THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH SẼ ẢNH HƯỞNG TỚI THU HÚT FDI

(HQ Online)- Chính sách và luật pháp đầu tư nước ngoài (FDI) thay đổi liên tục do sự chuyển dịch không ngừng của xu hướng đầu tư. Điều này có thể gây ra những hạn chế, làm “nản nòng” các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách nhiều thay đổi có thể gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Internet

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo: “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 7/12 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) phối hợp tổ chức.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện đã có hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Từ những đóng góp của khối FDI trong hoạt động kinh doanh, XNK của Việt Nam cho thấy, vốn đầu tư FDI đang đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Thống kê cho biết, khu vực FDI chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch XK.

Vì thế, chính sách cho thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 là bước tiến lớn của hệ thống luật pháp Việt Nam, đã góp phần quan trong vào việc thu hút FDI của các nhà đầu tư. Những lần thay đổi chính sách và luật pháp là quá trình đấu tranh về nhận thức và quan điểm giữa cải cách với bảo thủ, giữa mở cửa, hội nhập với thế giới và bảo hộ mậu dịch; lúc nào xu thế tiến bộ thắng thế thì khi đó pháp luật trở nên thông thông thoáng hơn, tiếp cận với thông lệ quốc tế hơn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, khảo sát của VCCI với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về điểm hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư hài lòng về chính sách thuế ổn định, đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ, ưu đãi về môi trường ổn định… Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng cơ sở hạ tầng không cân xứng và giá trị nhân lực chưa phù hợp.

Đại diện cho các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Amcham tại Hà Nội cho hay, các thành viên của AmCham vẫn rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Amcham bày tỏ sự quan ngại đến những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với các thông lệ quốc tế. Những thay đổi này khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư.

Ví dụ, Dự thảo Luật An ninh mạng thực sự rất đặc biệt, bởi vì ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, nó cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet, mặc dù điều này đã được quy định bởi các luật khác. Ngoài ra, quy định trong Dự thảo Luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các DN nước ngoài.

Ngoài ra, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược. Việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ. Vì thế, đại diện Amcham cho rằng, việc sửa đổi các quy định này sẽ tạo cơ hội gia tăng đáng kể các dự án đầu tư cho dược phẩm và các sản phẩm khác.

Vì thế, GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng, khi định hướng chính sách mới về FDI, các cơ quan quản lý cần lưu ý 3 giải pháp:

Thứ nhất là, cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và DN FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh;

Thứ hai là, thực hiện đồng bộ “Chính phủ điện tử” trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và DN;

Thứ ba là, phải cải thiện bộ máy nhà nước và đội ngũ thực hiện với năng lực và trách nhiệm cao.

Hương Dịu

MÃ HÓA CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ, KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH: CHÌA KHÓA ĐỒNG BỘ VNACCS VÀ MỘT CỬA QUỐC GIA

(HQ Online)- Mã hóa các chứng từ kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và quản lý chuyên ngành là yêu cầu quan trọng nhằm thực hiện tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK thuộc diện quản lý chuyên ngành và KTCN, đồng thời để đồng bộ việc trao đổi thông tin giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia và Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh.

Để phục vụ yêu cầu này, Tổng cục Hải quan tổ chức đợt rà soát tập trung (từ ngày 7 đến 10/6) các thủ tục hành chính (TTHC) về chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Ngô Minh Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, công tác rà soát văn bản về quản lý và KTCN đã được Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện. Đặc biệt là từ khi triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN và các Nghị quyết 19 trong 4 năm qua. Có thể thấy, công tác rà soát TTHC về chính sách quản lý với hàng hóa XNK có vai trò quan trọng trong cải cách hành chính. Qua rà soát, cơ quan Hải quan đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan sửa đổi nhiều TTHC theo hướng đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, thông quan hàng hóa. Theo ông Ngô Minh Hải, việc rà soát nhằm mã hóa các chứng từ KTCN và quản lý chuyên ngành là việc không thể không có để phục vụ khai báo hải quan điện tử.

