CHÍNH PHỦ GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN

(HQ Online)- Chiều 13/12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cùng đại diện các bộ, ngành đã có buổi làm việc, đối thoại với 25 DN thuộc Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc NK ô tô được DN Nhật Bản đưa ra. Ảnh: Internet

Cần tăng độ tin cậy về pháp luật Việt Nam 

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017, GDP của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt con số 6,7%, có được điều này là nhờ sự đóng góp lớn của cộng đồng DN, trong đó có các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Vì thế, với mục tiêu trong năm 2017 là tăng năng suất lao động, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của DN nên Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của DN để có những cải cách sát với thực tế và yêu cầu của DN nhất.

Về phía Nhật Bản, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho thấy không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước trên thế giới đều dành sự quan tâm lớn cho Việt Nam, nên đây là thời điểm để Việt am đón nhận cơ hội mới thu hút đầu tư.

Vì thế, ông Umeda Kunio đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam nên chú trọng đến mục tiêu nâng cao năng suất lao động, Chính phủ nên phát động phong trào cải tiến năng suất trên toàn quốc với sự tham gia của tất cả các bộ ngành liên quan với đầu mối chính là Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, mặc dù những năm vừa qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nhưng nhìn từ con mắt của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn ở vị trí chưa phù hợp lắm cho việc đầu tư, nguyên nhân là do độ tin cậy về pháp luật của Việt Nam còn thấp.

“Để tăng cường độ tin cậy, Chính phủ cần giữ đúng hai nguyên tắc. Thứ nhất là giữ vững những cam kết trước đây đã ký kết với nhà đầu tư. Thứ hai, các cơ quan ban ngành cần tuân theo các thông lệ và quy tắc kinh doanh quốc tế”, ông Umeda Kunio kiến nghị.

Nghiên cứu lùi thời điểm thi hành Nghị định 116

Cũng tại buổi làm việc, ông Karashima Hiroshi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã trình bày 4 kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách cho hoạt động kinh doanh của các DN Nhật Bản.

Đầu tiên, các DN Nhật Bản bày tỏ lo ngại về những khó khăn nếu Dự thảo nghị định liên quan đến việc người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc đi vào thực thi. Bởi nghị định này sẽ làm tăng gánh nặng về tiền bảo hiểm cho nhà tuyển dụng lao động.

Thứ hai là những khó khăn liên quan đến dự thảo nghị định Luật bảo vệ môi trường. Bởi điều khoản trong dự thảo này yêu cầu cơ sở phải có thiết kế bảo đảm chứa nước thải sau xử lý ít nhất 72 giờ, điều này sẽ khiến DN tăng gánh nặng vì việc xây dựng bể chứa cần chi phí lớn.

Thứ ba là các khó khăn liên quan đến Thông tư 23 về NK máy móc cũ. Bởi việc này dẫn đến việc hạn chế đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên cần sự hợp tác của các DN nhỏ và vừa nước ngoài.

Cuối cùng, các DN Nhật Bản nêu ra kiến nghị về Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp, NK ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô. Theo các DN, nhiều điều kiện trong nghị định đang tạo sự bất công giữa xe NK và xe sản xuất trong nước khi yêu cầu xe NK phải có đầy đủ giấy chứng nhận từ nhà sản xuất. Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra xe NK theo lô với tần suất cao sẽ gây khó khăn, tốn thời gian của các DN NK. Do đó, đại diện các DN Nhật Bản kiến nghị nên lùi thời điểm thi hành của Nghị định 116.

Sau khi lắng nghe ý kiến giải đáp của đại diện các bộ, ngành tham dự buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đưa ra nhiều chỉ thị và yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu ý kiến để có những thay đổi phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng DN Nhật Bản.

Đáng chú ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cân nhắc lại từ “được” mua BHXH bắt buộc để DN dễ hiểu, không hiểu theo 2 nghĩa. Bộ Tài chính cần xem xét kỹ vấn đề liên quan đến những chi phí phát sinh, có thể đưa vào phí DN và rà soát các chính sách liên quan đến thuế.

Đối với kiến nghị về Nghị định 116, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tư tưởng của Nghị định 116 là vừa bảo vệ người sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần giấy chứng nhận của các nhà sản xuất để chứng mình xuất xứ hàng hóa, để nhà NK có quyền triệu hồi xe theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Riêng việc kiểm tra từng lô hàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ lưu ý cần tiếp tục cải cách tạo thuận lợi cho nhà sản xuất và nhà NK. Nếu xe đã cùng chủng loại có đánh giá rồi thì xem xét sự tuân thủ của nhà NK và nhà sản xuất để xem xét thông quan, giúp DN đỡ mất thời gian và chi phí.

Đặc biệt, trước những kiến nghị và khó khăn của DN Nhật Bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu để lùi thời gian thi hành của Nghị định 116.

Hương Dịu

THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH SẼ ẢNH HƯỞNG TỚI THU HÚT FDI

(HQ Online)- Chính sách và luật pháp đầu tư nước ngoài (FDI) thay đổi liên tục do sự chuyển dịch không ngừng của xu hướng đầu tư. Điều này có thể gây ra những hạn chế, làm “nản nòng” các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách nhiều thay đổi có thể gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Internet

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo: “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 7/12 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) phối hợp tổ chức.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện đã có hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Từ những đóng góp của khối FDI trong hoạt động kinh doanh, XNK của Việt Nam cho thấy, vốn đầu tư FDI đang đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Thống kê cho biết, khu vực FDI chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch XK.

Vì thế, chính sách cho thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 là bước tiến lớn của hệ thống luật pháp Việt Nam, đã góp phần quan trong vào việc thu hút FDI của các nhà đầu tư. Những lần thay đổi chính sách và luật pháp là quá trình đấu tranh về nhận thức và quan điểm giữa cải cách với bảo thủ, giữa mở cửa, hội nhập với thế giới và bảo hộ mậu dịch; lúc nào xu thế tiến bộ thắng thế thì khi đó pháp luật trở nên thông thông thoáng hơn, tiếp cận với thông lệ quốc tế hơn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, khảo sát của VCCI với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về điểm hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư hài lòng về chính sách thuế ổn định, đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ, ưu đãi về môi trường ổn định… Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng cơ sở hạ tầng không cân xứng và giá trị nhân lực chưa phù hợp.

Đại diện cho các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Amcham tại Hà Nội cho hay, các thành viên của AmCham vẫn rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Amcham bày tỏ sự quan ngại đến những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với các thông lệ quốc tế. Những thay đổi này khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư.

Ví dụ, Dự thảo Luật An ninh mạng thực sự rất đặc biệt, bởi vì ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, nó cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet, mặc dù điều này đã được quy định bởi các luật khác. Ngoài ra, quy định trong Dự thảo Luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các DN nước ngoài.

Ngoài ra, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược. Việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ. Vì thế, đại diện Amcham cho rằng, việc sửa đổi các quy định này sẽ tạo cơ hội gia tăng đáng kể các dự án đầu tư cho dược phẩm và các sản phẩm khác.

Vì thế, GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng, khi định hướng chính sách mới về FDI, các cơ quan quản lý cần lưu ý 3 giải pháp:

Thứ nhất là, cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và DN FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh;

Thứ hai là, thực hiện đồng bộ “Chính phủ điện tử” trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và DN;

Thứ ba là, phải cải thiện bộ máy nhà nước và đội ngũ thực hiện với năng lực và trách nhiệm cao.

Hương Dịu