BỘ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: TẠM DỪNG NHẬP KHẨU THỊT LỢN ĐỂ ‘GIẢI CỨU’ CHĂN NUÔI TRONG NƯỚC

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ đề nghị tạm dừng nhập khẩu thịt lợn để ‘giải cứu’ chăn nuôi trong nước, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị tích cực thu mua thịt lợn để giúp đỡ bà con chăn nuôi lợn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Sáng 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức “Hội nghị tìm giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi” để tìm lối thoát cho ngành chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung vượt xa nhu cầu, giá lợn sụt giảm mạnh, người nông dân thua lỗ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hiện nay. Thứ nhất nguồn cung đang lớn hơn cầu. Chúng ta có 30 triệu con lợn, trong đó 4,2 triệu con nái.  20 năm trước, thức ăn chủ yếu là thịt lợn, nhưng hiện nay nguồn cung thực phẩm đã đa dạng như: trứng, thịt bò, cá… khiến áp lực càng đè nặng lên thịt lợn.

Nguyên nhân thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, quy mô chăn nuôi vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô nhỏ lẻ với 3 triệu hộ nhỏ chăn nuôi, khiến giá thành cao, khó kiểm soát chuỗi, các khâu sản xuất và phân phối tách rời khiến khi thị trường có sự cố thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ.

Bên cạnh đó, khâu chế biến cũng là một khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi. Chỉ một số doanh nghiệp chế biến sâu, còn lại nhìn tổng thể rất yếu. Tiêu thụ vẫn theo truyền thống bán tươi là chính.

Ngoài ra, khâu tổ chức thị trường kém kể cả nội địa và xuất khẩu. Tổ chức mạng lưới phân phối yếu, chưa gắn kết sản xuất với phân phối. Xuất khẩu mới đi được một số ít đi Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)… Các thị trường lớn chưa xâm nhập được.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi giải cứu ngành chăn nuôi lợn.

Đứng trước những khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã đưa ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, phải nhanh chóng tái cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp. Đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Giảm đàn nái từ 4,2 con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra. Phát triển đối tượng khác thay thế, không nhất thiết cứ nuôi lợn, có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê…

“Cần tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cho thị trường. Mở rộng xuất khẩu theo đường chính ngạch, xúc tiến xuất khẩu thịt lợn tại một số nước ASEAN. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hạ ngay yếu tố đầu vào như: cám, thuốc thú y… để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.  Tạm dừng việc nhập thịt lợn để tạo dư địa cho thịt lợn trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo đại diện Công ty CP Việt Nam, để giải cứu thịt lợn, CP đã tăng cường bán thịt lợn lợn theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Tuy nhiên, một số nông dân đang cố gắng vay mượn để giữ đàn lợn, mong rằng bán được đi nước ngoài. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, để người nông dân có hướng chăn nuôi. CP cũng hứa sẽ giảm đàn lợn và giá thức ăn để giúp người nông dân.

Đại diện Dabaco cho biết giảm giá thức ăn 5 – 7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra.  Không tiếp tục tăng đàn, nhưng áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất lợn nái. Dabaco đang tính toán xây mổ nhà máy giết mổ lợn, sẽ triển khai trong năm 2017.

Dabaco kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần xây dựng hệ thống thôn tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Dabaco đã dự báo năm 2017 thị lợn sẽ khó khăn nhưng không thể hình dung ra thị trường lại tụt giảm sâu như hiện nay. Tạm dừng nhập khẩu để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay, giành thị trường cho thịt lợn nội địa. Dabaco cũng đồng tình giảm đàn nái.

Bài và ảnh: H.V/Báo Tin Tức

GẦN 73% Ô TÔ NHẬP KHẨU TỪ THÁI LAN, ẤN ĐỘ VÀ INDONESIA

(HQ Online)- Đây là thông tin đáng chú ý về hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2017, vừa được Tổng cục Hải quan công bố.
Biểu đồ sản lượng, trị giá kim ngạch từ 12 thị trường nhập khẩu ô tô trong quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.
Theo đó, tháng 3/2017 cả nước nhập khẩu 11.185 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 180 triệu USD, tăng 39,3% về lượng và tăng 13,9% về trị giá so với tháng trước.

Qua đó, đến hết quý I, cả nước nhập khẩu 26.506 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 488 triệu USD, tăng 34,4% về lượng nhưng chỉ tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó lượng nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 16.310 xe, tăng 136% và chiếm gần 62% tổng lượng ô tô nhập khẩu của cả nước; ô tô tải đạt hơn 8.800 xe, giảm 10,2%; ô tô trên 9 chỗ ngồi là 170 xe, giảm 10,2% và ô tô loại khác là 1.200 xe, giảm 56,1%.

