ĐỨC LÀ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM Ở CHÂU ÂU

(HQ Online)- Với tổng trị giá kim ngạch buôn bán 2 chiều đạt 3,859 tỷ USD, tính hết tháng 5/2017, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Biểu đồ trị giá kim ngạch 6 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang Đức tính hết tháng 5/2017, đơn vị tính “triệu USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, về xuất khẩu, hết tháng 5, thị trường Đức tiêu thụ lượng hàng hóa từ Việt Nam đạt tổng trị giá 2,628 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 2 ở khu vực châu Âu sau Hà Lan (đạt 2,672 tỷ USD).

Tuy nhiên, với trị giá kim ngạch nhập khẩu trong cùng thời điểm là 1,231 tỷ USD, tổng trị giá kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt con số lớn nhất trong các bạn hàng của nước ta ở châu Âu (bởi kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan chỉ đạt hơn 271 triệu USD).

Trong số các nhóm hàng xuất khẩu lớn của nước ta sang Đức, có 6 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Trong đó, điện thoại và linh kiện đứng vị trí số 1 với trị giá kim ngạch gần 733 triệu USD (cập nhật hết tháng 5/2017). Các nhóm hàng kế tiếp là: Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt hơn 394 triệu USD; cà phê gần 270 triệu USD; dệt may 258 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 188,6 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 143 triệu USD.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, cùng thời điểm trên có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Đức đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 516,4 triệu USD; dược phẩm 127,8 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, trị giá kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Đức tăng 8,5% tương đương 206 triệu USD; trong khi đó nhập khẩu tăng tới 16%, tương đương 170 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

QUY ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN LÝ HÀNG HÓA Ở KHU VỰC HẢI QUAN RIÊNG

(HQ Online)- Chiều nay (12/6) với tỉ lệ 88,19% đại biểu tán thành, Quốc hội thông quan Luật Quản lý ngoại thương. Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua việc điều chỉnh một số nội dung trong chương trình nghị sự từ ngày 16/6 đến ngày bế mạc.
Ông Vũ Hồng Thanh: Khái niệm về kho ngoại quan, việc thành lập, hoạt động và quản lý kho ngoại quan đã được quy định thống nhất tại Luật Hải quan.

Khu hải quan riêng

Một nội dung đáng chú ý trong Luật là quy định về quản lý hàng hóa trong khu vực hải quan riêng (Mục 8, Chương II).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến quy định về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Có ý kiến đề nghị rà soát khoản 1 và khoản 2 Điều 57 quy định đối với hàng hóa xuất khẩu để thống nhất với các quy định về thông quan và quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng đã được rà soát thống nhất với quy định về thông quan hàng hóa theo quy định hiện hành, theo đó quy trình thực hiện làm thủ tục hải quan không thay đổi, được thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Luật không quy định các nội dung về quản lý thuế mà chỉ quy định các nội dung liên quan đến các biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của luật này.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định thống nhất về chính sách kho ngoại quan trong Luật để thống nhất, tránh tình trạng chính sách về kho ngoại quan do Bộ Tài chính đề xuất và thực hiện còn chính sách quản lý ngoại thương giao cho Bộ Công Thương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Kho ngoại quan là một hoạt động mang tính chất nghiệp vụ của cơ quan Hải quan. Khái niệm về kho ngoại quan, việc thành lập, hoạt động và quản lý kho ngoại quan đã được quy định thống nhất tại khoản 10 Điều 4 và Mục 5 Luật Hải quan.

Chưa thông qua Luật Quy hoạch

Trong phần đầu phiên làm việc chiều nay (12/6) Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Quốc hội một số nội dung điều chỉnh về chương trình nghị sự của kỳ họp lần này (từ 16 đến 21/6).

Theo đó, Quốc hội sẽ chưa xem xét thông quan Luật Quy hoạch như dự kiến ban đầu. Theo dự kiến ban đầu Luật Quy hoạch được biểu quyết thông qua vào ngày 19/6. Tuy nhiên, căn cứ kết quả thảo luận của Quốc hội tại phiên họp sáng 26/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, có nhiều vấn đề liên quan đến quy định của số lượng lớn luật hiện hành, cần có sự tham gia sâu của các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp của dự án luật. Vì vậy, dự án Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận, nâng cao chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Một nội dung quan trọng là dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam dự kiến được bổ sung trong chương trình kỳ họp lần này cũng không xuất hiện trong nội dung chương trình được điều chỉnh từ 16/6 đến khi bế mạc.

