THÁO “NÚT THẮT” KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH LĨNH VỰC GIAO THÔNG

(HQ Online)- Thời gian vừa qua, dù Bộ Giao thông vận tải đã thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm, nhưng vẫn còn những chồng chéo trong công tác kiểm tra chuyên ngành giữa Bộ Giao thông vận tải với các bộ khác.

Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra ô tô NK. Ảnh: hỒng nụ.

Không nhiều nhưng còn chồng chéo

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tính đến nay, số lượng các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải là 160 mặt hàng, trong đó có 107 mặt hàng đã được công nhận, thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành; 35 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, 125 mặt hàng kiểm tra sau thông quan.

Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã thừa nhận các kết quả, kiểm tra, thử nghiệm chứng nhận của EU, G7, các thỏa thuận hợp tác, thay thế lẫn nhau giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam với các tổ chức đăng kiểm tàu thủy quốc tế (duy trì thỏa thuận thay thế lẫn nhau với 21 tổ chức đăng kiểm tàu thủy hàng đầu thế giới) và Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải không nhiều nhưng vẫn còn sự chồng chéo trong công tác này của Bộ Giao thông vận tải với các bộ khác. Cụ thể, mặt hàng máy kéo nông nghiệp phải kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Giao thông vận tải (tại Thông tư 89/2015/TT-BGTVT) và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Thông tư 50/2010/TT-BNNPTNT). Và mặt hàng xe gắn máy phân khối từ 175 cm3 trở lên vừa phải kiểm tra chất lượng theo Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải vừa phải xin cấp Giấy phép tự động theo Thông tư số 06/2007/TT-BTM của Bộ Công Thương.

Đáng chú ý, tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước kèm mã số HS đã quy định nhiều mặt hàng khi nhập vừa phải chứng nhận hợp quy vừa phải công bố hợp quy trước thông quan như ô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe ô tô chuyên dùng, xe máy chuyên dùng…; quy định một số mặt hàng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan theo quy định tại các văn bản của Bộ Giao thông vận tải (như Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT đối với xe đạp điện; Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT đối với xe mô tô, xe gắn máy; Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT đối với xe máy chuyên dùng…).

Như vậy, theo các quy định trên thì các mặt hàng này khi nhập khẩu phải chịu nhiều hình thức quản lý/kiểm tra trước khi thông quan và khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp phải xuất trình/nộp cho cơ quan Hải quan các chứng từ: bản công bố hợp quy, Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng.

Cũng theo Thông tư 39 của Bộ Giao thông vận tải, mặt hàng xe nâng (mã số HS là 8427) phải chứng nhận và công bố hợp quy trước khi thông quan đồng thời cũng quy định mặt hàng xe nâng (xe nâng hạ xếp tầng hàng bằng cơ cấu càng nâng) có cùng mã số HS là 8427 phải chứng nhận và công bố hợp quy sau khi thông quan. Việc quy định không thống nhất như vậy gây khó khăn cho cả Hải quan và doanh nghiệp khi thực hiện để phân biệt được loại xe nâng nào phải chứng nhận và công bố hợp quy trước khi thông quan.

Rà soát lại các quy định về kiểm tra chuyên ngành

Trước thực trạng trên, Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát những mặt hàng còn chồng chéo chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra tại thời điểm thông quan để thống nhất biện pháp quản lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại công văn số 5621/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện quản lý theo hướng giảm danh mục phải kiểm tra tại khâu thông quan ít nhất có thể, chuyển sang hậu kiểm, giảm hình thức quản lý, kiểm tra tại khâu thông quan, đồng thời làm rõ cơ quan Hải quan không phải kiểm tra Giấy chứng nhận hợp quy trong quá trình thông quan hàng hóa. Bộ Giao thông vận tải cũng cần hướng dẫn rõ hình thức quản lý đối với từng loại xe nâng để cơ quan Hải quan và doanh nghiệp áp dụng và thực hiện thuận lợi, thống nhất.

Bên cạnh đó, để thống nhất mã số hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phù hợp với Danh mục AHTN 2017 (xây dựng trên cơ sở HS 2017 của Tổ chức Hải quan thế giới WCO) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Cục Giám sát quản lý về Hải quan kiến nghị, đối với các văn bản chưa công bố Danh mục chuyên ngành hoặc đã ban hành Danh mục chuyên ngành nhưng chưa kèm theo mã số HS đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ động xây dựng Danh mục và phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để thống nhất mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017.

