(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 6: DOANH NGHIỆP ĐỒNG HÀNH VỚI KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI CỦA NGÀNH HẢI QUAN

(HQ Online)- Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không) đang được Cục Hải quan Hà Nội gấp rút hoàn thiện để triển khai chính thức vào tháng 10/2017.

Giám sát hoạt động XC, NC tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.Linh.​​​

Xuyên suốt quá trình chuẩn bị, Cục Hải quan Hà Nội, các hãng hàng không, DN kinh doanh kho bãi, cảng và các cơ quan quản lý liên quan đã hợp tác chặt chẽ. Nhờ đó, bước đầu triển khai đã có những kết quả nhất định.

Phối hợp chặt chẽ

 
Kỳ vọng vào kết quả khi triển khai chính thức hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa, ông Lê Thanh Bình-Phó Giám đốc Nhà ga hàng hóa hàng không ALS Nội Bài  cho rằng: “Đây là hệ thống điện tử nên được đánh giá trên cơ sở thông tin nhập vào hệ thống và xử lý, vì thế yêu cầu thông tin chính xác cao. Phạm vi hệ thống tính quốc gia, độ phủ lớn nên chắc chắn khi triển khai sẽ không đơn giản, nhưng với sự nỗ lực, mong muốn làm và kết quả ban đầu đạt được thì các bên sẽ vượt qua trở ngại”.
 

Việc khởi động kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không không chỉ khắc phục những bất cập, khó khăn trong kết nối, chia sẻ thông tin mà còn là bước cải cách mạnh mẽ nhằm đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi cảng hàng không và các bên liên quan, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát hải quan. Việc triển khai tất nhiên không đơn giản, bởi đây là một mô hình mới, với khối lượng công việc lớn như: khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; điều phối các hoạt động phối hợp; tuyên truyền, vận động DN tham gia; đề xuất quy trình, mô hình quản lý trên phạm vi toàn quốc. Nhưng với những kết quả bước đầu đạt được tại Cục Hải quan Hà Nội cho thấy khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan và DN thì việc triển khai sẽ đạt được như kỳ vọng.Trong giai đoạn đầu, Cục Hải quan Hà Nội đã lựa chọn, đề xuất thí điểm thực hiện Cơ chế một cửa đối với Vietnam Airlines. Từ giữa năm 2016, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, các DN kinh doanh kho hàng không và Vietnam Airlines lập nhóm chuyên gia gồm những người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực CNTT, khai thác hàng hóa… Thiết lập cơ chế đối thoại, trao đổi thông qua email, điện thoại và họp nhóm làm việc trực tiếp hai tuần/lần. Đồng thời, tổ chức khảo sát và tham khảo ý kiến của các hãng hàng không, DN cảng và các công ty dịch vụ mặt đất về quy trình khai thác hàng hóa, quy trình gửi/nhận thông tin điện tử… Đến ngày 1/1/2017, đã triển khai thực hiện thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không tại Sân bay quốc tế Nội Bài đối với Vietnam Airlines.

Song song, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Tổng cục Hải quan và các DN kinh doanh kho hàng không tại Nội Bài (ALSC, ACSV và NCTS) gấp rút hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không. Đây là một phân hệ của hệ thống một cửa hàng không có nhiệm vụ tự động tiếp nhận và xử lý, phản hồi đối với toàn bộ các thông tin về hàng hóa đường hàng không được khai thác tại cảng hàng không quốc tế.

Có hiệu quả

Là DN đã tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong việc triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không, cũng như xây dựng hệ thống giam sát hàng hóa, ông Lê Thanh Bình-Phó Giám đốc Nhà ga hàng hóa hàng không ALS Nội Bài cho rằng, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN nói chung, cho ga hàng hóa, hãng hàng không nói riêng trong việc cắt giảm thời gian và chi phí trong việc làm thủ tục thông quan đối với hàng hóa vận chuyển đường hàng không. Triển khai cơ chế này, DN kinh doanh kho hàng không là mắt xích quan trọng trong dây chuyền vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Chính vì vậy, trong thời gian qua, DN đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của cơ quan Hải quan trong việc chuẩn bị hạ tầng kết nối. Ngay khi có kế hoạch triển khai của Cục Hải quan Hà Nội, DN đã bố trí cán bộ để cùng hợp tác với cơ quan Hải quan khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai, chuẩn bị cơ sở hạ tầng CNTT.

