NGÂN HÀNG AIIB QUAN TÂM CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG MIỀN NAM

Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) rất quan tâm đến các dự án giao thông phía Nam.

 
1

Sơ đồ Dự án kết nối Đồng bằng sông Mê Kông từ Mỹ An (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang)

Ông Trần Văn Thi, Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết ngày 5/3, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) đã có buổi làm việc với Tổng công ty về một số dự án giao thông. Lãnh đạo AIIB quan tâm và thống nhất sẽ xem xét tài trợ hoặc đồng tài trợ cho các dự án giao thông ở khu vực phía Nam. Cụ thể là dự án xây dựng tuyến đường Mỹ An – Cao Lãnh, dự án đường vành đai 3 TP.HCM…

Theo thiết kế, tuyến Mỹ An – Cao Lãnh có chiều dài 26,2km, quy mô đầu tư đường cao tốc loại A, cấp 80 theo tiêu chuẩn Việt Nam. Trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, vận tốc 80km/h. Tổng mức đầu tư khoảng trên 3.356 tỷ đồng. Dự kiến tài trợ trong kế hoạch năm 2017.

Ông Trần Văn Thi cho biết Tổng công ty đã có tờ trình Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư. Bộ đã tiến hành thẩm định hồ sơ dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa được phê duyệt do chưa xác định được nguồn vốn đầu tư.

Về Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, sẽ triển khai đầu tư các đoạn Bến Lức – QL22 – Bình Chuẩn với chiều dài 46,7 km. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh từ  6 – 8 làn xe cao tốc đô thị, vận tốc 100 km/h. Đề xuất đầu tư theo quy mô giai đoạn 1 theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị với với 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp ở 2 bên. Tổng mức đầu tư khoảng 15.740 tỷ đồng. Dự kiến đồng tài trợ trong kế hoạch giai đoạn từ năm 2018.

2

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ).

Dự án này bao gồm 4 đoạn, trong đó đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn với chiều dài 16,7km đã được đầu tư, hiện đang khai thác. Đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch dài 34,3km đã xác định nguồn vốn từ Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và đầu tư theo hính thức BOT với sự tham gia của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Còn đoạn Bến Lức – QL22 và QL22 – Bình Chuẩn hiện đang triển khai lập F/S. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của hai đoạn này khoảng 15.700 tỷ đồng, hiện chưa xác định đủ vốn cho giai đoạn xây lắp.

Vì tính cần thiết của các dự án này, Tổng công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với AIIB để huy động vốn đầu tư, trong đó ưu tiên cho dự án đoạn An Mỹ – Cao Lãnh trong kế hoạch tài trợ năm 2017. Còn hai đoạn QL22 – Bình Chuẩn và Bến Lức – QL2 trong kế hoạch tài trợ các năm tiếp theo để kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả toàn tuyến Dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông cũng như tuyến đường Vành đai III TP.HCM.

Phan Tư

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

CAO TỐC TP.HCM – LONG THÀNH–DẦU GIÂY CÓ TRUNG TÂM QUẢN LÝ THÔNG MINH

Cao tốc TP.HCM – Long Thành –Dầu Giây chuẩn bị đưa trung tâm quản lý thông minh vào hoạt động.

_MG_0337

Cao tốc TP.HCM – Long Thành –Dầu Giây chuẩn bị đưa trung tâm quản lý thông minh vào hoạt động qua đó giám sát toàn bộ hoạt động trên tuyến. Ảnh: Linh Hoàng.

Ngày 4/3, ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sẽ chuẩn bị đưa vào khai thác Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) trên tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo ông Chung, trung tâm ITS được đặt tại Km6+300 thuộc phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM. Trung tâm này thuộc gói thầu số 4 – Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với mức đầu tư hơn 756 tỷ đồng và hơn 1,5 triệu Yên Nhật. Trung tâm này được thực hiện trong vòng 940 ngày.

Cũng theo ông Chung, trung tâm sẽ có 16 camera giám sát dọc tuyến và 52 camera thăm dò phương tiện. Qua đó giúp nhân viên giám sát nhận biết mật độ phương tiện đang lưu thông trên tuyến, nhanh chóng phát hiện các sự việc, sự cố giao thông xảy ra trên tuyến một cách chính xác.

