LỘ DIỆN 4 NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU 10 TỶ USD

(HQ Online)- Máy tính, điện thoại hay máy móc thiết bị tiếp tục là những nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất cả nước trong năm 2017, trong đó những mặt hàng liên quan đến lĩnh vực điện tử (máy tính, điện thoại) có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Biểu đồ trị giá kim ngạch năm 2016 và 2017 của 4 nhóm hàng nhập khẩu 10 tỷ USD. Biểu đồ: T.Bình.

So với năm 2016, số lượng nhóm hàng đạt trị giá 10 tỷ USD năm 2017 vẫn dừng ở con số 4 theo ước tính vừa được Tổng cục Hải quan công bố. 4 nhóm hàng nhập khẩu 10 tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải.

Nhưng đáng chú ý, vị trí các nhóm hàng có sự thay đổi khi máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trở thành nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất cả nước.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt gần 99 tỷ USD, 4 nhóm hàng kể trên chiếm gần 46,8% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong năm 2017.

Kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện năm 2017 ước đạt 37,5 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm trước và trở thành nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất. Ảnh: T.Bình.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng bị rơi xuống vị trí thứ 2 với trị giá kim ngạch ước đạt 33,64 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.
Đang là một trong những quốc gia xuất khẩu điện thoại hàng đầu thế giới nhưng trong năm 2017 nước ta cũng chi đến 16,18 tỷ USD nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện, tăng tới 53,2% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.
Ngành công nghiệp dệt may nước ta vẫn đang bị phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong đó vải là nguyên liệu nhập khẩu lớn nhất. Năm 2017, trị giá kim ngạch nhập khẩu mặt hàng vải ước đạt 11,45 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.

 

Thái Bình

LẦN ĐẦU TIÊN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CÙNG ĐẠT TRÊN 200 TỶ USD

(HQ Online)- Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, lần đầu tiên tổng trị giá kim ngạch xuất khẩunhập khẩu của cả nước cùng đạt mức trên 200 tỷ USD.
Xuất khẩu, Nhập khẩu, kim ngạch
Hàng hóa XNK tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/12, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 204 tỷ USD, trong khi đó tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt gần 201,3 tỷ USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 36 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng gần 21,5%; ở chiều nhập khẩu, con số tăng thêm cũng rất ấn tượng đạt khoảng 35 tỷ USD, tăng gần 21,3%.

Một số thay đổi đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện thoại và máy tính.

So với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng thêm 10 tỷ USD, đạt trị giá kim ngạch 43,19 tỷ USD là nhóm hàng có con số tuyệt đối tăng thêm nhiều nhất và cũng là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng, mặt hàng máy tính là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng lớn nhất với mức tăng 38%, đạt trị giá kim ngạch 24,87 tỷ USD và vượt dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 cả nước (dệt máy đứng thứ 3 với 24,744 tỷ USD). Đây là điều gây không ít ngạc nhiên vì cùng kỳ năm ngoái, khoảng cách giữa 2 nhóm hàng này còn rất lớn lên đến hơn 4,5 tỷ USD.

Ngoài 3 nhóm hàng trên, hoạt động xuất khẩu đến 15/12 cũng ghi nhận thông tin đáng chú ý khác khi hàng loạt nhóm hàng chủ lực có kim ngạch vượt kết quả của cả năm 2016 như thủy sản đạt 7,955 tỷ USD, vượt cả năm ngoái hơn 900 triệu USD; rau quả đạt 3,346 tỷ USD, vượt gần 890 triệu USD; hạt điều đạt 3,363 tỷ USD vượt hơn 500 triệu USD…

Như vậy, dù chưa kết thúc năm nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định năm 2017 nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước đã thiết lập được những kỷ lục mới ấn tượng về trị giá kim ngạch.

Với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đến 15/12 đạt 405,3 tỷ USD và trị giá trung bình đạt trên dưới 20 tỷ USD/nửa tháng, nhiều khả năng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu năm 2017 sẽ vượt 420 tỷ USD.

Thái Bình

NGÀNH HẢI QUAN TẬP HUẤN VỀ BIỂU THUẾ MỚI

(HQ Online)- Để chuẩn bị cho việc thực hiện Nghị định 125/2017/NĐ-CP và các Nghị định ban hành các Biểu thuế FTA, ngày 15/12/2017, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị tập huấn giới thiệu những thay đổi của các biểu thuế cho đại diện các đầu mối nghiệp vụ, chi cục hải quan cửa khẩu của hải quan  các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Từ ngày 1/1/2018, hàng loạt các Biểu thuế XNK sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực với sự thay đổi thuế suất của hàng nghìn mặt hàng XNK. Trực tiếp phân tích những điểm mới của Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Quyết định 45/2017/QĐ-TTg,  bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP là nhằm thống nhất với danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65; giải quyết các kiến nghị của DN phát sinh trong thời gian từ 1/9/2016 đến nay; hạn chế tác động của việc xoá bỏ thuế NK theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN. Với sự ra đời của Nghị định này, thuế suất thuế XNK của nhiều mặt hàng như ô tô cũ, linh kiện ô tô, thủy hải sản, thực phẩm tươi sống… sẽ có nhiều thay đổi.

