LỘ DIỆN 4 NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU 10 TỶ USD

(HQ Online)- Máy tính, điện thoại hay máy móc thiết bị tiếp tục là những nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất cả nước trong năm 2017, trong đó những mặt hàng liên quan đến lĩnh vực điện tử (máy tính, điện thoại) có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Biểu đồ trị giá kim ngạch năm 2016 và 2017 của 4 nhóm hàng nhập khẩu 10 tỷ USD. Biểu đồ: T.Bình.

So với năm 2016, số lượng nhóm hàng đạt trị giá 10 tỷ USD năm 2017 vẫn dừng ở con số 4 theo ước tính vừa được Tổng cục Hải quan công bố. 4 nhóm hàng nhập khẩu 10 tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải.

Nhưng đáng chú ý, vị trí các nhóm hàng có sự thay đổi khi máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trở thành nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất cả nước.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt gần 99 tỷ USD, 4 nhóm hàng kể trên chiếm gần 46,8% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong năm 2017.

Kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện năm 2017 ước đạt 37,5 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm trước và trở thành nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất. Ảnh: T.Bình.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng bị rơi xuống vị trí thứ 2 với trị giá kim ngạch ước đạt 33,64 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.
Đang là một trong những quốc gia xuất khẩu điện thoại hàng đầu thế giới nhưng trong năm 2017 nước ta cũng chi đến 16,18 tỷ USD nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện, tăng tới 53,2% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.
Ngành công nghiệp dệt may nước ta vẫn đang bị phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong đó vải là nguyên liệu nhập khẩu lớn nhất. Năm 2017, trị giá kim ngạch nhập khẩu mặt hàng vải ước đạt 11,45 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.

 

Thái Bình

LẦN ĐẦU TIÊN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CÙNG ĐẠT TRÊN 200 TỶ USD

(HQ Online)- Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, lần đầu tiên tổng trị giá kim ngạch xuất khẩunhập khẩu của cả nước cùng đạt mức trên 200 tỷ USD.
Xuất khẩu, Nhập khẩu, kim ngạch
Hàng hóa XNK tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/12, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 204 tỷ USD, trong khi đó tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt gần 201,3 tỷ USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 36 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng gần 21,5%; ở chiều nhập khẩu, con số tăng thêm cũng rất ấn tượng đạt khoảng 35 tỷ USD, tăng gần 21,3%.

Một số thay đổi đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện thoại và máy tính.

So với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng thêm 10 tỷ USD, đạt trị giá kim ngạch 43,19 tỷ USD là nhóm hàng có con số tuyệt đối tăng thêm nhiều nhất và cũng là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng, mặt hàng máy tính là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng lớn nhất với mức tăng 38%, đạt trị giá kim ngạch 24,87 tỷ USD và vượt dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 cả nước (dệt máy đứng thứ 3 với 24,744 tỷ USD). Đây là điều gây không ít ngạc nhiên vì cùng kỳ năm ngoái, khoảng cách giữa 2 nhóm hàng này còn rất lớn lên đến hơn 4,5 tỷ USD.

Ngoài 3 nhóm hàng trên, hoạt động xuất khẩu đến 15/12 cũng ghi nhận thông tin đáng chú ý khác khi hàng loạt nhóm hàng chủ lực có kim ngạch vượt kết quả của cả năm 2016 như thủy sản đạt 7,955 tỷ USD, vượt cả năm ngoái hơn 900 triệu USD; rau quả đạt 3,346 tỷ USD, vượt gần 890 triệu USD; hạt điều đạt 3,363 tỷ USD vượt hơn 500 triệu USD…

Như vậy, dù chưa kết thúc năm nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định năm 2017 nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước đã thiết lập được những kỷ lục mới ấn tượng về trị giá kim ngạch.

Với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đến 15/12 đạt 405,3 tỷ USD và trị giá trung bình đạt trên dưới 20 tỷ USD/nửa tháng, nhiều khả năng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu năm 2017 sẽ vượt 420 tỷ USD.

Thái Bình

PHÍ DEMURAGE – DETENTION – STORAGE CHO HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU (CONTAINER)

Hiện nay, việc vận tải bằng container đóng vai trò rất là quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế. Song song với lợi ích đó, Việc phát sinh các khoản phí mà Các hãng tàu và các cảng phụ thu thêm từ khách hàng cũng rất nhiều, ví dụ như:
CIC (EIC, CIS,…) – phí mất cân bằng container;
phí vệ sinh container;
phí hàng nặng;
Phí DEM – Phí phạt lưu container hàng quá lâu ngoài cảng (bãi);
phí DET – phí phạt chiếm dụng vỏ container của hãng tàu quá lâu;
Phí STORAGE – phí phạt lưu container tại bãi của cảng…

Vậy, Trong bài viết này Trung tâm Đào tạo Nguồn Nhân Lực Logistics Thành Đạt sẽ trình bày 03 loại PHÍ DEMURAGE – DETENTION – STORAGE là gì và cách tính ra sao để các bạn cùng tìm hiểu nhé.

1. DEM, DET, STORAGE là gì

A. Phí DEM: DEMURAGE – Phí phạt lưu conainer hàng hóa tại cảng (Hãng tàu sẽ thu của chủ hàng), Phí này Hãng tàu sẽ thu khi khách hàng lưu container hàng của mình tại cảng quá thời gian FREE mà hãng tàu cho khách hàng hưởng ưu đãi.

