CẢNH BÁO VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC GIA CÔNG, SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

(HQ Online)- Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc có nhiều DN gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK) đang giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, do đó, loại hình DN này cũng nhận được nhiều chính sách ưu đãi.

Nhiều DN dệt may có hoạt động gia công, SXXK. Ảnh: T.Bình.

Tuy nhiên, có một thực tế là không ít DN gia công, SXXK đã lợi dụng các cơ chế ưu đãi để gian lận, trốn thuế. Qua quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan, lực lượng Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, thu nộp bổ sung về ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Lợi dụng ưu đãi

Những năm gần đây số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, SXXK không ngừng tăng lên. Theo thông tin từ Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan), nếu như năm 2014, cả nước có khoảng 4.600 DN thì đến cuối năm 2016 con số này tăng lên khoảng 8.000 DN. Các DN gia công, SXXK chủ yếu hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, TP.HCM…

Thực tế cho thấy, các DN gia công, SXXK đang đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, nhất là lĩnh vực XNK, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đề cao vai trò của DN gia công, SXXK đối với nền kinh tế và trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của giới DN, trong đó có lĩnh vực gia công, SXXK thời gian qua, Việt Nam đã ban hành chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho DN hoạt động trong lĩnh vực này. Nổi bật là việc Luật Hải quan đưa ra các quy định tạo điều kiện thông thoáng về mặt thủ tục hải quan đối với loại hình gia công, SXXK. Đồng thời Luật Thuế XNK đã đưa ra quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập SXXK thay vi ân hạn thuế 275 ngày như trước đây.

Có thể nói các chính sách ưu đãi của nhà nước đã tạo ra môi trường thuận lợi để DN gia công, SXXK phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao kim ngạch XNK của cả nước và giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, theo Cục KTSTQ, bên cạnh các DN chấp hành tốt pháp luật, có không ít DN gia công, SXXK lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế để gian lận trốn thuế gây thất thu NSNN, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các DN.

Biến nguyên liệu thành phế liệu!

Trước thực trạng nêu trên, những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác quản lý nhà nước về hải quan, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN, Cục KTSTQ và toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra đối với các DN, loại hình mức độ rủi ro, nguy cơ vi phạm cao, trong đó có lĩnh vực gia công, SXXK. Qua kiểm tra của Cục KTSTQ và các Chi cục KTSTQ của các cục hải quan địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và tiến hành ấn định thuế và thu nộp về ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Theo Cục KTSTQ, từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 6, chỉ tính riêng loại hình gia công, SXXK, lực lượng KTSTQ toàn Ngành đã ấn định thuế tổng số tiền lên đến gần 187 tỷ đồng, các DN đã chấp hành và nộp vào ngân sách số tiền 180 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cục KTSTQ thực hiện ấn định tổng số tiền gần 88 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này đã được thu nộp vào NSNN. Bên cạnh đó, một số Chi cục KTSTQ của các cục hải quan địa phương có số thu lớn từ “hậu kiểm” ở lĩnh vực gia công, SXXK có thể kể đến như Chi cục KTSTQ Bắc Ninh (33,7 tỷ đồng); Chi cục KTSTQ Hải Phòng 21,5 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Đồng Nai 12,2 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ TP.HCM 8,6 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Hà Nội gần 8,4 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Bình Dương hơn 7,3 tỷ đồng…

Đại diện Cục KTSTQ cho biết, các vi phạm có tính điển hình đối với DN gia công, SXXK là vấn đề định mức hoặc sử dụng nguyên liệu, vật tư sai mục đích. Định mức là cơ sở lập hồ sơ hoàn thuế, xét không thu thuế, miễn thuế nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hoá xuất khẩu, nhưng qua công tác KTSTQ cơ quan Hải quan phát hiện nhiều DN có định mức đăng ký không đúng với định mức thực tế sản xuất. Đó là việc định mức quyết toán cao hơn định mức thực tế sản xuất; đưa vào định mức quyết toán những nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK không thực sự tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm; định mức quyết toán xác định sai nguồn gốc nguyên liệu, vật tư (thực tế sử dụng nguyên liệu, vật tư mua trong nước nhưng quyết toán là nguyên liệu, vật tư nhập SXXK, một hình thức đổi tráo nguyên liệu, vật tư-PV).

