XUẤT KHẨU THỦY SẢN VỮNG VÀNG MỤC TIÊU 8 TỶ USD

(HQ Online)- Với đà XK thuận lợi, dự kiến kim ngạch XK thủy sản cả năm sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.

Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho việc nuôi tôm, tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, XK. Ảnh: N.Thanh.

Tăng hơn 18% so với cùng kỳ

Suốt từ đầu năm đến nay, XK thủy sản luôn ở đà tăng trưởng đi lên so với các tháng cùng kỳ năm trước. Theo Bộ NN&PTNT, lũy kế 8 tháng đầu năm, XK thủy sản ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm 55,6% tổng giá trị XK. 7 tháng qua, các thị trường có giá trị XK thủy sản tăng mạnh điển hình phải kể tới là Trung Quốc (trên 57%), Nhật Bản (30,8%), Anh (trên 30%), Hàn Quốc (28,8%)…

Theo đại diện Bộ NN&PTNT: Năm nay tình hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với hai mặt hàng thủy sản chủ lực là cá tra và tôm có những tín hiệu khá tích cực, tạo nguồn cung ổn định cho XK. Cụ thể, đối với mặt hàng cá tra, các ao nuôi cá tra được quản lý và quy hoạch chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra có xu hướng tăng nên người nuôi dần ổn định sản xuất. Diện tích nuôi cá tra hiện có đạt 4.746 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vào vụ thu hoạch chính, sản lượng thu hoạch 8 tháng của các tỉnh ĐBSCL tăng trưởng khá, đạt trên 815 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh có sản lượng thu hoạch lớn nhất đạt trên 303 nghìn tấn, tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với mặt hàng tôm, nhìn chung thời tiết năm nay thuận lợi hơn rất nhiều so với năm 2016 nên nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL tăng khá. Cụ thể, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 8 tháng ước đạt 63,6 nghìn ha, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước với sản lượng ước đạt hơn 165 nghìn tấn, tăng mạnh gần 34%. Với tôm sú, sản lượng thu hoạch trong 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 150 nghìn tấn, tăng 8,1%. Đặc biệt, điểm đáng chú ý là, giá tôm nguyên liệu hiện vẫn duy trì ở mức ổn định và có xu hướng tăng, tạo thêm động lực cho người nuôi trồng.

Cả năm xuất khẩu đạt 8 tỷ USD

Thời gian vừa qua, việc Hoa Kỳ quyết định kiểm tra 100% lô hàng cá tra của Việt Nam XK vào thị trường này theo chương trình thanh tra cá da trơn từ ngày 2/8 thay vì kế hoạch từ ngày 1/9 trước đó đã đặt ra những lo ngại về tình hình XK cá tra nói riêng và XK thủy sản nói chung.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Thông thường mỗi năm, giá trị XK cá tra vào Hoa Kỳ chiếm khoảng trên 21% tổng giá trị XK mặt hàng này. Khi Hoa Kỳ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng cá tra XK từ Việt Nam, hàng được đưa về kho do phía Hoa Kỳ yêu cầu và phía Hoa Kỳ sẽ lấy mẫu khoảng 3% trên tổng số hàng đem đi kiểm tra. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 3 DN XK cá tra vào Hoa Kỳ. Các DN vừa tập trung sản xuất tự chủ nguồn cá tra, vừa mua thêm nguyên liệu từ các hộ nuôi trồng khác. Ngoài sự chuẩn bị của các DN, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Chương trình kiểm soát cá da trơn XK sang thị trường Hoa Kỳ nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề này. “Vì vậy, mặc dù phía Hoa Kỳ áp dụng kiểm tra 100% lô hàng khá gắt gao, song động thái này không gây ảnh hưởng nhiều tới XK cá tra nói riêng và XK thủy sản nói chung trong cả năm nay. Dự kiến, XK cá tra cả năm đạt khoảng 1,7 tỷ USD và XK thủy sản tự tin đạt mức 8 tỷ USD, tăng tới hơn 1 tỷ USD so với năm 2016”, ông Oai nhấn mạnh.

Trên thực tế, thời gian qua cùng với đà tăng trưởng của XK, kim ngạch NK thủy sản cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, 8 tháng đầu năm, giá trị NK thủy sản đạt hơn 900 triệu USD, tăng trên 31% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường NK thủy sản lớn nhất trong 7 tháng đầu năm là Ấn Độ (chiếm 26,4% thị phần), tiếp ngay sau đó là Trung Quốc với 8,8% thị phần. Trước một số ý kiến băn khoăn đặt ra về việc thủy sản XK tăng song cũng phụ thuộc nguồn nguyên liệu NK, ông Oai cho biết thêm: Việt Nam hiện đang XK thủy sản tới hơn 100 quốc gia. Nguồn nguyên liệu trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến hàng XK. Tuy nhiên, khi dư thừa công suất, việc NK thêm nguyên liệu chế biến, XK, góp phần tăng thêm giá trị gia tăng là điều đáng mừng, không có gì đáng lo ngại.