PHÍ DEMURAGE - DETENTION - STORAGE CHO HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU (CONTAINER)

B. Phí DET: DETENTION – Phí phạt chiếm dụng vỏ container của hãng tàu quá lâu (Hãng tàu sẽ thu từ chủ hàng), Phí này hãng tàu sẽ thu nếu chủ hàng lấy vỏ container ra khỏi bãi của hãng tàu quá thời gian FREE mà hãng tàu cho khách hàng hưởng ưu đãi.

PHÍ DEMURAGE - DETENTION - STORAGE CHO HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU (CONTAINER)

C. Phí STORAGE – Phí này là phí lưu container tại bãi của cảng, Cảng sẽ thu phí này (có thể thu trực tiếp từ chủ hàng hoặc thu thông qua hãng tàu), Phí này cảng cũng thu nếu như việc lưu container tại bãi của cảng quá lâu.

PHÍ DEMURAGE - DETENTION - STORAGE CHO HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU (CONTAINER)

PHÍ DEMURAGE - DETENTION - STORAGE CHO HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU (CONTAINER)

2. DEM, DET, STORAGE ĐỐI VÓI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU (CONTAINER)

Chúng ta đi xét ví dụ sau:

Một khách hàng BOOKING 50 container 20ft-DC đi Châu Âu nhận vỏ container tại Bãi ở ICD Transimex và hạ container có hàng tại Cảng Cát Lái. Trên BOOKING CONFIRMATION có ghi: Lấy vỏ container trước ngày 25/10 và hạ bãi trước ngày 31/10. Chủ hàng theo BOOKING nhận vỏ container ngày 12/10 để về đóng hàng hóa và giao container có hàng hạ bãi và vào sổ tàu ngày 23/10. Hãng tàu ghi chú là: FREE DEM là 5 ngày; FREE DET là 3 ngày; cảng cho FREE STORAGE là 7 ngày.

Vậy, Khách hàng sẽ chịu những khoản phí phạt sau đây:

A. Phí DET, do khách hàng nhận vỏ container từ ngày 12/10, và được FREE 3 ngày. Do đó, khách hàng phải gửi lại container có hàng trước ngày 15/10; nếu hạ bãi từ ngày 15/10 thì khách hàng sẽ bị phạt phí DET. Theo ví dụ, khách hàng hạ ngày 23/10, tức là bị trễ 08 ngày và chịu phí DET 8 ngày của hãng tàu. (sau đó nhân với mức phí của hãng tàu – LƯU Ý phạt LŨY TIẾN)

PHÍ DETENTION mà khách hàng phải nộp là: 4D*12.0 + 4D*22.0 = 136.0 USD/cont

B. Phí DEM, hãng tàu co FREE 5 ngày, do đó, nếu khách hàng hạ bãi sau ngày 26/10 là không bị phạt phí DEM. Nhưng Khách hàng hạ container hàng hóa tại bãi ngày 23/10 (theo ví dụ đề ra) do đó bị phạt DEM là 4 ngày. Hãng tàu sẽ phạt khách hàng phí DEM là 4 ngày nhân với biểu phí của hãng tàu (LƯU Ý phí LŨY TIẾN).

PHÍ DEMURAGE mà khách hàng phải nộp là: 4D*12.0 = 48.0 USD/cont

C. Phí STORAGE, theo đề bài thì nếu khách hàng hạ bãi sau ngày 24/10 thì cảng sẽ không thu phí STORAGE (vì cảng cho FREE STORAGE 7 ngày). Nhưng theo đề bài thì khách hàng hạ bãi container hàng hóa ngày 23/10, tức là hạ sớm 2 ngày. Do đó, Cảng sẽ thu phí STORAGE của khách hàng là 2 ngày nhân với mức phí mà cảng áp dụng (LƯU Ý phí LŨY TIẾN)

PHÍ STORAGE mà khách hàng phải nộp là: 2 ngày * 34,000 = 68,000.0 VNĐ/cont

3. DEM, DET, STORAGE ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU (CONTAINER)

Chúng ta đi xét ví dụ sau:

Một khách hàng Nhập khẩu 25 container 20ft-DC từ Mỹ về Việt Nam, các container hạ tại Bãi Cát Lái. Trên ARRIVAL NOTE có ghi: Container nhập bãi là ngày 15/10, Hãng tàu thông báo cho FREE DEM 05 ngày, FREE DET 03 ngày; và giả sử cảng cho FREE STORAGE 07 ngày chẳng hạn.

Trên thực tế, ví dụ khách hàng vì lý do nào đó (kho hàng không đủ rộng, chờ bán hàng cho khách hàng trong nước, hoặc chưa hoàn thành các thủ tục,… nên lấy hàng trễ. Giả sử khách hàng lấy hàng ra khỏi cảng là ngày 2/11 và trả vỏ container ngày 10/11.

Vậy, các phí DEM, DET, STORAGE được tính như sau:

A. Phí DEM, hãng tàu cho FREE 5 ngày, do đó, nếu khách hàng lấy container ra khỏi bãi trước ngày 20/10 là không bị phạt phí DEM. Nhưng Khách hàng lấy container hàng hóa ra khỏi bãi bãi của cảng ngày 2/11 (theo ví dụ đề ra) do đó bị phạt DEM là 14 ngày. Hãng tàu sẽ phạt khách hàng phí DEM là 14 ngày nhân với biểu phí của hãng tàu (LƯU Ý phí LŨY TIẾN).