Phân tích về  Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 36/2016/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa NK, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết: Hàng hóa NK không có tên trong Danh mục của Biểu thuế suất NK thông thường tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này và không thuộc trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều 5 Luật thuế XK, thuế NK ngày 6/4/2016 thì áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất NK ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 125.

Giới thiệu lộ trình cắt giảm thuế quan tại Nghị định Biểu thuế FTA cho giai đoạn 2018- 2022, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ Tài chính cũng đang dự thảo 10 nghị định biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA giữa: ASEAN, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Ấn Độ, ASEAN – Australia – New Zealand, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chi lê, Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu. Việc dự thảo các nghị định mới này là để thực hiện cam kết trong nội khối ASEAN. Trong đó, thuế NK của nhiều mặt hàng sẽ giảm mạnh, thậm chí về 0% như: ô tô nguyên chiếc, xăng dầu; thịt heo, thịt bò tươi; phụ tùng linh kiện; máy tính; sản phẩm điện tử… 

Cũng tại hội nghị tập huấn, hải quan các địa phương đã trao đổi với các đơn vị soạn thảo các biểu thuế về điều kiện và thủ tục áp dụng các chương trình ưu đãi thuế, thời điểm áp dụng ưu đãi thuế cũng như chia sẽ kinh nghiệm về nội dung các biểu thuế FTA…

Các thắc mắc của hải quan địa phương tại Hội nghị tập huấn xoanh quanh các nội dung: các điều kiện NK linh kiện NK lắp ráp ô tô, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 125/2017/NĐ-CP với nhóm hàng 8702 và 8703; thời điểm áp dụng các hạn ngạch thuế quan….

Được biết, sau Hội nghị tập huấn này, các CBCC dự hội nghị sẽ về tập huấn  cho các CBCC tại đơn vị mình về những điểm mới cũng như những thay đổi của các biểu thuế để áp dụng biểu thuế mới từ ngày 1/1/2018. 

Hải Nam

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

XUẤT SIÊU 3,17 TỶ USD TRONG 11 THÁNG

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng/2017 đạt 385,77 tỷ USD, tăng 21,4% tương ứng tăng hơn 67,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 253,24 tỷ USD, tăng 23,2% tương ứng tăng hơn 42,83 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 11 tháng/2017 so với  cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 (từ 16/11/2017 đến 30/11/2017) đạt hơn 20,28 tỷ USD,  tăng 6,5% tương ứng tăng hơn 1,23 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2017. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ đạt kim ngạch 13,39 tỷ USD, tăng 5,5% tương ứng tăng hơn 694 triệu USD so với nửa đầu tháng 11/2017.

Trong kỳ 2 tháng 11/2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 875 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 11 tháng/2017 thặng dư 3,17 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt 10,6 tỷ USD, tăng 13,1% (tương ứng tăng 1,23 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 11/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 11/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,3%, tương ứng tăng 267 triệu USD; dầu thô tăng 8 lần; hàng dệt may tăng 11,9%, tương ứng tăng 121 triệu USD; sắt thép các loại tăng 86,3% tương ứng tăng 95 triệu USD; giầy dép các loại tăng 13,2%, tương ứng tăng 84 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 14,4%, tương ứng tăng 80 triệu USD;… Trong khi đó, xăng dầu các loại giảm 38,9%, tương ứng giảm 20,3 triệu USD; gạo giảm 15,6%, tương ứng giảm 15 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 11 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 194,47 tỷ USD, tăng 21,5% tương ứng tăng hơn 34,44 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt hơn 7,6 tỷ USD, tăng 11,6% tương ứng tăng 794 triệu USD so với kỳ 1 tháng 11/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên hơn 138,5 tỷ USD, tăng 23,2%, tương ứng tăng 26,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt 9,7 tỷ USD, tăng 0,1% (tương ứng tăng hơn 7 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 11/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 11/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 19%, tương ứng tăng 149 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 101,4%, tương ứng tăng 89 triệu USD; dầu thô tăng 66 triệu USD… Ở chiều ngược lại, sắt thép các loại giảm 25,1%,tương ứng giảm 113 triệu USD; than đá giảm 43,1%, tương ứng giảm 48 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 11/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 191,3 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng 33,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt hơn 5,75 tỷ USD, giảm 1,7%  tương ứng giảm gần 101 triệu USD so với kỳ 1 tháng 11/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 11 tháng/2017 đạt hơn 115 tỷ USD, tăng 23,4% tương ứng tăng hơn 21,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2016.