Đối với các Danh mục chuyên ngành đã có mã số HS dựa trên Danh mục AHTN 2012 (theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC), đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ động rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để chuyển đổi và thống nhất mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017.

Cho ý kiến về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần áp dụng mạnh mẽ hình thức kiểm tra chuyên ngành chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phương thức quản lý rủi ro, đánh giá sự tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp nào làm tốt cần tạo điều kiện cho họ, áp dụng công nhận lẫn nhau của các nước tiên tiến.

Xuân Thảo

MÃ HÓA CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ, KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH: CHÌA KHÓA ĐỒNG BỘ VNACCS VÀ MỘT CỬA QUỐC GIA

(HQ Online)- Mã hóa các chứng từ kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và quản lý chuyên ngành là yêu cầu quan trọng nhằm thực hiện tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK thuộc diện quản lý chuyên ngành và KTCN, đồng thời để đồng bộ việc trao đổi thông tin giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia và Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh.

Để phục vụ yêu cầu này, Tổng cục Hải quan tổ chức đợt rà soát tập trung (từ ngày 7 đến 10/6) các thủ tục hành chính (TTHC) về chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Ngô Minh Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, công tác rà soát văn bản về quản lý và KTCN đã được Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện. Đặc biệt là từ khi triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN và các Nghị quyết 19 trong 4 năm qua. Có thể thấy, công tác rà soát TTHC về chính sách quản lý với hàng hóa XNK có vai trò quan trọng trong cải cách hành chính. Qua rà soát, cơ quan Hải quan đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan sửa đổi nhiều TTHC theo hướng đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, thông quan hàng hóa. Theo ông Ngô Minh Hải, việc rà soát nhằm mã hóa các chứng từ KTCN và quản lý chuyên ngành là việc không thể không có để phục vụ khai báo hải quan điện tử.

Trong đợt rà soát lần này, Tổng cục Hải quan và cục hải quan các tỉnh, thành phố đặt ra yêu cầu phải rà soát toàn bộ TTHC về chính sách quản lý của các bộ, ngành đối với hàng hóa XNK, bao gồm 270 TTHC/chính sách quản lý. Trong đó gồm: Giấy phép NK, giấy phép XK; thông báo đạt/miễn kiểm tra chất lượng/an toàn thực phẩm/kiểm dịch…. Cơ quan Hải quan cũng rà soát cả các loại giấy tờ/chứng từ yêu cầu cần cung cấp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan mà không phải là kết quả TTHC của bộ, ngành (hay nói cách khác là các điều kiện để NK hàng hóa). Ví dụ như: Giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp…

Đối với mỗi TTHC/chính sách quản lý, cần rà soát xem đã đúng, đủ chưa về các nội dung như: Cơ quan ban hành văn bản quy định về chính sách quản lý; loại chính sách quản lý (cấm, giấy phép, giấy phép tự động, hạn ngạch, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm…); TTHC; kết quả TTHC; hiệu lực của kết quả TTHC; đối tượng loại trừ; căn cứ pháp lý; Danh mục hàng hóa áp dụng; thời điểm xuất trình/nộp chứng từ…

Với khối lượng danh mục TTHC quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK lớn, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng đặt ra những nội dung dự kiến sẽ gây khó khăn rất lớn khi rà soát, chẳng hạn như Danh mục hàng hóa áp dụng. Do các bộ, ngành ban hành văn bản không có sự thống nhất, có những văn bản không kèm theo danh mục, có văn bản thì đưa ra danh mục nhưng chỉ điều chỉnh đối với một mặt hàng hoặc một vài mặt hàng, hay thậm chí có những danh mục mặt hàng như thức ăn chăn nuôi thì lại nằm trong hàng loạt văn bản khác nhau… Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải rà soát toàn bộ danh mục mặt hàng đó.

Từ kết quả đợt rà soát, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng danh mục thủ TTHC quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK chi tiết nhất có thể, để phục vụ việc áp mã và mã hóa trên hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan cũng như là đồng bộ trao đổi thông tin với Cổng thông tin một cửa quốc gia. 