PHÍ DEMURAGE mà khách hàng phải nộp là: 4D*12.0 + 4D*22.0 + 7D*44.0 = 444.0 USD/cont

B. Phí STORAGE, theo đề bài thì nếu khách hàng lấy hàng khỏi của cảng bãi trước ngày 22/10 thì cảng sẽ không thu phí STORAGE (vì cảng cho FREE STORAGE 7 ngày). Nhưng theo đề bài thì khách hàng lấy container ra khỏi bãi hàng hóa ngày 2/11, tức là lấy trễ 11 ngày. Do đó, Cảng sẽ thu phí STORAGE của khách hàng là 11 ngày nhân với mức phí mà cảng áp dụng (LƯU Ý phí LŨY TIẾN)

PHÍ STORAGE mà khách hàng phải nộp là: 11 ngày * 34,000 = 374,000 VNĐ/cont

C. Phí DET, do khách hàng lấy container ra khỏi bãi từ ngày 2/11, và được FREE 3 ngày. Do đó, khách hàng phải gửi trả lại vỏ container trước ngày 5/11; nếu trả vỏ container từ ngày 5/11 thì khách hàng sẽ bị phạt phí DET. Theo ví dụ, khách hàng trả vỏ container ngày 10/11, tức là bị trễ 05 ngày và chịu phí DET 5 ngày của hãng tàu. (sau đó nhân với mức phí của hãng tàu – LƯU Ý phạt LŨY TIẾN)

PHÍ DETENTION mà khách hàng phải nộp là: 4D*12.0 + 1D*22.0 = 70.0 USD/cont

THS. MAI VĂN THÀNH – https://tdgroup.edu.vn/

BIỂU THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI MỚI ÁP DỤNG TỪ 1/1/2018

(HQ Online)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

thuế
Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Ảnh: Internet

Trong đó, ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục I – Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục III – Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng; Phụ lục IV – Danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho từng nhóm mặt hàng, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu.

Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng có số thứ tự (STT) 211 tại Biểu thuế xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan kê khai tên hàng và mã hàng của mặt hàng đó theo mã hàng 8 chữ số tương ứng với mã hàng 8 chữ số của mặt hàng đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm có STT 211 là các mặt hàng đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện:

Thứ nhất là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không thuộc các nhóm có STT từ 1-210 tại Biểu thuế xuất khẩu.

Thứ hai là có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Việc xác định tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thực hiện theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Thuế nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng.

Cụ thể, xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 (ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02: xe có động cơ chở 10 người trở lên, kể cả lái xe), kể cả ô tô chở người có khoang hành lý chung và ô tô đua) áp dụng mức thuế tuyệt đối.

Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh trên 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 và xe ô tô chở người từ 10-15 chô ngồi, kể cả lái xe thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế hỗn hợp.

Xe ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên (kể cả lái xe) thuộc nhóm hàng 87.02 và xe có động cơ dùng để chở hàng hóa có khối lượng toàn bộ theo thiết kế không quá 5 tấn, thuộc nhóm hàng 87.04: xe có động cơ dùng để chở hàng (trừ ô tô đông lạnh, ô tô thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, ô tô xi téc, ô tô bọc thép để chở hàng hóa có giá trị; ô tô chở xi măng kiểu bồn và ô tô chở bùn có thùng rời nâng hạ được) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.

Các loại xe ô tô khác thuộc các nhóm hàng 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng mức thuế suất bằng 1,5 lần so với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô mới cùng chủng loại thuộc cùng nhóm hàng.

Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2018.

Hương Dịu
Bao Cong thuong

HOA KỲ CHÍNH THỨC NHẬP KHẨU TRÁI VÚ SỮA CỦA VIỆT NAM

Mới đây, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS, Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức đồng ý cho phép Việt Nam được xuất khẩu quả vú sữa vào thị trường Hoa Kỳ. Đưa Việt Nam là nước đầu tiên được phép xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ.

Trái vú sữa Việt Nam chính thức xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ với các yêu cầu về điều kiện, quy trình kiểm dịch thực vật khắt khe

Đây là kết quả sau gần 10 năm phía Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu loại quả này và được phía Hoa Kỳ xem xét thông qua về điều kiện kiểm dịch thực vật (KDTV). Như vậy đến nay, cùng với vải, nhãn, chôm chôm và thanh long, vú sữa là loại quả thứ năm của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Với các yêu cầu về điều kiện, quy trình KDTV đối với quả vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng tương tự như đối với các loại trái cây khác đã được xuất khẩu sang nước này trước đây, bao gồm việc phải có vùng trồng được cấp mã số và phải trải qua quá trình chiếu xạ trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan KDTV hai nước về bản đồ, liều lượng chiếu xạ (Bose mapping). Đối với các đối tượng dịch hại, phía Hoa Kỳ yêu cầu việc kiểm soát đối tượng dịch hại bắt buộc đối với 8 loại sâu hại, chủ yếu là các loại ruồi đục quả và rệp.