Hà Nhi

MÁY MÓC, THIẾT BỊ VÀO NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU 10 TỶ USD

(HQ Online)- Đến nay, có 5 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 10 tỷ USD, tăng thêm một nhóm so với cùng kỳ 2016.
Cơ cấu tỉ lệ kim ngạch 5 nhóm hàng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến 15/11. Biểu đồ: T.Bình.

Theo Tổng cục Hải quan, đến 15/11 có thêm nhóm hàng mới góp mặt là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với trị giá kim ngạch đạt xấp xỉ 11 tỷ USD. Trị giá này tăng thêm 2,444 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016 (tương đương tăng thêm 28,56%) và giúp nhóm hàng này lần đầu tiên góp mặt vào nhóm xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên tính đến 15/11.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, xét về thị trường (tính hết tháng 10), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường: Hoa kỳ với 2,01 tỷ USD, tăng 16,8%; Nhật Bản với 1,41 tỷ USD, tăng 10%; Liên minh châu Âu- EU (với 28 thị trường) với 1,49 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước…

Ngoài máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, đến 15/11, còn 4 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch trên 10 tỷ USD là: Điện thoại và linh kiện đạt 38,953 tỷ USD; dệt may đạt 22,436 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,352 tỷ USD; giày dép đạt 12,46 tỷ USD.

Một tín hiệu tích cực là cả 5 nhóm hàng “10 tỷ USD” đều duy trì được sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016 và đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó 2 nhóm hàng liên quan đến lĩnh vực điện tử là điện thoại và máy tính có mức tăng trưởng đến 2 con số với tốc độ lần lượt là 30,38% và 38,6%.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 107,201 tỷ USD, 5 nhóm hàng trên chiếm đến 58,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Thái Bình

5 NGÂN HÀNG ĐƯỢC CHỌN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM NỘP THUẾ ĐIỆN TỬ 24/7

(HQ Online)- Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó trưởng Phòng Dự toán- Quản lý thu ngân sách, Cục thuế XNK cho biết, hiện đã có 5 ngân hàng được Tổng cục Hải quan lựa chọn thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 từ tháng 11/2017. Đó là các ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank; BIDV, MB và Techcombank.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Phó Bảng, Cục Hải quan Hà Giang. Ảnh: T.Trang.

Để hỗ trợ hơn nữa cho DN, từ tháng 11/2017 Tổng cục Hải quan sẽ mở thêm một kênh nộp thuế điện tử 24/7, DN sẽ nộp tiền trực tiếp tại cổng thanh toán điện tử hải quan (24/7), cơ quan Hải quan sẽ trực tiếp hỗ trợ DN lập chứng từ nộp tiền từ những dữ liệu gốc, để hạn chế những sai sót trong thủ tục chuyển tiền. 

Bên cạnh việc hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, việc tham gia thu thuế điện tử 24/7 còn giúp các ngân hàng phát triển và nâng cao dịch vụ thanh toán cho khách hàng, thu hút thêm khách hàng tiềm năng, hạn chế sai sót thông tin cần phải tra soát của các chứng từ nộp tiền.

Để triển khai chương trình này, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn với các ngân hàng thương mại, trong đó, điều kiện để các ngân hàng tham gia là phải bổ sung, nâng cấp phần mềm trao đổi thông tin nhận thông điệp từ Tổng cục Hải quan chuyển lệnh thanh toán của người nộp thuế (kiểm tra, xác thực chữ ký số của người nộp thuế, chữ ký số của cơ quan Hải quan, số dư trên tài khoản của người nộp thuế).

Đồng thời các ngân hàng thương mại phối hợp thu sẽ ký với người nộp thuế về việc ủy quyền vô điều kiện và không hủy ngang cho ngân hàng thương mại thực hiện trích tiền từ tài khoản thanh toán của người nộp thuế tại chi nhánh ngân hàng thương mại để thực hiện các giao dịch nộp thuế và thông quan 24/7. Chuyển danh sách và nội dung văn bản người nộp thuế cam kết, ủy quyền vô điều kiện và không hủy ngang với ngân hàng sang Tổng cục Hải quan.

Hiện, để tham gia thực hiện thí điểm triển khai nộp thuế điện tử 24/7, 5 ngân hàng trên đã thực hiện ký bổ sung thảo thuận hợp tác với Tổng cục Hải quan. Đồng thời, 5 ngân hàng này cũng đã thống nhất với Tổng cục Hải quan bộ chuẩn thông điệp trao đổi thông tin.