Một sai phạm khác phổ biến được cơ quan Hải quan chỉ ra là sử dụng nguyên liệu, vật tư sai mục đích khai báo (nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK nhưng chuyển tiêu thụ nội địa hoặc sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa không khai báo cơ quan Hải quan). Thủ đoạn được DN sử dụng để gian lận qua hình thức này là: Bán nguyên liệu, vật tư dưới hình thức bán phế liệu; khai báo cấp nguyên liệu, vật tư vào sản xuất để sản xuất sản phẩm nhưng thực chất là xuất bán nguyên liệu, vật tư cho đơn vị khác.

Đáng chú ý, lực lượng KTSTQ phát hiện cả trường hợp DN bán sản phẩm hoàn chỉnh dưới hình thức bán phế phẩm hoặc để ngoài sổ kế toán doanh thu bán nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK… 

Theo Cục KTSTQ, qua quá trình kiểm tra thực tế, bên cạnh những DN vi phạm có chủ đích thì vẫn có không ít DN vi phạm do: Không có sự kết nối chặt chẽ giữa bộ phận XNK, kế toán và sản xuất nên không có sự kiểm tra, đối chiếu giữa khai báo hải quan và thực tế sản xuất dẫn đến không tự phát hiện được sai phạm.

Hay DN chưa hiểu biết thấu đáo về pháp luật hải quan đối với loại hình gia công, SXXK; hạn chế về năng lực của cán bộ XNK; công ty thuê đại lý hải quan làm các thủ tục thông quan và quyết toán thuế, tuy nhiên không có sự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai báo của đại lý…

Thái Bình

TĂNG GIÁM SÁT TRỰC TUYẾN, “PHANH PHUI” HÀNG NGHÌN VỤ VI PHẠM

(HQ Online)- Trong số hơn 3.000 vụ việc mà lực lượng Hải quan “phanh phui” trong quý I/2017 có nhiều vụ liên quan đến hàng cấm như ma túy, lá Khat, ngà voi, vẩy tê tê. Đáng chú ý hàng cấm thời gian này xuất hiện đều khắp trên các tuyến.

Việc giám sát trực tuyến trên ba cấp đạt hiệu quả cao. Trong ảnh: Hoạt động giám sát trực tuyến của lực lượng Hải quan tại nhà ga quốc tế sân bay Nội Bài. Ảnh: Hữu Linh.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong quý I/2017 có diễn biến phức tạp do nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người dân tăng cao. Không chỉ xuất hiện các loại hàng vi phạm như đồ điện dân dụng, mỹ phẩm, rượu, bia, bánh, kẹo, nước ngọt, đường kính, pháo nổ các loại, thuốc lá điếu… được bắt giữ qua khu vực sông, đường mòn, lối mở biên giới mà còn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, lá Khat, mặt hàng thuộc danh mục CITES như vẩy tê tê, ngà voi… qua đường hàng không, cảng biển.

Đơn cử như trên tuyến hàng không, thực hiện Kế hoạch số 1026/KH-TCHQ ngày 21/2/2017 của Tổng cục Hải quan về việc rà soát, phân loại, kiểm tra, khám xét và xử lý các lô hàng tồn và những lô hàng rủi ro cao vận chuyển qua tuyến hàng không, lực lượng kiểm soát Hải quan đã triển khai quyết liệt và đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với phương thức thủ đoạn cất giấu tang vật vi phạm trong hành lý nhập khẩu; gửi hàng hóa, bưu kiện  từ nước ngoài vào Việt Nam qua kho hàng Cảng hàng không quốc tế với tên hàng hóa sai với thực tế. Nổi lên trong quý I là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng cấm như súng hơi và đạn súng hơi, cây lá Khát, mặt hàng thuộc danh mục CITES như vẩy tê tê và ngà voi, mỹ phẩm… Địa bàn trọng điểm là kho hàng, nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, kho hàng Gia Lâm, ICD Mỹ Đình, Trạm trả hàng Fedex (Hà Nội); kho hàng nội địa sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển phát nhanh Fedex, DHL, Bưu điện trung tâm TP. Hồ Chí Minh; sân bay quốc tế Đà Nẵng. Các chuyến bay trọng điểm như: Tuyến bay xuất đi Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, các tuyến bay nhập cảnh từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Hồng Kông, Pháp, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, các nước châu Phi; các điểm phát chuyển nhanh thuộc quản lý của Chi cục Chuyển phát nhanh.