Toàn bộ dữ liệu hình ảnh, video trên tuyến được truyền về trung tâm ITS bằng phương tiện liên lạc không dây, sẽ được nhân viên trực, theo dõi và xử lý 24/24. Qua đó chủ động và nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc.

Bên cạnh đó, hệ thống còn có bảng thông tin điện tử được đặt tại trạm dịch vụ Km41+100, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình giao thông trên tuyến cũng như điều kiện thời tiết.

Ngoài ra, hệ thống trạm cân được lắp đặt trước các Trạm thu phí Long Phước, Trạm thu phí Quốc lộ 51 và Trạm thu phí Dầu Giây sẽ kiểm soát tải trọng tất cả các phương tiện trước khi lưu thông vào đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đồng thời, hệ thống ITS cũng cung cấp đầy đủ hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm cho lực lượng chức năng xử lý, xử phạt…

Dự kiến ngày 10/3 trung tâm ITS sẽ chính thức đưa vào hoạt động.

Linh Hoàng
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

ĐÃ CÓ HƯỚNG SỬA QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TẠM NHẬP TÁI XUẤT

(HQ Online)- Để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến cơ chế báo cáo của các cơ quan, trách nhiệm và thẩm quyền của địa phương, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì quản lý, tức Bộ Công Thương.

Công chức Hải quan Cao Bằng kiểm tra container tạm nhập tái xuất. Ảnh: T.Bình.

Quản lý chưa chặt

 
Liên quan đến kiến nghị điều chỉnh điều kiện kinh doanh TNTX quy định tại Thông tư 05 (quy định ký quỹ, kho bãi và một số điều kiện khác), do Bộ Công Thương đã rà soát theo hướng loại bỏ các quy định chưa phù hợp; kế thừa một số quy định đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tế để đưa vào Nghị định 77/2016/NĐ-CP nên Bộ Công Thương chưa xem xét, tiếp thu điều chỉnh nội dung này trong phạm vi của thông tư thay thế Thông tư 05.
 

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thúc đẩy thương mại cho một số địa phương có cửa khẩu thì hoạt động TNTX đang được cho là loại hình kinh doanh có nhiều bất cập. Chính bởi thế, cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg để tăng cường công tác hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này.Tuy nhiên, kết luận thanh tra báo cáo của Thanh tra Chính phủ vào tháng 6/2016 vẫn tiếp tục nêu ra nhiều điểm bất cập của hoạt động kinh doanh TNTX. Cụ thể, trong những năm qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vi phạm gian lận thương mại qua hoạt động TNTX như nhập, kê khai không đúng chủng loại, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên việc xử lý chưa đủ sức răn đe, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận và chi phí phải xử lý hậu quả do vi phạm gây ra, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… dẫn tới nhiều DN lợi dụng hoạt động TNTX để gian lận thương mại như dùng mã số kinh doanh là hàng đông lạnh, nhưng lại kê khai là hàng đã qua sử dụng, hàng có thuế TTĐB…

Thực tế này cũng được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) thừa nhận trong một lần trả lời phóng viên Báo Hải quan. Hoạt động kinh doanh TNTX đã bộc lộ một số hạn chế nhất định trong quản lý, kiểm soát nhất là kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng quy định về TNTX để buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế.

Với những bất cập đó, Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành còn tồn tại, bất cập, chưa sát thực tế về TNTX, trong đó có việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư 05/2014/TT-BCT. Được biết, 2 vấn đề gồm: Thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND tỉnh; trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan và địa phương nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Bởi lẽ, việc phân cấp, phân quyền, phối hợp của các đơn vị để quản lý hoạt động TNTX còn có hạn chế.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi Thông tư 05 theo hướng tập trung việc phân cấp, đi cùng với phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan thực hiện là các địa phương và cơ quan chủ trì là Bộ Công Thương. Bộ Quốc phòng kiến nghị bổ sung vào Điều 20 của Thông tư 05 nội dung quy định trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng như trách nhiệm trong phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, cung cấp trao đổi thông tin định kì, đột xuất; quản lý, điều tiết hoạt động TNTX tại cửa khẩu, lối mở biên giới.