Được biết, việc triển khai nộp thuế điện tử 24/7 tới đây sẽ chỉ thực hiện đối với các ngân hàng thương mại đã ký kết phối hợp thu với Tổng cục Hải quan. Đến thời điểm hiện tại đã có 36 ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận phối hợp thu NSNN với Tổng cục Hải quan, trao đổi thông tin nộp tiền bằng phương thức điện tử; người nộp thuế có mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. 

Thu Trang

VAI TRÒ QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐƯỢC NÂNG CAO QUA CÔNG TÁC PHÂN LOẠI HÀNG HÓA

(HQ Online)- Nâng cao hiệu quả quản lý khai báo mã số hàng hóa là một trong những biện pháp mà ngành Hải quan đã triển khai trong thời gian dài vừa qua để phòng ngừa và chống thất thu thuế qua khai báo phân loại hàng hóa. Không chỉ có thế, điều này còn giúp tạo điều kiện lành mạnh hoá môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế của các DN Việt Nam.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang​​​

Phân loại hàng hóa XK, NK là việc căn cứ vào tên gọi, mô tả về tính chất, thành phần, cấu tạo, công dụng, quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hóa để xác định, sắp xếp hàng hóa vào một mã số nhất định theo Hệ thống hài hóa mô tả và mã hóa hàng hóa, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây là một khâu rất quan trong trong hoạt động XNK của DN và hoạt động quản lý hải quan.

Thực tế Việt Nam đã tham gia Công ước HS từ 1998 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2000, qua thời gian triển khai thực hiện, công tác phân loại hàng hóa theo HS đối với hàng hóa XNK đã có những sự thay đổi đáng kể.

Xác định được tầm quan trọng của việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác phân loại hàng hóa, đảm bảo thu đúng, thu đủ, đơn giản, dễ thực hiện, nâng cao uy tín của cơ quan Hải quan trong cộng đồng DN là hết sức cần thiết. Vì vậy, ngành Hải quan đã từng bước nội luật hóa các quy định phân loại của Hải quan thế giới, đồng thời cũng chuẩn hóa cách phân loại theo quy định của quốc tế.

Đó là việc Hải quan Việt Nam đã triển khai áp dụng Công ước hài hoà mô tả mã hoá hàng hoá của Tổ chức Hải quan thế giới (HS) thay cho việc áp dụng danh mục hàng hoá XNK của khối SEV ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX. Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam đã cử đại diện tham gia xây dựng, đàm phán, triển khai áp dụng Danh mục thuế quan hài hoà ASEAN (AHTN) để thực hiện Nghị định thư về việc thực thi AHTN, xây dựng Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam theo chuẩn hóa quốc tế.

Thực tế, trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, tình trạng DN khai sai mã số hàng hóa để hưởng mức thuế thấp hơn là một hình thức gian lận khá phổ biến. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế phát triển với đa dạng về các chủng loại hàng hóa, sự xuất hiện của những mặt hàng đa chức năng, đa công dụng. Vì vậy, công tác phân loại của cơ quan Hải quan gặp không ít khó khăn, bởi nhận thức về bản chất hàng hóa có nhiều ý kiến khác nhau và nhân lực của cơ quan Hải quan làm công tác phân loại hàng hóa còn hạn chế.

Song, với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về phân loại hàng hóa, để có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh Ngành Hải quan đã xây dựng, thu thập, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa đầy đủ, có độ tin cậy cao, tích hợp với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Hải quan, phục vụ đắc lực cho quản lý rủi ro và thủ tục hải quan điện tử; kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực của cán bộ, công chức làm công tác phân loại hàng hóa chuyên nghiệp, chuyên sâu, tập trung, thống nhất tại ba cấp Tổng cục- Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố- Chi cục… Qua đó, góp phần thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng phân loại hàng hóa không thống nhất, giảm và hạn chế đến mức thấp nhất việc truy thu thuế, khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp trong công tác phân loại hàng hóa, xác định mức thuế.

Theo Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) Lưu Mạnh Tưởng, hiện quy trình phân loại hàng hóa của ngành Hải quan đã thống nhất được các quan điểm phân loại hàng hóa khác nhau giữa các đơn vị trước khi ban hành thông báo kết quả phân loại hàng hóa. Đồng thời qua đó, hình thành được hệ thống phần mềm MHs lưu giữ kết quả phân tích phân loại trong toàn ngành. Từ đó giúp DN dễ dàng tra cứu các kết quả phân loại hàng hóa, và cũng giúp DN thuận tiện hơn trong việc áp dụng vào việc phân loại hàng hóa của chính DN bởi những thông báo kết quả phân loại đều được Tổng cục Hải quan công khai trên website của ngành.

