ĐÃ CÓ HƯỚNG SỬA QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TẠM NHẬP TÁI XUẤT

(HQ Online)- Để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến cơ chế báo cáo của các cơ quan, trách nhiệm và thẩm quyền của địa phương, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì quản lý, tức Bộ Công Thương.

Công chức Hải quan Cao Bằng kiểm tra container tạm nhập tái xuất. Ảnh: T.Bình.

Quản lý chưa chặt

 
Liên quan đến kiến nghị điều chỉnh điều kiện kinh doanh TNTX quy định tại Thông tư 05 (quy định ký quỹ, kho bãi và một số điều kiện khác), do Bộ Công Thương đã rà soát theo hướng loại bỏ các quy định chưa phù hợp; kế thừa một số quy định đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tế để đưa vào Nghị định 77/2016/NĐ-CP nên Bộ Công Thương chưa xem xét, tiếp thu điều chỉnh nội dung này trong phạm vi của thông tư thay thế Thông tư 05.
 

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thúc đẩy thương mại cho một số địa phương có cửa khẩu thì hoạt động TNTX đang được cho là loại hình kinh doanh có nhiều bất cập. Chính bởi thế, cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg để tăng cường công tác hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này.Tuy nhiên, kết luận thanh tra báo cáo của Thanh tra Chính phủ vào tháng 6/2016 vẫn tiếp tục nêu ra nhiều điểm bất cập của hoạt động kinh doanh TNTX. Cụ thể, trong những năm qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vi phạm gian lận thương mại qua hoạt động TNTX như nhập, kê khai không đúng chủng loại, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên việc xử lý chưa đủ sức răn đe, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận và chi phí phải xử lý hậu quả do vi phạm gây ra, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… dẫn tới nhiều DN lợi dụng hoạt động TNTX để gian lận thương mại như dùng mã số kinh doanh là hàng đông lạnh, nhưng lại kê khai là hàng đã qua sử dụng, hàng có thuế TTĐB…

Thực tế này cũng được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) thừa nhận trong một lần trả lời phóng viên Báo Hải quan. Hoạt động kinh doanh TNTX đã bộc lộ một số hạn chế nhất định trong quản lý, kiểm soát nhất là kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng quy định về TNTX để buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế.

Với những bất cập đó, Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành còn tồn tại, bất cập, chưa sát thực tế về TNTX, trong đó có việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư 05/2014/TT-BCT. Được biết, 2 vấn đề gồm: Thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND tỉnh; trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan và địa phương nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Bởi lẽ, việc phân cấp, phân quyền, phối hợp của các đơn vị để quản lý hoạt động TNTX còn có hạn chế.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi Thông tư 05 theo hướng tập trung việc phân cấp, đi cùng với phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan thực hiện là các địa phương và cơ quan chủ trì là Bộ Công Thương. Bộ Quốc phòng kiến nghị bổ sung vào Điều 20 của Thông tư 05 nội dung quy định trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng như trách nhiệm trong phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, cung cấp trao đổi thông tin định kì, đột xuất; quản lý, điều tiết hoạt động TNTX tại cửa khẩu, lối mở biên giới.

Đối với vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, theo quy định tại khoản 4, Điều 20 của Thông tư 05, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm “định kỳ hàng tháng cung cấp cho Bộ Công Thương các thông tin sau để điều tiết hàng hóa và có biện pháp xử lý kịp thời”. Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định cơ quan Hải quan phải cung cấp thông tin theo định kỳ hàng tháng dẫn đến tăng khối lượng công việc không nhỏ cho cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư này, các DN tham gia hoạt động kinh doanh tái xuất nhóm hàng hóa có điều kiện đã phải thực hiện định kỳ hàng tháng báo cáo trực tiếp nên đề nghị điều chỉnh lại nội dung này.

