 500 đồng/lít

(HQ Online)- Sau 3 lần giữ giá, giá xăng RON 92 chính thức tăng 504 đồng/lít từ 15h ngày 18/2 lên  mức 18.098 đồng/lít.

Giá xăng RON 92 tăng 504 đồng/lít. Ảnh: Hữu Linh.

Bộ Công Thương chiều 18/2 đã phát đi thông tin điều hành giá xăng dầu theo đúng chu kỳ 15 ngày, theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xáng dầu.

Theo đó, giá xăng dầu đồng loạt tăng từ 15h với mức tăng cao nhất là xăng RON 92, 504 đồng/lít, tiếp đến là xăng E5 với mức tăng 496 đồng/lít.

Giá các loại dầu cũng tăng 283 đồng/lít với dàu diesel, 238 đồng/lít với dầu hỏa và 117 đồng/kg với dầu mazut.

Sau khi tăng giá, giá các loại xăng dầu bán trên thị trường không cao hơn 18.098 đồng/lít với xăng RON 92, xăng E5 là 17.818 đồng/lít, dầu diesel là 14.305 đồng/lít, dầu hỏa là 12.758 đồng/lít và dầu mazut là 11.323 đồng/kg.

Bộ Công Thương cũng quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng như sau: Xăng khoáng và xăng E5 là 300 đồng/lít.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 18/2 là: 68,065 USD/thùng xăng RON 92; 66,574 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 66,105 USD/thùng dầu hỏa; 322,682 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S, có tăng so với kỳ điều chỉnh trước.

Như vậy, đây là lần tăng giá xăng đầu tiên của năm 2017 sau 3 lần giữ giá.

Phan Thu

Thống nhất thực hiện thu lệ phí hải quan

(HQ Online)- Trước vướng mắc của hải quan địa phương về vấn đề thu, nộp phí và lệ phí hải quan, Tổng cục Hải quan vừa có công văn hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện mức thu, chế độ thu, nộp phí hải quan, lệ phí hàng hóa, phương tiện quá quá cảnh theo Thông tư 274/2016/TT-BTC.

Người nộp phí, lệ phí có thể nộp từng lần hoặc nộp theo tháng theo quy định như trước đây. Ảnh: T.Trang.

Mức thu và đối tượng áp dụng

Tờ khai XNK tại chỗ thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định cũ, từ 1/1/2017 sẽ phải nộp phí hải quan là 20.000 đồng/tờ khai.

Đối với đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phí đối với hàng, phương tiện quá cảnh, đồng thời lệ phí quá cảnh đối với phương tiện vận tải sẽ được áp dụng theo đầu phương tiện vận tải (quy định cũ áp dụng theo tờ khai), với mức cụ thể như sau:

Phí hải quan đăng ký tờ khai 20.000 đồng/tờ khai

Phí hải quan kiểm tra giám sát, hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: 200.000 đồng/01 đơn.

Lệ phí quá cảnh đối với hàng hóa: 200.000 đồng/tờ khai.

Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (gồm: ô tô, đầu kéo, máy kéo): 200.000 đồng/phương tiện.

Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường thủy (gồm:tàu, ca nô, đầu kéo, xà lan): 500.000 đồng/phương tiện.

Phí hải quan 50USD/chuyến bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam.

Các trường hợp miễn thu phí, lệ phí

Miễn thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh trong các trường hợp sau đây:

Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cá nhân (được miễn thuế trong định mức theo quy định); quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy chế miễn trừ ngoại giao; hành lý mang theo người; hàng bưu phẩm, bưu kiện được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hàng hóa XK, NK gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá từ 1.000.000 đồng Việt Nam trở xuống hoặc có số tiền thuế (các khoản thuế theo quy định) phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam.

Hàng hóa XK, NK có trị giá hải quan dưới 500.000 đồng hoặc có tổng số tiền thuế (các khoản thuế theo quy định) phải nộp dưới mức 50.000 đồng cho một lần XK, NK.

Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới trong định mức theo quy định.

Phương tiện vận tải thường xuyên qua lại biên giới được quản lý theo phương thức mở sổ theo dõi, không quản lý bằng tờ khai.

Hàng hóa, phương tiện quá cảnh được miễn theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc cam kết của Chính phủ Việt Nam.

Thu phí, lệ phí hải quan

Cơ quan Hải quan thực hiện thu phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư 274/2016/TT-BTC.

Đối với phí hải quan kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ nộp đơn đề nghị cơ quan Hải quan áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK có dâu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nộp phí hải quan tại đơn vị nộp đơn.

Đơn vị được ủy nhiệm thu lệ phí hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 274/2016/TT-BTC. Các cảng vụ hàng không Việt Nam thực hiện kê khai, thu, nộp phí hải quan theo quy định tại Thông tư 194/2016/TT-BTC.

Cách thức nộp phí

Người nộp phí, lệ phí có thể nộp từng lần hoặc nộp theo tháng theo quy định như trước đây. Tuy nhiên, muốn nộp theo tháng người nộp phí phải đăng ký với tổ chức thu phí về việc nộp phí theo tháng.

Người nộp phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí tiền mặt trực tiếp chơ cơ quan hải quan hoặc chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan mở tại Kho bạc nhà nước hoặc tài khoản của tổ chức được ủy nhiệm thu tại ngân hàng thương mại.

Các trường hợp chỉ thu phí 1 lần bao gồm: Hàng tạm nhập tái, xuất hoặc tạm xuất, tái nhập chỉ thu phí, lệ phí chỉ một lần khi làm thủ tục NK hoặc XK; Hàng gửi kho ngoại quan chỉ thu phí làm thủ tục Hải quan một lần khi làm thủ tục nhập kho, khi xuất kho không thu. Đối với hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh chỉ thực hiện thu lệ phí tờ khai một lần khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu nhập, không thu lệ phí khi làm thủ tục xuất cảnh.

Thu Trang