Cùng với đó, quy định về xác định trước mã số hàng hóa, xuất xứ của hàng hóa được Tổng cục Hải quan triển khai nhằm giúp DN chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, đồng thời giúp cơ quan Hải quan tăng hiệu quả quản lý. Hầu hết hồ sơ gửi đến đều được Cục Thuế XNK giải quyết trong thời hạn 30 ngày, những trường hợp hàng hóa phức tạp cũng được giải quyết trong thời hạn tối đa 60 ngày.

Việc thực hiện quy định xác định trước mã số hàng hóa mang lại lợi ích cho cả Hải quan và DN. Đó là, cơ quan Hải quan nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý nhờ đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phân bổ nguồn lực hợp lý vào các giai đoạn trước, trong và sau thông quan. Về phía DN sẽ căn cứ vào những thông tin được cung cấp trước có tính rằng buộc pháp lý để nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và tính toán lợi nhuận. Điều này làm tăng độ chắc chắn và có thể dự doán được cho các DN khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế.

Đặc biệt, với việc Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam (kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC) theo Danh mục AHTN 2017, Biểu thuế MFN và các Biểu thuế FTA, các danh mục quản lý chuyên ngành theo AHTN 2017 đã đảm bảo đồng bộ và hợp nhất, hỗ trợ cho công tác phân loại hàng hóa được thuận lợi và chính xác. Cùng với đó là Danh mục quản lý rủi ro về phân loại được Tổng cục Hải quan xây dựng và triển khai trong toàn ngành, trong đó bao gồm khoảng 380 mặt hàng cấp độ 8 chữ số và 7 nhóm hàng cấp độ 6 chữ số bao gồm cả hàng NK và XK được thường xuyên cập nhật và thay đổi…, là tài liệu quan trọng, là công cụ quản lý trong công tác phân loại hàng hóa của cơ quan Hải quan trong cả khâu trong và sau thông quan. Đây cũng là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng giúp ngành Hải quan hoàn chỉnh hệ thống chính sách về phân loại hàng hóa.

Chỉ riêng trong công tác phân loại hàng hóa, năm 2016 Tổng cục Hải quan đã ban hành hơn 4.620 thông báo kết quả phân loại hàng hóa, xử lý gần 260 đơn đề nghị xác định trước mã số hàng hóa. Tình trạng tranh chấp giữa Hải quan và DN liên quan đến mã số hàng hóa và thuế suất ưu đãi đã giảm đáng kể. Năm 2016, chỉ có 4 đơn khiếu nại chủ yếu tập trung vào những mặt hàng phức tạp, dễ nhầm lẫn. Kết quả DN khai bổ sung hoặc ấn định lại thuế riêng trong công tác phân loại hàng hóa là trên 87,2 tỷ đồng và DN đã nộp trên 57,5 tỷ đồng vào NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành hơn 745 thông báo kết quả phân loại hàng hóa, xử lý 108 đơn đề nghị xác định trước mã số hàng hóa theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.

Thu Trang

INFOGRAPHICS: NHỮNG NHÓM HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU CHÍNH 7 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam đạt 233,13 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.

 
.
Trần Ánh- M.Hùng

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 6: DOANH NGHIỆP ĐỒNG HÀNH VỚI KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI CỦA NGÀNH HẢI QUAN

(HQ Online)- Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không) đang được Cục Hải quan Hà Nội gấp rút hoàn thiện để triển khai chính thức vào tháng 10/2017.

Giám sát hoạt động XC, NC tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.Linh.​​​

Xuyên suốt quá trình chuẩn bị, Cục Hải quan Hà Nội, các hãng hàng không, DN kinh doanh kho bãi, cảng và các cơ quan quản lý liên quan đã hợp tác chặt chẽ. Nhờ đó, bước đầu triển khai đã có những kết quả nhất định.

Phối hợp chặt chẽ

 
Kỳ vọng vào kết quả khi triển khai chính thức hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa, ông Lê Thanh Bình-Phó Giám đốc Nhà ga hàng hóa hàng không ALS Nội Bài  cho rằng: “Đây là hệ thống điện tử nên được đánh giá trên cơ sở thông tin nhập vào hệ thống và xử lý, vì thế yêu cầu thông tin chính xác cao. Phạm vi hệ thống tính quốc gia, độ phủ lớn nên chắc chắn khi triển khai sẽ không đơn giản, nhưng với sự nỗ lực, mong muốn làm và kết quả ban đầu đạt được thì các bên sẽ vượt qua trở ngại”.
 