Trong thời gian qua, với vai trò là đơn vị được Bộ Tài chính giao chủ trì triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến công tác KTCN và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã thành lập Tổ chuyên trách gồm 30 thành viên là cán bộ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Trong năm 2016, đầu năm 2017 Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng liên quan thuộc các bộ, ngành để đôn đốc triển hai thực hiện các nhiệm vụ liên quan công tác KTCN đối với hàng hóa XNK; lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo một số bộ quản lý chuyên ngành để kiến nghị về thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Sau các đợt rà soát, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi các bộ và báo cáo Văn phòng Chính phủ về kết quả triển khai.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa TTHC về KTCN, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cổng thông tin về KTCN trong Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Trong khi chờ Cổng thông tin một cửa quốc gia hoàn thiện, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng Cổng thông tin KTCN để giải quyết yêu cầu đặt ra phục vụ cho hoạt động KTCN. Chương trình này đã được triển khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, phục vụ thiết thực cho hoạt động KTCN tại địa điểm này.

Tổng cục Hải quan đã tổ chức triển khai công tác kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục Kiểm định hải quan. Theo đó, Cục Kiểm định hải quan thực hiện thí điểm tiếp nhận một số mặt hàng mà đơn vị có đủ năng lực triển khai (phân bón, đồ chơi bằng nhựa); trang bị phòng kiểm định di động để phục vụ công tác KTCN tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai). Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ KTCN theo hướng chuyên sâu cho các khu vực có lưu lượng XNK hàng hóa nhiều phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngọc Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KHÔNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH CHỒNG CHÉO ĐỐI VỚI MỘT MẶT HÀNG

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa giao các bộ liên quan phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo.

Kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 70% thời gian làm thủ tục thông quan của doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan.

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo đúng Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ.

Đồng thời các bộ này phối hợp với bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, làm rõ căn cứ pháp lý và mục đích yêu cầu của từng loại giấy tờ kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp xác định loại chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau thì sửa đổi, điều chỉnh theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các công việc trên trong tháng 6 này.

Trước đó, để thống nhất việc đổi mới kiểm tra chuyên ngành phù hợp theo hướng giảm các loại giấy tờ, chứng nhận nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành.

Theo báo cáo Bộ Tài chính, văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng có lĩnh vực chưa đầy đủ, còn có sự chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý

Qua rà soát cho thấy có nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Chẳng hạn, mặt hàng sữa chua, pho-mát phải chịu sự quản lý và kiểm tra chuyên ngành của hai bộ, vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Hay như các giống cây trồng, gạch, đá, kính phải kiểm tra chất lượng và cấp Giấy chứng nhận hợp quy; trang thiết bị y tế, thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc… vừa xin giấy phép nhập khẩu, vừa kiểm tra chất lượng.

Thậm chí mặt hàng phân bón phải chịu 3 loại quản lý/kiểm tra, gồm giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy.

Bên cạnh đó, có trường hợp một mặt hàng nhưng lại chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ quản lý chuyên ngành. Ví dụ mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật; thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mặt hàng thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế vừa xin giấy phép nhập khẩu, vừa phải kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế. Nồi hơi vừa phải kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu và kiểm tra chất lượng/an toàn lao động. Đây cũng là mặt hàng chịu cùng một hình thức quản lý/kiểm tra của hai Bộ quản lý chuyên ngành, trong đó, Bộ Công Thương và Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cùng kiểm tra chất lượng, Bộ Công Thương kiểm tra hiệu suất năng lượng.

Bộ Tài chính cho rằng việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng  xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, tăng biên chế của cơ quan quản lý, lãng phí ngân sách nhà nước mà đôi khi còn gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thông quan hàng hóa.

Phương thức quản lý chưa thống nhất

Nguyên nhân của tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành được Bộ Tài chính chỉ ra là do các bộ quản lý chuyên ngành chưa thống nhất trong phương thức quản lý; khi ban hành chưa đánh giá tác động đầy đủ. Danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra quá rộng, không chi tiết tên hàng, không có mã số HS. Nhiều văn bản ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được bãi bỏ.