Ngoài ra, như các loại rau qua khác, trái vú sữa cũng phải đáp ứng các quy định chung về nhập khẩu rau quả vào thị trường Mỹ theo điều 319. 56- 3 của Luật về các quy định của Liên bang (CFR), trái vú sữa tươi nhập khẩu vào Mỹ còn phải đáp ứng bốn tiêu chuẩn như chỉ được nhập khẩu như hàng hóa thương mại; mỗi lô hàng xuất khẩu vú sữa tươi đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam cấp; từng lô hàng phải được xử lý đúng quy định theo mục 7 phần 305 của CFR; mỗi chuyến hàng xuất khẩu trái vú sữa tươi đều là đối tượng kiểm tra ngay khi cập cảng vào Hoa Kỳ…

Trong số 16 loại trái cây mà phía Việt Nam gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Hoa Kỳ sang Mỹ, vú sữa là một trong số những loại trái cây được các đối tác DN nhập khẩu Hoa Kỳ đánh giá rất cao về chất lượng cũng như tính đặc sản riêng mà nhiều nước không có.

Thống kê sơ bộ hiên nay diện tích trồng cây vú sữa của nước ta đạt khoảng 5.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là Tiền Giang (3.100ha), Cần Thơ (1.200ha). Năng suất trái đạt khoảng 18 – 22 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm khoảng trên 60 nghìn tấn. Tuy nhiên, vú sữa lâu nay chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa hoặc một phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và ASEAN. Việc xuất khẩu thành công trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ mở ra cơ hội lớn cho các vùng trồng chuyên canh tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. 

Thanh Thanh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

AUSTRALIA RA THÔNG BÁO MỚI VỀ QUẢN LÝ TÔM VÀ CÁC SẢN PHẨM TÔM NHẬP KHẨU

Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia vừa cho biết, ngày 7/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã đưa ra thông báo về các yêu cầu mới nhằm hỗ trợ cho các quy trình kiểm tra tăng cường đối với tôm và các sản phẩm tôm nhập khẩu.

Tôm nhập khẩu vào Australia phải đáp ứng yêu cầu mới

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia yêu cầu các lô hàng tôm và sản phẩm tôm phải giữ được nguyên vẹn niêm phong tại các kho hàng kiểm soát nhiệt độ (Class 2.5) đã được bố trí trong khi chờ kiểm tra hoặc lấy mẫu khi hàng đến Australia. Để đảm bảo các kho hàng này được trang bị đầy đủ phục vụ cho các hoạt động lấy mẫu và kiểm tra an toàn và hiệu quả thì các đối tượng liên quan đến an toàn sinh học cần tuân thủ các yêu cầu bổ sung đối với khu vực kiểm tra an toàn sinh học, đó là khu vực này cần phải có một buồng kiểm tra có diện tích tối thiểu 1m2 và cao từ 90cm – 1m; buồng kiểm tra có cường độ ánh sáng tối thiểu là 400 lux; phạm vi nhiệt độ trên -10oC.

Kể từ ngày 4/12/2017, chỉ những đối tượng liên quan đến an toàn sinh học đã được đánh giá là đáp ứng các yêu cầu bổ sung như trên, mới được nhận các lô hàng tôm và sản phẩm tôm nhập khẩu. Việc tuân thủ các yêu cầu bổ sung sẽ được đánh giá thông qua việc khảo sát thực tế theo thời gian thỏa thuận và yêu cầu từ các đối tượng liên quan đến an toàn sinh học.

Trước đó, vào ngày 9/1/2017, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland. Dù lệnh cấm này đã được dỡ bỏ từ ngày 6/7/2017 nhưng lượng tôm chưa nấu chín nhập khẩu vào Australia vẫn khiêm tốn. Nguyên nhân là bởi hiện Chính phủ Australia đã nới lỏng lệnh cấm và cho phép nhập khẩu tôm trở lại thị trường này, tuy nhiên các điều kiện nhập khẩu khắt khe hơn trước.

Việt Nam hiện là một trong 4 nhà cung cấp thủy hải sản lớn nhất cho thị trường Australia (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chỉ chiếm 11,2% thị phần nhập khẩu tại thị trường này. Trong nhóm thủy hải sản, tôm là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất. Có 8 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín vào Australia. 

Phương Lan

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

INFOGRAPHICS: NHỮNG NHÓM HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU CHÍNH 7 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam đạt 233,13 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.

 
.
Trần Ánh- M.Hùng

ĐẠT 250 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Thông tin mới nhất được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến trung tuần tháng 8 đạt khoảng 250 tỷ USD.
Cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta đều đang đạt mức tăng trưởng cao ở mức 2 con số. Trong ảnh, hoạt động XNK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
.

Trong đó, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 124 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa đạt gần 126,4 tỷ USD. Như vậy, cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2016, trong đó, xuất khẩu tăng trưởng gần 19%, trong khi nhập khẩu tăng cao hơn đạt gần 22,3%. Tuy nhiên, cán cân thương mại của nước ta vẫn đang thâm hụt khoảng 2,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực nhập khẩu có 2 nhóm hàng có trị giá kim ngạch đạt từ 20 tỷ USD trở lên là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,603 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 20,581 tỷ USD.

Các nhóm hàng nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Vải đạt 6,869 tỷ USD; sắt thép 5,631 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 4,452 tỷ USD…

Trong khi đó nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện đạt 24,258 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo là dệt may đạt 125,375 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,635 tỷ USD; giày dép đạt 8,944 tỷ USD…

Nhìn vào kết quả trên dễ dàng nhận thấy những nhóm hàng tạo nên dấu ấn cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta như điện thoại; máy tính; máy móc thiết bị… đều nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp FDI. Tính chung đến hết 15/8, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 70,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi tỉ lệ này ở lĩnh vực nhập khẩu là 60%.

