XUẤT KHẨU CÁ TRA SANG MỸ DỰ KIẾN ỔN ĐỊNH ĐẾN THÁNG 3/2018

(HQ Online)- Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sẽ rà soát bản câu hỏi đánh giá tương đương (SRT) cho sản phẩm cá họ Siluriformes và các tài liệu khác do các quốc gia đệ trình, và sẽ xem xét tiến độ thanh tra ở cấp quốc gia trước ngày 1/3/2018.

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Quy định của USDA về đánh giá tương đương cho sản phẩm cá họ Siluriformes đồng nghĩa với việc các nước đang tìm cách tiếp tục XK các sản phẩm cá tra sang Mỹ phải nộp tài liệu chứng minh sản phẩm cá tra được sản xuất, chế biến tại các quốc gia đó tương đương với hệ thống của Mỹ trước ngày 1/9/2017.

Theo các nguồn tin, doanh thu cá tra trong giai đoạn từ 1/9/2017 đến trước tháng 3/2018 dự kiến vẫn ổn định, vì đây là khoảng thời gian mà USDA rà soát tất cả các tài liệu đệ trình.

Trong khi đó, 100% cá tra XK của Việt Nam đã được thanh tra tại biên giới Mỹ, kể từ ngày 2/8/2017.

Ông Don Kelley, giám đốc phụ trách mua sắm của công ty NK Mỹ Western Edge Seafood, cho rằng vào tháng 8/2017, giá cá tra trên thị trường đang ở mức 2,05 – 2,15 USD/pao.

Mức giá tăng là do các chi phí liên quan đến USDA chứ không phải là chi phí nguyên liệu trong khi nguồn cung cá tra trong thời gian này giảm. 

Nếu quyết định của USDA được thực hiện từ tháng 3/2018, điều đó có nghĩa là thuế quan đối với một số công ty sẽ tăng. Tuy vậy, ngành cá tra Việt Nam vẫn còn hy vọng đảo ngược lại tình thế.

Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất, chiếm 22% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam và cũng là thị trường có giá bán cao nhất. Việc Mỹ đưa ra các phán quyết bất lợi, nếu có, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ cá tra Việt Nam tại thị trường này.

Lê Thu

NHẬT BẢN VƯƠN LÊN DẪN ĐẦU NHẬP KHẨU TÔM CỦA VIỆT NAM

(HQ Online)-Do ảnh hưởng của thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm của các DN Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này và đang vương lên dẫn đầu. 

Chế biến tôm xuất khẩu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biế và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại với 618 triệu USD, trong khi năm 2016, kim ngạch XK tăng gần 7%.

Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. XK sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.

Trong quý 1/2017, Việt Nam XK tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.

Vị trí của top 10 thị trường NK tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada và đứng ở vị trí thứ 7.
XK tôm sang Nhật Bản bắt đầu phục hồi từ tháng 8/2016 và tăng trưởng liên tục đến tháng 3 năm nay. Nếu như cả năm 2016, XK tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 2,7% thì 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng đạt 29,6% với giá trị XK 135,4 triệu USD.

Trong quý 1 năm nay, Nhật Bản là thị trường nổi bật nhất vì đã giành được vị trí số 1 từ Mỹ nhờ mức tăng trưởng tốt 29,6% trong NK tôm từ Việt Nam. EU vẫn ổn định ở vị trí thứ 2 tăng 6,4%. XK sang Trung Quốc sau khi tăng trưởng tốt trong năm 2016, trong quý đầu năm 2017 đảo chiều đi xuống. XK sang Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhất nhờ những ưu đãi từ FTA giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Top 5 thị trường chính gồm Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 21,9%), EU (chiếm 19,2%), Mỹ (18,1%), Trung Quốc (15,1%),  Hàn Quốc (10%). Trong top 5 này, XK sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tăng trưởng tốt trong đó XK sang Hàn Quốc tăng mạnh nhất 30,8%; XK sang Mỹ, Trung Quốc giảm trong đó Mỹ giảm mạnh nhất 26,3%.

XK tôm sang Mỹ sau khi tăng trong 3 quý đầu năm, đảo chiều đi xuống trong quý IV/2016. Bước sang quý I/2017, XK tôm sang thị trường này tiếp tục xu hướng giảm. XK trong cả 3 tháng của quý I đều giảm từ 22-28% so với các tháng cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ 3 tháng đầu năm nay đạt gần 112 triệu USD; giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2016. Do tăng trưởng âm nên Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3 trong top các thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong quý đầu năm nay.

Biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. XK tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.

Lê Thu

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ PHỤC HỒI MẠNH

(HQ Online)-Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, quý I/2017, xuất khẩu (XK) cá ngừ của cả nước đạt 121 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. XK cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ và EU…

Chế biến cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: Thu Hòa

Ba tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trọng điểm đạt khoảng 5.846 tấn. Hiện nay, giá cá ngừ đại dương được thu mua tại cảng dao động ở mức 93.000 – 110.000 đồng/kg. Tại Phú Yên sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 1.500 tấn giảm 2,7% so với cùng kỳ 2016; Tại Bình Định đạt 3.446 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ (1.970 tấn); tại Khánh Hòa sản lượng cá ngừ đại dương là 900 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ.

XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang các nước trên thế giới đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, XK cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 39,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các dòng sản phẩm cá ngừ XK của Việt Nam, thăn/philê cá ngừ đông lạnh vẫn là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 47% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong quý I/2017, đạt 57 triệu USD, tăng 12,5%. Tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 30,4%, đạt 37 triệu USD, tăng 53,2%.

Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 nước trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốp 8 thị trường XK cá ngừ chính của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc và Mexico chiến 88% tổng giá trị XK cá ngừ trong 3 tháng đầu năm 2017. Trong đó, XK sang thị trường Israel tăng trưởng ấn tượng 172,9%. Với tốc độ tăng trưởng cao lên tới 3 con số, Israel đã vượt qua ASEAN và Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3.

Trong quý này, XK cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản đã phục hồi. Còn XK sang ASEAN lại giảm.

Trong quý I/2017, Mỹ vẫn là thị trường XK cá ngừ số 1 của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi sụt giảm trong tháng đầu năm, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại trong 2 tháng cuối quý. Tổng giá trị XK cá ngừ sang đây trong quý I/2017 chỉ  đạt hơn 44,575 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

EU tiếp tục là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam. XK cá ngừ sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm đã phục hồi tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,6 triệu USD.

Trong quý I, Việt Nam vẫn chủ yếu XK cá ngừ đóng hộp và thăn/philê cá ngừ đông lạnh sang khối thị trường này, chiếm tỷ trọng lần lượt là 37% và 36,8%. XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Và EU có xu hướng tăng NK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, giảm NK cá ngừ chế biến khác, trái với xu hướng năm ngoái. Cụ thể, XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam tăng 16,4% và cá ngừ đóng hộp tăng 67,5%. XK cá ngừ chế biến khác giảm 68%.

Dự báo, trong 3 tháng tới XK cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng 20%, đạt 151 triệu USD.

Lê Thu

DN XUẤT KHẨU THỦY SẢN KHÓ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC TIÊU CHUẨN QCVN

(HQ Online)- Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do yêu cầu của nước xuất khẩu trong chế biến thủy sản, các DN khó có thể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật (QCVN) về môi trường. 

DN chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: T.H

Cụ thể, theo phản ánh của các DN, theo yêu cầu của khách hàng Mỹ, các DN chế biến tôm XK sang thị trường Mỹ buộc phải sử dụng nhiều phosphate trong quá trình chế biến khiến cho nước thải của các nhà máy chế biến có chỉ tiêu phospho cao từ 2-9 lần so với QCVN 11:2015. 

Với các công ty chế biến surimi, nước rửa cá cũng thường có dư lượng phospho và nitơ rất cao, đặc biệt là nitơ do công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá. Do vậy, gần như không có nhà máy surimi nào đạt chỉ tiêu Nitơ, mà thường vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép của QCVN. Các DN chế biến thủy sản đã đầu tư chi phí rất lớn cho việc xử lý nitơ, phospho trong nước thải nhưng vẫn không thể đạt được QCVN theo yêu cầu.

Theo phản ánh của các DN chế biến thủy sản, việc xử lý phospho rất khó bởi nếu DN sử dụng nước ngầm trong sản xuất thì chỉ tiêu phospho có sẵn trong nước nhiều khi đã lên mức 19 mg/l, trong khi QCVN 11:2015 cho phép chỉ tiêu phospho trong nước thải đã là 20 mg/l, chính vì thế, sau quá trình  sản xuất của DN thì mức phospho chắc chắn vượt quá mức cho phép của QCVN 11:2015.

Tại các công ty chuyên chế biến surimi, nước rửa cá thường có dư lượng phospho và nitơ rất cao, đặc biệt là dư lượng Nitơ (do công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá). Do đó gần như không có nhà máy surimi nào đạt chỉ tiêu nitơ, mà thường vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép của QCVN.

Hiện nay, các nước khác tại ASEAN không quy định chỉ tiêu phospho trong tiêu chuẩn về nước thải. Quy định này gây ảnh hưởng bất lợi tới khả năng cạnh tranh của DN thủy sản so với các nước trong khu vực.

Hơn nữa, Đoàn thanh tra môi trường lấy mẫu kiểm tại 3 thời điểm khác nhau và các mẫu này cho các kết quả phân tích khác nhau, nhưng Đoàn lại chọn giá trị vi phạm cao nhất để xử phạt DN. 

Để hỗ trợ DN, VASEP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh nâng giới hạn tối đa của chỉ tiêu phospho và nitơ tại QCVN 11:2015 và có lộ trình cho phép để DN thủy sản có thể hạ dần dư lượng phospho và nitơ trong nước thải sau xử lý của DN xuống đạt giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn Thanh tra môi trường nên lấy kết quả trung bình của các mẫu kiểm để làm căn cứ xử phạt nhằm đảm bảo công bằng cho các DN.

Về bùn thải từ quá trình xử lý nước thải, từ năm 2012, VASEP cũng đã gửi Công văn số 49/2012/CV-VASEP ngày 15/5/2012 tới Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN chế biến thủy sản trong việc thực hiện về quản lý môi trường. Tại công văn này, VASEP đề nghị Bộ sớm có quy định chính thức xác định bùn thải thuộc loại hình chế biến thủy hải sản không phải là bùn thải nguy hại. Do nguồn nguyên liệu của các DN chế biến thủy sản là cá, tôm và các loại thủy sản khác nhau nên thành phần hữu cơ chiếm đa số.

Theo QCVN 07:2009/BTNMT và Thông tư số 12/2011/TT-BNTMT ngày 14/4/2011 quy định về quản lý chất thải nguy hại thì bùn thải từ hệ thống xử lý là các chất hữu cơ tạp chất không chứa nhiều kim loại nặng.

Lê Thu