Các chế độ quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của các bộ, ngành quy định không thống nhất (về thủ tục, cách thức thực hiện), dẫn đến có nhiều loại chứng từ do các bộ quản lý chuyên ngành cấp cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhưng không rõ chứng từ nào là giấy phép, giấy chứng nhận điều kiện xuất, nhập khẩu, giấy phép tự động, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, công bố sự phù hợp, xác nhận khai báo hóa chất…

Theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ, trong quý I/2017, các bộ phải ban hành Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh sang hậu kiểm; rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục; không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, đến nay chưa có bộ nào ban hành Danh mục hàng hóa theo hướng rút gọn mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan.

Theo Chinhphu.vn

KIẾN NGHỊ GIẢM KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH TRONG THÔNG QUAN

(HQ Online)-Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị đưa nhiều mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan sang kiểm tra sau thông quan.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội. Ảnh: N.Linh

Theo đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa các mặt hàng NK như: Sữa bột, bánh kẹo, sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa… ra khỏi danh mục hàng hóa phải kiểm dịch tại khâu thông quan nêu tại Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT. 

Tại mục 3 Phụ lục I Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT thì “Sữa tươi, sữa chua, bơ, pho mát, sữa bột, sữa bánh và các sản phẩm từ sữa” là sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch. Danh mục hàng hóa kèm Thông tư này không có mã HS nên các sản phẩm được chế biến từ sữa, như sữa hộp hoặc có chứa sữa, như bánh kẹo và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa… đều thuộc đối tượng phải kiểm dịch.

Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng đã qua chế biến sâu như sữa hộp, các sản phẩm có chứa sữa đã phải kiểm tra an toàn thực phẩm thì không nhất thiết phải kiểm dịch động vật nữa. Trong năm 2016, Tổng cục Hải quan cũng đã từng có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa tháo gỡ vướng mắc cho DN.

Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm rà soát, công bố mới Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch, có chi tiết theo mã HS.

Cùng với kiến nghị gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản gửi tới Bộ Công Thương đề nghị chuyển thời điểm kiểm tra hiệu suất năng lượng trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Tổng cục Năng lượng-Bộ Công Thương làm rõ các quy định dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Cụ thể, tại Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg của Chính phủ quy định không được phép NK và sản xuất các phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp hơn hiệu suất năng lượng tối thiếu. 

Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 36/2016/TT-BCT, quy định về dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng không áp dụng với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng sau: 

“- Hàng hóa, vật tư, thiết bị tạm nhập – tái xuất; hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu;

– Hàng hóa DN trong nước sản xuất, gia công phục vụ XK (không tiêu thụ trong nước);

– Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân;

– Hàng hóa NK phi thương mại (…)”.

Căn cứ quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Tổng cục Năng lượng làm rõ trường hợp không phải dán nhãn năng lượng như tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 36/2016/TT-BCT thì có phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu hay không? 

N.Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HÀNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH Ở HẢI PHÒNG CÓ CHIỀU HƯỚNG GIẢM

(HQ Online)- Tỉ lệ tờ khai hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trên tổng số tờ khai xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan Hải Phòng đang có chiều hướng giảm.

Ô tô nhập khẩu là hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (thủ tục đăng kiểm). Trong ảnh, ô tô tải nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, năm 2015, toàn Cục giải quyết thủ tục cho gần 1,1 triệu tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chiếm tỉ lệ 17,2%, tương đương 183.362 bộ tờ khai.

Bước sang năm 2016, dù tổng lượng tờ khai toàn Cục tăng lên gần 1,3 triệu bộ, nhưng tổng số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành chỉ còn 166.160 bộ, tượng đương tỉ lệ 12,82%.

Trong quý I/2017, tỉ lệ tờ khai thuộc diện kiêm tra chuyên ngành tiếp tục giảm xuống 9,27% với 31.198 tờ khai trong tổng số tờ khai toàn Cục là 336.375 bộ.

Đáng chú ý, không chỉ số lượng tờ khai giảm mà thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đang được kéo giảm. Cụ thể, năm 2015, thời gian thông quan trung bình đối với tờ khai phải kiểm tra chất lượng (từ khi đăng ký đến khi nhận được kết quả) là 14,39 ngày; đối với tờ khai phải kiểm tra an toàn thực phẩm là 16,46 ngày. Nhưng đến năm 2016, thời gian trung bình giảm xuống còn khoảng 12 ngày.

