VIỆT NAM XUẤT SIÊU KỶ LỤC 3,9 TỶ USD

(HQ Online)- Dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận mức thặng dư thương mại Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, tính hết tháng 4/2018, cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây.
Tân Vũ, xuất siêu, Hải Phòng
Hoạt động XNK tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng.

Chiều 10/5, Tổng cục Hải quan đưa ra thông tin mới nhất về hoạt động XNK cả nước cập nhật trong nửa cuối tháng 4/2018.

Theo đó, kỳ 2 tháng 4 (từ 16-30/4) tổng kim ngạch XNK cả nước đạt 18,26 tỷ USD, tăng nhẹ 5,2%, tương ứng tăng 898 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 4 năm 2018.

Với kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 4, tổng kim ngạch XNK của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 143,89 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 17,95 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong cùng kỳ năm 2017.

Trong kỳ 2 tháng 4, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức thặng dư gần 0,8 tỷ USD, qua đó nâng mức xuất siêu của cả nước trong 4 tháng qua lên gần 3,9 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, nửa cuối tháng 4, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với 15 ngày đầu tháng ở một số nhóm hàng chủ yếu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 18,5%, tương ứng tăng 181,71 triệu USD; sắt thép các loại tăng 77,9%, tương ứng tăng 103,66 triệu USD; giày dép các loại tăng 17,3% , tương ứng tăng 100,41 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 35,4%, tương ứng tăng 94,14 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10,2%, tương ứng tăng 66,25 triệu USD…

Đáng chú ý, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục xu hướng giảm, với con số giảm 315,35 triệu USD so với nửa đầu tháng 4, tương ứng giảm 16,6%.

Như vậy, hết tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 73,89 tỷ USD, tăng 19,2%,  tương ứng tăng 11,89 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2017.

Về hoạt động nhập khẩu, kỳ 2 tháng 4, cả nước đạt kim ngạch đạt 8,73 tỷ USD, tăng 2,7% (tương ứng tăng 228 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 4.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ này tăng so với kỳ 1 tháng 4 ở một số nhóm hàng chủ yếu: Than các loại tăng gấp 2,93 lần, tương ứng tăng 125,08 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 41,7%, tương ứng tăng 112 triệu USD; vải các loại tăng 20,8%, tương ứng tăng 103,35 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điệu tử và linh kiện tăng 4,9%, tương ứng tăng 64,64 triệu USD…

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 6,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Thái Bình

PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: KIM NGẠCH XNK 400 TỶ USD CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG VỚI NỀN KINH TẾ

(HQ Online)- Chiều nay, 19/12, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự Lễ ghi nhận sự kiện Việt Nam đạt mốc mới 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), đánh dấu bước phát triển quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Kim ngạch, Xuất nhập khẩu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: T.Bình.

Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách

Cùng tham dự, ghi nhận sự kiện quan trọng này có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn…

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định dấu mốc 400 tỷ USD trong hoạt động XNK có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và đánh dấu những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau 10 năm gia nhập WTO (năm 2007) đến nay các thứ bậc về quy mô xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng vượt bậc và vào nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có trị giá kim ngạch XNK lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, không chỉ quy mô, mà cơ cấu về hàng hóa, thị trường XNK của Việt Nam đều có những chuyển biến tích cực. Đồng thời cán cân thương mại được cải thiện từ việc nhập siêu lớn những năm trước đây Việt Nam đã xuất siêu hàng tỷ USD trong năm 2016 và những tháng đã qua của năm 2017.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, những kết quả ấn tượng của hoạt động XNK đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động XNK của Việt Nam cũng nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin, trong cuộc tiếp xúc vào tháng 9 vừa qua giữa Phó Thủ tướng với Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi, Tổng thư ký UNCTAD bày tỏ ngưỡng mộ về sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động XNK của Việt Nam. Bởi năm 1994, toàn châu Phi xuất khẩu 60 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới đạt 2,4 tỷ USD, nhưng tới năm 2016 thì chỉ số này của châu Phi mới tăng 90 tỷ USD trong khi Việt Nam đã tăng lên gần gấp đôi kim ngạch của cả châu Phi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đạt được kết quả nêu trên, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đây là sự nỗ lực cao độ của các bộ, ngành, cộng đồng DN, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, góp phần quan trọng giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

10 năm quy mô tăng 4 lần

Theo Tổng cục Hải quan, bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch XNK cả nước mới ở con số khiêm tốn, hơn 30 tỷ USD.

Sau 6 năm (năm 2007)  tổng kim ngạch đã đạt con số 100 tỷ USD; 4 năm sau (năm 2011) tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD; và đạt 300 tỷ USD vào năm 2015.

Đặc biệt, sau đó chỉ cần 2 năm (giữa tháng 12/2017), tổng giá trị kim ngạch XNK của Việt Nam đã chinh phục mốc 400 tỷ USD. Như vậy tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp 4 lần.

Kim ngạch, Biểu đồ
Sự thay đổi về quy mô XNK của Việt Nam. Biểu đồ: Tổng cục Hải quan.

Cùng với đà tăng trưởng đó, thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng thương mại toàn cầu (theo xếp hạng của WTO) cũng có sự cải thiện rất lớn.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 (năm 2007) lên 26 vào năm 2016; cùng với đó, nhập khẩu tăng lên từ vị trí thứ 41 lên 25.

“Chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017”- đại diện Tổng cục Hải quan thông tin.

Cán cân thương mại đảo chiều

Đáng chú ý, cán cân thương mại của nước ta ngày càng được cải thiện. Trong giai đoạn 2006-2010, cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt lớn với mức nhập siêu khoảng 12,5 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn 2011-2015, nhập siêu hàng hóa đã giảm mạnh, chỉ vào khoảng 2 tỷ USD/năm.  Bước sang năm 2016, áp lực nhập siêu đã giảm khi cán cân thương mại của Việt Nam thay đổi lớn khi thặng dư 1,78 tỷ USD và trong 11 tháng của năm 2017 lên tới 3,17 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, hết tháng 11/2017, khối doanh nghiệp FDI thặng dư 23,85 tỷ USD, trong khi khối các doanh nghiệp có vốn trong nước thâm hụt tới 20,67 tỷ USD.

Trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có quan hệ thương mại, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường Việt Nam đang chịu thâm hụt thương mại lớn. Tuy nhiên, trong 11 tháng năm 2017, thâm hụt thương mại với các thị trường có sự chuyển dịch đáng chú ý khi nhập siêu từ Trung Quốc giảm tới 15,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng từ Hàn Quốc lại tăng mạnh tới 55,8% và Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường có thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức gần 29 tỷ USD (Trung Quốc là 21,6 tỷ USD).

Theo Tổng cục Hải quan, trong số hơn 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu của Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (tính hết tháng 11/2017).

Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 5 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD.Tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 257,4 tỷ USD, tăng tới 25,7% so với cùng kỳ năm trước và là châu lục chiếm tỉ trọng cao nhất (67%) trong tổng kim ngạch XNK cả nước.

Tiếp theo là khu vực châu Mỹ với kim ngạch 62,16 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực châu Đại Dương đạt 7,07 tỷ USD, tăng 24,5%; khu vực châu Phi là 6,25 tỷ USD, tăng 27,6%.

Thái Bình

GIÁ TĂNG GIÚP DẦU THÔ MANG VỀ THÊM GẦN 10.000 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)- Dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng mức giá bình quân tăng mạnh giúp mặt hàng này mang về thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Biểu đồ sản lượng, kim ngạch và mức giá bình quân ở 6 thị trường xuất khẩu chính. Biểu đồ: T.Bình.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết 15/11, cả nước xuất khẩu gần 5,93 triệu tấn dầu thô với tổng trị giá kim ngạch đạt hơn 2,443 tỷ USD.

Với kết quả trên, dù sản lượng giảm so với cùng kỳ 2016 (cùng kỳ hơn 6,523 triệu tấn) nhưng trị giá kim ngạch tăng thêm 221 triệu USD (cùng kỳ đạt 2,222 tỷ USD).

Đáng chú ý việc giảm sản lượng nhưng tăng về kim ngạch giúp trị giá bình quân mỗi tấn dầu thô xuất khẩu năm nay tăng thêm đến gần 21% so với cùng kỳ 2016.

Cụ thể, mức giá bình quân cùng kỳ năm ngoái chỉ là 340,65 USD/tấn, nhưng bước sang năm nay đã nhảy lên 412,09 USD/tấn. Như vậy, giá mỗi tấn dầu xuất khẩu năm nay cao hơn 71,44 USD/tấn (hay 1,62 triệu đồng/tấn).

Với sản lượng xuất khẩu gần 5,93 triệu tấn như đề cập ở trên, riêng số tiền tăng thêm từ giá bình quân tăng giúp cho mặt hàng này có thêm 423,59 triệu USD, tương đương hơn 9.600 tỷ đồng.

Xét về thị trường (cập nhật hết tháng 10 của Tổng cục Hải quan), những tháng vừa qua, dầu thô của nước ta được xuất đi các thị trường chính gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí dẫn đầu với sản lượng gần 1,99 triệu tấn, tổng trị giá kim ngạch hơn 818 triệu USD, mức giá bình quân ở thị trường này là 411,65 USD/tấn.

Xét về mức giá xuất khẩu bình quân ở các thị trường chính, Australia là thị trường có mức giá cao nhất đạt 419,4 USD/tấn, trong khi mức giá thấp nhất là thị trường Singapore với 397,33 USD/tấn…

5 thị trường lớn kế tiếp Trung Quốc gồm: Thái Lan với sản lượng gần 807,7 nghìn tấn, trị giá kim ngạch đạt gần 335,9 triệu USD, mức giá bình quân 415,86 USD/tấn;

Nhật Bản với gần 777 nghìn tấn, tổng trị giá kim ngạch hơn 320 triệu USD, mức giá bình quân cũng xấp xỉ thị trường Trung Quốc (đạt 411,9 USD/tấn);

Singapore đạt hơn 587,5 nghìn tấn, tổng trị giá kim ngạch 233,45 triệu USD, mức giá bình quân là 397,33 USD/tấn;

Malaysia đạt gần 524,3 nghìn tấn, trị giá kim ngạch 209,67 triệu USD, mức giá bình quân 399,9 USD/tấn;

Australia đạt gần 483,5 nghìn tấn, trị giá kim ngạch đạt hơn 202,77 triệu USD, mức giá bình quân là 419,4 USD/tấn…

 

Thái Bình

ĐỨC LÀ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM Ở CHÂU ÂU

(HQ Online)- Với tổng trị giá kim ngạch buôn bán 2 chiều đạt 3,859 tỷ USD, tính hết tháng 5/2017, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Biểu đồ trị giá kim ngạch 6 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang Đức tính hết tháng 5/2017, đơn vị tính “triệu USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, về xuất khẩu, hết tháng 5, thị trường Đức tiêu thụ lượng hàng hóa từ Việt Nam đạt tổng trị giá 2,628 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 2 ở khu vực châu Âu sau Hà Lan (đạt 2,672 tỷ USD).

Tuy nhiên, với trị giá kim ngạch nhập khẩu trong cùng thời điểm là 1,231 tỷ USD, tổng trị giá kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt con số lớn nhất trong các bạn hàng của nước ta ở châu Âu (bởi kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan chỉ đạt hơn 271 triệu USD).

Trong số các nhóm hàng xuất khẩu lớn của nước ta sang Đức, có 6 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Trong đó, điện thoại và linh kiện đứng vị trí số 1 với trị giá kim ngạch gần 733 triệu USD (cập nhật hết tháng 5/2017). Các nhóm hàng kế tiếp là: Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt hơn 394 triệu USD; cà phê gần 270 triệu USD; dệt may 258 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 188,6 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 143 triệu USD.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, cùng thời điểm trên có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Đức đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 516,4 triệu USD; dược phẩm 127,8 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, trị giá kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Đức tăng 8,5% tương đương 206 triệu USD; trong khi đó nhập khẩu tăng tới 16%, tương đương 170 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

59 DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN ĐÓNG GÓP 94 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Tính trung bình mỗi doanh nghiệp ưu tiên có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu gần 1,6 tỷ USD.
Biểu đồ: T.Bình.

Đây là thông tin đáng chú ý được Tổng cục Hải quan chuẩn bị phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 (ngày 17/5).

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chế độ doanh nghiệp ưu tiên là một trong những giải pháp quan trọng để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lợi ích cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng (theo quy định của Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn) khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên như: Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

Đồng thời doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan…; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật…

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên, tổng số doanh nghiệp ưu tiên hiện nay của cả nước là 59 doanh nghiệp. Trong năm 2016, tổng trị giá kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này đạt 94 tỷ USD.

Như vậy, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên chiếm đến 26,8% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm ngoái (cả nước đạt 350,74 tỷ USD).

Trong số các doanh nghiệp đang được công nhận có 24 doanh nghiệp trong nước, 13 doanh nghiệp vốn của Nhật Bản, 9 doanh nghiệp vốn của Hàn Quốc và một số doanh nghiệp thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hồng Kông, Đài Loan, Italy, Singapore, doanh nghiệp liên doanh.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

PCU BÀ RỊA- VŨNG TÀU: NÂNG CAO HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT CONTAINER TẠI CẢNG BIỂN

(HQ Online)- Ngày 8/5, tại thành phố Vũng Tàu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh chủ trì lễ ra mắt Nhóm kiểm soát cảng Bà Rịa- Vũng Tàu, với sự tham dự của ông Robert Chambers, Tổng lãnh sự quán Australia tại Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Thành Long; lãnh đạo Chương trình kiểm soát container toàn cầu…

Các đại biểu cắt băng ra mắt Nhóm kiểm soát container

Chương trình Kiểm soát container trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết, trong bối cảnh tội phạm có tổ chức ngày càng gia tăng như hiện nay, công tác kiểm soát, chống buôn lậu hàng hóa và gian lận thương mại là một những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Hải quan Việt Nam. Nhiệm vụ ấy còn trở nên khó khăn khi thủ đoạn của các loại tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa bằng container đường biển ngày càng trở nên tinh vi hơn. Các đối tượng phạm tội thường xuyên lợi dụng chính sách thông thoáng để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm bằng thủ đoạn che giấu trong hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Nhận thấy tính hiệu quả từ mô hình đơn vị kiểm soát cảng trong khuôn khổ Chương trình kiểm soát container, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt cho Tổng cục Hải quan Việt Nam tham gia chương trình.

Nhóm Kiểm soát cảng Bà Rịa – Vũng Tàu được đào tạo bài bản và nâng cao để có thể sử dụng kỹ thuật phân tích nguy cơ cùng các công cụ hữu ích khác để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến luồng thương mại tự do hợp pháp. Việc này giúp tăng hiệu quả cả về công tác thực thi pháp luật cũng như thúc đẩy thương mại.

“Nhóm Kiểm soát cảng Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập từ đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyến, giàu kinh nghiệm. Trong đó có sự tham gia của lãnh đạo Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu được khởi động với sự kỳ vọng lớn của Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu nói riêng và Tổng cục Hải quan Việt Nam nói chung trong công tác ngăn chặn hoạt động buôn lậu và phổ biến các hàng hóa cấm, đe dọa đến an toàn con người, an ninh xã hội”- Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Chương trình Kiểm soát container (CCP) thuộc phạm vi Tiểu chương trình 1 “Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Buôn bán trái phép” trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Việt Nam của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) giai đoạn 2012-2017 được ký vào tháng 7/2012 giữa Chính phủ Việt Nam (đại diện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UNODC.

CCP là sáng kiến hợp tác chung giữa UNODC và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) được đưa ra nhằm hỗ trợ chính phủ các nước tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật để nâng cao hiệu quả kiểm soát container tại các cảng biển, giảm thiểu nguy cơ bị các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng container đường biển để vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, vũ khí…, thực hiện hành vi tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và những dạng hoạt động khác của thị trường bất hợp pháp.

CCP là chương trình được thực hiện và đã thành công tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong khuôn khổ chương trình, gần 60 đơn vị kiểm soát cảng (PCU) đã được thành lập tại các khu vực châu Phi (Kenya, Ma Rốc, Ghana…), châu Mỹ (Ac-hen-tina, Brazil, Chi Lê…), Trung Đông (Ai Cập, Iran…), châu Á (Ấn Độ, Bangladesh) và gần đây đã mở rộng ra khu vực Đông Nam Á bao gồm các quốc gia: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, được sự phê duyệt của Chính phủ tại công văn số 1745/TTg-QHQT về việc Việt Nam tham gia CCP, Bộ Tài chính đã ủy quyền cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan ký Thư Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và UNODC về việc tham gia Chương trình Kiểm soát container vào ngày 6/2/2015. Hiện nay, CCP được triển khai tại Cục Hải quan thành phố Hải Phòng từ tháng 3/2015 do Chính phủ Canada tài trợ và Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ tháng 11/2015 do Chính phủ Australia tài trợ.

Trong khuôn khổ CCP, Nhóm Kiểm soát cảng Bà Rịa – Vũng Tàu (PCU BR – VT) chính thức được thành lập theo Quyết định số 3229/QĐ-HQBRVT ngày 19/10/2016 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm 9 thành viên, trong đó giữ vai trò trưởng Nhóm là đồng chí Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các thành viên còn lại là công chức thuộc các chi cục hải quan và các đơn vị tham mưu.

PCU Bà Rịa- Vũng Tàu được thành lập theo mô hình của đơn vị làm việc áp dụng cùng lúc các biện pháp quản lý rủi ro tiên tiến kết hợp với hoạt động kiểm soát chống buôn lậu nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát container tại các cảng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhóm có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát cảng nhằm phòng, chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa cấm tại khu vực cảng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trọng tâm là các loại hàng hóa ma túy, động vật hoang dã, vũ khí, hàng hóa lưỡng dụng, hàng thuộc danh mục cấm XK, cấm NK…

PCU Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã được đào tạo cơ bản, nâng cao theo quy trình chung do UNODC và WCO xây dựng và được bố trí nơi làm việc, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để tác nghiệp.

Một số hình ảnh tại lễ ra mắt:

Quang cảnh buổi ra mắt

Các đại biểu tham quan trung tâm điều khiển kiểm soát container
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Nhóm kiểm soát container

 

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KIỂM SOÁT CHẶT NHẬP KHẨU CÁC MẶT HÀNG TRONG NƯỚC SẢN XUẤT ĐƯỢC

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng trong nước sản xuất được. 

Lực lượng Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Q.H

Theo đó, các đơn vị cần tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin, nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là các mặt hàng được Bộ Công Thương đưa vào diện áp dụng các biện pháp tự vệ (thuế tự vệ); các mặt hàng trong nước đã sản xuất được theo Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước sản xuất được (ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các tuyến đường bộ, đường sắt liên vận, đường hàng không, đường biển…, sau đó thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… chia sẻ thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; kiên quyết xử lý nghiệm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu…

Quang Hùng

XUẤT KHẨU THAN ĐÁ TĂNG GẦN 7 LẦN VỀ SẢN LƯỢNG

(HQ Online)- Đây là thông tin đáng chú ý liên quan đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng tài nguyên này của nước ta trong những tháng đầu năm 2017.
Biểu đồ về sản lượng và trị giá kim ngạch xuất khẩu than (tính từ đầu năm đến 15/4) của năm 2016 và 2017. Biểu đồ: T.Bình.
Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính từ đầu năm đến 15/4, tổng sản lượng than xuất khẩu cả nước đạt 504.663 tấn, tổng trị giá kim ngạch đạt 79,438 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016, tổng sản lượng và trị giá kim ngạch xuất khẩu than đầu tăng mạnh. Trong đó tổng sản lượng xuất khẩu tăng đến 6,7 lần và trị giá kim ngạch tăng hơn 13 lần.

Với tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn so với sản lượng nên mức giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng này cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể mức giá xuất khẩu than trung bình cùng kỳ năm 2016 chỉ là 79 USD/tấn, trong khi tính đến 15/4 năm nay con số này đã vọt lên trên 157 USD/tân.

Đáng chú ý, nếu như nhiều năm trước một trong những thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, thì từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc gần như “vắng bóng” trên bản đố xuất khẩu than của nước ta.

Căn cứ dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I/2017, các thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc…

Thái Bình

THANH, KIỂM TRA TÀI CHÍNH, THUẾ VỚI DOANH NGHIỆP KHÔNG QUÁ 1 LẦN/NĂM

(HQ Online)- Đây là một trong những nội dung chỉ đạo mới của Tổng cục Hải quan đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc.
Ắc quy là một trong những mặt hàng được cơ quan Thanh tra (Tổng cục Hải quan) truy thu thuế lớn trong năm 2016. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai  các nội dung: Tổ chức thanh tra, kiểm tra về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp không quá 1 lần/năm, không trùng lắp, chồng chéo và được công khai trước cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các đơn vị rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo không trùng lắp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, kế hoạch thanh tra chuyên ngành của các Tổng cục đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp chỉ tiến hành khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.

Bên cạnh đó, các đơn vị không thanh tra, kiểm tra lại khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật hoặc những vấn đề, nội dung mà cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý…

Được biết, đây là những nội dung được Tổng cục Hải quan cụ thể hóa để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính về việc thanh tra, kiểm tra tài chính, thuế đối với doanh nghiệp.

Năm 2016, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra nội bộ, chống tham nhũng theo các chuyên đề từ khâu thu thập thông tin đến cách thức tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, từ việc phát hiện sơ hở ở một số địa phương, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tập trung làm rõ và thực hiện thanh kiểm tra trong toàn Ngành, nhất là các đơn vị Hải quan trọng điểm. Điển hình như các chuyên đề liên quan đến ắc quy, vải filament, thép nhập khẩu có thuế tự vệ, máy cày, máy xới… và kiến nghị truy thu gần 70 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác đó là để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, những tháng cuối năm 2016, Tổng cục Hải quan cử 4 đoàn kiểm tra giám sát công tác thu thuế và chấp hành pháp luật tại các cục hải quan địa phương lớn nhằm góp phần tăng thu ngần sách, tăng cường tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan và cán bộ công chức.

Thái Bình