Đối với vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, theo quy định tại khoản 4, Điều 20 của Thông tư 05, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm “định kỳ hàng tháng cung cấp cho Bộ Công Thương các thông tin sau để điều tiết hàng hóa và có biện pháp xử lý kịp thời”. Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định cơ quan Hải quan phải cung cấp thông tin theo định kỳ hàng tháng dẫn đến tăng khối lượng công việc không nhỏ cho cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư này, các DN tham gia hoạt động kinh doanh tái xuất nhóm hàng hóa có điều kiện đã phải thực hiện định kỳ hàng tháng báo cáo trực tiếp nên đề nghị điều chỉnh lại nội dung này.

Phân định rõ trách nhiệm

Trên cơ sở những đóng góp của các cơ quan liên quan, đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành bản dự thảo lần 1 thông tư thay thế Thông tư 05. Bản dự thảo này có một số nội dung đã được điều chỉnh, sửa đổi. Theo đó, Bộ Công Thương đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến theo hướng bổ sung và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TNTX; điều chỉnh trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, các địa phương và các DN có liên quan; điều chỉnh quy định về điều tiết hàng hóa và thẩm quyền điều tiết hàng hóa.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã bổ sung vào phần trách nhiệm của mình như sau: “Tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, thương nhân có liên quan trong việc thực hiện quy định tại Thông tư này” thay vì quy định cũ “tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho bãi của doanh nghiệp” và “chủ trì và phối hợp thu hồi mã số của DN theo quy định”.

Đối với kiến nghị về của Bộ Tài chính về việc sửa quy định Tổng cục Hải quan kỳ hàng tháng cung cấp thông tin, Bộ Công Thương đề xuất hướng sửa là “Tổng cục Hải quan định kỳ hàng quý cáo báo tình hình thực hiện TNTX theo mẫu báo cáo quy định của Bộ Công Thương (số lượng, giá trị hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện, hàng hóa khác theo quý…) để phục vụ công tác điều hành”.  Tổng cục Hải quan cũng có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công Thương các vụ vi phạm quy định về kinh doanh TNTX chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan; tình trạng hàng hóa ách tắc tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu trong thời gian sớm nhất để phối hợp có biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ Công Thương cũng đề xuất, Sở Công Thương các tỉnh liên quan định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo ủy quyền của Bộ Công Thương kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh TNTX theo quy định tại Nghị định 77/2016/NĐ-CP; kiểm tra tình hình thực hiện TNTX của các DN liên quan.

Ngoài những nội dung trên, Bộ Công Thương cũng bổ sung một số mặt hàng vào Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh TNTX gồm: Các mặt hàng nhạy cảm tác động đến an ninh, môi trường (các loại phế liệu, phế thải như phế liệu cấm XK, cấm NK là phế liệu cao su, phế liệu sắt, thép…), vật liệu nổ, vũ khí đạn dược; động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã theo Công ước CITES. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng bổ sung một số quy định khác nhằm tăng cường công tác quản lý như: DN không được ủy thác và nhận ủy thác đối với hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện; quy định về hoàn trả mã số TNTX của DN.

Phan Thu
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Lưu ý để có C/O mẫu D hợp lệ

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn về cách hiểu trường hợp C/O mẫu D có hóa đơn thương mại do bên thứ ba phát hành.

Công chức Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc kiểm tra hồ sơ hải quan. Ảnh: N.Linh

Theo Tổng cục Hải quan, các nội dung hướng dẫn trên cơ sở kết quả Phiên họp Tiểu ban Quy tắc xuất xứ ASEAN lần thứ 22, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất về cách hiểu trường hợp C/O có hóa đơn thương mại do bên thứ ba phát hành theo quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, đối với các C/O mẫu D được cấp kể từ ngày 1/11/2016, trường hợp người sản xuất và công ty phát hành hóa đơn có trụ sở cùng một quốc gia thì không phải đánh dấu vào mục “hóa đơn bên thứ ba” trên ô số 13. Số và ngày tháng hóa đơn thương mại, tên công ty phát hành hóa đơn phải được khai báo trên C/O.

