GIAN NAN DỊCH CHUYỂN HÀNG HÓA

Khánh Như
Thứ Hai,  28/8/2017, 08:20 (GMT+7)
Cảng CMIT trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Ảnh: ANH QUÂN

(TBKTSG) – Tại Nghị quyết 75/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 7-2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được yêu cầu thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải (CM-TV). Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh cảng Cát Lái tại TPHCM đang hoạt động gần hết công suất và từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần giao thông quanh khu vực cảng rơi vào tình trạng ùn tắc.

Dịch chuyển ngược

Bốn năm trước, Bộ GTVT cũng đã rất quyết liệt trong chủ trương nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực CM-TV. Trong Quyết định 3304/QĐ-BGTVT ký ngày 22-10-2013, mục tiêu đầu tiên là điều chỉnh, cân đối cung – cầu hàng hóa và bến cảng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của những bến cảng đã đầu tư. Mặc dù lượng hàng thông qua khu vực CM-TV thực sự có tăng trưởng mạnh từ năm 2015, nhưng mục tiêu cân đối hàng hóa không thể được xem là thành công, vì thực tế lượng hàng qua các cảng tại khu vực TPHCM vẫn tăng chứ không hề giảm, còn tại CM-TV, lượng hàng dù tăng nhưng chủ yếu là do các hãng tàu tăng kích cỡ các chuyến tàu cập cảng, và hàng vẫn chỉ tập trung vào một số bến cảng.

Vào quí 3-2016, khu vực cảng TPHCM đón hai cảng mới đi vào hoạt động. Cuối tháng 7-2017, bến cảng Tân Cảng – Phú Hữu trong hệ thống của Tân Cảng Sài Gòn bắt đầu đón tàu, bến cảng này được xem là cánh tay nối dài của cảng Cát Lái và đã góp phần giúp sản lượng thông qua cảng Cát Lái tăng đến 13% trong sáu tháng đầu năm 2017. Đến tháng 9-2017, cảng container quốc tế SP-ITC sẽ khai trương và đến thời điểm hiện tại, cảng cũng đã thu hút được một số hãng tàu vào làm hàng. Điều đáng chú ý là hoạt động của hai cảng này đã tăng áp lực cho giao thông trong khu vực cảng Cát Lái, do hai cảng đều chỉ kết nối với đường Nguyễn Duy Trinh để giao nhận hàng hóa. Trong khi đó, sản lượng của cảng VICT và các cảng container ở khu vực Hiệp Phước (gồm cảng SPCT và cảng Tân Cảng – Hiệp Phước) sụt giảm đáng ngại trong sáu tháng đầu năm năm 2017. Như vậy, hàng hóa thay vì cần được dịch chuyển từ khu vực cảng TPHCM ra CM-TV, hoặc ít nhất là dịch chuyển từ cảng Cát Lái ra khu vực cảng Hiệp Phước, lại đang dịch chuyển về các cảng trong khu vực Cát Lái.

Do quy hoạch

Nếu ba cảng SSIT, TCTT và CMIT được quy về một mối, CM-TV sẽ có một cảng
container với 1.800 mét cầu bến liên tục với tổng diện tích lên đến 150 héc ta, có quy mô đủ để thu hút các tàu đến làm hàng, thậm chí có thể thu hút được lượng hàng trung chuyển lớn.

Hiện tượng hàng hóa không dịch chuyển bất chấp sự phát triển của cảng CM-TV đã được mổ xẻ khá nhiều. Một trong những nguyên nhân chính được nêu là do vấn đề quy hoạch, khi mà các cảng ở CM-TV phát triển trong bối cảnh các cảng ở TPHCM một là di dời chậm, hai là nhiều bến cảng được xây mới và nâng cấp nên hàng hóa không dịch chuyển đi đâu được. CM-TV chỉ có thể lấy được lượng hàng đi các tuyến xa như đi châu Âu và Mỹ, do kích cỡ tàu chạy các tuyến này không vào được khu vực TPHCM, còn đối với các tuyến dịch vụ nội Á, CM-TV không có lợi về mặt chi phí, cả đối với các hãng tàu cũng như các chủ hàng xuất nhập khẩu.

Một vấn đề khác liên quan đến quy hoạch, là với xu hướng phát triển của ngành vận tải container thế giới, trong đó điểm nổi bật nhất là xu hướng sử dụng những con tàu container khổng lồ với sức chở đã lên đến trên 20.000 TEU, thì việc xây dựng cảng để thu hút các hãng tàu cần hướng đến hai yếu tố quan trọng: quy mô các cảng cũng phải lớn và các cảng cần được phát triển theo hướng tập trung. Quy hoạch ở CM-TV tạo ra một bức tranh ngược lại, quy mô các cảng không đủ lớn khi mà cảng có chiều dài cầu tàu lớn nhất chỉ 600 mét, và có nhiều bến cảng do nhiều nhà khai thác cảng khác nhau vận hành.

Trong khi đó, cảng Cát Lái lại được phát triển theo đúng như cách mà các hãng tàu mong muốn, đó là có quy mô lớn với tổng chiều dài cầu bến đã lên đến trên 2.000 mét và do một nhà khai thác cảng duy nhất cung cấp dịch vụ, trong khi chủ sở hữu các bến cảng là khác nhau. Nhược điểm về khai thác của cảng Cát Lái là không đón được tàu mẹ chỉ là trở ngại cho các hãng tàu có hàng đi tuyến xa, còn đối với các tuyến gần, Cát Lái là lựa chọn lý tưởng.