Thái Bình

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI CUỐI: NÂNG CAO TÍNH TỰ ĐỘNG HÓA TRONG GIÁM SÁT HẢI QUAN

(HQ Online)- Tiếp nối loạt bài viết về Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không do Báo Hải quan thực hiện (xem từ số 88, phát hành ngày 25/7), để có thông tin tổng quát, đầy đủ, Báo Hải quan đã phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh xoay quanh các nội dung của Đề án quan trọng này.

 

Đề nghị Phó Tổng cục trưởng cho biết vì sao ngành Hải quan triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không trong thời điểm này? Việc triển khai Đề án có ý nghĩa thế nào trong tiến trình cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK theo chủ trương của Chính phủ?

Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa hải quan, trong đó ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào các khâu nghiệp vụ hải quan. Nhờ đó đã cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thay đổi phương thức hoạt động vẫn chưa được cải thiện đáng kể; sự kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với các doanh nghiệp kinh doanh cảng còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc theo dõi, quản lý hàng tại cảng của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn; thời gian lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp lâu, chi phí lưu kho bãi của hàng hóa lớn.

Để có thể nhanh chóng giảm bớt được thủ tục hành chính, thời gian giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không, giảm thời gian và chi phí cho DN, việc kết nối hệ thống CNTT theo dõi, quản lý hàng hóa của DN kinh doanh cảng, kho, bãi với hệ thống CNTT của cơ quan Hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014 để chia sẻ kịp thời và đầy đủ thông tin hàng hóa, phương tiện vận tải là yêu cầu cấp bách.

Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu quản lý như trên, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không.

Đề án này sẽ tạo ra bước đột phá mới trong công tác quản lý hải quan tại cảng biển, cảng hàng không. Thông qua hệ thống CNTT tập trung, cơ quan Hải quan sẽ trao đổi, cập nhật thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Khi được triển khai, Đề án sẽ giúp nâng cao tính tự động hóa của hệ thống giám sát hải quan trong việc hỗ trợ công tác kiểm tra, đối chiếu và đánh giá rủi ro, giám sát và kiểm soát hải quan. Đề án cũng giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xác định rõ trách nhiệm của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu, rút ngắn thời gian, chi phí làm thủ tục của người khai hải quan.

Thưa Phó Tổng cục trưởng, Đề án này không chỉ tác động đến hoạt động của cơ quan Hải quan mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị có liên quan (các cơ quan quản lý của các bộ, ngành, các DN kho bãi, cảng, hãng vận tải, đại lý hãng tàu…). Vậy, nhiệm vụ đặt ra cho từng cơ quan liên quan là gì?

Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không với việc áp dụng hệ thống CNTT tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai Đề án này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đối tượng, đơn vị liên quan như: Hải quan, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Về phía cơ quan Hải quan, để xây dựng yêu cầu bài toán, quy trình nghiệp vụ và các yêu cầu kỹ thuật, Tổng cục Hải quan đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực tế công tác quản lý, quy trình nghiệp vụ tại cảng biển, sân bay tại hai địa bàn Thành phố Hải Phòng và Hà Nội. Đồng thời tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị nghiệp vụ thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan cũng như các hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và các đơn vị có liên quan đối với Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, sân bay, kho bãi. Ngày 21/6/2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch 4098/KH-TCHQ về việc chuẩn bị triển khai Đề án, trong đó yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố liên quan cụ thể các công việc gồm: Thành lập ban triển khai, rà soát hạ tầng kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch triển khai. Tổng cục Hải quan cũng sẽ tổ chức các đợt tập huấn cho các bộ, công chức hải quan trước khi triển khai Đề án. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi và các đơn vị có liên quan nhanh chóng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh, không để xáo trộn hay làm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan khi triển khai Đề án này.

Đối với các doanh nghiệp, liên quan đến nhiều đối tượng, trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, bên cạnh việc phối hợp với cơ quan Hải quan trong xây dựng quy trình thực hiện, yêu cầu bài toán, các doanh nghiệp cần rà soát nâng cấp, xây dựng hệ thống CNTT để có thể kết nối với Hệ thống của cơ quan Hải quan thực hiện việc trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong quá trình triển khai.

Liên quan đến các hãng tàu, các đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận: Cần khai báo đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến manifest, vận đơn thông qua Cơ chế một cửa quốc gia để đảm bảo nguồn thông tin cho việc quản lý rủi ro, cấp số định danh hàng hóa, quản lý đối chiếu thông tin trước khi hàng đến.

Trong khi đó, đối tác xây dựng hệ thống phần mềm đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan để thiết kế, xây dựng hệ thống và tiếp thu ý kiến của các đơn vị Hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh cảng và các đối tượng có liên quan để tiếp tục hoàn thiện Hệ thống phần mềm, đảm bảo triển khai Hệ thống đúng kế hoạch đề ra.

Về phía các bộ, ngành liên quan đến quá trình giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không, theo lộ trình và phạm vi triển khai sẽ kết nối trao đổi thông tin, phối hợp với cơ quan Hải quan trong giám sát, quản lý hàng hóa tại cảng. Trong đó, tập trung vào một số nội dụng cụ thể như: Phối hợp trong kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng…); quản lý số định danh hàng hóa liên thông giữa các khâu quản lý, giám sát và làm thủ tục hải quan với thực hiện thủ tục cấp phép và kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành.

