INFOGRAPHICS: CƠ CẤU HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng/2017 với kim ngạch đạt hơn 12,44 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; EU (28 nước) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch 11,41 tỷ USD, tăng 9,6%. Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và có mức tăng trưởng mạnh nhất 40,8% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Hàn Quốc đứng thứ 4 và cũng có mức tăng mạnh 31,5%;…

 
Trần Ánh- Mạnh Hùng

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC NHẬP SIÊU GẦN 8,5 TỶ USD SAU 4 THÁNG

4 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,49 tỷ USD trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 5,75 tỷ USD…

Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu tháng 4 vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy nhập siêu tiếp tục tăng thêm 800 triệu USD, nâng mức nhập siêu cả nước 4 tháng lên tới 2,74 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 ước tính đạt 16,7 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 42,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 34,3%; điện thoại và linh kiện tăng 17,4%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 đạt 17,5 tỷ USD, giảm 4,6% so với tháng trước nhưng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,3 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 44 tỷ USD.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao như hàng dệt may, máy tính điện tử, giày dép, thuỷ sản, gỗ, rau quả, dầu thô… Tuy nhiên, các nông sản như sắn, hạt tiêu, gạo vẫn sụt giảm mạnh…

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD; tiếp đến là EU đạt 11,3 tỷ USD; Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD; ASEAN đạt 6,7 tỷ USD; Nhật Bản đạt 5,2 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 4,4 tỷ USD.

Về nhập khẩu, 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,8 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,3 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như máy móc phụ tùng, điện thoại và linh kiện, sắt thép, chất dẻo, hoá chất, thức ăn gia súc, kim loại và xăng dầu…

Về thị trường nhập khẩu 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 45,3%; ASEAN đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,4%…

Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình nhập siêu đã bắt đầu cao trở lại ngay những tháng đầu năm. Tháng 3 nhập siêu lên tới 1,1 tỷ USD, tháng 4 nhập siêu cả nước tiếp tục gia tăng 800 triệu USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, nhập siêu cả nước lên tới 2,74 tỷ USD, bằng 4,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong cơ cấu nhập siêu cả nước, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lên tới 8,49 tỷ USD trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 5,75 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm - Đơn vị: Tỷ USD

Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm – Đơn vị: Tỷ USD

Các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm nay - Đơn vị: Tỷ USD

Các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm nay – Đơn vị: Tỷ USD

Theo Bạch Huệ

Vneconomy

HÀ NỘI, TP.HCM NHẬP SIÊU HÀNG TỶ USD

(HQ Online)- Trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về hoạt động xuất nhập khẩu có đến 3 tỉnh, thành phố đang bị thâm hụt thương mại lớn.
Biểu đồ trị giá kim ngạch XNK của 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước đến hết quý I/2017, đơn vị tính “tỷ USD”. Đồ họa: T.Bình.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017, 3 địa phương bị thâm hụt thương mại là Hà Nội, TP.HCM và Bắc Ninh.

Trong đó, Hà Nội có mức nhập siêu lớn nhất. Hết quý I, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của địa phương này là 2,697 tỷ USD và nhập khẩu là 6,882 tỷ USD dẫn đến con số nhập siêu lên đến 4,185 tỷ USD.

Cùng với Hà Nội, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM cũng có mức thâm hụt thương mại 1,619 tỷ USD (xuất khẩu 7,982 tỷ USD và nhập khẩu 9,601 tỷ USD).

Việc nhập siêu của Hà Nội và TP.HCM diễn ra nhiều năm và là điều dễ hiểu khi đây là 2 địa bàn nhập khẩu hàng hóa quan trọng của cả nước, nhất là hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc hâm hụt thương mại của Bắc Ninh lại là diễn biến đáng chú ý. Bởi cùng kỳ 2016, địa phương này đang xuất siêu 1,179 tỷ USD, nhưng năm 2017 lại đảo chiều. Cụ thể, quý I/2017, Bắc Ninh đang nhập siêu 577 triệu USD.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/4, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Hải quan, ông Vũ Đức Quyết- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc nhập siêu trong quý I vừa qua xuất phát từ hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là việc mở rộng dự án tại Bắc Ninh của tập đoàn Samsung.