Giải pháp

Giải bài toán cân đối lượng hàng Cát Lái và CM-TV giờ đây không đơn thuần ở mức sửa quy hoạch, vì quy hoạch là chuyện đã rồi. Để thu hút lượng hàng từ Cát Lái, CM-TV cần có một cảng có quy mô tương tự Cát Lái để thu hút được thêm nhiều chuyến dịch vụ. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh một số phí để thu hút hãng tàu đưa tàu vào CM-TV.

 

Tại báo cáo Nghiên cứu phát triển cảng miền Nam do Viện Nghiên cứu phát triển duyên hải quốc tế Nhật Bản (OCDI) và Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) thực hiện năm 2002, khu vực cảng container Cái Mép Hạ được định hướng quy hoạch gồm sáu bến với tổng chiều dài 1.900 mét. Nghiên cứu này chính là tiền đề để Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ phát triển dự án CM-TV với nhiều hạng mục, trong đó có gói xây dựng cảng container quốc tế Cái Mép với bến cảng khởi động dài 600 mét. Khi chuyển sang quy hoạch của Việt Nam, Quyết định 791/QĐ-TTg đã gần như kế thừa nội dung này với quy hoạch cảng container quốc tế CM-TV với tổng chiều dài cầu tàu 1.800 mét.

Tuy nhiên quá trình phát triển thực tế của dự án lại chứng kiến cảng này không còn sự kế thừa quan trọng từ định hướng của JICA. Quyết định 1745/QĐ-BGTVT ngày 3-8-2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ chứng kiến dự án cảng 1.800 mét này được xẻ làm ba cảng khác nhau với mỗi cảng có 600 mét cầu tàu, trong đó 600 mét bến khởi động sử dụng vốn ODA Nhật Bản bị “kẹp” giữa hai cảng khác là CMIT và SSIT, cả hai cảng này do Vinalines và Cảng Sài Gòn góp vốn với hai nhà khai thác cảng khác nhau. 600 mét bến khởi động hiện nay là cảng TCTT do Tân Cảng Sài Gòn khai thác.

Nếu ba cảng SSIT, TCTT và CMIT được quy về một mối, CM-TV sẽ có một cảng container với 1.800 mét cầu bến liên tục với tổng diện tích lên đến 150 héc ta. Một cảng như vậy sẽ có quy mô đủ để thu hút các tàu đến làm hàng, thậm chí có thể thu hút được lượng hàng trung chuyển lớn do có thể tiếp nhận cả tàu mẹ chạy tuyến xa và các tàu feeder chạy tuyến gần. Tuy nhiên, giải pháp này gặp khó do ba bến cảng giờ đây lại do ba công ty khác nhau khai thác, việc quy về một mối đòi hỏi sự thay đổi về chủ đầu tư, điều mà đòi hỏi sự hy sinh của chủ đầu tư khác. Dù sao, một giải pháp căn cơ để thay đổi tình trạng phân mảng tại CM-TV, nâng cao hiệu quả cụm cảng nước sâu này lại, gần như là khả thi nhất trong thời điểm hiện tại.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 5: SẴN SÀNG TRIỂN KHAI “MỘT CỬA” ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

(HQ Online)- Cục Hải quan Hà Nội được Tổng cục Hải quan lựa chọn là đơn vị đầu tiên thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không).

Thông tin trước về hành khách, hàng hóa và phương tiện sẽ giúp các cơ quan quản lý chủ động nắm bắt thông tin, rút ngắn thời gian thông quan. Ảnh: N.Linh.

Đảm đương nhiệm vụ “dò đường” là sức ép không hề nhỏ đối với Cục Hải quan Hà Nội. Với sự cố gắng của cơ quan Hải quan và đồng thuận của cộng đồng DN, đến nay 100% hãng hàng không đã đăng ký tham gia; hệ thống một cửa đã tiếp nhận được thông tin điện tử về phương tiện, hành lý từ 100% hãng hàng không gửi tới hệ thống; cơ quan Hải quan cũng đang phối hợp với các DN kinh doanh kho hàng không mở rộng tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa. Những kết quả bước đầu tại Cục Hải quan Hà Nội sẽ là tiền đề để ngành Hải quan triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc.

Từ sự kết nối rời rạc…

Trong những năm qua, thực hiện kế hoạch cải cách hiện đại hóa của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội  luôn chú trọng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và hiện đại hóa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ CNTT trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, trong công tác quản lý hải quan, Cục Hải quan Hà Nội nhận thấy cách thức quản lý đối với hàng hóa, hành lý đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, việc giám sát/quản lý và đánh giá đối tượng trọng điểm còn thiếu thông tin.