Đối với các C/O mẫu D được cấp trước ngày 1/11/2016, thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 1, công văn số 4573/TCHQ-GSQL ngày 31/7/2009 về cách hiểu đối với trường hợp hóa đơn nước thứ ba, cụ thể: “Cơ quan Hải quan nước thành viên NK phải chấp nhận C/O mẫu D trong trường hợp hóa đơn thương mại được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba không phải là nước thành viên hoặc bởi một nhà XK ASEAN đại diện cho công ty đó miễn là hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ.

Trường hợp hóa đơn do một công ty của ASEAN cấp (công ty ngày không phải là nhà XK hoặc nhà NK) có trụ sở ở cùng hoặc khác quốc gia với quốc gia của nhà XK hoặc nhà NK đặt trụ sở cũng được hiểu là trường hợp hóa đơn nước thứ ba”.

Trong trường hợp gặp vướng mắc liên quan đến tính hợp lệ của các C/O mẫu D được cấp không đúng quy định tại công văn 4573/TCHQ-GSQL, hải quan địa phương gửi báo cáo lên Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn cụ thể.

Đối với các C/O mẫu D hóa đơn bán hàng được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại một nước thứ ba không phải là nước thành viên hoặc bởi một nhà XK ASEAN đại diện cho công ty đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu thực hiện theo đúng quy định về hóa đơn do nước thứ ba phát hành tại Điều 23, Phụ lục 7, Thông tư 22/2016/TT/BCT của Bộ Công Thương: Cơ quan Hải quan nước thành viên NK phải chấp nhận C/O trong trường hợp hóa đơn bán hàng được phát hành bởi một công ty có trụ sở tại mộtnước thứ ba không phải là nước thành viên hoặc bởi một nhà XK ASEAN đại diện cho công ty đó miễn là hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ nêu tại Phụ lục I. Người XK sẽ đánh dấu vào ô “Third country invoicing” và ghi các thông tin như tên và nước của công ty phát hành hoá đơn trên C/O.

N.Linh

Xăng RON 92 tăng mạnh hơn 500 đồng/lít

(HQ Online)- Sau 3 lần giữ giá, giá xăng RON 92 chính thức tăng 504 đồng/lít từ 15h ngày 18/2 lên  mức 18.098 đồng/lít.

Giá xăng RON 92 tăng 504 đồng/lít. Ảnh: Hữu Linh.

Bộ Công Thương chiều 18/2 đã phát đi thông tin điều hành giá xăng dầu theo đúng chu kỳ 15 ngày, theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xáng dầu.

Theo đó, giá xăng dầu đồng loạt tăng từ 15h với mức tăng cao nhất là xăng RON 92, 504 đồng/lít, tiếp đến là xăng E5 với mức tăng 496 đồng/lít.

Giá các loại dầu cũng tăng 283 đồng/lít với dàu diesel, 238 đồng/lít với dầu hỏa và 117 đồng/kg với dầu mazut.

Sau khi tăng giá, giá các loại xăng dầu bán trên thị trường không cao hơn 18.098 đồng/lít với xăng RON 92, xăng E5 là 17.818 đồng/lít, dầu diesel là 14.305 đồng/lít, dầu hỏa là 12.758 đồng/lít và dầu mazut là 11.323 đồng/kg.

Bộ Công Thương cũng quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng như sau: Xăng khoáng và xăng E5 là 300 đồng/lít.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 18/2 là: 68,065 USD/thùng xăng RON 92; 66,574 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 66,105 USD/thùng dầu hỏa; 322,682 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S, có tăng so với kỳ điều chỉnh trước.

Như vậy, đây là lần tăng giá xăng đầu tiên của năm 2017 sau 3 lần giữ giá.

Phan Thu

Hướng dẫn mới về lập báo cáo quyết toán loại hình nhập sản xuất xuất khẩu

(HQ Online)-Để việc lập báo cáo quyết toán đối với loại hình nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu được thực hiện thống nhất, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu cục hai quan tỉnh, thành phố hướng dẫn DN loại hình này thực hiện lập và nộp báo cáo quyết toán.

