NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN THỐNG NHẤT VỀ KHAI BÁO ĐỊNH MỨC HÀNG GIA CÔNG, SẢN XUẤT XK

(HQ Online)- Làm cách nào để tạo thuận lợi cho DN gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trong quá trình làm thủ tục hải quan, đồng thời cơ quan Hải quan có cơ sở để quản lý, tránh thất thu thuế? Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC do Tổng cục Hải quan tổ chức, ngày 27/9. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các DN XNK liên quan lĩnh vực điện tử, dệt may, da giầy, cơ khí và thủy sản.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư-gia công (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.LINH

Loại hình nhiều đặc thù

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định, quan điểm của cơ quan Hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho DN, không gây khó khăn so với quy định hiện hành, song phải đảm bảo quản lý của cơ quan Hải quan đối với hoạt động sản xuất của DN.

Đại diện ban soạn thảo, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trong quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, Tổng cục Hải quan đã nhận được ý kiến tham gia của một số DN, Hiệp hội DN về nội dung dự thảo Thông tư. Những vấn đề DN gia công, sản xuất XK phản ánh liên quan tới định mức; báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư NK. Nhiều vấn đề đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa. Tại hội nghị này sẽ tiếp tục thảo luận về những vấn đề trên nhằm đưa ra giải pháp quản lý tốt nhất cho cả hai bên.

Trao đổi về những vấn đề DN phản ánh trong quá trình hoàn thiện dự thảo, ông Âu Anh Tuấn cho biết, mỗi nhóm DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau lại có những đặc thù riêng.

Nhóm DN điện tử phản ánh, do tính chất đặc thù của ngành hàng điện tử, trước khi sản xuất sản phẩm DN xây dựng định mức kỹ thuật chưa tính hao hụt trong quá trình sản xuất. Định mức kỹ thuật của sản phẩm và các tài liệu liên quan đến thay đổi định mức đều được lưu trữ trên phần mềm. Khi sản xuất sử dụng định mức kỹ thuật để tính toán lượng nguyên liệu thực tế đưa vào sản xuất và ghi nhận lượng nguyên liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất bằng hệ thống theo dõi riêng của DN.

Cùng một mã sản phẩm của nhiều đơn hàng khác nhau thì DN chỉ tính toán “định mức trung bình tháng” dựa trên định mức của từng đơn hàng. Như vậy, DN cho rằng thực tế khi kết thúc quá trình sản xuất, DN không tính toán định mức thực tế bao gồm tỷ lệ phế liệu, phế phẩm mà có hệ thống theo dõi toàn bộ lượng nguyên liệu hao hụt được ghi nhận trên hệ thống và trên sổ sách kế toán thay vì phải phân bổ thành tỷ lệ hao hụt trong định mức. Kiến nghị của nhóm DN ưu tiên điện tử và Công ty Samsung Thái Nguyên là sử dụng định mức trung bình tháng= tổng lượng từng nguyên liệu cấp cho các lệnh sản xuất/tổng lượng sản phẩm và bán thành phẩm của các lệnh sản xuất.

Nhóm DN dệt may phản ánh: Hiện nay, công ty may mặc đang ký kết hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài theo dạng hợp đồng nguyên tắc có thời hạn thực hiện từ 1 đến 5 năm. Vì vậy khi ký hợp đồng gia công hai bên chưa có đầy đủ các thông tin của các đơn hàng sẽ sản xuất, khi có đơn hàng phát sinh cụ thể hai bên ký phụ lục thực hiện. Do vậy, quy định thông báo định mức kỹ thuật khi thông báo hợp đồng gia công chưa phù hợp với thực tế.

Trong quy định về định mức có đưa ra hai khái niệm về định mức kỹ thuật và định mức thực tế. DN đề nghị làm rõ nội hàm của từng khái niệm và giá trị sử dụng của cả phía DN cũng như cơ quan Hải quan. Tránh trường hợp định mức kỹ thuật, định mức thực tế có sự sai khác là lý do để cơ quan Hải quan kiểm tra, xử lý thuế. Hơn nữa, các DN dệt may cho rằng việc xác định định mức thực tế dựa vào định mức kỹ thuật và các chứng từ như xuất bù nguyên phụ liệu, chứng từ thu lại nguyên phụ liệu, sản phẩm hư hỏng, phế liệu, hạch toán vào hệ thống kế toán theo từng kỳ kế toán, điều này gây khó khăn cho DN và kiến nghị không phải thông báo định mức kỹ thuật chỉ yêu cầu định mức thực tế sử dụng của đơn hàng khi kết thúc sản xuất cùng với thời điểm nộp báo cáo quyết toán. DN có trách nhiệm xây dựng, lưu giữ tài liệu và chứng minh định mức thực tế sản xuất cho từng mã hàng của mình.

