VIỆT NAM ĐÃ XUẤT SIÊU 2,76 TỶ USD

(HQ Online)- Trong tháng 11, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch XK. 

Điện thoại, linh kiện điện thoại là một trong những mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch XK. Ảnh: Internet

Theo Bộ Công Thương: Hoạt động thương mại đang là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng XK đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, cùng với đó NK được kiểm soát và cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn.

Cụ thể, về XK, trong tháng 11, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch XK. 

11 tháng qua, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch XK (tăng khoảng 16 tỷ USD so với 11 tháng năm 2016). 

Bộ Công Thương nhìn nhận, với mức tăng trưởng lên tới 21,1%, tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa của nước ta sau 11 tháng năm đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 – 7% trong năm 2017. 

Trong bối cảnh XK đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây với con số trên 210 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với năm 2016).

Thanh Nguyễn

HÀNG QUÁ CẢNH CỦA LÀO CHỈ ĐƯỢC QUA CỬA KHẨU QUỐC TẾ

(HQ Online)- Kể từ ngày 26/5, hàng hóa quá cảnh của Lào qua Việt Nam chỉ được phép qua các cửa khẩu quốc tế.
Tuyến đường được vận chuyển hàng hóa quá cảnh thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Quang Hùng.

Đây là nội dung chính của Thông tư 06/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2009/TT-BCT quy định về quá cảnh hàng hóa của Lào qua lãnh thổ Việt Nam.

Thông tư 06 cũng quy định, tuyến đường được vận chuyển hàng hóa quá cảnh thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Việc sửa đổi này nhằm hướng dẫn thực hiện cam kết trong khuôn khổ Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã được ký kết ngày 26/4/2017. Quy định trong Nghị định thư sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa quá cảnh giữa Việt Nam và Lào.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam-Lào tính đến hết tháng 4 đạt 312 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 178 triệu USD, nhập khẩu là 134 triệu USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2017 thặng dư 44 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam.

Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Lào gồm rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, than đá, xăng dầu các loại, sắt thép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng…, còn nhập khẩu quặng và khoáng sản khác, phân bón các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, ngô từ Lào.

Phan Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

VTIP – CÔNG CỤ TẠO THUẬN LỢI CHO THƯƠNG MẠI

(HQ Online)- Việc xây dựng Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP) không chỉ đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) mà còn là công cụ hữu hiệu giúp tạo thuận lợi hơn nữa cho các bên có liên quan đến hoạt động XNK và quá cảnh với Việt Nam.

CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng (Cục Hải quan Nghệ An) giám sát hàng hóa XK. Ảnh: H.Nụ.

Thúc đẩy mạnh mẽ từ Hải quan

Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2017 công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã tăng 9 bậc lên vị trí 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá. Riêng đối với chỉ số thương mại xuyên biên giới, liên quan đến hoạt động XNK; thông quan hàng hóa; các quy định về kiểm tra chuyên ngành, Việt Nam đã tăng 15 bậc, từ hạng 108 năm 2016 lên hạng 93 năm 2017. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, so với các nước có môi trường kinh doanh thuận lợi như Singapore, Thái Lan và Malaysia, thì khoảng cách giữa Việt Nam với các nước vẫn còn khá lớn. Chính vì thế, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 phấn đấu đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN – 4 về các chỉ tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết, để thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các cam kết quốc tế, thời gian qua cơ quan Hải quan đã dần hoàn thiện hệ thống pháp luật ngay trong quá trình đàm phán Hiệp định TF hay các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại nhằm giải quyết những vướng mắc của cộng đồng DN; ứng dụng toàn diện hệ thống công nghệ thông tin hiện đại trong thủ tục hải quan như: Triển khai hệ thống VNACCS/VCIS trên toàn quốc; triển khai vận hành thí điểm hệ thống giám sát tại cảng biển; kết nối Hải quan với Kho bạc, Ngân hàng… nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho DN. Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các thủ tục hành chính hàng hóa XNK trên hệ thống một cửa, qua đó, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động kinh doanh, XNK của DN.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan đã thực hiện bãi bỏ 19 thủ tục, đơn giản hóa 46 thủ tục; giảm nhiều chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan; cho phép DN nộp toàn bộ hồ sơ điện tử; minh bạch và giảm thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với WB xây dựng VTIP nhằm cung cấp nguồn tham khảo đầy đủ và tổng hợp về các thông tin liên quan tới XNK, bao quát từ các biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa NK tới chi tiết về các quy trình, thủ tục và biểu mẫu để đáp ứng các quy định kiểm tra chuyên ngành. Mục đích của VTIP là giúp các DN XNK, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ nắm rõ các quy trình và thủ tục liên quan tới hoạt động của họ, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động. Ngoài ra, VTIP cũng sẽ đóng vai trò là công cụ quan trọng để hỗ trợ Chính phủ hướng tới đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính liên quan.