Xét về khía cạnh thị trường, lượng ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN trong 3 tháng đầu năm 2017 là 14.460 xe, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó ô tô nhập khẩu xuất xứ từ Thái Lan là 10.050 xe, tăng 28,8% và từ Indonesia là 4.409 xe, trong khi con số của cùng kỳ năm trước chỉ là 833 chiếc.

Ngoài ra, trong 3 tháng qua, Việt Nam cũng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường Ấn Độ tăng gấp 4 lần, với gần 4.798 xe.

Như vậy, chỉ riêng 3 thị trường kể trên chiếm tới gần 73% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu cả nước trong quý I.

Căn cứ dữ liệu của cơ quan Hải quan, trong quý I có 12 thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam. Ngoài 3 thị trường lớn kể trên còn 2 thị trường có số lượng ô tô nhập khẩu từ 1.000 xe trở lên là Hàn Quốc đạt 2.964 xe; Nhật Bản đạt 1.053 xe.

Thái Lan tiếp tục duy trì vị thế số một cả về sản lượng và trị giá kim ngạch ô tô nhập khẩu (kim ngạch đạt hơn 179,5 triệu USD).

Trong khi đó, Indonesia đứng thứ 3 về sản lượng, nhưng trị giá kim ngạch đứng thứ 2 (đạt hơn 76,5 triệu USD). Thị trường có kim ngạch lớn thứ 3 là Hàn Quốc với trị giá đạt hơn 44,8 triệu USD (đứng thứ 4 về sản lượng).

Đáng chú ý, Ấn Độ dù là thị trường có sản lượng lớn thứ 2, nhưng trị giá kim ngạch chỉ đạt hơn 18,3 triệu USD, đứng vị trí thứ 8.

Thái Bình

CHI 280 NGHÌN TỶ NHẬP HÀNG TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017 tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 12,7 tỷ USD, tương đương khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Biểu đồ tương quan về 4 mặt hàng nhập khẩu “tỷ USD” mà Trung Quốc đang duy trì vị thế dẫn đầu.
Biểu đồ: T.Bình.

Xu thế tăng 

Đây là thông tin rất đáng chú ý, bởi hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc có vẻ đã dần chững lại vào năm 2016 sau nhiều năm tăng trường mạnh. Năm 2016, cả nước dù chi đến 49,929 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng con số này chỉ tăng 431 triệu USD so với năm 2015.

Tuy nhiên, chỉ qua 3 tháng đầu năm nay, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu lại có dấu hiệu tăng trở lại.

Dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng tháng 3 vừa qua, cả nước chỉ 5,072 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trị giá kim ngạch nhập khẩu trong tháng này từ Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn rất nhiều tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu từ thị trường lớn thứ 3 của nước ta là Nhật Bản trong cả quý I (cả quý I nhập khẩu từ Nhật Bản chỉ là 3,709 tỷ USD).

Chỉ tính hết quý I, đã có 5 nhóm hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt trị giá 2,526 tỷ USD. Kế đến là: Điện thoại và linh kiện đạt 1,609 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,582 tỷ USD; vải đạt 1,197 tỷ USD; sắt thép đạt 1,176 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 5 nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” từ Trung Quốc kể trên có tới 4 nhóm hàng Trung Quốc duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu số 1 của nước ta (trừ mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện vị trí số 1 do Hàn Quốc nắm giữ).

Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm gần 55% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu cả nước; vải nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 51%; sắt thép gần 50%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 31,3%.

Với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu gần 12,7 tỷ USD trong quý I, thị trường Trung Quốc chiếm đến 27,3% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Trung Quốc tận dụng tốt cơ hội

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu hàng hóa gia tăng mạnh từ Trung Quốc, ngày 17/4, phóng viên Báo Hải quan trao đổi với PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) một chuyên gia có nhiều am hiểu về quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc tồn tại nhiều năm nay và đã có nhiều thông tin phân tích. Nhưng thực tế hoạt động nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng và không có dấu hiệu dừng lại.

Phân tích về điều này, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, xuất phát từ việc Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội về các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định buôn bán biên mậu Việt Nam – Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ hai giúp lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh chính là từ các dự án đầu tư ở Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và thực hiện. Thông qua các dự án này, nhà thầu đã nhập khẩu một lượng lớn máy móc, vật tư, thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam.

“Như vậy, nếu không có được giải pháp quản lý có tính chất đột phá, nhất là liên quan đến công tác quản lý hoạt động các dự án đầu tư, việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu và tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vẫn sẽ rất khó khăn”- PGS-TS Phạm Tất Thắng nhận định.

Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân của tình trạng nhập khẩu hàng hóa ồ ạt từ Trung Quốc dẫn đến cán cân thương mại bị thâm hụt lớn, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có giải pháp để tận dụng được thị trường rộng lớn này nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

PGS-TS Phạm Tất Thắng đánh giá: Thực tế, hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa đi sâu được vào thị trường Trung Quốc, chưa đi vào được các kênh phân phối lớn qua con đường chính ngạch. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu vẫn thông qua hình thức biên mậu và chịu sự điều tiết chủ yếu từ Trung Quốc. Đơn cử như từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc hạn chế hoạt động nhập khẩu (tiểu ngạch) qua khu vực Quảng Ninh, Lạng Sơn và chuyển hướng sang Lào Cai, Cao Bằng và chúng ta bị phụ thuộc theo. Vì vậy, điểm yếu này cần sớm được khắc phục.

Thái Bình

Ô TÔ NHẬP KHẨU ĐẢO CHIỀU, GIẢM MẠNH

(HQ Online)- Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, nhất là ô tô dưới 9 chỗ ngồi đã có chiều hướng quay đầu giảm mạnh sau thời kỳ tăng trưởng được xem là rất nóng những ngày đầu năm.

Biểu đồ tương quan số lượng, trị giá kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và dòng xe dưới 9 chỗ ngồi quý I/2016 và quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Thông tin rất đáng chú ý trên xuất hiện trong bản thống kê mới nhất về hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 3/2917 vừa được Tổng cục Hải quan công bố.

Theo đó, trong nửa cuối tháng 3, cả nước chỉ còn nhập 4.847 ô tô nguyên chiếc các loại, trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi là 1.900 chiếc.

Các số liệu trên đều có sự giảm mạnh so với 15 ngày đầu tháng 3. Cụ thể, số lượng ô tô, nhập khẩu nửa đầu tháng 3 nhiều hơn 1.501 xe, trong đó, riêng dòng xe dưới 9 chỗ ngồi nhiều hơn tới 2.902 xe.

Nửa cuối tháng 3, chỉ có dòng xe tải là có sự tăng trưởng so với 15 ngày đầu tháng, đạt số lượng 2.429 xe, tăng 1.084 xe.

Như vậy, hết quý I, cả nước nhập khẩu 26.506 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng giá trị kim ngạch đạt gần 488 triệu USD, tăng 11.477 xe so với cùng kỳ năm 2016, trị giá kim ngạch tăng thêm 111 triệu USD.

Riêng dòng xe dưới 9 chỗ ngồi tăng 10.621 xe, trị giá kim ngạch tăng thêm 137 triệu USD.

Các thị trường nhập khẩu ô tô lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực châu Á, khi cả 5 quốc gia có số lượng nhập khẩu từ 1 nghìn xe trở lên đều nằm ở châu lục này. Trong đó Thái Lan đạt 10.050 xe; Ấn Độ đạt 4.798 xe; Indonesia đạt 4.409 xe; Hàn Quốc đạt 2.964 xe; Nhật Bản đạt 1.053 xe.

Thái Bình 

XUẤT, NHẬP KHẨU CÙNG TĂNG TRƯỞNG MẠNH, VƯỢT 91 TỶ USD

(HQ Online)- 91,212 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong quý I/2017, theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố chiều nay (ngày 10/4).
Biểu đồ trị giá kim ngạch xuất khẩu 5 nhóm hàng lớn nhất, tính hết quý I, đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Đáng chú ý, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có mức tăng trưởng cao hai con số, một hình ảnh đầy lạc quan và khác biệt so với sự ì ạch của quý I/2016

Trong đó, xuất khẩu cả nước đạt tổng giá trị 44,638 tỷ USD, tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ, tương đương con số tăng thêm 5,858 tỷ USD.

Hết quý I ghi nhận cả nước có 9 nhóm hàng hóa xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó dẫn đầu tiếp tục là điện thoại và linh kiện đạt 7,774 tỷ US. Các vị trí tiếp theo có thể kể đến là: Dệt may đạt 5,623 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,519 tỷ USD; giày dép các loại đạt 3,118 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 2,906 tỷ USD…

Đặc biệt, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngoại trừ điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng âm (giảm 6,1% so với cùng kỳ); các nhóm hàng còn lại đều có sự tăng trưởng khá như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới 47,8%; cà phê tăng 27,5%; gỗ và sản phẩm tăng 17,1%; hạt điều tăng 16,9%; giày dép tăng 11,9%; dệt may tăng 10%…

Ở chiều nhập khẩu, sự tăng trưởng còn manh mẽ hơn với con số 24,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt trị giá kim ngạch 46,574 tỷ USD. Trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng dẫn đầu với trị giá kim ngạch đạt 8,071 tỷ USD. Kế đến là các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,603 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,934 tỷ USD; sắt thép các loại đạt 2,539 tỷ USD; vải đạt 2,346 tỷ USD…

Như vậy, hết quý I/2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung của cả nước tăng thêm 15,155 tỷ USD so với năm 2016.