Điển hình, cuối tháng 2/2017, lực lượng Hải quan phát hiện 4 bọc hàng chứa tổng số 322kg vẩy tê tê “đội lốt” văn phòng phẩm nhập khẩu. Lô hàng trên thuộc vận đơn 176-67987684 vận chuyển từ Nigeria về sân bay quốc tế Nội Bài ngày 25/2/2017. Cùng thời điểm này, lực lượng Hải quan kiểm tra 7 lô hàng, trong đó có lô hàng vận chuyển từ Kenya về sân bay quốc tế Nội Bài chứa 340 kg lá khô nghi là lá Khat. Kết quả giám định các mẫu vật lá khô đều có chứa các chất: Cathinone và Cathine (nằm trong Danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ-PV).

Không chỉ xuất hiện trên tuyến hàng không, lần đầu tiên tại khu vực cảng biển (tại cảng Tân Vũ-Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1- Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) và Công an TP. Hải Phòng đã tiến hành mở kiểm tra container chứa 353 kiện hàng chứa lá Khat, tổng trọng lượng ước tính khoảng 2,8 tấn.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian tới, lực lượng Kiểm soát Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để chủ động phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Cụ thể, tăng cường nhân lực, năng lực cho bộ phận thu thập thông tin, giám sát qua các hệ thống điện tử; phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng phương tiện trong việc giám sát trực tuyến trên ba cấp đạt hiệu quả cao. Trong đó, lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, nhập lậu hàng hóa thuộc Danh mục CITES, vũ khí, chất nổ và hàng cấm khác.

Đồng thời, trong công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường công tác cảnh báo, dự báo trên cơ sở tài liệu có được trong và ngoài nước (tài liệu do Hải quan các nước, WCO, RILO A/P cung cấp) để thường xuyên đưa ra các cảnh báo về các vụ việc nổi cộm, các vụ án điểm, các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để phổ biến trong toàn Ngành. Chú trọng đưa ra các dự báo về dấu hiệu, mặt hàng trọng điểm, đối tượng trọng điểm, tuyến đường, địa bàn… để cung cấp cho các đơn vị nghiệp vụ và toàn lực lượng kiểm soát hải quan.

Quý I/2017, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 3.147 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước trên 66 tỷ đồng, thu ngân sách đạt  hơn 33 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động bán, vận chuyển trái phép ma túy, chất gây nghiện và cây tạo ảo giác (lá Khat), cây và quả Anh túc… trên tuyến đường bộ và tuyến hàng không, đường biển với số lượng lớn và hoạt động có tính chất xuyên quốc gia. Địa bàn trọng điểm gồm: Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TP. HCM, Tây Ninh, An Giang…
Quang Hùng

CẢNH BÁO DOANH NGHIỆP VỀ NHIỀU HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT HẢI QUAN

(HQ Online)- Cục Hải quan TP.HCM vừa đưa ra cảnh báo các hành vi vi phạm trong quá trình khai báo và làm thủ tục thông quan hàng hoá. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, việc thông tin, cảnh báo này sẽ giúp cho các doanh nghiệp khác tránh mắc phải trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa.

Công chức Hải quan quản lý hàng đầu tư- Cục Hải quan TP.HCM hướng dẫn thủ tục cho DN. Ảnh: Thu Hòa.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân (dịch vụ khai thuê hải quan, nhân viên đại lý hải quan) có thủ đoạn lợi dụng, sử dụng chữ ký số của các doanh nghiệp có ý thức chấp hành tốt pháp luật để thực hiện việc khai hải quan trên hệ thống VNACCS trong khi chưa được sự đồng ý của doanh nghiệp XNK với mục đích buôn lậu, gian lận thương mại như: Xuất khẩu, nhập khẩu hàng cấm; Khai báo thông tin hàng hoá sai so với thực tế nhằm trốn lậu thuế, hoặc nhằm mục đích trốn tránh chính sách quản lý hàng hoá như hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép, hàng hoá phải đáp ửng đủ yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật.

Vì vậy, để hoạt động khai báo tuân thủ đúng pháp luật, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp XNK, quản lý chặt chẽ chữ ký số của mình tránh bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lựa chọn, và sử dụng dịch vụ khai thuê hải quan là các đơn vị khai thuê có uy tín, có nhiều kinh nghiệm khai báo (như các Đại lý khai thuê hải quan đã được Tổng cục Hải quan cấp phép theo qui định).

Bên cạnh đó, các vi phạm qui định về thủ tục hải quan, như: Không khai, không nộp, không xuất trình và không cung cấp thông tin hồ sơ hải quan đúng thời hạn qui định cũng khiến các DN bị lập biên bản vi phạm hành chính và bị xử lý theo quy định.

Vi phạm qui định về khai thuế: Không khai hoặc khai sai về tên hàng theo định danh hàng hoá XNK Việt Nam do Bộ Tài chính qui định, khai không đầy đủ tên hàng dẫn đến không phân biệt được hàng này với hàng khác (ví dụ như doanh nghiệp khai báo là mặt hàng A (có thuế xuất NK là 0%, không phải là mặt hàng quản lý về chính sách), nhưng qua kiểm tra thực tế là mặt hàng B và mặt hàng B này có thuế suất nhập khẩu là 5%, 10%… và cần phải có giấy phép khi nhập khẩu, hoặc cần phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật); Khai sai về chủng loại (khai báo là chủng loại A với mức giá thấp nhưng thực tế hàng hoá là chủng loại B có mức giá cao hơn); Khai thiếu về số lượng; Khai sai về khối lượng; Khai sai về chất lượng (khai báo hàng hoá của Trung Quốc nhưng thực tế hàng hoá của Nhật, Mỹ,…); Khai sai (thấp) về trị giá hàng NK, hoặc không khai báo các khoản phải cộng theo qui định.

Ngài ra, doanh nghiệp còn khai sai mã số hàng hoá, dẫn đến thay đổi thuế suất (khai báo là mã số hàng hoá A có thuế suất là 5%, nhưng thực tế là mã số hàng hoá là B có thuế suất là 10%); khai sai thuế suất, xuất xứ hàng hóa; Khai báo là hàng mới nhưmg thực tế là hàng cũ dẫn đến hàng thực nhập là hàng cấm (ví dụ: thời gian qua có một số DN nhập khấu hàng máy tích xách tay, Ipad khai báo là hàng mới 100% nhưng thực tế kiểm tra là hàng Refurbish- có nghĩa là hàng tân trang- là các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu theo qui định)… Các hành vi khai sai nêu trên dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn.

Vi phạm qui định về giám sát hải quan: Tự ý phá niêm phong hải quan (đặc biệt lưu ý đối với các doanh nghiệp làm thủ tục loại hình quá cảnh, chuyển cửa khẩu, tạm nhập- tái xuất); Không bảo quản nguyên trạng hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan; hoặc hàng hoá được giao bảo quản theo qui định của của pháp luật chờ hoàn thành việc thông quan; Tự ý tiêu thụ hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan; Tự ý tiêu thụ hàng hoá được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo qui định (các DN lưu ý phải chờ đến khi có kết luận của Cơ quan kiểm tra chuyên ngành/ Cơ quan giám định và sau khi cơ quan Hải quan thực hiện việc thông quan mới được tiêu thụ hàng hoá để tránh việc vi phạm do tự ý tiêu thụ).

Vi phạm về qui định chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh:  xuất khẩu, nhập khẩu, đưa vào Việt Nam hàng hoá thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Chẳng hạn, khai báo hàng hoá mới 100% nhưng thực tế là hàng cấm, hoặc khai báo hàng không phải là hàng cấm nhưng thực tế là hàng cấm như khai báo là máy thuỷ, máy nông ngư cơ nhưng thực tế là động cơ ôtô đã qua sử dụng là hàng thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu. Khai báo hàng hoá không yêu cầu phải có giấy phép, không yêu cầu đáp ứng về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhưng thực tế là hàng hoá phải có giấy phép khi nhập khẩu, phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (ví dụ: khai báo là vải nhưng thực tế lại nhập sữa, hoặc nhập các loại mặt hàng phải có giấy phép, phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật khi nhập khẩu).

Một số trường hợp vi phạm bị cưỡng chế thuế, như: Đề nghị thời gian tham vấn nhưng không đến tham vấn đúng thời gian đã yêu cầu dẫn đến phát sinh tiền thuế phải nộp và có thể bị cưỡng chế thuế. Nhận được Quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan nhưng không cử người đến làm việc đúng thời gian đã yêu cầu dẫn đến phát sinh tiền thuế phải nộp và có thể bị cưỡng chế thuế.

Lê Thu