GIÁ TĂNG GIÚP DẦU THÔ MANG VỀ THÊM GẦN 10.000 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)- Dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng mức giá bình quân tăng mạnh giúp mặt hàng này mang về thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Biểu đồ sản lượng, kim ngạch và mức giá bình quân ở 6 thị trường xuất khẩu chính. Biểu đồ: T.Bình.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết 15/11, cả nước xuất khẩu gần 5,93 triệu tấn dầu thô với tổng trị giá kim ngạch đạt hơn 2,443 tỷ USD.

Với kết quả trên, dù sản lượng giảm so với cùng kỳ 2016 (cùng kỳ hơn 6,523 triệu tấn) nhưng trị giá kim ngạch tăng thêm 221 triệu USD (cùng kỳ đạt 2,222 tỷ USD).

Đáng chú ý việc giảm sản lượng nhưng tăng về kim ngạch giúp trị giá bình quân mỗi tấn dầu thô xuất khẩu năm nay tăng thêm đến gần 21% so với cùng kỳ 2016.

Cụ thể, mức giá bình quân cùng kỳ năm ngoái chỉ là 340,65 USD/tấn, nhưng bước sang năm nay đã nhảy lên 412,09 USD/tấn. Như vậy, giá mỗi tấn dầu xuất khẩu năm nay cao hơn 71,44 USD/tấn (hay 1,62 triệu đồng/tấn).

Với sản lượng xuất khẩu gần 5,93 triệu tấn như đề cập ở trên, riêng số tiền tăng thêm từ giá bình quân tăng giúp cho mặt hàng này có thêm 423,59 triệu USD, tương đương hơn 9.600 tỷ đồng.

Xét về thị trường (cập nhật hết tháng 10 của Tổng cục Hải quan), những tháng vừa qua, dầu thô của nước ta được xuất đi các thị trường chính gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí dẫn đầu với sản lượng gần 1,99 triệu tấn, tổng trị giá kim ngạch hơn 818 triệu USD, mức giá bình quân ở thị trường này là 411,65 USD/tấn.

Xét về mức giá xuất khẩu bình quân ở các thị trường chính, Australia là thị trường có mức giá cao nhất đạt 419,4 USD/tấn, trong khi mức giá thấp nhất là thị trường Singapore với 397,33 USD/tấn…

5 thị trường lớn kế tiếp Trung Quốc gồm: Thái Lan với sản lượng gần 807,7 nghìn tấn, trị giá kim ngạch đạt gần 335,9 triệu USD, mức giá bình quân 415,86 USD/tấn;

Nhật Bản với gần 777 nghìn tấn, tổng trị giá kim ngạch hơn 320 triệu USD, mức giá bình quân cũng xấp xỉ thị trường Trung Quốc (đạt 411,9 USD/tấn);

Singapore đạt hơn 587,5 nghìn tấn, tổng trị giá kim ngạch 233,45 triệu USD, mức giá bình quân là 397,33 USD/tấn;

Malaysia đạt gần 524,3 nghìn tấn, trị giá kim ngạch 209,67 triệu USD, mức giá bình quân 399,9 USD/tấn;

Australia đạt gần 483,5 nghìn tấn, trị giá kim ngạch đạt hơn 202,77 triệu USD, mức giá bình quân là 419,4 USD/tấn…

 

Thái Bình

GẦN 25,5 TỶ USD KIM NGẠCH, VIỆT NAM BUÔN BÁN NHIỀU NHẤT VỚI TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với nhập khẩu.

Hoạt động XNK tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

Xuất khẩu tăng gần 41%

Với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25,469 tỷ USD (theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 4/2017), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Kết quả này có mức tăng trưởng trên 23% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm có sự tăng trưởng mạnh mẽ gần 41%, đạt tổng giá trị kim ngạch 8,324 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).

Sự tăng trưởng cao về xuất khẩu vào Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu cả nước nói chung những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này cao gấp gần 2,5 lần mức bình quân chung của cả nước cũng là một điều cần được ghi nhận (tăng trưởng xuất khẩu cả nước 4 tháng đầu năm đạt 16,8%).

Hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với một số mặt hàng quan trọng của Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông sản hay một số mặt hàng điện tử.

Đối với mặt hàng rau quả, 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 759 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 74,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước.

Thêm một thông tin đáng chú ý là hết tháng 4, nước ta đã có mặt hàng xuất khẩu “tỷ USD” đầu tiên sang Trung Quốc, một điểm mới so với cùng thời điểm này năm 2016. Đó là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá kim ngạch đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng tới gần 108% so với 4 tháng đầu năm 2016 và chiếm gần 24,4% trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước…

Biểu đồ: T.Bình.

Cần tăng sự chủ động trong sản xuất, xuất khẩu

Hoạt động XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những dấu hiệu khởi sắc, nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quan hệ giao thương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn bị phụ thuộc lớn.

Đánh giá về hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam tiếp giáp một thị trường có dân số lớn nhất thế giới với sức mua vô cùng lớn. Nhưng Trung Quốc cũng là công xưởng lớn nhất nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam vừa có thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực trong quan hệ giao thương với quốc gia láng giềng này (về nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc).

 
“Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng.
 

PGS-TS Phạm Tất Thắng phân tích, lợi thế của Việt Nam là có thể đưa được những mặt hàng mà nước ta có thế mạnh và phù hợp với thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản. Mặt khác, thị trường Trung Quốc cũng có yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe như nhiều thị trường lớn khác.

Đồng thời, Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch.

Nhưng những lợi thế kể trên có thể sớm mất đi. Bởi “Trung Quốc đang siết lại các tiêu chuẩn trong hoạt động XNK theo quy định của WTO, đặc biệt là hạn chế việc nhập khẩu qua đường mòn, lối mở. Đồng thời điều tiết luồng hàng hóa XNK theo nhu cầu phát triển của nước họ. Và như vậy, hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn”-  PGS-TS Phạm Tất Thắng nói.

Chính vì vậy, dù hoạt động xuất khẩu của nước ta đang có sự tăng trưởng cao vào Trung Quốc nhưng vẫn chưa tạo được sự bền vững. Bởi có không ít thời điểm, Trung Quốc tăng mua ồ ạt một số mặt hàng nhưng sau đó ngừng mua đột ngột đẩy Việt Nam vào thế bị động, lúng túng và phải đi giải cứu.

Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương lấy ví dụ việc giải cứu mặt hàng thịt lợn gần đây là một điển hình. Nhưng theo ông, đề nghị Trung Quốc giúp “giải cứu” là không hề dễ dàng vì khi đó đối tác sẽ có những điều kiện đổi lại để chúng ta phải tiêu thụ những hàng hóa của họ.

Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, những bất lợi nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản. Trước tiên là chất lượng, mẫu mã hàng hóa của Việt Nam còn hạn chế nên chưa đến được nhiều thị trường tiêu thụ khác trên thế giới. Và khi bị phụ thuộc lớn vào một thị trường thì việc xuất khẩu luôn bị động.

Một điểm yếu khác được chuyên gia đề cập là, Việt Nam chưa nắm bắt được hết quá trình tiêu thụ hàng hóa của mình ở thị trường Trung Quốc. “Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng chia sẻ.

Để khắc phục được những hạn chể nêu trên, tận dụng tốt lợi thế ở gần thị trường tiêu dùng lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề cốt yếu của Việt Nàm là tổ chức lại hoạt động sản xuất, công tác quản lý, điều hành, xúc tiến thương mại một cách bài bản, chủ động, hiệu quả gắn với nâng cao mẫu mã, chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thái Bình

RAU QUẢ XUẤT KHẨU MANG VỀ GẦN 190 TỶ ĐỒNG/NGÀY

(HQ Online)- Rau quả tiếp tục là điểm sáng ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm của nước ta với con số tăng trưởng cao ở mức 2 con số, mang về số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu rau quả và mặt hàng nông sản nói chung của nước ta sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

73% xuất sang Trung Quốc

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của nước ta đạt 857 triệu USD, tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ mới đạt 661 triệu USD), tương giá trị tuyệt đối tăng thêm 196 triệu USD.

Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoản ngoại tệ gần 8,2 triệu USD, tương đương số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê).

Đáng chú ý, mặt hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn thủy sản (chỉ đạt 7,8%) và cà phê (đạt 21%) nên khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này với hai nhóm hàng đứng trên đang được thu hẹp dần.

Biểu đồ tỷ lệ trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả chia theo thị trường quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, theo quan sát của chúng tôi, hiện mặt hàng rau quả của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ châu Á, châu Â, châu Mỹ… Trong đó có nhiều thị trường vốn nổi tiếng đòi hỏi cao về chất lượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc các quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan…

Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Thống kê mới nhất chia theo thị trường của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I vừa qua, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 512 triệu USD, chiếm đến 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.

Trong số các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, địa bàn xuất khẩu mặt hàng rau quả đang tập trung chủ yếu ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và khu vực cửa khẩu Lào Cai…

Đa dạng hóa thị trường

Đánh giá về kết quả xuất khẩu mặt hàng rau quả thời gian qua, ngày 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS Nguyễn Hữu Đạt- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng kết quả này rất khả quan.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, kết quả xuất khẩu rau quả ngày càng tạo được khởi sắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước tiên là kết quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đã và đang tạo được những kết quả tích cực. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU…

“Dù trị giá kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trên chưa lớn, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính, có yêu cầu rất cao về chất lượng giúp tăng uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam”- TS Đạt chia sẻ.

Mặt khác, theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Đạt, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm này của nước ta hiện nay cũng như thời gian tới.

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng được TS Nguyễn Hữu Đạt đặc biệt nhấn mạnh là vai trò của nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và cả các nhà sản xuất, hộ nông dân trong nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đối với rau quả Việt Nam.

“Doanh nghiêp xuất khẩu rau quả đa phần còn hạn hẹp về tài chính những đã có nhiều nỗ lực trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Mặt khác trong một hai năm gần đây đã có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân, những người sản xuất, vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định, qua đó ngày càng tạo được uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới”- lãnh đạo VINAFRUIT nhận định.

Năm 2016, mặt hàng rau quả mang về trị giá kim ngạch 2,457 tỷ USD, với mức tăng trưởng 33,6% so với năm 2015. Đây là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong lĩnh vực nông, thủy sản (sau thủy sản và cà phê) và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đứng thứ trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực được Tổng cục Hải quan thống kê (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm với mức tăng trưởng 44,4%).
Thái Bình

CHI 280 NGHÌN TỶ NHẬP HÀNG TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017 tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 12,7 tỷ USD, tương đương khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Biểu đồ tương quan về 4 mặt hàng nhập khẩu “tỷ USD” mà Trung Quốc đang duy trì vị thế dẫn đầu.
Biểu đồ: T.Bình.

Xu thế tăng 

Đây là thông tin rất đáng chú ý, bởi hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc có vẻ đã dần chững lại vào năm 2016 sau nhiều năm tăng trường mạnh. Năm 2016, cả nước dù chi đến 49,929 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng con số này chỉ tăng 431 triệu USD so với năm 2015.

Tuy nhiên, chỉ qua 3 tháng đầu năm nay, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu lại có dấu hiệu tăng trở lại.

Dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng tháng 3 vừa qua, cả nước chỉ 5,072 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trị giá kim ngạch nhập khẩu trong tháng này từ Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn rất nhiều tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu từ thị trường lớn thứ 3 của nước ta là Nhật Bản trong cả quý I (cả quý I nhập khẩu từ Nhật Bản chỉ là 3,709 tỷ USD).

Chỉ tính hết quý I, đã có 5 nhóm hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt trị giá 2,526 tỷ USD. Kế đến là: Điện thoại và linh kiện đạt 1,609 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,582 tỷ USD; vải đạt 1,197 tỷ USD; sắt thép đạt 1,176 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 5 nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” từ Trung Quốc kể trên có tới 4 nhóm hàng Trung Quốc duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu số 1 của nước ta (trừ mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện vị trí số 1 do Hàn Quốc nắm giữ).

Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm gần 55% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu cả nước; vải nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 51%; sắt thép gần 50%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 31,3%.

Với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu gần 12,7 tỷ USD trong quý I, thị trường Trung Quốc chiếm đến 27,3% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Trung Quốc tận dụng tốt cơ hội

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu hàng hóa gia tăng mạnh từ Trung Quốc, ngày 17/4, phóng viên Báo Hải quan trao đổi với PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) một chuyên gia có nhiều am hiểu về quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc tồn tại nhiều năm nay và đã có nhiều thông tin phân tích. Nhưng thực tế hoạt động nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng và không có dấu hiệu dừng lại.

Phân tích về điều này, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, xuất phát từ việc Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội về các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định buôn bán biên mậu Việt Nam – Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ hai giúp lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh chính là từ các dự án đầu tư ở Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và thực hiện. Thông qua các dự án này, nhà thầu đã nhập khẩu một lượng lớn máy móc, vật tư, thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam.

“Như vậy, nếu không có được giải pháp quản lý có tính chất đột phá, nhất là liên quan đến công tác quản lý hoạt động các dự án đầu tư, việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu và tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vẫn sẽ rất khó khăn”- PGS-TS Phạm Tất Thắng nhận định.

Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân của tình trạng nhập khẩu hàng hóa ồ ạt từ Trung Quốc dẫn đến cán cân thương mại bị thâm hụt lớn, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có giải pháp để tận dụng được thị trường rộng lớn này nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

PGS-TS Phạm Tất Thắng đánh giá: Thực tế, hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa đi sâu được vào thị trường Trung Quốc, chưa đi vào được các kênh phân phối lớn qua con đường chính ngạch. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu vẫn thông qua hình thức biên mậu và chịu sự điều tiết chủ yếu từ Trung Quốc. Đơn cử như từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc hạn chế hoạt động nhập khẩu (tiểu ngạch) qua khu vực Quảng Ninh, Lạng Sơn và chuyển hướng sang Lào Cai, Cao Bằng và chúng ta bị phụ thuộc theo. Vì vậy, điểm yếu này cần sớm được khắc phục.

Thái Bình

HÀNG ĐIỆN TỬ, RAU QUẢ TĂNG TỐC SANG TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả… đang có mức tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc.
Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng rau quả sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.
Theo thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố về hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia, vũng lãnh thổ trọng điểm, hết tháng 2, cả nước xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 825,5 triệu USD. Đây là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này, chiếm gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Kết quả quả trên là sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2016, khi đạt sự tăng trưởng ở mức 3 con số. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng nay tăng trưởng 145%, tương đương con số tăng thêm hơn 488 triệu USD.

Biểu đồ tỷ lệ (%) 3 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc và các nhóm hàng còn lại, tính đến hết tháng 2/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Hiện, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện khi chiếm đến gần 25% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Đứng thứ hai trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc là rau quả với trị giá kim ngạch đạt 310 triệu USD, tương đương mức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2016. Mức tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc cũng cao hơn mức tăng trưởng chung của nhóm hàng này (hết tháng 2, xuất khẩu rau quả cả nước tăng 27,3%).

Đáng chú ý, hiện thị trường Trung Quốc chiếm đến 73,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước.

Trong khi đó, mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với mức tăng trưởng hơn 97%, đạt trị giá kim ngạch 305,6 triệu USD là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ ba vào thị trường Trung Quốc.

Tính chung hết tháng 2, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), với tổng giá trị kim ngạch đạt 3,767 tỷ USD.

Kết quả trên tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương con số tăng thêm hơn 1,34 tỷ USD và chiếm  13,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Thái Bình