Về những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, Tổng cục Thủy sản phải tiếp tục hoàn thiện Luật Thủy sản theo tinh thần đảm bảo chất lượng và tiến độ để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng phải tích cực phối hợp với Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tổ chức hội nghị quán triệt 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm trên cả nước về vấn đề kháng sinh và tạp chất.

Thanh Nguyễn

NHẬP SIÊU KHIẾN GIA TĂNG ÁP LỰC LÊN TỶ GIÁ

(HQ Online)- Tuy tỷ giá những tháng đầu năm được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, tỷ giá đang có mức tăng cao. Điều này đặt ra lo ngại, liệu đây có phải do sự ảnh hưởng của việc nhập siêu.

Tình trạng nhập siêu khiến cầu USD tăng mạnh hơn so với năm trước. Ảnh: H.DỊU.

Tỷ giá đã tăng

Theo số liệu thống kê hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2017, tổng kim ngạch XNK đạt hơn 91,21 tỷ USD, tăng 19,9%, tương ứng tăng gần 15,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch XK của Việt Nam đạt gần 44,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch NK đạt hơn 46,57 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa cả nước 3 tháng đầu năm 2017 đã thâm hụt gần 1,94 tỷ USD, bằng 4,3% kim ngạch XK. Trong khi đó, vào cùng kỳ năm 2016, cả nước đã xuất siêu 776 triệu USD.

Tình hình nhập siêu quay trở lại đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng GDP trong quý I/2017, khi GDP quý này tăng thấp đáng kể so với kỳ vọng, thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ đạt 5,1%, trong khi cùng kỳ năm trước là 5,5%. Một trong những vấn đề đáng lo ngại của tình trạng nhập siêu là việc có thể đẩy tỷ giá ngoại tệ lên cao hơn so với thời gian trước.

Trên thực tế, tỷ giá trong 3 tháng đầu năm đã có diễn biến tăng. Tính đến ngày 17/4, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.322 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước, nhưng đã đạt mức cao nhất kể từ khi NHNN bắt đầu công bố tỷ giá trung tâm. Đây là kết quả của việc tăng liên tiếp của tỷ giá trung tâm từ cuối tháng 3, khiến tỷ giá trung tâm liên tục đạt “đỉnh”. So với mức tỷ giá trung tâm công bố từ đầu năm 2017, tỷ giá trung tâm đã tăng lên tới 164 đồng, tương ứng tăng gần 1%.

Với biên độ ±3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng cho ngày 17/4 là 22.993 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá bán ra đang được các ngân hàng thương mại niêm yết đang ở quanh mức 22.730-22.750 VND/USD, còn cách mức trần khoảng 200 đồng. Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong tháng 1/2017, nhưng sau đó có nhiều biến động khi liên tiếp tăng cao từ nửa đầu tháng 2 cho tới nay và luôn tiệm cận sát với mức trần NHNN công bố.

Áp lực cao

Trong thông cáo phát đi, NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, duy trì thanh khoản và lãi suất VND liên ngân hàng ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá và không gây sức ép đến lãi suất thị trường 1 (thị trường huy động vốn từ dân cư, tổ chức). Nhờ đó, tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần và từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và giữ được thế chủ động trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối, nên đã đạt được mục tiêu giữ ổn định tỷ giá. Theo đó, NHNN đã nhiều lần chặn đà tăng và giảm của tỷ giá của các ngân hàng thương mại bằng việc điều chỉnh giá ngoại tệ giao dịch tại Sở Giao dịch NHNN.

Mặc dù vậy, với những biến động của thị trường thế giới, ngay từ đầu năm, các chuyên gia đều tỏ ra không mấy lạc quan về sự ổn định của tỷ giá trong cả năm 2017. TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu Thị trường MarketIntello cho rằng, trong năm 2017, tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,5-2%. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng tỷ giá 2 lần nữa trong năm vào tháng 6 và tháng 9 có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra tình trạng nhập siêu cũng sẽ khiến cầu USD tăng mạnh hơn năm 2016.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia không đánh giá cao áp lực của việc FED tăng lãi suất do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND. Nhưng báo cáo cũng cho rằng, cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016, nguyên nhân bởi cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao (theo kế hoạch khoảng 3,5% tổng kim ngạch XK). Hơn nữa, áp lực còn đến từ cán cân vốn có thể chịu tác động khi vốn ODA bị hạn chế kể từ tháng 7/2017.

“Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá nhiều nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của NHNN”, TS. Đinh Tuấn Minh nhận định.

Những nhận định trên cho thấy áp lực không chỉ lên tỷ giá mà còn lên hoạt động XNK tại Việt Nam thời gian tới. Theo TS. Đinh Tuấn Minh, cùng với việc cầu tiêu dùng nội địa yếu thời gian vừa qua, XK sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017. Vì thế, Chính phủ và các cơ quan quản lý phải có chính sách thương mại thích hợp, bảo đảm cho hàng hóa XK của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ là tập trung củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Hoa Kỳ và châu Âu vì tiềm năng tại các thị trường này còn lớn; ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường XK và hướng tới các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tiềm năng có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và ASEAN.

Hương Dịu