Ngoài các thông tin đáng chú ý trên, theo Tổng cục Hải quan, trong quý I vừa qua, hai địa phương trong Top 5 về xuất nhập khẩu của nước ta là Thái Nguyên và Bình Dương vẫn duy trì được trị giá xuất siêu.

Trong đó, Thái Nguyên xuất siêu 1,671 tỷ USD; Bình Dương xuất siêu 1,039 tỷ USD.

Thái Bình

NHẬP SIÊU KHIẾN GIA TĂNG ÁP LỰC LÊN TỶ GIÁ

(HQ Online)- Tuy tỷ giá những tháng đầu năm được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, tỷ giá đang có mức tăng cao. Điều này đặt ra lo ngại, liệu đây có phải do sự ảnh hưởng của việc nhập siêu.

Tình trạng nhập siêu khiến cầu USD tăng mạnh hơn so với năm trước. Ảnh: H.DỊU.

Tỷ giá đã tăng

Theo số liệu thống kê hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2017, tổng kim ngạch XNK đạt hơn 91,21 tỷ USD, tăng 19,9%, tương ứng tăng gần 15,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch XK của Việt Nam đạt gần 44,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch NK đạt hơn 46,57 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa cả nước 3 tháng đầu năm 2017 đã thâm hụt gần 1,94 tỷ USD, bằng 4,3% kim ngạch XK. Trong khi đó, vào cùng kỳ năm 2016, cả nước đã xuất siêu 776 triệu USD.

Tình hình nhập siêu quay trở lại đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng GDP trong quý I/2017, khi GDP quý này tăng thấp đáng kể so với kỳ vọng, thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ đạt 5,1%, trong khi cùng kỳ năm trước là 5,5%. Một trong những vấn đề đáng lo ngại của tình trạng nhập siêu là việc có thể đẩy tỷ giá ngoại tệ lên cao hơn so với thời gian trước.

Trên thực tế, tỷ giá trong 3 tháng đầu năm đã có diễn biến tăng. Tính đến ngày 17/4, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.322 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước, nhưng đã đạt mức cao nhất kể từ khi NHNN bắt đầu công bố tỷ giá trung tâm. Đây là kết quả của việc tăng liên tiếp của tỷ giá trung tâm từ cuối tháng 3, khiến tỷ giá trung tâm liên tục đạt “đỉnh”. So với mức tỷ giá trung tâm công bố từ đầu năm 2017, tỷ giá trung tâm đã tăng lên tới 164 đồng, tương ứng tăng gần 1%.

Với biên độ ±3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng cho ngày 17/4 là 22.993 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá bán ra đang được các ngân hàng thương mại niêm yết đang ở quanh mức 22.730-22.750 VND/USD, còn cách mức trần khoảng 200 đồng. Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong tháng 1/2017, nhưng sau đó có nhiều biến động khi liên tiếp tăng cao từ nửa đầu tháng 2 cho tới nay và luôn tiệm cận sát với mức trần NHNN công bố.

Áp lực cao

Trong thông cáo phát đi, NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, duy trì thanh khoản và lãi suất VND liên ngân hàng ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá và không gây sức ép đến lãi suất thị trường 1 (thị trường huy động vốn từ dân cư, tổ chức). Nhờ đó, tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần và từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và giữ được thế chủ động trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối, nên đã đạt được mục tiêu giữ ổn định tỷ giá. Theo đó, NHNN đã nhiều lần chặn đà tăng và giảm của tỷ giá của các ngân hàng thương mại bằng việc điều chỉnh giá ngoại tệ giao dịch tại Sở Giao dịch NHNN.

Mặc dù vậy, với những biến động của thị trường thế giới, ngay từ đầu năm, các chuyên gia đều tỏ ra không mấy lạc quan về sự ổn định của tỷ giá trong cả năm 2017. TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu Thị trường MarketIntello cho rằng, trong năm 2017, tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,5-2%. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng tỷ giá 2 lần nữa trong năm vào tháng 6 và tháng 9 có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra tình trạng nhập siêu cũng sẽ khiến cầu USD tăng mạnh hơn năm 2016.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia không đánh giá cao áp lực của việc FED tăng lãi suất do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND. Nhưng báo cáo cũng cho rằng, cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016, nguyên nhân bởi cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao (theo kế hoạch khoảng 3,5% tổng kim ngạch XK). Hơn nữa, áp lực còn đến từ cán cân vốn có thể chịu tác động khi vốn ODA bị hạn chế kể từ tháng 7/2017.

“Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá nhiều nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của NHNN”, TS. Đinh Tuấn Minh nhận định.

Những nhận định trên cho thấy áp lực không chỉ lên tỷ giá mà còn lên hoạt động XNK tại Việt Nam thời gian tới. Theo TS. Đinh Tuấn Minh, cùng với việc cầu tiêu dùng nội địa yếu thời gian vừa qua, XK sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017. Vì thế, Chính phủ và các cơ quan quản lý phải có chính sách thương mại thích hợp, bảo đảm cho hàng hóa XK của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ là tập trung củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Hoa Kỳ và châu Âu vì tiềm năng tại các thị trường này còn lớn; ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường XK và hướng tới các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tiềm năng có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và ASEAN.

Hương Dịu

Đến 15/2: Nhập siêu gần 1,21 tỷ USD

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa XNK vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết ngày 15/2/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 41,65 tỷ USD, tăng 25% (tương ứng tăng hơn 8,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 2/2017 thâm hụt gần 2,45 tỷ USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 2/2017 thâm hụt gần 1,21 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam(Lũy kế đến 15/2/2017 so với cùng kỳ năm 2016)

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2017 (từ 01/02 đến 15/02/2017) đạt hơn 14,22 tỷ USD tăng 10,9% (tương ứng tăng 1,4 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 1/2017.

Trong 15 ngày đầu tháng 2/2017 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 9,3 tỷ USD, tăng 13,1% tương ứng tăng gần 1,08 tỷ USD so với nửa cuối tháng 1/2017. Tính đến hết ngày 15/02/2017 khối này đạt kim ngạch xuất nhập khẩu  gần 26,89 tỷ USD, tăng 25,2%, tương ứng tăng hơn 5,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn FDI trong nửa đầu tháng 2/2017 đạt thâm hụt 784 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/2/2017 hơn 1,55 tỷ USD.

Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2017 đạt gần 5,89 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm gần 1,12 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 1/2017. Tính đến hết ngày 15/2/2017 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt  hơn 20,22 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng hơn 3,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

So với nửa cuối tháng 1/2017, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 2/2017 biến động mạnh ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 16,6%, tương ứng tăng 166 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,8%, tương ứng tăng 96 triệu USD; xơ, sợ dệt các loại tăng 44,8%, tương ứng tăng 39 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 87,4%, tương ứng tăng 29 triệu USD; … Trong khi đó, hàng dệt may giảm 53,4%, tương ứng giảm 625 triệu USD; giầy dép các loại giảm 29,3%, tương ứng giảm 159 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 44,3%, tương ứng giảm 133 triệu USD; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù giảm 57,4%, tương ứng giảm 90 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 28%, tương ứng giảm 82 triệu USD; …

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt gần 4,26 tỷ USD, giảm 10,9% (tương ứng giảm 519 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 1/2017. Như vậy, tính đến hết ngày 15/2/2017 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt  gần 14,22 tỷ USD, tăng 21,3% tương ứng tăng hơn 2,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm đến 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2017 đạt gần 8,34 tỷ USD, tăng 43,3% ( tương ứng tăng gần 2,52 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 01/2017. Tính đến hết ngày 15/2/2017 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 21,43 tỷ USD, tăng 31,7% (tương ứng tăng hơn 5,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

So với nửa cuối tháng 1/2017, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 2/2017 biến động mạnh ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 38,7%, tương ứng tăng 387 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 35%, tương ứng tăng 352 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 87,9%, tương ứng tăng 151 triệu USD; sắt thép các loại tăng 52,1%, tương ứng tăng 138 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 28,4%, tương ứng tăng 115 triệu USD; … Ở chiều ngược lại, xăng dầu các loại giảm 30,9%, tương ứng giảm 94 triệu USD; đậu tương giảm 69,3%, tương ứng giảm 25 triệu USD; ngô giảm 19,1%, tương ứng giảm 15 triệu USD; ….

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 2/2017 đạt hơn 5,04 tỷ USD, tăng 108% (tương ứng tăng gần 2,62 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 1/2017. Như vậy, tính đến hết ngày 15/2/2017 kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt gần 12,67 tỷ USD, tăng 29,9%, tương ứng tăng gần 2,92 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Bảo Nhi