Thái Bình

BỎ GIẤY CHỨNG NHẬN BẢO HÀNH, BẢO DƯỠNG KHI NHẬP Ô TÔ DƯỚI 9 CHỖ

(HQ Online)- Kể từ ngày 9/3, các thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp (1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).

Các thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp . Ảnh Hà Phương

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 04/2017/Tt-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo đó, Thông tư này bãi bỏ khoản 2 Điều 1 Thông tư số Thông tư số 20/2011/TT-BCT.

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư số Thông tư số 20/2011/TT-BCT nêu rõ, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp (1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).

Điều kiện còn lại là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật (1bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) vẫn chưa được bãi bỏ.

Phan Thu

NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH THÁNG 2/2017

(HQ Online)- Nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng/2017 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 với mức tăng 23,3%. Trong đó, 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt hơn 18,22 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 64,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam tháng 2/2017

Hàng hóa có tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 17,1%; đứng thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kện với tỷ trọng 16,3%; điện thoại và linh kiện các loại chiếm tỷ trọng 6,3%; …

Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: Nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2017 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, trong tháng 2/2017 cả nước nhập khẩu trên 2,51 tỷ USD, tăng 7,5% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2017 đạt gần 4,82 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác trong 2 tháng/2017 chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với gần 1,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm truóc; nhập khẩu từ Hàn Quốc với hơn 1,31 tỷ USD, tăng 83,5%; nhập khẩu  từ Nhật Bản đạt 676 triệu USD, tăng 15,5%; …

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trong 2 tháng/2017 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng 2/2017 cả nước nhập khẩu nhóm hàng này trị giá gần 2,49 tỷ USD, tăng 16,9% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 2 tháng/2017 lên hơn 4,61 tỷ USD.

Trong 2 tháng /2017 nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện được nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc với hơn 1,52 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; từ Trung Quốc với 983 triệu USD, tăng 29,6%; từ Đài Loan với 492 triệu USD, tăng 15,6%; …

Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 955 triệu USD, tăng 14,5% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2017 đạt hơn 1,79 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Điện thoại các loại và linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với gần 1,01 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 583 triệu USD, tăng 26%; …

Sắt thép các loại: Trong 2 tháng/2017 nhập khẩu nhóm hàng này tăng 49,3% về trị giá, tuy nhiên chỉ tăng 0,2% về lượng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, nhập khẩu sắt thép trong tháng 2 đạt hơn 1,51 triệu tấn, trị giá 832 triệu USD, tăng 22,9% về lượng và 25,3% về trị giá so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại 2 tháng/2017 đạt gần 2,74 triệu tấn, trị giá hơn 1,49 tỷ USD.

Sắt thép các loại trong 2 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với hơn 1,53 triệu tấn, trị giá 786 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và 61,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc với 304 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 17,8% về lượng và tăng  57,3%; từ Nhật Bản với 334 nghìn tấn, trị giá 197 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và 36,8% về trị giá; …

Vải các loại: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 692 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2017 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016.

 Vải các loại chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với 671 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước;  Hàn Quốc với 276 triệu USD, tăng 11,3%; từ Đài Loan với 198 triệu USD, tăng 2,4%; …

Chất dẻo nguyên liệu: Nhập khẩu trong tháng của nhóm hàng này đạt 404 nghìn tấn, trị giá 586 triệu USD, tăng 31,3% về lượng và 30,9% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng/2017 của nhóm hàng này đạt 712 nghìn tấn, trị giá hơn 1,03 tỷ USD, tăng 23,7% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so cùng kỳ năm trước.

Hà Nhi

Ô TÔ NHẬP TỪ INDONESIA TĂNG HƠN 4 LẦN, “SOÁN NGÔI” TRUNG QUỐC, HÀN QUỐC

(HQ Online)- Trong khi Thái Lan tiếp tục duy trì vị thế số 1 trong các thị trường nhập khẩu ô tô của Việt Nam, thì Indonesia đã có sự vượt lên ngoạn mục để “soán ngôi” hai thị trường lớn trước đây là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Biểu đồ số lượng ô tô nhập kẩu của 12 thị trường chính tính đến hết tháng 2. Biểu đồ: T.Bình.

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2, có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam.

Đáng chú ý, Indonesia đã vượt Trung Quốc và Hàn Quốc trở thành thị trường nhập khẩu xe lớn thứ 2 của Việt Nam. Sự bứt phá của ô tô Indonesia so với hai thị trường truyền thống ở cả chỉ số về số lượng và kim ngạch.

Cụ thể, hết tháng cả nước nhập 3.108 xe từ Indonesia, với tổng giá trị kim ngạch 53,553 triệu USD. Kết quả này vượt xa so với cùng kỳ năm 2016 khi hết tháng 2 năm ngoái lượng xe từ Indonesia về Việt Nam mới là 703 xe, và tổng trị giá kim ngạch là 8,097 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xe từ Indonesia về Việt Nam tăng hơn 4,4 lần và trị giá kim ngạch tăng hơn 6,6 lần.

Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất của Việt Nam với 5.714 xe, tổng giá trị kim ngạch đạt 110,321 triệu USD.

Kết quả này cũng tăng mạnh cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016, với các chỉ số tăng thêm lần lượng là 983 xe (tương đương tốc độ tăng trưởng gần 21%) và 30,128 triệu USD (tương đương tốc độ tăng trưởng gần 37,6%).

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, với lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), lượng xe nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN, nhất là Thái Lan và Indonesia  sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới.

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong ATIGA, mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam từ các thị trường ASEAN giảm từ mức 40% năm 2016 xuống 30% trong năm nay và sẽ về 0% vào năm 2018.

Thái Bình

BẮT ĐẦU NHẬP KHẨU TRỨNG VÀ MUỐI TỪ 17/4

(HQ Online)- Trong năm 2017, Việt Nam sẽ nhập khẩu 50.051 tá trứng và 102.000 tấn muối theo hạn ngạch thuế quan. Thời gian nhập từ ngày 17/4 đến hết ngày 31/12.

Hạn ngạch thuế quan trứng nhập khẩu trong năm 2017 là 50.051 tá. Ảnh internet.

Bộ Công Thương vừa có quy định mới về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2017. Cụ thể, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2017 được quy định như sau: 50.051 tá trứng (gồm trứng gà, trứng vịt, ngan và loại khác) và 102.000 tấn muối.

Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối và trứng gia cầm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

Đối với mặt hàng muối, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

Đối với mặt hàng trứng gia cầm, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu.

Thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối thực hiện theo đề nghị của Bộ NN&PTNT để không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước.

Phan Thu

Sản phẩm sữa nhập khẩu phải kiểm dịch

(HQ Online)- Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới đây đã có công văn trả lời DN và Tổng cục Hải quan về những kiến nghị liên quan đến kiểm dịch NK sữa bột, trong đó nêu: Sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

CBCC hải quan kiểm tra hàng hóa XNK.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc một mặt hàng (sữa bột đóng hộp) do hai bộ cùng quản lý.

Cụ thể là trường hợp Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Nhật Minh làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng sữa bột đóng hộp dành cho trẻ em nhãn hiệu Pediasure của Úc, đóng trong hộp sắt tráng thiếc, 800g/hộp, bao bì đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Lô hàng sữa bột trên đã được chứng nhận hợp quy và kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế trước khi thông quan.

Căn cứ Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm trên cạn thì sản phẩm sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Trong khi căn cứ Quyết định số 3648/QĐ-BCT ngày 8-9-2016 của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì mặt hàng sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

Như vậy, căn cứ hai văn bản hướng dẫn trên, đối với mặt hàng sữa bột đóng hộp vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đề nghị: Đối với mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến sâu (như: Sữa chua, thực phẩm đóng hộp…) vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình một trong hai chứng từ để thông quan hàng hóa.

Phản hồi ý kiến của cơ quan Hải quan và DN, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Thú y giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, theo đó sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

Lý giải về điều này, Cục Thú y nêu những quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex về chứng nhận kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa trong thương mại quốc tế; thỏa thuận về yêu cầu vệ sinh thú y đối với Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch XK sữa và sản phẩm sữa (gồm cả sữa chế biến) từ các nước vào Việt Nam. 

Hiện nay, việc kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa do cơ quan thú y tại cửa khẩu thực hiện. Việc kiểm dịch gồm: Kiểm tra các nội dung chứng nhận trong Giấy chứng nhận kiểm dịch có đúng với nội dung đã thỏa thuận hay không; kiểm tra cảm quan và các chỉ tiêu vệ sinh thú y gồm các vi sinh vật truyền lây giữa người và động vật; hoặc tùy vào tình hình dịch bệnh của nước XK để kiểm tra.

N.Linh