KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS

(HQ Online)- Ngày 12/4, tại lễ phát động triển khai Quyết định 200/QĐ- TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức, các DN kinh doanh dịch vụ logistics đã cùng nhau bàn thảo nhiều nội dung để phát triển dịch vụ này. 

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hiệp Phước- Nhà bè TP.HCM. Ảnh: Thu Hòa

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ logistics có kế hoạch hành động quốc gia về dịch vụ logistics một cách toàn diện nhằm đưa ngành dịch vụ logistics – một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao lên một bước mới hiện đại và mở rộng. 

Theo kế hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Theo Kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực…

Trong đó, sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II…

Tại lễ phát động, các đại biểu tham dự hội nghị là đại diện các DN kinh doanh dịch vụ logistics, các DN cảng biển, các nhà XNK… đã tập trung thảo luận về các nội dung nhằm nhanh chóng khắc phục những điểm yếu hiện nay của ngành dịch vụ logistics. 

Đó là sự liên kết nội bộ các DN cung cấp dịch vụ logistics cà các DN sử dụng dịch vụ này; làm sao gia tăng tỷ lệ giá trị thuê ngoài của các DN XNK, các nhà sản xuất bởi tỷ lệ này hiện nay còn rất thấp, mới chỉ chiếm khoảng 15-20%… 

Theo ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân, việc tăng cường tỷ trọng thuê ngoài trong thời điểm này rất đúng lúc. Bởi vì, hiện nay rất nhiều dịch vụ logistics phân tán, thị trường phân tán… không theo chuỗi, nên các DN rất khó tiếp cận. Chính vì thế dẫn đến tình trạng dịch vụ thuê ngoài đang có tỷ trọng thấp. “Hiện nay thông tin là chìa khóa quyết định thành công, chính vì thế, các DN thuộc 2 phía (phía cung cấp và phía sử dụng) phải tìm được tiếng nói chung, thông tin, cung cấp dịch vụ cho nhau”- ông Đào Huy Giám đưa ra đề xuất. . 

Đứng về phía các DN chủ hàng sử dụng dịch vụ logistics, ông Phan Thông, Tổng thư ký hiệp hội chủ hàng cho rằng, chủ hàng thường lo lắng về chi phí và chất lượng dịch vụ logistics. Hiện nay, cơ quan Hải quan đã cho phép đại lý hải quan được thay mặt chủ hàng kí và đóng dấu trên tờ khai hải quan, chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng trên thực tế có rất ít đại lý hải quan làm việc này. Các đại lý thường chỉ làm phần dịch vụ khai thuê, còn các dịch vụ về đóng thuế, chịu trách nhiệm đối pháp lý đối với hàng hóa XNK thì vẫn do chủ hàng chịu trách nhiệm. Theo ông Thông, như vậy, các DN làm dịch vụ đại lý hải quan chỉ muốn làm phần đơn giản, thông thường sẽ chia ra nhiều phân khúc trong dịch vụ, không hấp dẫn chủ hàng…

Theo Ban tổ chức, cả nước hiện nay có khoảng 3.000 DN kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó có 1.300 DN hoạt động tích cực trên thị trường. Có 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. 

Các chuyên gia cho rằng, lợi thế phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam rất lớn, nếu các DN trong nước không liên kết để phát triển thì “Miếng bánh ngon” này sẽ về tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài./.  

Lê Thu

LUỒNG GIÓ MỚI CHO DỊCH VỤ LOGISTICS PHÁT TRIỂN

(HQ Online)- Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ được coi là bước đột phá mới, sẽ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới.

Logistics Việt Nam đã có một chương trình hành động cụ thể, với nhiều kỳ vọng cho sự phát triển. Ảnh: Thái Bình.

“Miếng bánh ngon” của DN nước ngoài

 
Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam là một bước tiến mạnh mẽ trong việc đề ra chính sách phát triển ngành logistics. Chúng tôi hy vọng tốc độ tăng trưởng ngành logistics sẽ đạt mức bình quân hàng năm là 15-20%, quan trọng hơn là làm sao phải kéo chi phí logistics xuống mức ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia (riêng Singapore thì đã vượt các nước tiên tiến của châu Âu) nghĩa là khoảng 15% trên GDP.

VLA đã có tham mưu với các bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo Đề án kế hoach hành động nói trên. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục vai trò của mình là kết nối cộng đồng DN logsitics Việt Nam, chung tay phát triển ngành ngang tầm với các nước trong khu vực, kết nối với cộng đồng các DN logistics trong khu vực và trên thế giới, làm tốt công tác phản biện xã hội giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi trong phát triển ngành.

  Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Transimex Sài Gòn

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), ngành logistics Việt Nam đang xếp hạng 64/160 trên toàn thế giới với điểm (LPI) 2,98 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn theo Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA), Việt Nam mới có khoảng 1.500 DN logistics so với con số 900.000 DN hiện nay, DN Việt Nam lại đa số là nhỏ và vừa nên mức đóng góp cho nền kinh tế chỉ vào khoảng 2-3%. Vốn điều lệ bình quân của các DN chỉ khoảng 4-6 tỷ đồng, số DN vừa và nhỏ chiếm 72% (vốn dưới 20 tỷ đồng) với số lượng lao động 30-40 người, trong đó chỉ 5-7% có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đáng chú ý, gần 70% DN logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài. Chính vì thế, chỉ có 25% thị phần nằm trong tay DN Việt Nam, “miếng bánh” lớn 75% còn lại ở trong tay DN nước ngoài.Theo cam kết WTO, từ năm 2014, hầu hết dịch vụ logistics đều được dỡ bỏ rào cản cho các DN nước ngoài được gia nhập thị trường với mức vốn 100%. Chính vì thế, các DN logistics trong nước đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm thị phần và bị DN nước ngoài mua lại, chi phối cổ phần. Thực tế cho thấy, thị trường logistics Việt Nam đã xuất hiện đầy đủ các tên tuổi lớn trên thế giới như: DHL, Maersk Logistics, APL Logistics, NYK, UPS… Chưa kể, nhiều DN lớn của Việt Nam đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần như: Vinafco được một DN Nhật Bản mua lại 35% cổ phần, hãng Kerry Logistics mua cổ phần của Tín Thành Express…