DN nhập SXXK lập và nộp báo cáo quyết toán theo đúng quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Ảnh: N.Linh

DN lập và nộp báo cáo quyết toán thực hiện theo đúng quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại công văn 1501/TCHQ-GSQL ngày 29/2/2016 của Tổng cục Hải quan.

Theo đó, số liệu tồn đầu kỳ, số liệu tồn cuối kỳ được kết xuất từ hệ thống sổ kế toán tại thời điểm bắt đầu và kết thúc năm tài chính (không phân biệt theo thời điểm áp dụng Luật thuế XK, thuế NK).

Đối với nguyên liệu, vật tư NK theo loại hình kinh doanh đã nộp đầy đủ các khoản thuế theo quy định, sau khi sản xuất ra sản phẩm mà DN tìm được thị trường XK thì hoạt động này được xem xét hoàn thuế theo quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ và không phải thực hiện báo cáo quyết toán; cơ quan Hải quan quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên cơ sở hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã nộp.

N.Linh

Sản phẩm sữa nhập khẩu phải kiểm dịch

(HQ Online)- Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới đây đã có công văn trả lời DN và Tổng cục Hải quan về những kiến nghị liên quan đến kiểm dịch NK sữa bột, trong đó nêu: Sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

CBCC hải quan kiểm tra hàng hóa XNK.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc một mặt hàng (sữa bột đóng hộp) do hai bộ cùng quản lý.

Cụ thể là trường hợp Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Nhật Minh làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng sữa bột đóng hộp dành cho trẻ em nhãn hiệu Pediasure của Úc, đóng trong hộp sắt tráng thiếc, 800g/hộp, bao bì đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Lô hàng sữa bột trên đã được chứng nhận hợp quy và kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế trước khi thông quan.

Căn cứ Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm trên cạn thì sản phẩm sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Trong khi căn cứ Quyết định số 3648/QĐ-BCT ngày 8-9-2016 của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì mặt hàng sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

Như vậy, căn cứ hai văn bản hướng dẫn trên, đối với mặt hàng sữa bột đóng hộp vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đề nghị: Đối với mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến sâu (như: Sữa chua, thực phẩm đóng hộp…) vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình một trong hai chứng từ để thông quan hàng hóa.

Phản hồi ý kiến của cơ quan Hải quan và DN, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Thú y giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, theo đó sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

Lý giải về điều này, Cục Thú y nêu những quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex về chứng nhận kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa trong thương mại quốc tế; thỏa thuận về yêu cầu vệ sinh thú y đối với Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch XK sữa và sản phẩm sữa (gồm cả sữa chế biến) từ các nước vào Việt Nam. 

Hiện nay, việc kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa do cơ quan thú y tại cửa khẩu thực hiện. Việc kiểm dịch gồm: Kiểm tra các nội dung chứng nhận trong Giấy chứng nhận kiểm dịch có đúng với nội dung đã thỏa thuận hay không; kiểm tra cảm quan và các chỉ tiêu vệ sinh thú y gồm các vi sinh vật truyền lây giữa người và động vật; hoặc tùy vào tình hình dịch bệnh của nước XK để kiểm tra.

N.Linh

Hải quan TP.HCM: Phân cấp mạnh kiểm tra sau thông quan tại cửa khẩu

(HQ Online)- Từ hiệu quả chống thất thu ngân sách qua công tác kiểm tra sau thông quan ngay tại cửa khẩu, năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM thực hiện phân cấp mạnh cho các chi cục để thực hiện nghiệp vụ này ngay tại cửa khẩu. 

Cơ quan Hải quan sẽ phối hợp với cơ quan Thuế kiểm tra giá xe ô tô NK. Ảnh: T.H

Ngoài việc thực hiện chặt chẽ xác định trị giá tính thuế và ấn định thuế các nhóm mặt hàng trọng điểm, các chi cục hải quan chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đúng thời gian, đúng quy định các nhóm hàng khác có nghi vấn, thu đúng thu đủ vào NSNN. 