Bãi chứa container của cảng Đình Vũ

Thưa Phó Tổng cục trưởng, qua thực tế công tác chuẩn bị tại địa bàn Hải Phòng, Báo Hải quan ghi nhận phản ánh của một số DN kinh doanh cảng về vướng mắc liên quan đến sự cố về máy chủ của cơ quan Hải quan, đường truyền kết nối với máy chủ cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan vẫn có tình trạng quá tải; hay chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm quản lý, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại doanh nghiệp cảng… Tổng cục Hải quan có hướng giải quyết các vướng mắc này như thế nào?

Để xử lý các vướng mắc, Tổng cục Hải quan đã lên phương án ở cả khâu chuẩn bị và khi tổ chức triển khai.

Ở khâu chuẩn bị triển khai, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi xây dựng và kiểm thử để hoàn thiện hệ thống phần mềm. Trong đó, những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp đã được cơ quan Hải quan ghi nhận và đưa ra giải pháp để xử lý.

Mặt khác, trong Kế hoạch 4098/KH-TCHQ, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố liên quan chủ động rà soát và yêu cầu các chi cục đánh giá hiện trạng, mức độ sẵn sàng của hạ tầng CNTT của cơ quan Hải quan tại các địa điểm dự kiến triển khai (máy tính, mạng, đường truyền…), đề xuất các nội dung cần nâng cấp; báo cáo kết quả rà soát về Tổng cục Hải quan để có phương án nâng cấp hạ tầng đáp ứng cho yêu cầu triển khai.

Về mặt hệ thống phần mềm, trên cơ sở yêu cầu bài toán, quy trình nghiệp vụ, yêu cầu kỹ thuật đã thống nhất, Tổng cục Hải quan đã và đang hoàn thiện các chức năng hệ thống quản lý hải quan, thiết lập hạ tầng CNTT cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi xây dựng phần mềm, kiểm tra, kết nối với hệ thống của cơ quan Hải quan.

Về mặt pháp lý, các nội dung quy định pháp lý cho việc triển khai Đề án đã được rà soát, sửa đổi và đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC và Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn thực hiện cụ thể trước khi triển khai Đề án.

Như vậy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Tổng cục Hải quan cả về hạ tầng kỹ thuật cũng như cơ sở pháp lý sẽ đảm bảo sẵn sàng cho việc triển khai Đề án và hạn chế tối đa những tồn tại, vướng mắc và sự cố phát sinh trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, Tổng cục Hải quan cũng đã thiết lập các phương án dự phòng đối với trường hợp gặp sự cố liên quan đến hạ tầng như đường truyền, máy chủ…

Về nguồn lực, Bộ phận hỗ trợ (Helpdesk) của Tổng cục Hải quan sẽ hỗ trợ liên tục các doanh nghiệp và công chức hải quan trong suốt quá trình triển khai, đặc biệt ở giai đoạn đầu.

Các hướng dẫn trong trường hợp gặp sự cố hệ thống, đường truyền… đã được đưa vào các quy định trong các dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC và các văn bản liên quan.

Thực tế triển khai thí điểm trước đây với hàng hóa container tại khu vực cảng biển Hải Phòng cho thấy, giai đoạn đầu thực hiện vẫn tiếp tục phát sinh các vướng mắc đột xuất, có tính chất tình huống, Tổng cục Hải quan đã có phương án xử lý thế nào với các tình huống tượng tự (có thể xảy ra) khi triển khai Đề án về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không, thưa Phó Tổng cục trưởng?

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Điều 41 Luật Hải quan trước đây, đặc biệt có nhiều vướng mắc đột xuất, có tính chất tình huống chưa được lường trước, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ các phương án và giải pháp.

Trong đó, công tác chuẩn bị được tiến hành kỹ lưỡng như: Phân tích sâu và đầy đủ yêu cầu bài toán làm cơ sở xây dựng hệ thống; ban hành kế hoạch để chuẩn bị triển khai một cách đồng bộ (Kế hoạch số 4098/KH-TCHQ); hoàn thiện, nâng cấp hệ thống và hạ tầng CNTT; hoàn thiện cơ sở pháp lý; tổ chức đào tạo, tuyên truyền.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng tổ chức triển khai một cách thận trọng và có lộ trình phù hợp. Theo đó sẽ triển khai thí điểm trước tại Hải Phòng, Hà Nội sau đó triển khai mở rộng tại các đơn vị có cảng biển, cảng hàng không trọng điểm và mở rộng ra cả nước

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng các phương án, kịch bản xử lý các vướng mắc, tình huống phát sinh như: Tổ chức bộ phận hỗ trợ triển khai (cấp Tổng cục và các Cục Hải quan) để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh, đặc biệt trong giai đoạn đầu thực hiện; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp XNK, các hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi trong việc khai báo, cung cấp, trao đổi thông tin; có cơ chế phối hợp giữa Hải quan và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện cũng như xử lý các vướng mắc phát sinh; lập bộ phận tiếp nhận và giải đáp vướng mắc (Helpdesk)…

Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Sẵn sàng kết nối ở cảng biển lớn nhất miền Bắc hôm nay, 15/8

Ngày 14/8, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện lãnh đạo Phòng Kế hoạch và Thống kê (Công ty CP cảng Hải Phòng) cho biết, đơn vị đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện kết nối hệ thống CNTT với cơ quan Hải quan để giám sát hàng hóa XNK tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng (thuộc Công ty CP cảng Hải Phòng) vào ngày mai (15/8) theo đúng kế hoạch đặt ra trong Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không.