Theo các chuyên gia, tự do hóa trong lĩnh vực logistics theo yêu cầu của WTO vừa là cơ hội khi các DN Việt Nam có thể tiếp nhận những kinh nghiệm trong quản lý mạng lưới logistics toàn cầu nhưng cũng là thách thức khi DN trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển nguồn lực theo chiều sâu để có thể đủ sức cạnh tranh. Theo ông Ngô Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Thắng Lợi, Việt Nam mở cửa nên thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Với các DN này, họ thường không tự làm các dịch vụ về vận tải, XNK mà sẽ đi thuê lại các công ty của Việt Nam. Chính vì thế, cơ hội công việc đến với các DN logistics của Việt Nam nhiều hơn, nhưng phải DN nào làm tốt, dịch vụ uy tín mới được các DN lớn lựa chọn, nếu không, các DN trong nước chỉ làm ăn nhỏ lẻ, đi thuê lại của nhau.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu DN cứ làm ăn nhỏ lẻ, không có sự phát triển mạnh thì những cơ hội mà DN nước ngoài mang lại chỉ ở mức ngắn hạn, về dài hạn, các DN cần tự chủ động, không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn phải tự tạo ra nhu cầu cho khách hàng. PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại thương) cho hay, trong khi nhiều DN logistics trong nước thiếu khách hàng thì không ít DN sản xuất lại “kêu ca” không tìm được dịch vụ hợp lý. Nguyên nhân bởi các DN này chưa tìm được tiếng nói chung, đặc biệt là thiếu sự chủ động từ các DN dịch vụ logistics. DN logistics là người cung cấp dịch vụ nên cần đi tiên phong, bắt tay với khách hàng, hoàn thiện dịch vụ cung ứng để tạo thành chuỗi liên kết, thậm chí các DN logistics phải là người sáng tạo, nghĩ ra nguồn “cung” để mời gọi khách hàng sử dụng. Điều này đã được các DN nước ngoài áp dụng rất tốt nên họ mới có khả năng chiếm được phần lớn thị phần.

Hy vọng tới năm 2025?

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Là đơn vị chủ đạo xây dựng bản kế hoạch này, Cục XNK (Bộ Công Thương) đánh giá, đây được coi là bước đột phá mới, sẽ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới. Cục XNK nhận định, mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt là điểm nổi bật khi hội nhập sâu rộng, trong khi năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam còn thấp, do vậy, cần tận dụng cơ hội và cả thách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.

“Một chương trình hành động thực tế, có mục tiêu cụ thể và được triển khai nghiêm túc sẽ không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới, mà còn giúp cho ngành logistics phát triển bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ những sự cố không mong muốn và phản ứng nhanh với các sự cố trong chuỗi cung ứng, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn với chi phí lao động cạnh tranh hay thị trường rộng lớn mà còn là nơi có hoạt động thương mại thuận lợi”, theo đánh giá của Cục XNK.

Cũng kỳ vọng vào bản kế hoạch được Chính phủ ban hành, ông Trần Bình Phú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vận tải và thuê tàu Vietfracht cho hay, ngành đóng tàu và vận tải biển trong nước gặp nhiều khó khăn, vì thế, Vietfracht đã tái cơ cấu đội tàu, chuyển sang hoạt động mạnh hơn trong lĩnh vực giao nhận, vận tải đường bộ, khai thuê hải quan, cho thuê kho bãi… do có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa có nhiều chính sách ưu đãi nên bản kế hoạch mới đây đã mang lại nhiều kỳ vọng, là động lực để DN quyết tâm hơn. Tuy nhiên, năng lực thực thi của các cơ quan quản lý là điều cốt yếu khi các nhiệm vụ để phát triển ngành này rất nặng nề.

Như vậy, với quan điểm và quyết tâm hỗ trợ ngành logistics phát triển của Chính phủ, các DN logistics trong nước đang đứng trước cơ hội lớn, có nhiều điều kiện và khả năng để trả lời cho câu hỏi “DN logistics Việt Nam còn yếu đến bao giờ?”. Điều quan trọng không chỉ là quyết tâm của các cơ quan quản lý mà phải cần đến sự chủ động, năng động tận dụng cơ hội từ chính DN.

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên, đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics của khu vực. Bên cạnh đó, bản kế hoạch cũng yêu cầu hình thành các DN dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các DN dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.

Theo Kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực và các nhiệm vụ khác. 6 nhóm nhiệm vụ này đã được cụ thể hóa thành 60 nhiệm vụ giao cho tất cả các bộ, ngành.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn: Vốn ngân sách nhà nước, vốn DN, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định. Bộ Công Thương sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Chi Mai
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/