Trong khi đó, một nội dung được đề nghị bổ sung là việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (vào sáng 16/6)…

Với tỉ lệ 86,97% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua điều chỉnh chương trình làm việc từ ngày 16/6 đến ngày bế mạc (dự kiến 21/6).

Thái Bình

ĐẾN HẾT THÁNG 5/2017: TỔNG KIM NGẠCH HÀNG HÓA XNK ĐẠT GẦN 162,45 TỶ USD

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng/2017 đạt gần 162,45 tỷ USD, tăng 21,5% tương ứng tăng gần 28,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 5 tháng/2017 so với 5 tháng/2016

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 (từ 16/5/2017 đến 30/5/2017) đạt 20,08 tỷ USD, tăng 22,9% tương ứng tăng hơn 3,74 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 05/2017.

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ đạt kim ngạch gần 13,13 tỷ USD, tăng 22,1% tương ứng tăng 2,38 tỷ USD so với nửa đầu tháng 05/2017. 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 106,5 tỷ USD, tăng 23,7% tương ứng tăng 20,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 5/2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 540 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 5 tháng/2017 về mức thâm hụt gần 2,5 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 đạt hơn 10,31 tỷ USD, tăng 35,3% (tương ứng tăng gần 2,69 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 5/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 5/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 5/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 34,7%, tương ứng tăng 611 triệu USD; hàng dệt may tăng 42,5%, tương ứng tăng 339 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 56,7%, tương ứng tăng 265 triệu USD; giầy dép các loại tăng 34%, tương ứng tăng 200 triệu USD; … Trong khi đó, chỉ một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với kỳ trước như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 12,8%, tương ứng giảm 17 triệu USD; than đá giảm 8,1%, tương ứng giảm 2 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 5 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 79,98 tỷ USD, tăng 18,4% tương ứng tăng hơn 12,45 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 05/2017 đạt gần 7,28 tỷ USD, tăng 33,3% tương ứng tăng hơn 1,82 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 05/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên  gần 56,66 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 đạt hơn 9,77 tỷ USD, tăng 12,1% (tương ứng tăng hơn 1,05 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 5/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 5/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 5/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau:  máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 17,1%, tương ứng tăng 232 triệu USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác tăng 10,7%, tương ứng tăng 177 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 33,9%, tương ứng tăng 159 triệu USD; hạt điều tăng 126,2%, tương ứng tăng 113 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 39,1%, tương ứng tăng 89 triệu USD; … Ở chiều ngược lại, nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 46,9%, tương ứng giảm 81 triệu USD, đậu tương giảm 65%, tương ứng giảm 25 triệu USD; than đá giảm 45,4%, tương ứng giảm 24 triệu USD; …

Như vậy, tính đến hết tháng 5/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 82,47 tỷ USD, tăng 24,7% (tương ứng tăng gần 16,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 5,85 tỷ USD, tăng 10,6%  tương ứng tăng 560 triệu USD so với kỳ 1 tháng 5/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 5 tháng/2017 đạt hơn 49,84 tỷ USD, tăng 28,1% tương ứng tăng gần 10,94 tỷ USD so với  5 tháng/2016.

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG LƯU Ý KHI NHẬP HÀNG VÀO AUSTRALIA

(HQ Online)- Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến cáo các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hoá vào Australia, cần kiểm tra các bước sau đây để đảm bảo tuân thủ các qui định và luật lệ của Australia.

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hang xuất khẩu sang Australia lớn nhất. Ảnh internet.

Đầu tiên, Chính phủ Australia có một số luật các doanh nghiệp phải tuân thủ khi nhập khẩu hàng hoá vào Australlia ví dụ như quy định nhập hàng nông sản, thực phẩm… Do đó, doanh nghiệp phải đảm bảo nắm được các luật và quy định nhập khẩu.

Thông thường, doanh nghiệp và cá nhân nhập khẩu hàng hoá vào Australia không cần giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng nhất định, bạn cần xin giấy phép. Một số loại hàng hoá bị cấm hoặc hạn chế nhập khẩu, nhưng chủ yếu là các mặt hàng như hoá chất nguy hiểm, dược phẩm, ma tuý, một số loại thực phẩm nhất định, vũ khí, thuốc lá và một số loại vật liệu sinh học.