Cần giải pháp chung nhất

Những ý kiến phản hồi của DN trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được ban soạn thảo tiếp thu và giải trình cụ thể. Một trong những vấn đề được làm rõ là khái niệm định mức kỹ thuật, bao gồm định mức sử dụng và lượng hao hụt của từng nguyên liệu, vật tư dự kiến (riêng đối với DN điện tử khi xây dựng định mức kỹ thuật không xác định hao hụt sẽ ghi nhận và quy định phù hợp với đặc thù của DN điện tử). DN sẽ tổ chức sản xuất theo định mức kỹ thuật do DN tự xây dựng. Trong quá trình tổ chức sản xuất của sản phẩm theo định mức kỹ thuật này, thực tế lượng nguyên liệu, vật tư sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm (bao gồm phế liệu, phế phẩm, phế thải trong quá trình sản xuất) thì được gọi là định mức thực tế.                           

Tiếp thu ý kiến các DN dệt may, tại thời điểm thông báo hợp đồng gia công có thể không có định mức thỏa thuận trên hợp đồng và thực tế khi DN xây dựng định mức kỹ thuật để sản xuất hàng hóa cho hợp đồng cũng có thể sai khác so với định mức thỏa thuận tại hợp đồng. Mặt khác, căn cứ thực tế sản xuất tại các DN trước khi tổ chức sản xuất đều đã xây dựng định mức kỹ thuật của từng mã sản phẩm và đình định mức kỹ thuật này trong sản xuất tại DN. Do vậy, ban soạn thảo gộp khái niệm về định mức kỹ thuật đối với cả loại hình gia công, sản xuất XK là định mức do DN xây dựng trước khi tổ chức sản xuất và chỉ phải thông báo định mức kỹ thuật này cho cơ quan Hải quan khi XK mã sản phẩm đầu tiêu.

Liên quan đến mục đích sử dụng định mức, ban soạn thảo cho biết, cơ quan Hải quan chỉ sử dụng định mức thực tế khi kiểm tra việc khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm của DN, khi hoàn thuế, không thu thuế hoặc khi kiểm tra, thanh tra DN. Về định mức kỹ thuật, khi tiêp nhận cơ quan Hải quan dùng để phân tích, đánh giá quá trình hoạt động của DN để xác định đối tượng rủi ro, bất thường. 

Tuy nhiên, do các DN với quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau nên tại hội nghị này, đại diện các DN ở các lĩnh vực, ngành nghề tiếp tục cho ý kiến góp ý về xác định định mức thực tế sử dụng tại DN, thời điểm thông báo định mức. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của DN để nghiên cứu, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác được DN tham gia ý kiến như: Hồ sơ hải quan; thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan; giám sát hải quan… cũng được ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa.

Về vấn đề báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nguyên liệu, phản ánh của nhiều DN là giữ nguyên tần suất báo cáo quyết toán theo năm tài chính và một số DN cho rằng mẫu báo cáo quyết toán này quay trở lại cách quản lý truyền thống. Đồng thời về quy định cơ quan Hải quan sẽ xây dựng hệ thống kết nối để DN cung cấp thông tin với cơ quan Hải quan. DN quan ngại quá nhiều thông tin cung cấp và khối lượng thông tin lớn dấn đến chi phí cao và chất lượng kết nối để chuyển thông tin từ DN đến Hải quan không đảm bảo ổn định.

Về vấn đề này, ban soạn thảo cho biết, trong dự thảo thông tư đã quy định rõ trường hợp thực hiện kết nối hệ thống thì không phải thực hiện quy định về báo cáo quyết toán. Như vậy, đối với những trường hợp chưa sẵn sàng thực hiện kết nối với cơ quan Hải quan sẽ phải thực hiện báo cáo quyết toán định kỳ với cơ quan Hải quan. Hiện tại giải pháp công nghệ thông tin kết nối dữ liệu giữa DN và cơ quan Hải quan nhằm quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đang được Tổng cục Hải quan xây dựng, sẽ có những chỉ tiêu thông tin để quản lý xuất-nhập-tồn kho nguyên liệu, vật tư, sản phẩm XK của hàng hóa gia công, sản xuất XK, DN chế xuất.

Ngọc Linh