Việc khởi động kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không không chỉ khắc phục những bất cập, khó khăn trong kết nối, chia sẻ thông tin mà còn là bước cải cách mạnh mẽ nhằm đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi cảng hàng không và các bên liên quan, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát hải quan. Việc triển khai tất nhiên không đơn giản, bởi đây là một mô hình mới, với khối lượng công việc lớn như: khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; điều phối các hoạt động phối hợp; tuyên truyền, vận động DN tham gia; đề xuất quy trình, mô hình quản lý trên phạm vi toàn quốc. Nhưng với những kết quả bước đầu đạt được tại Cục Hải quan Hà Nội cho thấy khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan và DN thì việc triển khai sẽ đạt được như kỳ vọng.Trong giai đoạn đầu, Cục Hải quan Hà Nội đã lựa chọn, đề xuất thí điểm thực hiện Cơ chế một cửa đối với Vietnam Airlines. Từ giữa năm 2016, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, các DN kinh doanh kho hàng không và Vietnam Airlines lập nhóm chuyên gia gồm những người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực CNTT, khai thác hàng hóa… Thiết lập cơ chế đối thoại, trao đổi thông qua email, điện thoại và họp nhóm làm việc trực tiếp hai tuần/lần. Đồng thời, tổ chức khảo sát và tham khảo ý kiến của các hãng hàng không, DN cảng và các công ty dịch vụ mặt đất về quy trình khai thác hàng hóa, quy trình gửi/nhận thông tin điện tử… Đến ngày 1/1/2017, đã triển khai thực hiện thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không tại Sân bay quốc tế Nội Bài đối với Vietnam Airlines.

Song song, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Tổng cục Hải quan và các DN kinh doanh kho hàng không tại Nội Bài (ALSC, ACSV và NCTS) gấp rút hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không. Đây là một phân hệ của hệ thống một cửa hàng không có nhiệm vụ tự động tiếp nhận và xử lý, phản hồi đối với toàn bộ các thông tin về hàng hóa đường hàng không được khai thác tại cảng hàng không quốc tế.

Có hiệu quả

Là DN đã tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong việc triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không, cũng như xây dựng hệ thống giam sát hàng hóa, ông Lê Thanh Bình-Phó Giám đốc Nhà ga hàng hóa hàng không ALS Nội Bài cho rằng, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN nói chung, cho ga hàng hóa, hãng hàng không nói riêng trong việc cắt giảm thời gian và chi phí trong việc làm thủ tục thông quan đối với hàng hóa vận chuyển đường hàng không. Triển khai cơ chế này, DN kinh doanh kho hàng không là mắt xích quan trọng trong dây chuyền vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Chính vì vậy, trong thời gian qua, DN đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của cơ quan Hải quan trong việc chuẩn bị hạ tầng kết nối. Ngay khi có kế hoạch triển khai của Cục Hải quan Hà Nội, DN đã bố trí cán bộ để cùng hợp tác với cơ quan Hải quan khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai, chuẩn bị cơ sở hạ tầng CNTT.

Sau một thời gian chuẩn bị hoàn thiện hệ thống hạ tầng chuẩn dữ liệu, CNTT, giữa tháng 6/2017, DN đã kết nối thông suốt hai chiều từ kho hàng không đến cổng một cửa và ngược lại. Theo kết quả ban đầu triển khai, hệ thống một cửa quốc gia rút ngắn nhiều thời gian và các bước làm thủ tục cho DN. Nếu như trước đây phải đi qua ba khâu thủ tục để xuất hàng ra khỏi kho hàng không thì khi triển khai chỉ cần qua một cửa duy nhất, nếu điều kiện đầy đủ thì hàng đã xuất khỏi kho hàng không. Qua đó sẽ tiết kiệm thời gian nộp giấy tờ thủ tục, di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm kia. “Đặc biệt việc cung cấp thông tin trước về hàng hóa giúp cơ quan Hải quan đủ thời gian đánh giá các vấn đề về mặt nghiệp vụ để đưa ra được quyết định nhanh là hàng hóa này được đối xử như thế nào. Các bên đều được hưởng lợi vì hàng hóa được ra quyết định từ trước khi làm các thủ tục đưa hàng ra khỏi kho”- Ông Bình nói.

Mặc dù ủng hộ kế hoạch cải cách của ngành Hải quan nhưng DN cũng mong muốn cơ quan Hải quan làm rõ những vấn đề còn băn khoăn. Chẳng hạn, đại diện Hãng hàng không Thái cho rằng, cần cân nhắc khung thời gian chuyển thông tin đến cơ quan Hải quan. Một số chỉ tiêu thông tin như số ghế của hành khách, số lượng thành viên tổ bay chỉ nên yêu cầu cung cấp nếu có thay vì “bắt buộc” như dự kiến trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu bay XC, NK, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia vì: Số ghế của hành khách có thể chỉ chắc chắn có khi họ làm thủ tục check-in; không phải hãng hàng không nào cũng cập nhật số lượng và tên các thành viên tổ bay trong dữ liệu đặt chỗ trước…

Giải đáp về thắc mắc của DN, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã quy định rõ thời điểm cung cấp thông tin, cụ thể đối với chuyến bay ngắn quy định hãng hàng không cung cấp thông tin (danh sách hành khách, hàng hóa, thông tin phi hành đoàn, hành lý ký gửi) trước 30 phút trước khi hạ cánh. Như vậy, thời gian đó đủ cho hãng hàng không gửi thông tin đến cơ quan Hải quan, dù chuyến bay ngắn.