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện quyết định kiểm tra sau thông quan của cơ quan Hải quan, các chi cục hải quan chỉ đạo ban hành quyết định ấn định thuế căn cứ trên các cơ sở nghi vấn ban đầu và từ lô hàng sau trở đi, các trường hợp nghi vấn không cho doanh nghiệp được lựa chọn thông quan theo giá khai báo mà phải tổ chức tham vấn ngay theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 10773/TCHQ-TXNK ngày 15/11/2016. Gửi danh sách doanh nghiệp không chấp hành quyết định kiểm tra sau thông quan về Cục Hải quan TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền. 

Để công tác chống thất thu từ nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan đạt hiệu quả cao nhất, Cục Hải quan TP.HCM vừa chỉ đạo các chi cục từ nay trở đi đối với quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan đối với hồ sơ nghi vấn giá tính thuế, các chi cục hải quan phải kiểm tra, ban hành thông báo kết quả kiểm tra và ấn định thuế (nếu có) 100% tờ khai nghi vấn, không chuyển hồ sơ nghi vấn cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan khi chưa xử lý tại khâu kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan. 

Nếu doanh nghiệp không chấp hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan, các chi cục hải quan thực tổ chức tham vấn ngay, bác bỏ giá khai báo. Nếu doanh nghiệp không đồng ý, ban hành quyết định ấn định thuế và yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế ngay trong khâu trong thông quan cho các lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp.

Đối với công tác kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp, căn cứ kế hoạch trong năm 2017 đã được Tổng cục Hải quan phê duyệt, Chi cục Kiểm tra sau thông quan tổ chức thu thập thông tin để ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục phối hợp với Cục Thuế TP.HCM tập trung kiểm tra các lĩnh vực hoàn thuế GTGT, quyết toán hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu, tình hình sử dụng máy móc thiết bị phục vụ gia công, sản xuất xuất khẩu của một số doanh nghiệp; kiểm tra chặt chẽ giá tính thuế ôtô nhập khẩu, tránh tình trạng đao giá, trốn thuế… 

Trong năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM đã thực hiện kiểm tra sau thông quan, kiểm tra giá, xác định thuế hàng phí mậu dịch tăng thu cho ngân sách nhà nước trên 1.700 tỷ đồng.
Trong đó, các đơn vị thực hiện xác định giá hàng phi mậu dịch, ấn định thuế trên 102 tỷ đồng; thực hiện tham vấn giá, ấn định thuế tăng trên 34 tỷ đồng.
Chi cục  Kiểm tra sau thông quan thực hiện 44 cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan, tăng 17 vụ; Kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp 274 vụ, tăng gần 60 vụ so với năm 2015. Tổng số thuế ấn định phải thu trên 939 tỷ đồng, tăng trên 400 % so với cùng kỳ, đạt gấp hơn 3 lần chỉ tiêu được giao.
Số thuế tăng còn lại do Phòng thuế XNK và các chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện. Trong đó, Phòng Thuế XNK tăng thu 95,3 tỷ đồng; các chi cục thực hiện 337 tỷ đồng.

 

Lê Thu

VCCI: Việc thu phí ở Hải Phòng sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm

(HQ Online)- Trước những bức xúc của DN về việc thu “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu” qua cảng biển Hải Phòng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ.

Việc thu phí ở cảng Hải Phòng đang gây nhiều bức xúc cho DN. Ảnh: H.Dịu

Theo văn bản này của VCCI, thời gian qua, chính sách tăng phí và bổ sung phí mới tại Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đang gây nhiều quan ngại.Theo đó, mức phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan tăng cao so với mức phí của năm 2016 (tăng đến gần 70%, có loại phí tăng gấp đôi). Hơn nữa, quy định thêm mức phí hoàn toàn mới đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu. Điều này đã đi ngược lại tinh thần lại Nghị quyết 35 của Chính phủ về rà soát để giảm các chi phí kinh doanh.

TĐặc biệt, công văn của VCCI còn nhận định, quy trình lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết 148 chưa phù hợp, quá gần với ngày ký ban hành nên DN không có đủ thời gian để tham gia ý kiến. Hơn nữa, từ thời điểm ký ban hành đến thời điểm phát sinh hiệu lực quá ngắn (17 ngày), không đủ cho các DN chuẩn bị, trong khi đây lại là chính sách tác động rất lớn tới quyền và lợi ích của các DN.