Theo phân tích của ông Đặng Hoàng Điệp, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội), trước khi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước (Công an cửa khẩu, Hải quan, Cảng vụ…) làm thủ tục thủ công, riêng rẽ, chưa thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên; chưa thực hiện tiếp nhận thông tin điện tử từ DN. Trong khi các DN kinh doanh liên quan đường hàng không đều đã kết nối, trao đổi thông tin dạng điện tử… Điều này gây khó khăn trong phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm do thiếu thông tin. Đối với cơ quan Hải quan, thông tin về hàng hóa ra/vào kho hàng không được cung cấp bằng bản giấy mất khá nhiều thời gian, thường một ngày cung cấp hai lần cho tất cả các chuyến bay, vừa thừa vừa thiếu thông tin gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.

Đối với các hãng hàng không phải nộp hồ sơ giấy cùng một lúc cho 5 cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng hàng không quốc tế gồm: Hải quan, Công an, Cảng vụ hàng không, cơ quan Kiểm dịch y tế (Bộ Y tế) và cơ quan Kiểm dịch động thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy, DN phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ giống nhau và khai báo nhiều lần cùng một loại thông tin tới các cơ quản quản lý nhà nước.

Đối với DN kinh doanh kho hàng không, việc trao đổi thông tin bằng phương pháp thủ công giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc quản lý và báo cáo thống kê; đặc biệt là việc theo dõi hàng vào/ra, hàng tồn kho, hàng quá hạn làm thủ tục hải quan,… làm mất rất nhiều thời gian, tốn nhân lực, độ chính xác và kịp thời của số liệu thống kê khó đảm bảo.

Chính vì những bất cập trong công tác quản lý đối với hàng hóa, hành lý tại sân bay quốc tế, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

… Đến tiếp nhận thông tin điện tử

Tháng 9/2016, Tổng cục Hải quan thành lập Ban chỉ đạo triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không. Cục Hải quan Hà Nội được giao nhiệm vụ là đầu mối tổ chức khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; điều phối các hoạt động phối hợp với các cơ quan tại sân bay quốc tế Nội Bài; tổ chức tuyên truyền, vận động DN tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; đề xuất với Tổng cục Hải quan về quy trình, mô hình quản lý, danh sách yêu cầu chức năng trên hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không.

Để triển khai, Cục Hải quan Hà Nội đã sớm xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc với các hãng hàng không, đại lý hàng không, công ty kinh doanh kho bãi và các công ty giao nhận nằm trên địa bàn để nghiên cứu thực tiễn tại sân bay, từ đó có lộ trình làm việc và đặt ra yêu cầu quản lý và làm việc với từng đối tượng cụ thể.

Từ tháng 8/2016 đến 6/2017, 4 đợt khảo sát và 39 cuộc họp và phiên làm việc với các bên tham gia được Cục Hải quan Hà Nội tổ chức. Do đây là dự án liên quan đến nhiều đơn vị ngoài ngành, nên Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động lên lịch làm việc với các đơn vị có liên quan; tổ chức làm việc với các hãng hàng không, trực tiếp đôn đốc từng hãng tham gia triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Trong thời gian này, để học hỏi kinh nghiệm của hải quan các nước, nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế, Cục Hải quan Hà Nội đã tổ chức đoàn cán bộ đi tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc; khảo sát thực tế và làm việc với các kho hàng không, cảng vụ hàng không và các hãng hàng không. Từ đó đề xuất mô hình quản lý, xây dựng bài toán nghiệp vụ quản lý tổng thể đối với hàng hóa, hành lý đường hàng không, dự thảo đề xuất danh sách các chức năng hệ thống và các quy định pháp lý để triển khai.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Điệp, do có sự chủ động và phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị tham gia triển khai, hệ thống một cửa hàng không đã được đưa vào vận hành thí điểm từ ngày 1/1/2017, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng phương pháp điện tử tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Từ ngày 25/5, hệ thống một cửa quốc gia đã có thể tiếp nhận thông tin điện tử (dạng điện văn hàng không) về phương tiện, hành khách, hành lý từ tất cả 100% các hãng hàng không gửi tới hệ thống. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã thực hiện tiếp nhận đầy đủ thông tin khai thác bay từ 9 cảng hàng không quốc tế và thông tin về hành khách, phương tiện, hành khách trước chuyến bay từ tất cả các hãng hàng không thông qua hệ thống một cửa quốc gia.

Về hàng hóa, từ ngày 1/4, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và 3 DN kinh doanh kho hàng không (ALSC, ACSV và NCTS) mở rộng triển khai tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa đối với gần 30 hãng hàng không do các kho này phục vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Cũng từ 1/4, cơ quan Hải quan đã thực hiện thí điểm soi chiếu trước thông quan đối với hàng NK và sau thông quan (trước khi hàng ra khỏi kho) đối với hàng XK dựa trên thông tin tiếp nhận trước.

Theo ông Đặng Hoàng Điệp, với việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không sẽ mang lại hiệu quả lớn cho các hãng hàng không, DN kinh doanh kho, bãi. Thông qua thời gian đầu triển khai những kết quả bước đầu ghi nhận là hệ thống hoạt động thông suốt. Lợi ích đầu tiên của Đề án này là phục vụ trước tiên cho hoạt động XNK của DN, đảm bảo rút ngắn thời gian thông quan tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Song song, các khâu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn nắm bắt được thông tin hàng hóa XNK, hành khách XNC đến sân bay từ đó có các biện pháp quản lý.

Ông Âu Anh Tuấn-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện toàn bộ văn bản hỗ trợ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia hàng không cũng như thực hiện mô hình giám sát hàng hóa mới. Dựa trên cơ sở đó sẽ không còn việc thực hiện thủ công như hiện nay. Toàn bộ việc trao đổi thông tin giữa hàng không với cơ quan Hải quan sẽ thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia, việc trao đổi thông tin về hàng hóa XK, NK đưa vào đưa ra kho bãi cảng hàng không sẽ thực hiện trên hệ thống. Đồng thời cơ quan Hải quan sẽ cung cấp thông tin lô hàng đủ điều kiện ra khỏi khu vực kho hàng không, cũng như lô hàng đủ điều kiện đưa vào kho hàng không để xếp lên phương tiện vận tải thông qua hệ thống, không có việc xuất trình tờ khai giấy, khi lô hàng đã thông quan, DN chỉ cần đến làm việc với DN cảng mà không phải đến cơ quan Hải quan xác nhận như hiện nay. Như vậy sẽ giảm được thủ tục tại khâu giám sát hàng hóa.
Ngọc Linh
Bao Cong thuong

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Từ đầu năm đến nay, XK cá ngừ đã có sự tăng trưởng đầy ấn tượng, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của XK thủy sản.

Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị XK thủy sản cả nước ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các mặt thủy sản XK chủ lực, cá ngừ là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.


Khai thác cá ngừ đại dương
Khai thác cá ngừ đại dương

Trong 5 tháng qua, XK cá ngừ đạt 215,893 triệu USD, tăng 20,3% so cùng kỳ 2016. Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh của cá ngừ cùng với cá các loại khác (tăng 9,4%) và nhuyễn thể (tăng 35,6%) đã giúp cho XK thủy sản nói chung có được mức tăng trưởng như trên trong bối cảnh các sản phẩm chủ lực khác là tôm, cá tra đều có mức tăng trưởng thấp, còn cua ghẹ và giáp xác khác lại tăng trưởng âm.

XK cá ngừ đầu năm nay tăng trưởng tốt trước hết là nhờ sự gia tăng về sản lượng khai thác. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh trọng điểm là Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa đạt 8.545 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng yếu tố chính là nhờ sự phục hồi về XK cá ngừ vào các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Mấy năm qua, XK cá ngừ sang Nhật Bản liên tục sụt giảm do khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines… (cá ngừ của những nước này vào Nhật Bản có mức thuế thấp hơn nhiều, thậm chí không còn phải chịu thuế NK như cá ngừ Việt Nam). Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, XK cá ngừ sang Nhật Bản đã từng bước hồi phục. Trong quý 1, XK cá ngừ sang Nhật Bản tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở các thị trường Mỹ, EU…, XK cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, giúp cho sự tăng trưởng chung của cả ngành hàng cá ngừ. Tăng trưởng ấn tượng nhất là cá ngừ chế biến đóng hộp, với mức tăng tới 35% trong 5 tháng qua. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, trong khi giá cá ngừ vằn tăng cao (thông thường sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ cá ngừ chế biến đóng hộp), nhưng cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn thu hút khách hàng nước này. Tại EU, cá ngừ chế biến đóng hộp cũng chiếm tỷ trọng lớn trong XK cà ngừ của Việt Nam vào khu vực này. Trong quý 1, cá ngừ chế biến đóng hộp chiếm 37% tổng giá trị cá ngừ XK vào EU. Còn thăn/philê cá ngừ đông lạnh, có mức tăng trưởng XK là 11%.

Một điều cũng đáng chú ý trong XK cá ngừ 5 tháng qua là số thị trường được mở rộng. Hiện cá ngừ Việt Nam đã được XK sang 79 thị trường, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo trong những tháng tới, XK cá ngừ vẫn tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường chủ lực. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến, XK cá ngừ sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc hiện nay.

Cụ thể, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá. Điều này đáp ứng được yêu cầu đánh bắt trong tương lai, thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Rõ ràng đây là một lợi thế của Việt Nam trong khai thác cá ngừ, cần được đẩy lên thành thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cá ngừ của các nước khác. Do đó, Tổng cục Thủy sản cần xem xét, sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ.

Một băn khoăn lớn của các DN chế biến, XK cá ngừ sang EU là Hiệp định thương mại tự do EVFTA sắp có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có quy định, hướng dẫn nào về con số quota cũng như quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch XK cá ngừ Việt Nam vào EU. Vì vậy, Bộ Công thương cần sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch cho cá ngừ Việt Nam vào khu vực này. EU hiện đang là thị trường lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam, với kim ngạch 115 triệu USD trong năm 2016.

Theo Nông nghiệp VN

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

THU HÚT FDI ĐẠT MỐC 12 TỶ USD

(HQ Online)- Số liệu từ Tổng cục Thông kê cho biết, đến thời điểm 20/5/2017 đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã thu hút 939 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5.595,4 triệu USD, tăng 3,5% về số dự án và giảm 26,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thu hút 939 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 5,6 tỷ triệu USD.

Bên cạnh đó, có 437 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.742,9 triệu USD. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2017 có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.792 triệu USD.

Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 5 tháng đầu năm đạt 12.130,3 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.863,4 triệu USD, chiếm 51,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm đạt 8.092,5 triệu USD, chiếm 66,7% tổng vốn đăng ký.

Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Kiên Giang có số vốn đăng ký lớn nhất với hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. 

Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 1.538,6 triệu USD, chiếm 27,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Hoài Anh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

BIẾN TƯỚNG BUÔN LẬU QUA LOẠI HÌNH HÀNG QUÁ CẢNH – BÀI 2: CHẶN BẮT NGAY TẠI CỬA KHẨU

(HQ Online)- Liên tục trong thời gian gần đây, khi nghi ngờ một số lô hàng quá cảnh qua cảng Cái Mép và cảng Cát Lái TP.HCM, các đơn vị hải quan gồm: Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan), Cục Hải quan TP.HCM, Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu đã thực hiện kiểm tra, bắt giữ  ngay tại cửa khẩu, với số lượng lên đến hàng chục container.

Hàng lậu bị phạt hiện trong lô hàng quá cảnh tại cảng Cái Mép- Vũng Tàu. Ảnh: T.H.

Chủ yếu là hàng cấm

Các lô hàng bị phát hiện, bắt giữ  ngay tại cửa khẩu hầu hết là do cơ quan Hải quan thực hiện khám xét vì các DN vận chuyển đều chối bỏ hàng, hoặc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là điện tử, điện lạnh cấm nhập khẩu, hàng vận chuyển quá cảnh có điều kiện.

Ngày 5/5, tại cảng Cát Lái- TP.HCM, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và các cơ quan chức năng thực hiện khám xét 2 container hàng trung chuyển, phát hiện chứa rất nhiều hàng lậu, hàng cấm. Theo lãnh đạo Đội 3,  2 container hàng nêu trên là hàng trung chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam để qua Campuchia. Khi lô hàng cập cảng Cát Lái, Đội 3-Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên đã theo dõi, giám sát và thực hiện quyết định khám xét. Kết quả phát hiện trong 2 container chứa gần 100 xe gắn máy; nhiều thiết bị văn phòng, âm ly… đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Trước đó, tại cảng Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu), Đội 3 – Cục Điều tra chống buôn lậu và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cũng đã nghi vấn nhiều lô hàng quá cảnh, nên thực hiện khám xét, phát hiện hàng chục container hàng quá cảnh chứa hàng lậu là hàng điện tử, điện lạnh, xe máy… tất cả đều đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Có những trường hợp, các đối tượng còn cất giấu cả xe ô tô trong lô hàng quá cảnh. Điển hình, tháng 6/2016, khám xét lô hàng vận chuyển quá cảnh từ Hàn Quốc về Việt Nam để xuất khẩu sang Campuchia, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp Đội 3 – Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện bên trong chứa 2 chiếc ô tô đã qua sử dụng và hàng chục động cơ ô tô đã qua sử dụng. Lô hàng này do Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại XNK Ngân hàng thực phẩm (140/12 Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp TP.HCM) là người vận chuyển, hàng hóa thể hiện là container vải vụn, mới 100%.  Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đối với số hàng sai khai báo này theo quy định nếu quá cảnh phải có giấy phép của Bộ Công Thương, DN không có giấy phép này nên mới ngụy trang là vải vụn!

Không chỉ hàng lậu, hàng cấm ẩn danh hàng quá cảnh vận chuyển qua đường biển, các đối tượng còn lợi dụng đường hàng không quá cảnh những lô hàng có trị giá cao. Mới đây, vào cuối tháng 4/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện lô hàng thiết bị y tế là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng, nhưng khi làm thủ tục nhập khẩu, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong (địa chỉ: 39B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM)- doanh nghiệp đứng tên mở tờ khai hải quan, đã khai báo lô hàng nhập khẩu mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương. Lô hàng này gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng cũng với phương thức lợi dụng quá cảnh đi Campuchia để nhập hàng cấm.

Đủ chiêu trò

Ngoài những thủ đoạn trên, một số đối tượng còn lợi dụng loại hình hàng quá cảnh được miễn kiểm tra thực tế để chuyển loại hình, thẩm lậu trở lại thị trường Việt Nam tiêu thụ… Trên thực tế, cơ quan Hải quan đã phát hiện một số trường hợp thể hiện người nhận hàng ban đầu theo khai báo trên manifest là DN tại Việt Nam, khi cơ quan Hải quan hoặc các lực lượng chức năng khác phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, tiến hành kiểm tra hàng hóa thì DN không đến làm thủ tục, sau đó “xuất chiêu” điều chỉnh người nhận hàng tại Campuchia và các nước khác và làm thủ tục quá cảnh lô hàng.

Một thủ đoạn gian lận nữa đối với hàng quá cảnh đó là đối với những lô hàng gồm mặt hàng nhập khẩu có điều kiện hoặc hàng cấm nhập khẩu, sau khi lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, DN sẽ tìm cách đưa trở lại Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau: Chia nhỏ lô hàng vận chuyển về Việt Nam qua đường mòn, lối mở, cánh gà; hoặc DN mở tờ khai, lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra để nhập khẩu trở lại Việt Nam.

Điển hình cho thủ đoạn trên, mới đây ngày 3/5/2017, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong (doanh nghiệp đứng tên mở tờ khai hải quan) hoàn tất thủ tục hải quan cho lô hàng khai báo là mặt hàng thuốc tân dược gồm 41 kiện (gần 500 nghìn viên thuốc đặc trị các loại) có trọng lượng gần 1 tấn, trị giá gần 5 tỷ đồng, quá cảnh đi Campuchia  qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) và đã hoàn thành thủ tục hải quan theo đúng quy định để chuyển lô hàng này qua biên giới Việt Nam – Campuchia. Nhận định đây là chiêu thức của DN nhằm qua mặt lực lượng chức năng để thẩm lậu số hàng trên vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, Chi cục đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thông báo, phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) – Bộ Công an theo dõi chặt chẽ tuyến đường vận chuyển của lô hàng trên và đã phát hiện chuyến hàng được thẩm lậu ngược vào nội địa rạng sáng ngày 9/5/2017 qua đường mòn cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh)… Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, trung bình một tháng, đơn vị làm thủ tục cho trên 2.800 tờ khai vận chuyển đối loại hình hàng quá cảnh. Trong đó, hàng hóa chủ yếu qua 3 cửa khẩu chính, gồm: Mộc Bài (Tây Ninh) trên 2.000 tờ khai; Xa Mát (Tây Ninh) gần 400 tờ khai và Hoa Lư (Bình Phước) trên 350 tờ khai.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất trong 4 tháng/2017 đạt 41,96 tỷ USD, chiếm 65,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng/2017

Trong đó, đạt kim ngạch lớn nhất là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,51 tỷ USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng xăng dầu các loại là nhóm hàng có mức tăng về trị giá là lớn nhất 41,8%; sắt thép các loại đạt mức đứng thứ 2 với 10,9%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4 là 3,44 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng/2017 lên 11,5 tỷ USD, tăng 39,3% so với 4 tháng/2016; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 7,22 tỷ USD, tăng 60,1% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 4,28 tỷ USD, tăng 16,1%.

 

Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc, trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 với trị giá là 3,79 tỷ USD, tăng 135%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 3,4 tỷ USD, tăng 31%; Nhật Bản: 1,39 tỷ USD, tăng 7,4%; Đài Loan: 408 triệu USD, giảm 3,4%…

 

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2017 đạt 2,85 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 10,44 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với 3,84 tỷ USD, tăng 39,2%; thị trường Trung Quốc với 2,09 tỷ USD, tăng 26,1%; thị trường Đài Loan với 1,06 tỷ USD, tăng 15,4%;…

 

Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,2%. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 4,02 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Trung Quốc với 2,13 tỷ USD, tăng 6,3%; thị trường Hàn Quốc đạt 1,43 tỷ USD, tăng 31,5%;…

 

Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 4/2014 đạt 1,44 triệu tấn, trị giá 866 triệu USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 0,8% về trị giá. Đưa lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 4 tháng/2017 đạt 5,64 triệu tấn, trị giá 3,23 tỷ USD, gảm 8,3% về lượng, tuy nhiên tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

 

Thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Trung Quốc với 2,76 triệu tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Nhật Bản với 747 nghìn tấn, trị giá 447 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và tăng 32,4% về trị giá; thị trường Hàn Quốc đạt 535 nghìn tấn, trị giá 383 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và tăng 38,4% về trị giá;…

 

Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng là hơn 1,05 triệu tấn, trị giá là 543 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 18% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2017, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,98 triệu tấn, giảm 3,2%. Đơn giá nhập khẩu bình quân tăng tới 46,5% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu là gần 2,15 tỷ USD, tăng 41,8% so với 4 tháng/2016.

 

Trong 4 tháng/2017, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 1,65 triệu tấn, giảm 9,5%; Hàn Quốc: 986 nghìn tấn, gấp 2 lần; Ma-lai-xi-a: 770 nghìn tấn, giảm 24,1%; Trung Quốc: 344 nghìn tấn, giảm 16%… so với cùng kỳ năm trước.

 

Than đá: Lượng nhập khẩu trong tháng là 1,02 triệu tấn, giảm mạnh 48,8% so với tháng trước nhưng gần tương đương với mức trung bình của năm 2016 (1,11 triệu tấn/tháng). Đơn giá trong tháng giảm 20,2% dẫn đến trị giá nhập khẩu than đá tháng 4/2017 giảm mạnh 59,3% so với tháng 3/2017, đạt 88,2 triệu USD. Tính trong 4 tháng/2017, lượng than đá cả nước nhập về là 4,63 triệu tấn, trị giá là 498 triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 71,3% về trị giá do đơn giá nhập khẩu tăng cao (tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2016).

 

Than đá nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Ôxtrâylia là gần 1,4 triệu tấn, giảm 3,8%; In-đô-nê-xi-a: 1,6 triệu tấn, tăng 93,4%; Liên bang Nga: 762 nghìn tấn, giảm 45,9%… so với 4 tháng/2016.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 4/2017 là 6,96 nghìn chiếc, giảm 37,8% so với tháng trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở nhóm hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhập khẩu trong tháng là gần 2,5 nghìn chiếc, trong khi đó con số này của tháng trước là hơn 6,7 nghìn chiếc. Tính đến hết tháng 4/2017, cả nước nhập khẩu 33,4 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 15,6% (tương đương tăng 4,5 nghìn chiếc) so với cùng kỳ năm trước.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan vớ 12 nghìn chiếc trị giá 219 triệu USD, tăng 18,7% về lượng và 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Inđônêxia với gần 6 nghìn chếc trị giá 102 triệu USD, tăng 5,3 lần về lượng và 7,6 lần về trị giá; thị trường Ấn Độ với gần 5 nghìn chiếc, trị giá 22 triệu USD, tăng 1,1 lần về lượng nhưng giảm 3,5% về trị giá;…

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KHỞI TỐ NHIỀU VỤ BUÔN LẬU QUA ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

(HQ Online)- Thời gian gần đây nhiều vụ buôn lậu qua đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Trong đó, cơ quan Hải quan đã khởi tố hình sự 4 vụ.

Đối tượng vận chuyển 3 tấm da báo gấm và hơn 4 kg sản phẩm ngà voi bị bắt giữ.

Vận chuyển trái phép động vật hoang dã

Liên tục trong một tháng gần đây, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 4 vụ vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã, trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Ngày 14/5/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ một phụ nữ 62 tuổi, quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép gần 4kg ngà voi đã được cắt khúc, 9 cái đuôi voi, nhiều loại móng vuốt và đặc biệt còn có 3 bộ da của loài báo gấm châu Phi. Đây là loài động vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ cần được bảo vệ; trị giá tang vật ước tính hơn 2 tỷ đồng.  Người phụ nữ  này đã cất giấu rất tinh vi số hàng trên trong hành lý cá nhân và vật dụng gia đình nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Hiện Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ đường dây, hành vi vi phạm của đối tượng.

Trong số các vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã bị phát hiện, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã khởi tố hình sự 2 vụ, nhiều vụ đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố. Cuối tháng 4/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74)- Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46)- Công an TP.HCM phát hiện, tạm giữ 2 hành khách, gồm 1 đối tượng nữ 34 tuổi và 1 đối tượng nam 21 tuổi  nhập cảnh từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép 7 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng gần 5kg. Đây là sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi rất quý hiếm, giá trị tang vật ước tính khoảng hơn 6 tỷ đồng. Các đối tượng này đã cất giấu số sừng tê giác trên trong hành lý cá nhân, dụng cụ gia đình và thùng loa vi tính nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát và thu thập thông tin, cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc trên. Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành khởi tố vụ án, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ đường dây, ổ nhóm, hành vi vi phạm của các đối tượng.

Trước đó, vào đầu năm 2017, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhập lậu 1.000 tấm da trăn khô qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Lô hàng này do Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện quyết định khám xét lô hàng NK, phát hiện vào cuối năm 2016. Theo khai báo của chủ hàng, hàng nhập khẩu là dây viền bằng cao su dùng trang trí túi xách gồm 9 kiện, trọng lượng 348 kg (cuộn 215m), hàng mới 100%, xuất xứ Malaysia.

Trong đầu tháng 5/2017, Chi cục tiếp tục phát hiện 2 vụ vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã tạm giữ một nam hành khách 20 tuổi quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép 3 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng gần 1,5kg mang theo trong hành lý cá nhân. Đây là sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi (Diceros bicornis) rất quý hiếm, giá trị tang vật ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Lô hàng thiết bị y tế NK không có giấy phép bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện. Ảnh: L.T.

Buôn lậu thiết bị y tế

Cuối tháng 4/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “buôn lậu” xảy ra tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất liên quan đến việc NK thiết bị y tế của Công ty TNHH Khoa học và Kỹ thuật Olympic, địa chỉ tại số 1/54 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP.HCM do ông Nguyễn Kiến Hưng (sinh năm 1987, có hộ khẩu thường trú tại: 423 Ấp 1, thị trấn Gia Rai, huyện Giá Rai), tỉnh Bạc Liêu làm Giám đốc. Công ty này đã nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế là 50 máy đo điện tim, khai báo sai tên hàng nhằm trốn tránh việc xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, trị giá lô hàng hơn 500 triệu đồng.

Theo khai báo trên tờ khai hải quan, hàng NK là đầu kiểm tra cho máy điện tâm đồ, số lượng 1 bộ, hàng mới 100%, xuất Ba Lan, trị giá gần 20.000 EUR. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế lô hàng, công chức hải quan phát hiện toàn bộ hàng thực nhập sai so với khai báo hải quan. Cụ thể, bao gồm 50 máy đo điện tim, mới 100%, trị giá trên 550 triệu đồng. Theo quy định, khi NK số máy móc thiết bị này phải có giấy phép NK theo quy định tại Thông tư 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đại diện DN cho biết, chưa có giấy phép NK này.

Cũng liên quan đến nhập lậu thiết bị y tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đang xem xét khởi tố vụ nhập lậu thiết bị y tế cấm NK qua hàng quá cảnh. Vụ việc bị phát hiện vào cuối tháng 4/2017, do Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, C74 – Bộ Công an và PC46 – Công an TP.HCM theo dõi phát hiện lô hàng thiết bị y tế là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng (khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ Nhật Bản) gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng. Được biết, lô hàng này do Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong có địa chỉ tại 39B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM do ông Đinh Hữu Thạnh, sinh năm 1975 có hộ khẩu thường trú tại Khu 4, phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương làm Giám đốc đứng tên vận chuyển. Khi làm thủ tục quá cảnh sang Campuchia (qua cửa khẩu Xa Mát- Tây Ninh), công ty này đã khai báo lô hàng nhập khẩu mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, một số đối tượng còn giấu hàng hóa có giá trị cao, hàng cấm trong người. Vào đầu năm 2017, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ một nam hành khách, giấu trong người 18 chiếc iPhone bằng cách quấn quanh bụng. Vụ việc đã được khởi tố vụ án hình sự.

Hiện các vụ việc trên đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

XUẤT KHẨU THỦY SẢN DỰ KIẾN ĐẠT 7,4 TỶ USD

(HQ Online)- Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo tăng trưởng vào khoảng 5% đến 6%, với trị giá kim ngạch đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Biểu đồ tỉ lệ (%) về thị trường xuất khẩu thủy sản tính hết tháng 4/2017. Biểu đồ: T.Bình.

4 tháng qua, xuất khẩu thủy sản- ngành hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá 10,1%, với trị giá kim ngạch 2,15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều về bức tranh xuất khẩu thủy sản của cả nước vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ.

Năm 2016, thủy sản xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 7,043 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo ông Trương Đình Hòe, sự tăng trưởng nêu trên cho thấy đơn giá bình quân năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái (vì sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều).

“Đơn giá bình quần tăng cao có thể do yếu tố doanh nghiệp tăng sản phẩm có hàm lượng gia trị gia tăng; do yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tăng giá sản phẩm bán ra; hoặc trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới không đạt như dự báo cũng có thể là yếu tố để tăng giá sản phẩm”- Tổng Thư ký VASEP nói.

Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lĩnh vực thủy sản đang dựa chủ yếu vào 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác.

Với thực tế hiện nay và quy luật nhiều năm qua, ông Trương Đình Hòe dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành hàng này tăng khoảng 5% đến 6% và đạt 7,4 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Thư ký VASEP thông tin là ở thị trường Hoa Kỳ- một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của ngành hàng thủy sản, sản phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia…; các rào cản thương mại của Hoa Kỳ, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá.

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, cả nước có 4 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trị giá kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 361 triệu USD, Nhật Bản đạt 360 triệu USD, Trung Quốc đạt 230 triệu USD và Hàn Quốc đạt 200 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn:http://www.baohaiquan.vn/

PHÁT HIỆN CONTAINER HÀNG CHUYỂN CẢNG TẠI CÁI MÉP CHỨA ĐẦY HÀNG CẤM

(HQ Online)-Ngày 17/5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép – Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu chủ trì phối hợp với C74 – Bộ Công an khám xét lô hàng chuyển cảng từ Nhật Bản về cảng Tân cảng Cái Mép phát hiện chứa đầy hàng cấm.

Cả trăm chiếc máy lạnh đã qua sử dụng.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép, lô hàng trên do Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ XNK Phương Nam (số 92, đội 3, ấp 4, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đứng tên chủ hàng, trên manifest thể hiện tên hàng nhập khẩu là máy móc đã qua sử dụng.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép, qua công tác kiểm tra, giám sát phát hiện container hàng nhập khẩu nêu trên cập cảng Cái Mép từ đầu tháng 4/2017, lô hàng nhập khẩu chuyển cảng đến cảng đích tại Bình Dương. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, công ty này vẫn không đến mở tờ khai làm thủ tục chuyển hàng về cảng đích.

Phát hiện container hàng này nghi vấn chứa hàng lậu, nên Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép đã áp dụng biện pháp khám xét theo quy định để kịp thời ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Qua kiểm tra, Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép phát hiện toàn bộ hàng hóa chứa trong container là hàng điện lạnh, điện tử, như: máy lạnh, tủ lạnh… đã qua sử dụng (thuộc diện cấm nhập khẩu).

 

Container chứa đầy hàng điện lạnh.
Những chiếc máy lạnh cũ kỹ.
Nhiều chiếc bung nắp tả tơi.
Lê Thu

59 DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN ĐÓNG GÓP 94 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Tính trung bình mỗi doanh nghiệp ưu tiên có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu gần 1,6 tỷ USD.
Biểu đồ: T.Bình.

Đây là thông tin đáng chú ý được Tổng cục Hải quan chuẩn bị phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 (ngày 17/5).

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chế độ doanh nghiệp ưu tiên là một trong những giải pháp quan trọng để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lợi ích cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng (theo quy định của Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn) khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên như: Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

Đồng thời doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan…; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật…

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên, tổng số doanh nghiệp ưu tiên hiện nay của cả nước là 59 doanh nghiệp. Trong năm 2016, tổng trị giá kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này đạt 94 tỷ USD.

Như vậy, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên chiếm đến 26,8% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm ngoái (cả nước đạt 350,74 tỷ USD).

Trong số các doanh nghiệp đang được công nhận có 24 doanh nghiệp trong nước, 13 doanh nghiệp vốn của Nhật Bản, 9 doanh nghiệp vốn của Hàn Quốc và một số doanh nghiệp thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hồng Kông, Đài Loan, Italy, Singapore, doanh nghiệp liên doanh.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/