Đại diện doanh nghiệp cho biết thêm, việc tổ chức kết nối lần này cả cơ quan Hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, nhà thầu cung cấp phần mềm đều có sự chuẩn bị rất tốt và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ khâu nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật, bố trí nhân lực, tổ chức đào tạo, tập huấn…

“Hiện nay cảng Tân Vũ là cảng lớn nhất địa bàn Hải Phòng và cả khu vực miền Bắc với lưu lượng hàng hóa XNK lớn, đa dạng về loại hình, nếu thực hiện thành công ở địa bàn này sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công Đề án ở các khu vực còn lại trên địa bàn”- lãnh đạo Phòng Kế hoạch và Thống kê (Công ty CP cảng Hải Phòng) nói.

Về phía cơ quan Hải quan, Hải quan Hải Phòng cũng sẵn sàng để tổ chức kết nối với doanh nghiệp cảng. Đáng chú ý, các công việc quan trọng như xây dựng quy trình nghiệp vụ; hạ tầng CNTT, công tác đào tạo… đã được hoàn tất trước thời điểm triển khai chính thức.

Ngoài sự chủ động của Hải quan Hải Phòng và Công ty CP cảng Hải Phòng, các đơn vị nghiệp vụ ở Tổng cục Hải quan, nhất là Cục CNTT và Thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan… cũng luôn sát cánh để việc triển khai Đề án diễn ra thuận lợi.

Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết: Để phục vụ việc kết nối vào ngày 15/8, Cục CNTT và Thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tổ chức bộ phận xuống Hải Phòng hỗ trợ trực tiếp để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Theo lộ trình vừa được Hải quan Hải Phòng và các doanh nghiệp thống nhất, việc triển khai được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu với thời gian thực hiện 1 tuần/DN. Cụ thể, Công ty CP Cảng Hải Phòng (quản lý Chi nhánh Tân Vũ) thực hiện từ ngày 15 đến 22/8; Công ty TNHH Tiếp vận Nam Phát thực hiện từ ngày 23 đến 31/8; Công ty CP Đầu tư phát triển cảng Đình Vũ thực hiện từ ngày 5 đến 11/9.

Sau khi thực hiện đối với 3 doanh nghiệp nêu trên, Hải quan Hải Phòng tiếp tục mở rộng kết nối, phối hợp giám sát với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng khác trên địa bàn.

Thái Bình

Thái Bình- Ngọc Linh (thực hiện)

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 6: DOANH NGHIỆP ĐỒNG HÀNH VỚI KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI CỦA NGÀNH HẢI QUAN

(HQ Online)- Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không) đang được Cục Hải quan Hà Nội gấp rút hoàn thiện để triển khai chính thức vào tháng 10/2017.

Giám sát hoạt động XC, NC tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.Linh.​​​

Xuyên suốt quá trình chuẩn bị, Cục Hải quan Hà Nội, các hãng hàng không, DN kinh doanh kho bãi, cảng và các cơ quan quản lý liên quan đã hợp tác chặt chẽ. Nhờ đó, bước đầu triển khai đã có những kết quả nhất định.

Phối hợp chặt chẽ

 
Kỳ vọng vào kết quả khi triển khai chính thức hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa, ông Lê Thanh Bình-Phó Giám đốc Nhà ga hàng hóa hàng không ALS Nội Bài  cho rằng: “Đây là hệ thống điện tử nên được đánh giá trên cơ sở thông tin nhập vào hệ thống và xử lý, vì thế yêu cầu thông tin chính xác cao. Phạm vi hệ thống tính quốc gia, độ phủ lớn nên chắc chắn khi triển khai sẽ không đơn giản, nhưng với sự nỗ lực, mong muốn làm và kết quả ban đầu đạt được thì các bên sẽ vượt qua trở ngại”.
 

Việc khởi động kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không không chỉ khắc phục những bất cập, khó khăn trong kết nối, chia sẻ thông tin mà còn là bước cải cách mạnh mẽ nhằm đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi cảng hàng không và các bên liên quan, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát hải quan. Việc triển khai tất nhiên không đơn giản, bởi đây là một mô hình mới, với khối lượng công việc lớn như: khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; điều phối các hoạt động phối hợp; tuyên truyền, vận động DN tham gia; đề xuất quy trình, mô hình quản lý trên phạm vi toàn quốc. Nhưng với những kết quả bước đầu đạt được tại Cục Hải quan Hà Nội cho thấy khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan và DN thì việc triển khai sẽ đạt được như kỳ vọng.Trong giai đoạn đầu, Cục Hải quan Hà Nội đã lựa chọn, đề xuất thí điểm thực hiện Cơ chế một cửa đối với Vietnam Airlines. Từ giữa năm 2016, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, các DN kinh doanh kho hàng không và Vietnam Airlines lập nhóm chuyên gia gồm những người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực CNTT, khai thác hàng hóa… Thiết lập cơ chế đối thoại, trao đổi thông qua email, điện thoại và họp nhóm làm việc trực tiếp hai tuần/lần. Đồng thời, tổ chức khảo sát và tham khảo ý kiến của các hãng hàng không, DN cảng và các công ty dịch vụ mặt đất về quy trình khai thác hàng hóa, quy trình gửi/nhận thông tin điện tử… Đến ngày 1/1/2017, đã triển khai thực hiện thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không tại Sân bay quốc tế Nội Bài đối với Vietnam Airlines.