Sẵn sàng đi vào hoạt động

Với vai trò chủ trì tham gia đàm phán Hiệp định TF (được thông qua tháng 11/2014 tại Bali- Indonesia), Bộ Tài chính cụ thể là Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi tại phiên họp lần thứ 10 Quốc hội Khóa 13. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 108/2015/QH13 phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO. Đến tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1899/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban chỉ đạo quốc gia). Tháng 11/2016, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Hiệp định TF theo quyết định số 1969/QĐ-TTg. Ngày 22/2/2017, Hiệp định TF của WTO đã chính thức có hiệu lực, sau khi đạt được sự phê chuẩn cần thiết của 2/3 trong tổng số 164 quốc gia thành viên WTO.

Theo cam kết tại Hiệp định TF, mỗi nước thành viên, trong đó có Việt Nam, cần xây dựng cho mình một trang điện tử giúp công bố và cung cấp các thông tin. Việc xây dựng trang web này không chỉ đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định TFA mà còn là công cụ hữu hiệu tạo thuận lợi hơn nữa cho các bên có liên quan đến hoạt động XNK và quá cảnh với Việt Nam. Đồng thời, còn là một công cụ để minh bạch hóa chính sách, như tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và cũng theo kịp xu thế của Hải quan thế giới – Hải quan kỹ thuật số 2016.

Nhằm giúp Việt Nam thực hiện tốt các nội dung đã cam kết trong Hiệp định TF, WB đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua các biện pháp như hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia và xây dựng VTIP. Hoạt động xây dựng VTIP đã được triển khai từ tháng 1/2016 tại Tổng cục Hải quan, do đơn vị tư vấn của WB là PM Group tiến hành. Tới thời điểm hiện nay, các nội dung đăng tải đã được hoàn tất, với gần 2.000 mục nội dung liên quan tới các quy định pháp lí, thủ tục và quy trình… liên quan tới XNK. Song song với việc xây dựng và đăng tải nội dung, đơn vị tư vấn cũng đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ của Tổng cục Hải quan để chuyển giao kĩ thuật nhằm đảm bảo việc vận hành và cập nhật nội dung của VTIP sau khi chuyển giao, ông Chris Lewis Jones, Quản lý dự án và Tư vấn trưởng VTIP cho biết.

Để sẵn sàng cho việc khai trương và chuyển giao VTIP cho Tổng cục Hải quan, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2017, các hoạt động chuẩn bị đang được khẩn trương hoàn thành. Cơ chế phối hợp giữa các bên hữu quan, bao gồm các bộ, ngành có quy định liên quan tới XNK được đăng tải trên VTIP, đang được xây dựng và thống nhất giữa các bên để bảo đảm rằng nội dung đăng tải trên VTIP luôn được cập nhật và chính xác. Hiện tại, quá trình rà soát các nội dung đã đăng tải trên VTIP đang được các bộ, ngành tiến hành với sự điều phối của Tổng cục Hải quan để chuẩn bị cho việc khai trương, ông Chris Lewis Jones nhấn mạnh.

Ông Chris Lewis Jones cho biết thêm, VTIP được thiết kế để trở thành điểm thông tin “một cửa”, cung cấp các thông tin liên quan tới XNK ở Việt Nam theo cách thức dễ tiếp cận, lô gic và hữu ích để các DN XNK có thể tiếp cận thông tin cơ bản về các quy định và thủ tục cần thiết cho hoạt động XNK và quá cảnh. VTIP là một công cụ hữu ích hỗ trợ Chính phủ và các bên hữu quan khác trong việc cắt giảm, hiện đại hóa và đơn giản hóa quy trình khai báo XNK theo thông lệ quốc tế. Với khối lượng nội dung phong phú và toàn diện, VTIP được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các DN hoạt động XNK nói riêng và góp phần vào quá trình tạo thuận lợi và thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam nói chung. 

Hồng Nụ

THƯƠNG MẠI VIỆT- LÀO CÓ CHIỀU HƯỚNG GIẢM

(HQ Online)- Mặc dù hoạt động xuất khẩu của nước ta sang thị trường Lào vẫn duy trì được sự tăng trưởng qua tương đối ổn định nhưng xét tổng quan về quan hệ thương mại giữa hai nước lại đang có chiều hướng giảm.
Biểu đồ trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào kể từ năm 2013 đến quý I/2017, đơn vị tính “triệu USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Mất mốc “tỷ USD”

Nhìn kết quả thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2011, tổng giá trị kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Lào mới dừng ở con số 734 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 274 triệu USD, nhập khẩu từ nước bạn lượng hàng hóa trị giá 460 triệu USD.

Nhưng đến năm 2013, tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa hai nước đã lên 1,091 tỷ USD. Trong đó, Lào vẫn duy trì được ưu thế xuất siêu với con số thặng dư 245,7 triệu USD.

Dấu mốc “tỷ USD” được duy trì trong vòng 3 năm liên tiếp (2013, 2014 và 2015). Trong đó, năm 2014 đạt con số cao nhất là 1,287 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu từ Lào là 802 triệu USD và xuất khẩu của Việt Nam sang nước bạn đạt 485 triệu USD.

Bước sang năm 2015, trị giá kim ngạch bắt đầu có chiều hướng đi xuống. Dù vẫn giữ được tổng trị giá trên một tỷ USD nhưng kết quả cả năm đã giảm 166 triệu USD so với năm trước đó (chỉ còn đạt 1,121 tỷ USD).

Và kết thúc năm ngoái, quan hệ ngoại thương giữa hai nước đã bị rời khỏi dấu mốc “tỷ USD” được thiết lập từ 3 năm trước, khi kim ngạch chỉ còn đạt 823 triệu USD.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự đi xuống này là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Lào liên tục giảm.

Cụ thể, từ con số 802 triệu USD của năm 2014, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước bạn giảm xuống 587 triệu USD vào năm 2015 và chỉ còn đạt 345,3 triệu USD vào năm ngoái.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm (từ 2014 đến 2016), kim ngạch nhập khẩu từ Lào giảm 456,7 triệu USD, tương đương sự sụt giảm lên đến 57%.

Xét về số lượng mặt hàng, hàng hóa nhập khẩu từ Lào còn khá khiêm tốn và đơn điệu với 5 nhóm chủ yếu: Ngô; quặng và khoáng sản khác; phân bón; gỗ, sản phẩm gỗ; kim loại thường.

Nhìn vào sự biến động về hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào thời gian qua dễ dàng nhận thấy sự phụ thuộc lớn vào một số ít mặt hàng (nhất là ở chiều nhập khẩu từ Lào chủ yếu phụ thuộc vào mặt gỗ, sản phẩm gỗ). Chính vì vậy, khi các nhóm hàng này có sự thay đổi về kim ngạch sẽ tác động rất lớn đến kim ngạch thương mại chung giữa 2 nước.

Cơ hội xuất khẩu của Việt Nam

Trong bối cảnh quan hệ ngoại thương giữa hai nước có dấu hiệu đi xuống, chúng tôi nhận thấy vẫn có những dấu hiệu lạc quan. Đó chính là sự tăng trưởng nhất định của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Lào. Sự tăng trưởng cả về trị giá kim ngạch lẫn chủng loại hàng hóa.

Nếu như năm 2011, Việt Nam mới có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Lào thì đến năm 2016 con số này nâng lên thành 17 nhóm hàng. Trong đó, năm 2016 có 7 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên. Lớn nhất là sắt thép đạt 76 triệu USD; kế đến là xăng dầu đạt 61,5 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 50,5 triệu USD…

Mặt khác, xét về trị giá kim ngạch, so với thời điểm năm 2011, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào năm 2016 tăng trên 74%, tương đương con số tăng thêm 204 triệu USD.

Kết quả xuất khẩu của Việt Nam sang Lào nói riêng và quan hệ thương mại giữa hai nước nói chung còn khiêm tốn so với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng trăm tỷ USD mỗi năm của nước ta hiện nay, nhưng với một thị trường tương đối nhỏ như Lào những sự chuyển biến như đề cập ở trên cũng rất đáng ghi nhận.

Trong quý I/2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 236 triệu USD, trong đó nước ta xuất khẩu 135 triệu USD và nhập khẩu 101 triệu USD.

Kết quả trên có sự giảm nhẹ khoảng 13 triệu USD) so với cùng kỳ 2016, bởi trong khi kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng 2 triệu USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại giảm 15 triệu USD.

Thái Bình