THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH SẼ ẢNH HƯỞNG TỚI THU HÚT FDI

(HQ Online)- Chính sách và luật pháp đầu tư nước ngoài (FDI) thay đổi liên tục do sự chuyển dịch không ngừng của xu hướng đầu tư. Điều này có thể gây ra những hạn chế, làm “nản nòng” các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách nhiều thay đổi có thể gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Internet

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo: “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 7/12 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) phối hợp tổ chức.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện đã có hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Từ những đóng góp của khối FDI trong hoạt động kinh doanh, XNK của Việt Nam cho thấy, vốn đầu tư FDI đang đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Thống kê cho biết, khu vực FDI chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch XK.

Vì thế, chính sách cho thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 là bước tiến lớn của hệ thống luật pháp Việt Nam, đã góp phần quan trong vào việc thu hút FDI của các nhà đầu tư. Những lần thay đổi chính sách và luật pháp là quá trình đấu tranh về nhận thức và quan điểm giữa cải cách với bảo thủ, giữa mở cửa, hội nhập với thế giới và bảo hộ mậu dịch; lúc nào xu thế tiến bộ thắng thế thì khi đó pháp luật trở nên thông thông thoáng hơn, tiếp cận với thông lệ quốc tế hơn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, khảo sát của VCCI với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về điểm hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư hài lòng về chính sách thuế ổn định, đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ, ưu đãi về môi trường ổn định… Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng cơ sở hạ tầng không cân xứng và giá trị nhân lực chưa phù hợp.

Đại diện cho các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Amcham tại Hà Nội cho hay, các thành viên của AmCham vẫn rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Amcham bày tỏ sự quan ngại đến những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với các thông lệ quốc tế. Những thay đổi này khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư.

Ví dụ, Dự thảo Luật An ninh mạng thực sự rất đặc biệt, bởi vì ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, nó cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet, mặc dù điều này đã được quy định bởi các luật khác. Ngoài ra, quy định trong Dự thảo Luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các DN nước ngoài.

Ngoài ra, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược. Việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ. Vì thế, đại diện Amcham cho rằng, việc sửa đổi các quy định này sẽ tạo cơ hội gia tăng đáng kể các dự án đầu tư cho dược phẩm và các sản phẩm khác.

Vì thế, GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng, khi định hướng chính sách mới về FDI, các cơ quan quản lý cần lưu ý 3 giải pháp:

Thứ nhất là, cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và DN FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh;

Thứ hai là, thực hiện đồng bộ “Chính phủ điện tử” trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và DN;

Thứ ba là, phải cải thiện bộ máy nhà nước và đội ngũ thực hiện với năng lực và trách nhiệm cao.

Hương Dịu