Sau một thời gian chuẩn bị hoàn thiện hệ thống hạ tầng chuẩn dữ liệu, CNTT, giữa tháng 6/2017, DN đã kết nối thông suốt hai chiều từ kho hàng không đến cổng một cửa và ngược lại. Theo kết quả ban đầu triển khai, hệ thống một cửa quốc gia rút ngắn nhiều thời gian và các bước làm thủ tục cho DN. Nếu như trước đây phải đi qua ba khâu thủ tục để xuất hàng ra khỏi kho hàng không thì khi triển khai chỉ cần qua một cửa duy nhất, nếu điều kiện đầy đủ thì hàng đã xuất khỏi kho hàng không. Qua đó sẽ tiết kiệm thời gian nộp giấy tờ thủ tục, di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm kia. “Đặc biệt việc cung cấp thông tin trước về hàng hóa giúp cơ quan Hải quan đủ thời gian đánh giá các vấn đề về mặt nghiệp vụ để đưa ra được quyết định nhanh là hàng hóa này được đối xử như thế nào. Các bên đều được hưởng lợi vì hàng hóa được ra quyết định từ trước khi làm các thủ tục đưa hàng ra khỏi kho”- Ông Bình nói.

Mặc dù ủng hộ kế hoạch cải cách của ngành Hải quan nhưng DN cũng mong muốn cơ quan Hải quan làm rõ những vấn đề còn băn khoăn. Chẳng hạn, đại diện Hãng hàng không Thái cho rằng, cần cân nhắc khung thời gian chuyển thông tin đến cơ quan Hải quan. Một số chỉ tiêu thông tin như số ghế của hành khách, số lượng thành viên tổ bay chỉ nên yêu cầu cung cấp nếu có thay vì “bắt buộc” như dự kiến trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu bay XC, NK, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia vì: Số ghế của hành khách có thể chỉ chắc chắn có khi họ làm thủ tục check-in; không phải hãng hàng không nào cũng cập nhật số lượng và tên các thành viên tổ bay trong dữ liệu đặt chỗ trước…

Giải đáp về thắc mắc của DN, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã quy định rõ thời điểm cung cấp thông tin, cụ thể đối với chuyến bay ngắn quy định hãng hàng không cung cấp thông tin (danh sách hành khách, hàng hóa, thông tin phi hành đoàn, hành lý ký gửi) trước 30 phút trước khi hạ cánh. Như vậy, thời gian đó đủ cho hãng hàng không gửi thông tin đến cơ quan Hải quan, dù chuyến bay ngắn.

Trên cơ sở kết quả chạy thử kết nối hệ thống giữa Hải quan và DN kho trong thời gian vừa qua, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, kinh nghiệm để triển khai thành công dự án này là các DN, hãng hàng không, công ty giao nhận phải nắm được, hiểu được hệ thống thì khi tham gia vào khai thác, sử dụng sẽ thuận lợi. Để đáp ứng lộ trình triển khai theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan (tháng 10/2017), trong thời gian này, Cục Hải quan Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống; song song tổ chức tập huấn, hướng dẫn đối với các đối tượng có liên quan bao gồm cả các bộ, ngành và các đối tượng làm thủ tục XNK liên quan đến hàng hóa, hành lý để thống nhất, hiểu đúng khi triển khai áp dụng không xảy ra sai xót.

Yêu cầu cung cấp thông tin trước chuyến bay

Theo Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội) Đặng Hoàng Điệp: Trong thời gian qua do chưa có hệ thống kết nối với các hãng hàng không nên việc cung cấp thông tin hàng hóa chưa thực hiện được trước, chỉ thực hiện khi tàu bay hạ cảng mới được xuất trình cho hải quan. Thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước chậm nên chưa đủ thông tin để phân tích, từ đó đưa ra biện pháp quản lý cho từng đối tượng, dẫn đến có các lô hàng thông quan chậm. Chính vì vậy, cần phải có thông tin trước để phân tích đối tượng, đưa ra các đối tượng cần quản lý, đối tượng qua đánh giá rủi ro tuân thủ tốt pháp luật có thể được thông quan sớm hơn, có thể ngay khi máy bay vừa hạ cánh, vào kho là có thể thông quan ngay.

Ngọc Linh
Comments for this post are closed.