Trong đợt rà soát lần này, Tổng cục Hải quan và cục hải quan các tỉnh, thành phố đặt ra yêu cầu phải rà soát toàn bộ TTHC về chính sách quản lý của các bộ, ngành đối với hàng hóa XNK, bao gồm 270 TTHC/chính sách quản lý. Trong đó gồm: Giấy phép NK, giấy phép XK; thông báo đạt/miễn kiểm tra chất lượng/an toàn thực phẩm/kiểm dịch…. Cơ quan Hải quan cũng rà soát cả các loại giấy tờ/chứng từ yêu cầu cần cung cấp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan mà không phải là kết quả TTHC của bộ, ngành (hay nói cách khác là các điều kiện để NK hàng hóa). Ví dụ như: Giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp…

Đối với mỗi TTHC/chính sách quản lý, cần rà soát xem đã đúng, đủ chưa về các nội dung như: Cơ quan ban hành văn bản quy định về chính sách quản lý; loại chính sách quản lý (cấm, giấy phép, giấy phép tự động, hạn ngạch, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm…); TTHC; kết quả TTHC; hiệu lực của kết quả TTHC; đối tượng loại trừ; căn cứ pháp lý; Danh mục hàng hóa áp dụng; thời điểm xuất trình/nộp chứng từ…

Với khối lượng danh mục TTHC quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK lớn, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng đặt ra những nội dung dự kiến sẽ gây khó khăn rất lớn khi rà soát, chẳng hạn như Danh mục hàng hóa áp dụng. Do các bộ, ngành ban hành văn bản không có sự thống nhất, có những văn bản không kèm theo danh mục, có văn bản thì đưa ra danh mục nhưng chỉ điều chỉnh đối với một mặt hàng hoặc một vài mặt hàng, hay thậm chí có những danh mục mặt hàng như thức ăn chăn nuôi thì lại nằm trong hàng loạt văn bản khác nhau… Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải rà soát toàn bộ danh mục mặt hàng đó.

Từ kết quả đợt rà soát, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng danh mục thủ TTHC quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK chi tiết nhất có thể, để phục vụ việc áp mã và mã hóa trên hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan cũng như là đồng bộ trao đổi thông tin với Cổng thông tin một cửa quốc gia. 

Trong thời gian qua, với vai trò là đơn vị được Bộ Tài chính giao chủ trì triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến công tác KTCN và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã thành lập Tổ chuyên trách gồm 30 thành viên là cán bộ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Trong năm 2016, đầu năm 2017 Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng liên quan thuộc các bộ, ngành để đôn đốc triển hai thực hiện các nhiệm vụ liên quan công tác KTCN đối với hàng hóa XNK; lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo một số bộ quản lý chuyên ngành để kiến nghị về thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Sau các đợt rà soát, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi các bộ và báo cáo Văn phòng Chính phủ về kết quả triển khai.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa TTHC về KTCN, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cổng thông tin về KTCN trong Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Trong khi chờ Cổng thông tin một cửa quốc gia hoàn thiện, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng Cổng thông tin KTCN để giải quyết yêu cầu đặt ra phục vụ cho hoạt động KTCN. Chương trình này đã được triển khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, phục vụ thiết thực cho hoạt động KTCN tại địa điểm này.

Tổng cục Hải quan đã tổ chức triển khai công tác kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục Kiểm định hải quan. Theo đó, Cục Kiểm định hải quan thực hiện thí điểm tiếp nhận một số mặt hàng mà đơn vị có đủ năng lực triển khai (phân bón, đồ chơi bằng nhựa); trang bị phòng kiểm định di động để phục vụ công tác KTCN tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai). Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ KTCN theo hướng chuyên sâu cho các khu vực có lưu lượng XNK hàng hóa nhiều phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngọc Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/