Trên cơ sở kết quả chạy thử kết nối hệ thống giữa Hải quan và DN kho trong thời gian vừa qua, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, kinh nghiệm để triển khai thành công dự án này là các DN, hãng hàng không, công ty giao nhận phải nắm được, hiểu được hệ thống thì khi tham gia vào khai thác, sử dụng sẽ thuận lợi. Để đáp ứng lộ trình triển khai theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan (tháng 10/2017), trong thời gian này, Cục Hải quan Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống; song song tổ chức tập huấn, hướng dẫn đối với các đối tượng có liên quan bao gồm cả các bộ, ngành và các đối tượng làm thủ tục XNK liên quan đến hàng hóa, hành lý để thống nhất, hiểu đúng khi triển khai áp dụng không xảy ra sai xót.

Yêu cầu cung cấp thông tin trước chuyến bay

Theo Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội) Đặng Hoàng Điệp: Trong thời gian qua do chưa có hệ thống kết nối với các hãng hàng không nên việc cung cấp thông tin hàng hóa chưa thực hiện được trước, chỉ thực hiện khi tàu bay hạ cảng mới được xuất trình cho hải quan. Thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước chậm nên chưa đủ thông tin để phân tích, từ đó đưa ra biện pháp quản lý cho từng đối tượng, dẫn đến có các lô hàng thông quan chậm. Chính vì vậy, cần phải có thông tin trước để phân tích đối tượng, đưa ra các đối tượng cần quản lý, đối tượng qua đánh giá rủi ro tuân thủ tốt pháp luật có thể được thông quan sớm hơn, có thể ngay khi máy bay vừa hạ cánh, vào kho là có thể thông quan ngay.

Ngọc Linh

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 3: CÔNG TY CỔ PHẦN CẢNG NAM HẢI ĐÌNH VŨ: SÁT CÁNH VỚI CƠ QUAN HẢI QUAN

(HQ Online)- Quá trình phối hợp giữa cơ quan Hải quan và nhiều DN kinh doanh cảng trên địa bàn Hải Phòng (từ tháng 9/2015) dù mới dừng ở việc kết nối, trao đổi thông tin, nhưng đây là thành công bước đầu, tạo tiền đề quan trọng trong việc hợp tác giữa DN và cơ quan Hải quan để triển khai thành công Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử”.

Nhân viên Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ tác nghiệp ở bộ phận “một cửa”- khu vực phối hợp giám sát giữa DN và cơ quan Hải quan. Ảnh: T.Bình.

Hiệu quả nhờ… công nghệ

Triển khai Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức thường thấy ở mỗi lần áp dụng các hệ thống CNTT mới. Nhưng, thành công bước đầu khi thực hiện tại Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ đã tạo ra những nền tảng quan trọng và niềm tin vào việc thực hiện thành công Đề án trong thời gian tới.

Một ngày đầu tháng 7/2017, có mặt tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng)- địa bàn đầu tiên thực hiện phối hợp giám sát ở khu vực Hải Phòng và cả nước, chúng tôi chứng kiến hoạt động XNK qua khu vực cảng vẫn diễn ra tấp nập, thuận tiện. Dù là cảng của DN cổ phần với diện tích chưa đến 20 ha nhưng ở cảng Nam Hải Đình Vũ đầy ắp hàng hóa. Các container hàng khô được xếp tối đa về chiều cao là 4 container chồng lên nhau, container hàng lạnh là 3 container chồng lên nhau.

Trong khi đó, ở khu vực cổng cảng, mặc dù xe container chở hàng hóa XNK ra vào tấp nập nhưng vẫn di chuyển một cách thuận tiện, không ùn tắc. Anh Trần Tiến Phương- một nhân viên XNK nhiều năm làm việc ở khu vực cảng Hải Phòng cho biết, làm việc trong DN là đại lý hải quan nên lượng hàng hóa phải làm thủ tục mỗi ngày qua cảng Nam Hải Đình Vũ tương đối nhiều, khoảng trên dưới 1.000 container/ngày, nhưng do có sự phối hợp tốt giữa Hải quan Hải Phòng và Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ nên bộ phận nghiệp vụ của cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng đã cùng tác nghiệp ở 1 địa điểm, phối hợp, giám sát dựa vào ứng dụng CNTT nên việc làm thủ tục để DN XK hay NK hàng hóa diễn ra thuận tiện. Trước đây, làm thủ tục xong với cơ quan Hải quan, DN lại phải đến DN kinh doanh cảng để làm các lệnh giao/nhận hàng và các thủ tục khác mất nhiều thời gian.

Hiệu quả từ thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Phó Tổng giám đốc Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ Cao Hồng Phong cho biết, kết quả triển khai thực hiện phối hợp giám sát theo quy định của Luật Hải quan được thực hiện đúng quy định. Việc ứng dụng hệ thống phần mềm trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng đã giúp kiểm tra chính xác hàng hóa đủ điều kiện thông quan, phòng ngừa được rủi ro trong công tác kiểm soát.

Mặt khác, thao tác của công chức hải quan và cán bộ nghiệp vụ của cảng nhanh hơn, công tác tra cứu, thống kê thông tin, số liệu hàng hóa ra/vào cảng, hàng hóa lưu giữ tại cảng thuận lợi, chính xác, kịp thời hơn.

Theo ông Cao Hồng Phong, song song với kết nối thông tin, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV III (Cục Hải quan Hải Phòng) và Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải Logistics đã triển khai “Quy trình một cửa” nhằm đơn giản hóa và cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức đi lại, thuận lợi cho DN làm thủ tục hải quan, liên hoàn với quầy thu phí sử dụng cơ sở hạ tầng. “Theo thống kê sơ bộ, thời gian làm thủ tục giảm đến 3 phút/tờ khai so với trước kia. Và với hàng chục nghìn tờ khai mỗi năm qua cảng, thời gian tiết kiệm là rất nhiều”- ông Phong chia sẻ.

Theo Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ, nhờ việc với phối hợp diễn ra thuận lợi, công tác kiểm soát hàng hóa, phương tiện ra vào thông thoáng, nhanh gọn, nên trung bình Công ty giao nhận trên dưới 1.000 container ra khỏi cảng/ngày nhưng không để xảy ra ùn tắc, kể cả thời gian cao điểm vào cuối giờ chiều.

Bên cạnh đó, hiệu quả phối hợp còn thể hiện ở phần mềm mới của cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng cơ bản đáp ứng yêu cầu về kết nối, chuyển và phản hồi dữ liệu, công tác báo cáo thống kê; CBCC Hải quan và các bộ phận nghiệp vụ của cảng có tinh thần, thái độ triển khai nghiêm túc, từng bước nhanh chóng nắm bắt công việc và quy trình mới.

“Việc áp dụng quy trình giám sát Hải quan mới đã đảm bảo công tác quản lý giám sát của cơ quan Hải quan, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức cho DN XNK, đơn vị khai hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều này đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như uy tín, năng lực cạnh tranh của cảng”- ông Phong nói  .

Tuy nhiên, để mở rộng việc phối hợp giám sát theo Đề án mới, ông Phong đề nghị cơ quan Hải quan tiếp tục hỗ trợ cảng trong xử lý các vướng mắc phát sinh về nghiệp vụ hải quan và hướng dẫn để nhân viên của cảng hiểu quy trình, thao tác chính xác, nhanh chóng. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền để DN khai báo hải quan nắm bắt được nội dung quy trình giám sát mới này… Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tối ưu hóa phần mềm để giảm thời gian truy vấn, đảm bảo tính liên tục và tốc độ kết nối; hoàn thiện chỉnh sửa các quy định pháp luật liên quan như Thông tư 38/2015/TT-BTC, Nghị định 08/2015/NĐ-CP để phù hợp với điều kiện tình hình mới trong công tác giám sát tại cảng biển.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thành công tại Công ty thời gian qua, ông Cao Hồng Phong nhấn mạnh: Việc phối hợp giám sát không phải được áp dụng trơn tru ngay từ đầu. Thời điểm mới triển khai, cả DN và cơ quan Hải quan đều gặp không ít khó khăn do là phương thức mới lần đầu tiên triển khai. Nhưng có quyết tâm của lãnh đạo DN và cơ quan Hải quan nên những vướng mắc được kịp thời tháo gỡ. Trong quá trình thực hiện, DN luôn sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng CNTT, song song đó, cơ quan Hải quan luôn túc trực tại DN để tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

“Những ngày đầu triển khai tại cảng Nam Hải Đình Vũ, cán bộ của Cục CNTT và Thống kê hải quan của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Hải Phòng phải ăn ngủ trực tiếp tại cảng để cùng thực hiện nên mọi việc đã diễn ra suôn sẻ. Có thể nói, việc thực hiện thành công đã đưa Luật Hải quan vào cuộc sống”- Phó Tổng giám đốc Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ tâm sự.

Thái Bình