Song song, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Tổng cục Hải quan và các DN kinh doanh kho hàng không tại Nội Bài (ALSC, ACSV và NCTS) gấp rút hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không. Đây là một phân hệ của hệ thống một cửa hàng không có nhiệm vụ tự động tiếp nhận và xử lý, phản hồi đối với toàn bộ các thông tin về hàng hóa đường hàng không được khai thác tại cảng hàng không quốc tế.

Có hiệu quả

Là DN đã tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong việc triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không, cũng như xây dựng hệ thống giam sát hàng hóa, ông Lê Thanh Bình-Phó Giám đốc Nhà ga hàng hóa hàng không ALS Nội Bài cho rằng, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN nói chung, cho ga hàng hóa, hãng hàng không nói riêng trong việc cắt giảm thời gian và chi phí trong việc làm thủ tục thông quan đối với hàng hóa vận chuyển đường hàng không. Triển khai cơ chế này, DN kinh doanh kho hàng không là mắt xích quan trọng trong dây chuyền vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Chính vì vậy, trong thời gian qua, DN đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của cơ quan Hải quan trong việc chuẩn bị hạ tầng kết nối. Ngay khi có kế hoạch triển khai của Cục Hải quan Hà Nội, DN đã bố trí cán bộ để cùng hợp tác với cơ quan Hải quan khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai, chuẩn bị cơ sở hạ tầng CNTT.

Sau một thời gian chuẩn bị hoàn thiện hệ thống hạ tầng chuẩn dữ liệu, CNTT, giữa tháng 6/2017, DN đã kết nối thông suốt hai chiều từ kho hàng không đến cổng một cửa và ngược lại. Theo kết quả ban đầu triển khai, hệ thống một cửa quốc gia rút ngắn nhiều thời gian và các bước làm thủ tục cho DN. Nếu như trước đây phải đi qua ba khâu thủ tục để xuất hàng ra khỏi kho hàng không thì khi triển khai chỉ cần qua một cửa duy nhất, nếu điều kiện đầy đủ thì hàng đã xuất khỏi kho hàng không. Qua đó sẽ tiết kiệm thời gian nộp giấy tờ thủ tục, di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm kia. “Đặc biệt việc cung cấp thông tin trước về hàng hóa giúp cơ quan Hải quan đủ thời gian đánh giá các vấn đề về mặt nghiệp vụ để đưa ra được quyết định nhanh là hàng hóa này được đối xử như thế nào. Các bên đều được hưởng lợi vì hàng hóa được ra quyết định từ trước khi làm các thủ tục đưa hàng ra khỏi kho”- Ông Bình nói.

Mặc dù ủng hộ kế hoạch cải cách của ngành Hải quan nhưng DN cũng mong muốn cơ quan Hải quan làm rõ những vấn đề còn băn khoăn. Chẳng hạn, đại diện Hãng hàng không Thái cho rằng, cần cân nhắc khung thời gian chuyển thông tin đến cơ quan Hải quan. Một số chỉ tiêu thông tin như số ghế của hành khách, số lượng thành viên tổ bay chỉ nên yêu cầu cung cấp nếu có thay vì “bắt buộc” như dự kiến trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu bay XC, NK, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia vì: Số ghế của hành khách có thể chỉ chắc chắn có khi họ làm thủ tục check-in; không phải hãng hàng không nào cũng cập nhật số lượng và tên các thành viên tổ bay trong dữ liệu đặt chỗ trước…

Giải đáp về thắc mắc của DN, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã quy định rõ thời điểm cung cấp thông tin, cụ thể đối với chuyến bay ngắn quy định hãng hàng không cung cấp thông tin (danh sách hành khách, hàng hóa, thông tin phi hành đoàn, hành lý ký gửi) trước 30 phút trước khi hạ cánh. Như vậy, thời gian đó đủ cho hãng hàng không gửi thông tin đến cơ quan Hải quan, dù chuyến bay ngắn.

Trên cơ sở kết quả chạy thử kết nối hệ thống giữa Hải quan và DN kho trong thời gian vừa qua, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, kinh nghiệm để triển khai thành công dự án này là các DN, hãng hàng không, công ty giao nhận phải nắm được, hiểu được hệ thống thì khi tham gia vào khai thác, sử dụng sẽ thuận lợi. Để đáp ứng lộ trình triển khai theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan (tháng 10/2017), trong thời gian này, Cục Hải quan Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống; song song tổ chức tập huấn, hướng dẫn đối với các đối tượng có liên quan bao gồm cả các bộ, ngành và các đối tượng làm thủ tục XNK liên quan đến hàng hóa, hành lý để thống nhất, hiểu đúng khi triển khai áp dụng không xảy ra sai xót.

Yêu cầu cung cấp thông tin trước chuyến bay

Theo Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội) Đặng Hoàng Điệp: Trong thời gian qua do chưa có hệ thống kết nối với các hãng hàng không nên việc cung cấp thông tin hàng hóa chưa thực hiện được trước, chỉ thực hiện khi tàu bay hạ cảng mới được xuất trình cho hải quan. Thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước chậm nên chưa đủ thông tin để phân tích, từ đó đưa ra biện pháp quản lý cho từng đối tượng, dẫn đến có các lô hàng thông quan chậm. Chính vì vậy, cần phải có thông tin trước để phân tích đối tượng, đưa ra các đối tượng cần quản lý, đối tượng qua đánh giá rủi ro tuân thủ tốt pháp luật có thể được thông quan sớm hơn, có thể ngay khi máy bay vừa hạ cánh, vào kho là có thể thông quan ngay.

Ngọc Linh