SẢN PHẨM XUẤT KHẨU LÀ TÀI NGUYÊN, KHOÁNG SẢN CHƯA CHẾ BIẾN KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT

(HQ Online)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 về hướng dẫn thi hành các luật về thuế.

Tài nguyên, khoáng sản, thuế GTGT
Quy định mới về thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Internet

Cụ thể, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) trường hợp sản phẩm XK là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.

Ngoài ra, đối tượng không chịu thuế GTGT còn có sản phẩm XK là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên, trừ các trường hợp sau:

Sản phẩm XK được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm XK (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm XK này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật thuế GTGT.

Sản phẩm XK được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm XK (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn) thì sản phẩm XK này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật thuế GTGT.

Sản phẩm XK được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm XK thì sản phẩm XK này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật thuế GTGT

Sửa quy định về hoàn thuế GTGT

Bên cạnh đó, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP của sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT.

Cụ thể, cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ XK bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó XK vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó XK ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo; trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ XK, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ XK còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.

Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ XK, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ XK trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế GTGT tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó XK mà hàng hóa XK đó không thực hiện việc XK tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa XK không thực hiện việc XK tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan

Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa XK không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hương Dịu

BIỂU THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI MỚI ÁP DỤNG TỪ 1/1/2018

(HQ Online)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

thuế
Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Ảnh: Internet

Trong đó, ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục I – Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục III – Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng; Phụ lục IV – Danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho từng nhóm mặt hàng, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu.

Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng có số thứ tự (STT) 211 tại Biểu thuế xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan kê khai tên hàng và mã hàng của mặt hàng đó theo mã hàng 8 chữ số tương ứng với mã hàng 8 chữ số của mặt hàng đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm có STT 211 là các mặt hàng đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện:

Thứ nhất là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không thuộc các nhóm có STT từ 1-210 tại Biểu thuế xuất khẩu.

Thứ hai là có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Việc xác định tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thực hiện theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Thuế nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng.

Cụ thể, xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 (ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02: xe có động cơ chở 10 người trở lên, kể cả lái xe), kể cả ô tô chở người có khoang hành lý chung và ô tô đua) áp dụng mức thuế tuyệt đối.

Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh trên 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 và xe ô tô chở người từ 10-15 chô ngồi, kể cả lái xe thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế hỗn hợp.

Xe ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên (kể cả lái xe) thuộc nhóm hàng 87.02 và xe có động cơ dùng để chở hàng hóa có khối lượng toàn bộ theo thiết kế không quá 5 tấn, thuộc nhóm hàng 87.04: xe có động cơ dùng để chở hàng (trừ ô tô đông lạnh, ô tô thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, ô tô xi téc, ô tô bọc thép để chở hàng hóa có giá trị; ô tô chở xi măng kiểu bồn và ô tô chở bùn có thùng rời nâng hạ được) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.

Các loại xe ô tô khác thuộc các nhóm hàng 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng mức thuế suất bằng 1,5 lần so với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô mới cùng chủng loại thuộc cùng nhóm hàng.

Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2018.

Hương Dịu