Mặc dù trên bình diện chung hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành có chiều hướng giảm, nhưng hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở một số chi cục thuộc Cục Hải quan Hải Phòng lại có chiều hướng gia tăng.

Đơn cử như tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III, năm 2016, lượng tờ khai nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chiếm hơn 41% tổng số tờ khai nhưng sang quý I/2017 tỉ lệ này tăng lên 51%…

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

VẪN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC VỀ KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH

(HQ Online)- Ngày 18/5, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Viện Quản lý kinh tế Trung ương về công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN), Cục Hải quan TP.HCM đã phản ánh và kiến nghị nhiều nội dung bất cập, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa XNK.

 

Công chức Hải quan TP.HCM kiểm tra hàng NK. Ảnh: T.H
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, liên quan đến những bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động tập hợp các vướng mắc báo cáo, kiến nghị với nhiều cấp có thẩm quyền. Trong đó, báo báo thực trạng KTCN và kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM vào tháng 8/2016.

Tháng 9/2016, báo cáo chuyên đề về thực trạng KTCN đối với hàng hóa XK, NK tại thành phố với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM để kiến nghị đến các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh, bổ sung những quy định bất cập về KTCN; Tháng 11/2016, tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản 6566/UBND-KT ngày 16/112016 chỉ đạo các cơ quan có liên quan trên địa bàn thành phố tăng cường phối hợp thực hiện KTCN đối với hàng hóa XNK tại TP.HCM. 

Ngoài ra, Cục Hải quan TP.HCM và các chi cục hải quan trực thuộc thường xuyên và định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Từ tháng 2/2017, đã thực hiện kế hoạch gặp mặt 400 doanh nghiệp lớn có kim ngạch XNK và nộp ngân sách nhà nước lớn để lắng nghe phản ánh của các doanh nghiệp về những khó khăn, bất cặp liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, trong đó có vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành, để có biện pháp tháo gỡ nếu thuộc phạm vi thẩm quyền và kiến nghị lên các cơ quan chức năng nếu không thuộc phạm vi thẩm quyền…

Theo Cục Hải quan TP.HCM, mặc dù đã kiến nghị nhiều, một số cơ quan quản lý chuyên ngành đã ghi nhận, có sự thay đổi cơ chế chính sách, tuy nhiên quy định về KTCN chưa được điều chỉnh để làm thay đổi căn bản phương thức KTCN như yêu cầu của Nghị quyết 19/2016 và Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ, như: Danh mục hàng hóa phải KTCN trước khi thông quan vẫn còn quá nhiều; Chưa thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCN; Chưa công nhận kết quả KTCN của các nhà XK nổi tiếng tại nước xuất khẩu, chưa công nhận kết quả kiểm tra, phân tích của các nước tiên tiến; Vẫn còn tình trạng một mặt hàng phải qua nhiều cơ quan KTCN…

Hiện nay, có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Kết quả rà soát tính đến tháng 4/2017 có đến 414 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và KTCN. 

Thực trạng KTCN nói trên đối với hàng hoá nhập khẩu, ngoài việc làm kéo dài thời gian thông quan, thực sự đã trở thành gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp và nếu tính cả chi phí cơ hội của doanh nghiệp, chi phí của các cơ quan, tổ chức có liên quan phải bỏ ra, thì tổng chi phí xã hội dành cho KTCN đối với hàng hoá XNK là cực kỳ lớn, nhưng kết quả KTCN phát hiện vi phạm lại rất ít, chỉ khoảng 0,035% – 0,47%.

Cục Hải quan TP.HCM sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan KTCN, cơ quan kinh doanh cảng nâng cao và mở rộng 2 địa điểm KTCN tập trung hiện có về quy mô cũng như về chất lượng hoạt động, hoàn thiện cổng thông tin KTCN nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý và tiếp tục cắt giảm bớt thời gian thông quan ở những khâu có thể để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Theo đại diện của Viện Quản lý kinh tế Trung ương, từ những kiến nghị của Cục Hải quan TP.HCM về KTCN, các bộ chuyên ngành đã tiếp thu và sửa nhiều nội dung có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, DN vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc về quản lý chuyên ngành. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ rất quan tâm và đã đưa ra trong nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 19. 

Tại buổi làm việc, đoàn công tác tiếp tục ghi nhận nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác KTCN do Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị. 

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/