“Các giải trình từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đủ thuyết phục, ít nhất là các điểm về căn cứ ban hành các mức phí, đánh giá tác động của chính sách đến đối tượng chịu tác động trực tiếp cũng như gián tiếp”, công văn nêu rõ.

Từ những bức xúc trên, VCCI lo ngại việc ban hành Nghị quyết 148 tại Hải Phòng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các địa phương có cảng biển và cảng sân bay đặt ra các loại phí trong thời gian tới, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của DN.

Vì vậy, VCCI đề nghị Thủ tướng cân nhắc, xem xét những tác động của chính sách trên và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của Hải Phòng giải trình thuyết phục về các căn cứ đưa ra các mức phí tại Nghị quyết 148, trong đó có đánh giá tác động một cách toàn diện các đối tượng chịu tác động.

Nếu không giải trình hợp lý, VCCI đề nghị giữ nguyên các mức phí trước thời điểm Nghị quyết 148 có hiệu lực. Trong trường hợp giải trình hợp lý về việc ban hành Nghị quyết 148, VCCI đề nghị kéo dãn thời gian chuyển tiếp áp dụng quy định mới này, ít nhất là 06 tháng, để các DN có đủ thời gian chuẩn bị, tránh các tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh của DN.

Trước đó, phản ánh của của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và nhiều DN hội viên của VCCI cho rằng, với chính sách tăng phí và bổ sung phí mới tại Nghị quyết 148, một số DN sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam, lượng xuất khẩu từ 150-400 container (40ft)/tháng/DN thì mỗi DN sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm. Các DN có hoạt động xuất nhập khẩu trong ngành, lĩnh vực khác, dự kiến sẽ chi thêm hàng năm triệucho mỗi lần thông quan.

TKhông những thế, để được thông quan tại cảng biển Hải Phòng, các DN xuất nhập khẩu phải thực hiện thêm một thủ tục kê khai nộp phí hạ tầng mới. DN phải thực hiện các thủ tục hành chính như đến điểm thu phí, nhận tờ khai, kê khai và nộp tiền, theo thông tin từ DN thì thời gian để thực hiện cho thủ tục này từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ (chưa kể các khâu chuẩn bị và các vướng mắc phát sinh).

 

Hương Dịu

Giới thiệu

        Thành lập từ năm 1970, Vietrans tự hào là người tiên phong trong lĩnh vực Giao nhận vận tải tại Việt Nam, nhà sáng lập của Hiệp hội Giao nhận Việt Nam VIFFAS. Qua hơn 40 năm thăng trầm cùng thị trường Việt Nam, chúng tôi luôn giữ vững cam kết đem lại giá trị gia tăng cao nhất cho khách hàng trên mọi lĩnh vực của ngành logistics.

         Tại Vietrans, chúng tôi đã và đang phục vụ Quý khách hàng bằng sự hiện diện tại tất cả các thành phố và cảng biển/cảng hàng không chính của Việt Nam, với đội ngũ nhân viên thường trực lên đến hơn 400 người cùng cơ sở hạ tầng đầy đủ và hoàn thiện, bao gồm kho bãi (kho thường và kho ngoại quan), xe tải, đầu kéo và cảng riêng Lotus dành cho hàng Công trình – Dự án. Không dừng lại ở việc phát triển thị trường nội địa, Vietrans cũng không ngừng mở rộng – tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn thế giới, tham gia và tích cực hoạt động tại các Hiệp hội giao nhận toàn cầu, đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các dịch vụ đa dạng và phù hợp nhu cầu từng khách hàng. 

        Một số khách hàng tiêu biểu Vietrans đã và đang có hân hạnh được phục vụ bao gồm:

kubota  Kingjim Vietnam amada_800

lotte     ford            toyota

tiger  heinekenpepsi

        Trên tất cả, tại Vietrans, chúng tôi hiểu rằng không có lô hàng nào là quá nhỏ. Mỗi cá nhân đều tự đặt mình vào vị trí khách hàng để chủ động và tích cực xử lý mọi rủi ro, giảm thiểu mọi chi phí và tạo ra giá trị cao nhất cho doanh nghiệp. Chúng tôi hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng.