NGÀNH HẢI QUAN TẬP HUẤN VỀ BIỂU THUẾ MỚI

(HQ Online)- Để chuẩn bị cho việc thực hiện Nghị định 125/2017/NĐ-CP và các Nghị định ban hành các Biểu thuế FTA, ngày 15/12/2017, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị tập huấn giới thiệu những thay đổi của các biểu thuế cho đại diện các đầu mối nghiệp vụ, chi cục hải quan cửa khẩu của hải quan  các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Từ ngày 1/1/2018, hàng loạt các Biểu thuế XNK sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực với sự thay đổi thuế suất của hàng nghìn mặt hàng XNK. Trực tiếp phân tích những điểm mới của Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Quyết định 45/2017/QĐ-TTg,  bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP là nhằm thống nhất với danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65; giải quyết các kiến nghị của DN phát sinh trong thời gian từ 1/9/2016 đến nay; hạn chế tác động của việc xoá bỏ thuế NK theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN. Với sự ra đời của Nghị định này, thuế suất thuế XNK của nhiều mặt hàng như ô tô cũ, linh kiện ô tô, thủy hải sản, thực phẩm tươi sống… sẽ có nhiều thay đổi.

Phân tích về  Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 36/2016/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa NK, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết: Hàng hóa NK không có tên trong Danh mục của Biểu thuế suất NK thông thường tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này và không thuộc trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều 5 Luật thuế XK, thuế NK ngày 6/4/2016 thì áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất NK ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 125.

Giới thiệu lộ trình cắt giảm thuế quan tại Nghị định Biểu thuế FTA cho giai đoạn 2018- 2022, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ Tài chính cũng đang dự thảo 10 nghị định biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA giữa: ASEAN, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Ấn Độ, ASEAN – Australia – New Zealand, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chi lê, Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu. Việc dự thảo các nghị định mới này là để thực hiện cam kết trong nội khối ASEAN. Trong đó, thuế NK của nhiều mặt hàng sẽ giảm mạnh, thậm chí về 0% như: ô tô nguyên chiếc, xăng dầu; thịt heo, thịt bò tươi; phụ tùng linh kiện; máy tính; sản phẩm điện tử… 

Cũng tại hội nghị tập huấn, hải quan các địa phương đã trao đổi với các đơn vị soạn thảo các biểu thuế về điều kiện và thủ tục áp dụng các chương trình ưu đãi thuế, thời điểm áp dụng ưu đãi thuế cũng như chia sẽ kinh nghiệm về nội dung các biểu thuế FTA…

Các thắc mắc của hải quan địa phương tại Hội nghị tập huấn xoanh quanh các nội dung: các điều kiện NK linh kiện NK lắp ráp ô tô, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 125/2017/NĐ-CP với nhóm hàng 8702 và 8703; thời điểm áp dụng các hạn ngạch thuế quan….

Được biết, sau Hội nghị tập huấn này, các CBCC dự hội nghị sẽ về tập huấn  cho các CBCC tại đơn vị mình về những điểm mới cũng như những thay đổi của các biểu thuế để áp dụng biểu thuế mới từ ngày 1/1/2018. 

Hải Nam

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

HẢI QUAN BÌNH DƯƠNG: TẬP HUẤN THỦ TỤC HẢI QUAN CHO LÃNH ĐẠO DN NHẬT BẢN

(HQ Online)-Ngày 4/5, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Chi hội doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn về thủ tục hải quan, chính sách thuế XNK… cho lãnh đạo DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương. 

Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương giải đáp thắc mắc của DN tại hội nghị. Ảnh T.D

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang cho biết, đây là một hoạt động nhằm đổi mới công tác đối thoại DN. Qua hội nghị này, sự tương tác giữa cơ quan Hải quan và lãnh đạo DN được nhiều hơn. Chủ DN sẽ được trực tiếp nghe giải đáp những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến thủ tục XNK… để thực hiện theo đúng quy định.

Tại hội nghị, đại diện Cục Hải quan Bình Dương đã phổ biến đến lãnh đạo các DN về các quy định, chính sách liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; Lưu ý về các vướng mắc mà DN thường gặp phải có liên quan đến thuế XNK đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu trong thời gian qua; Quy định về cấp danh mục miễn thuế hàng hóa tạo tài sản cố định; Các quy định chung về phân tích, phân loại hàng hóa…

Chi cục kiểm tra sau thông quan cũng đã trình bày về một số quy định cũng như chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc diện doanh nghiệp ưu tiên. Một số lưu ý đối với doanh nghiệp trong việc sử dụng chữ kí số, cảnh báo một số sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại Bình Dương để doanh nghiệp rút kinh nghiệm không để vướng phải… Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, việc kiểm tra của cơ quan Hải quan là hướng đến sự tuân thủ chứ không xử phạt. Theo đó, DN cần lưu ý trong công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ phận để tránh để xảy ra sai sót.

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp cũng đã trực tiếp nêu câu hỏi xoay quanh định mức sản xuất đối với hàng hóa gia công sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, DN cho biết, định mức thực tế không khai báo định mức với cơ quan Hải quan, chỉ xuất trình với cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán, nhưng phần cảnh báo sai phạm thường xuyên của DN (phát hiện trong quá trình kiểm tra của cơ quan Hải quan) lại có hành vi lên định mức không đúng. 

Trả lời vướng mắc này của DN, Cục Hải quan Bình Dương cho biết, trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra tính chính xác của các định mức mà DN xuất trình, định mức này là định mức thực tế sản xuất tại DN. Tuy nhiên vì một lý do nào đó (như DN đã nhập thừa so với khai báo, xuất thiếu so với khai báo, hoặc trong quá trình quản lý nguyên phụ liệu tại DN do việc quản lý không được chặt chẽ, đã xảy ra tình thất thoát…) DN phải cân đối lại và xuất trình các định mức không đúng với thực tế, hành vi này được phát hiện khi cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra nên doanh nghiệp sẽ bị xử phạt và truy thu (nếu có).

Liên quan đến việc phân loại hàng hóa, đại diện phòng Thuế XNK cũng lưu ý doanh nghiệp cần phân biệt việc lấy mẫu để phân tích, phân loại xác định mã số thuế hay lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nhà nước xác định chính sách mặt hàng (có đủ điều kiện được nhập khẩu hay không). Cụ thể, đối với hàng hóa lấy mẫu để phân tích, phân loại xác định mã số thuế thuộc diện giải phóng hàng, nghĩa là sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, tờ khai sẽ được giải phóng hàng, doanh nghiệp được đưa hàng hóa vào sử dụng và làm thủ tục chuyển tiền trả cho nước ngoài, không cần phải chờ đợi kết quả phân tích phân loại.

Đối với hàng hóa lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nhà nước xác định chính sách mặt hàng thuộc diện đưa hàng về bảo quản, nghĩa là sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, doanh nghiệp sẽ được đưa hàng về bảo quản, doanh nghiệp không được đưa hàng hóa vào sử dụng khi chưa có kết quả kiểm tra chất lượng.

Thu Dịu