XUẤT KHẨU THỦY SẢN DỰ KIẾN ĐẠT 7,4 TỶ USD

(HQ Online)- Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo tăng trưởng vào khoảng 5% đến 6%, với trị giá kim ngạch đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Biểu đồ tỉ lệ (%) về thị trường xuất khẩu thủy sản tính hết tháng 4/2017. Biểu đồ: T.Bình.

4 tháng qua, xuất khẩu thủy sản- ngành hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá 10,1%, với trị giá kim ngạch 2,15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều về bức tranh xuất khẩu thủy sản của cả nước vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ.

Năm 2016, thủy sản xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 7,043 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo ông Trương Đình Hòe, sự tăng trưởng nêu trên cho thấy đơn giá bình quân năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái (vì sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều).

“Đơn giá bình quần tăng cao có thể do yếu tố doanh nghiệp tăng sản phẩm có hàm lượng gia trị gia tăng; do yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tăng giá sản phẩm bán ra; hoặc trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới không đạt như dự báo cũng có thể là yếu tố để tăng giá sản phẩm”- Tổng Thư ký VASEP nói.

Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lĩnh vực thủy sản đang dựa chủ yếu vào 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác.

Với thực tế hiện nay và quy luật nhiều năm qua, ông Trương Đình Hòe dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành hàng này tăng khoảng 5% đến 6% và đạt 7,4 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Thư ký VASEP thông tin là ở thị trường Hoa Kỳ- một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của ngành hàng thủy sản, sản phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia…; các rào cản thương mại của Hoa Kỳ, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá.

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, cả nước có 4 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trị giá kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 361 triệu USD, Nhật Bản đạt 360 triệu USD, Trung Quốc đạt 230 triệu USD và Hàn Quốc đạt 200 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn:http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU THỦY SẢN TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG

(HQ Online)- Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay có 6 nước bao gồm Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Mexico và Brazil hoặc là đã tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín hoặc sẽ áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các lô tôm chưa qua nấu chín của Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang đối mặt với hàng rào kỹ thuật khắt khe từ các nước nhập khẩu Ảnh: Nguyễn Huế.

Được biết, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 6 nước này khoảng trên 2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD. Do đó, các biện pháp mà các nước này đưa ra đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Vì vậy, để giúp các đơn vị nắm được các yêu cầu, có định hướng và chủ động trong sản xuất nhằm có được các sản phẩm phù hợp với yêu cầu các thị trường nhập khẩu thủy sản, vừa qua, Cục Thú y đã tóm tắt và cung cấp thông tin về những thay đổi trong quy định nhập khẩu thủy sản của một số nước đã có thông báo cho Việt Nam.

Theo đó, đối với thị trường Úc, theo quy định pháp luật hiện hành của Úc, tôm được phép nhập khẩu vào Úc theo các dạng được tóm tắt như sau:

Đối với tôm chưa qua nấu chín: Tất cả tôm và các sản phẩm của tôm phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng lãnh thổ được Cơ quan có thẩm quyền của Úc công nhận là sạch các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura,  hoại tử gan tụy do vi khuẩn và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp, chế biến theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận để sử dụng làm thực phẩm cho người. Hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ, đông lạnh trước khi xuất sang Úc và phải được lấy mẫu từng lô hàng khi đến Úc để xét nghiệm khẳng định không có mầm bệnh đốm trắng và đầu vàng.

Tất cả các loại tôm, sản phẩm tôm chưa qua nấu chín phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận là phù hợp làm thực phẩm cho người; đã được chế biến, kiểm tra và phân loại tại các nhà máy đã được kiểm soát và phải không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh truyền nhiễm. Đối với tôm đã được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận khi xuất khẩu sang Úc sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Úc kiểm tra ngẫu nhiên.

Đối với tôm đã nấu chín: Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải xác nhận là tôm và các sản phẩm tôm đã nấu chín phù hợp để làm thực phẩm cho người; tôm và sản phẩm tôm phải được nấu chín tại các nhà máy đã được phê duyệt và dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để bảo đảm thời gian và nhiệt độ nấu chín là phù hợp, không còn thành phần chưa nấu chín lẫn vào các sản phẩm.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản quốc gia thuộc Bộ Thủy sản Hàn Quốc quy định: Tất cả các loại thủy sản nuôi và hoang dã khi nhập khẩu vào Hàn Quốc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, bao gồm cả tôm đông lạnh và ướp lạnh ngoại trừ tôm bóc vỏ, bỏ đầu; hàu, nhuyễn thể đông lạnh, kể cả hàng xách tay. Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên các lô hàng thủy sản (thông qua hệ thống tự động truy xuất thông tin nhập khẩu) để xét nghiệm các loại mầm bệnh theo quy định của OIE (bao gồm các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử cơ, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu). 

Tại thị trường Trung Quốc, yêu cầu của Trung Quốc đối với việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm các loại mầm bệnh trên tôm sú sống vẫn tiếp tục được thực hiện trong tương lai. 

Ngoài ra, một số thị trường như Ả rập Xê út, Brazil, Mexico, Liên bang Nga, Armenia,…cũng có các quy định cụ thể đối với việc nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản liên quan đến vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh…

Xuân Thảo

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

MỸ DUY TRÌ THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TÔM THÊM 5 NĂM

(HQ Online)- Thông tin từ Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã ban hành kết luận đối với cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ hai đối với thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.

ITC kết luận rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm sẽ dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất Mỹ. Ảnh internet.

Theo đó, ITC kết luận rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm sẽ dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất Mỹ.

Trước đó, ngày 1/3/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 2 (thực hiện 5 năm/lần) để xác định liệu việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam (thuế chống bán phá giá tôm đã được Hoa Kỳ áp từ năm 2005) có dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá hay không.

Ngày 30/1/2017, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng khẳng định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế sẽ dẫn tới việc tiếp tục hoặc tái diễn việc bán phá giá. Kết luận này dựa trên biên độ phá giá trên mức không đáng kể trong các đợt rà soát hành chính gần đây của Việt Nam (POR8, 9, 10, 11) cũng như lượng nhập khẩu có sự suy giảm so với giai đoạn 1 năm trước khi khởi xướng vụ việc điều tra.

Ngoài ra, DOC cũng căn cứ vào mức thuế suất toàn quốc, vẫn duy trì ở mức 25,67% kể từ cuộc điều tra ban đầu cho đến nay để cho rằng vẫn tồn tại doanh nghiệp bán phá giá và việc tiếp tục hoặc tái diễn bán phá giá có thể lên tới 25,67%.

Như vậy, do cả DOC và ITC đều đưa ra kết luận khẳng định, lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm sẽ tiếp tục được duy trì thêm 5 năm nữa đối với Việt Nam.

Phan Thu