Phân định rõ trách nhiệm

Trên cơ sở những đóng góp của các cơ quan liên quan, đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành bản dự thảo lần 1 thông tư thay thế Thông tư 05. Bản dự thảo này có một số nội dung đã được điều chỉnh, sửa đổi. Theo đó, Bộ Công Thương đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến theo hướng bổ sung và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TNTX; điều chỉnh trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, các địa phương và các DN có liên quan; điều chỉnh quy định về điều tiết hàng hóa và thẩm quyền điều tiết hàng hóa.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã bổ sung vào phần trách nhiệm của mình như sau: “Tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, thương nhân có liên quan trong việc thực hiện quy định tại Thông tư này” thay vì quy định cũ “tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho bãi của doanh nghiệp” và “chủ trì và phối hợp thu hồi mã số của DN theo quy định”.

Đối với kiến nghị về của Bộ Tài chính về việc sửa quy định Tổng cục Hải quan kỳ hàng tháng cung cấp thông tin, Bộ Công Thương đề xuất hướng sửa là “Tổng cục Hải quan định kỳ hàng quý cáo báo tình hình thực hiện TNTX theo mẫu báo cáo quy định của Bộ Công Thương (số lượng, giá trị hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện, hàng hóa khác theo quý…) để phục vụ công tác điều hành”.  Tổng cục Hải quan cũng có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công Thương các vụ vi phạm quy định về kinh doanh TNTX chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan; tình trạng hàng hóa ách tắc tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu trong thời gian sớm nhất để phối hợp có biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ Công Thương cũng đề xuất, Sở Công Thương các tỉnh liên quan định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo ủy quyền của Bộ Công Thương kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh TNTX theo quy định tại Nghị định 77/2016/NĐ-CP; kiểm tra tình hình thực hiện TNTX của các DN liên quan.

Ngoài những nội dung trên, Bộ Công Thương cũng bổ sung một số mặt hàng vào Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh TNTX gồm: Các mặt hàng nhạy cảm tác động đến an ninh, môi trường (các loại phế liệu, phế thải như phế liệu cấm XK, cấm NK là phế liệu cao su, phế liệu sắt, thép…), vật liệu nổ, vũ khí đạn dược; động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã theo Công ước CITES. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng bổ sung một số quy định khác nhằm tăng cường công tác quản lý như: DN không được ủy thác và nhận ủy thác đối với hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện; quy định về hoàn trả mã số TNTX của DN.

Phan Thu
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Sản phẩm sữa nhập khẩu phải kiểm dịch

(HQ Online)- Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới đây đã có công văn trả lời DN và Tổng cục Hải quan về những kiến nghị liên quan đến kiểm dịch NK sữa bột, trong đó nêu: Sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

CBCC hải quan kiểm tra hàng hóa XNK.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc một mặt hàng (sữa bột đóng hộp) do hai bộ cùng quản lý.

Cụ thể là trường hợp Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Nhật Minh làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng sữa bột đóng hộp dành cho trẻ em nhãn hiệu Pediasure của Úc, đóng trong hộp sắt tráng thiếc, 800g/hộp, bao bì đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Lô hàng sữa bột trên đã được chứng nhận hợp quy và kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế trước khi thông quan.

Căn cứ Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm trên cạn thì sản phẩm sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Trong khi căn cứ Quyết định số 3648/QĐ-BCT ngày 8-9-2016 của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì mặt hàng sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

Như vậy, căn cứ hai văn bản hướng dẫn trên, đối với mặt hàng sữa bột đóng hộp vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đề nghị: Đối với mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến sâu (như: Sữa chua, thực phẩm đóng hộp…) vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình một trong hai chứng từ để thông quan hàng hóa.

Phản hồi ý kiến của cơ quan Hải quan và DN, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Thú y giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, theo đó sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

Lý giải về điều này, Cục Thú y nêu những quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex về chứng nhận kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa trong thương mại quốc tế; thỏa thuận về yêu cầu vệ sinh thú y đối với Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch XK sữa và sản phẩm sữa (gồm cả sữa chế biến) từ các nước vào Việt Nam. 

Hiện nay, việc kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa do cơ quan thú y tại cửa khẩu thực hiện. Việc kiểm dịch gồm: Kiểm tra các nội dung chứng nhận trong Giấy chứng nhận kiểm dịch có đúng với nội dung đã thỏa thuận hay không; kiểm tra cảm quan và các chỉ tiêu vệ sinh thú y gồm các vi sinh vật truyền lây giữa người và động vật; hoặc tùy vào tình hình dịch bệnh của nước XK để kiểm tra.

N.Linh