Bên cạnh đó, khi nhập khẩu hàng hoá, doanh nghiệp cũng cần hiểu các quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi nếu có.

Tiếp theo, doanh nghiệp phải kiểm tra xem hàng hoá có phải kiểm dịch. Nếu nhập khẩu thực vật, động vật, khoáng sản và các sản phẩm dùng cho con người thì phải kiểm dịch và xử lý côn trùng hoặc các yếu tố sinh học khác.

Vấn đề phí và thuế phải nộp cũng là vấn đề đáng chú ý. Theo đó, thông thường hải quan sẽ thu phí xử lý hàng hóa thông thường dưới 200 AUD, thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) được tính bằng 10% tổng giá trị của hàng hoá, cộng với thuế nhập khẩu, cộng với phí bảo hiểm và vận chuyển đến Australia.

Thuế nhập khẩu được tính dựa trên phần trăm giá hàng hoá, vào khoảng 0-10% nhưng chủ yếu 5%. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho đồ uống có cồn, thuốc lá và xăng dầu.

Thêm vào đó, hàng hoá nhập khẩu vào Australia phải dán nhãn phù hợp, gồm ít nhất các thông tin về nước sản xuất và xuất xứ, miêu tả chính xác về hàng hoá, địa chỉ người xuất khẩu và người nhập khẩu. Nhãn phải được viết bằng tiếng Anh, gắn liền với hàng hoá, ở vị trí dễ nhận biết và dễ đọc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt hơn hơn 1,89 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt gần 1,05 tỷ USD, tăng 21,2%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 848,02 triệu, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Phan Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất trong 4 tháng/2017 đạt 41,96 tỷ USD, chiếm 65,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng/2017

Trong đó, đạt kim ngạch lớn nhất là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,51 tỷ USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng xăng dầu các loại là nhóm hàng có mức tăng về trị giá là lớn nhất 41,8%; sắt thép các loại đạt mức đứng thứ 2 với 10,9%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4 là 3,44 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng/2017 lên 11,5 tỷ USD, tăng 39,3% so với 4 tháng/2016; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 7,22 tỷ USD, tăng 60,1% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 4,28 tỷ USD, tăng 16,1%.

 

Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc, trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 với trị giá là 3,79 tỷ USD, tăng 135%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 3,4 tỷ USD, tăng 31%; Nhật Bản: 1,39 tỷ USD, tăng 7,4%; Đài Loan: 408 triệu USD, giảm 3,4%…

 

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2017 đạt 2,85 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 10,44 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với 3,84 tỷ USD, tăng 39,2%; thị trường Trung Quốc với 2,09 tỷ USD, tăng 26,1%; thị trường Đài Loan với 1,06 tỷ USD, tăng 15,4%;…

 

Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,2%. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 4,02 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Trung Quốc với 2,13 tỷ USD, tăng 6,3%; thị trường Hàn Quốc đạt 1,43 tỷ USD, tăng 31,5%;…

 

Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 4/2014 đạt 1,44 triệu tấn, trị giá 866 triệu USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 0,8% về trị giá. Đưa lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 4 tháng/2017 đạt 5,64 triệu tấn, trị giá 3,23 tỷ USD, gảm 8,3% về lượng, tuy nhiên tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

 

Thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Trung Quốc với 2,76 triệu tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Nhật Bản với 747 nghìn tấn, trị giá 447 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và tăng 32,4% về trị giá; thị trường Hàn Quốc đạt 535 nghìn tấn, trị giá 383 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và tăng 38,4% về trị giá;…

 

Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng là hơn 1,05 triệu tấn, trị giá là 543 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 18% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2017, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,98 triệu tấn, giảm 3,2%. Đơn giá nhập khẩu bình quân tăng tới 46,5% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu là gần 2,15 tỷ USD, tăng 41,8% so với 4 tháng/2016.

 

Trong 4 tháng/2017, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 1,65 triệu tấn, giảm 9,5%; Hàn Quốc: 986 nghìn tấn, gấp 2 lần; Ma-lai-xi-a: 770 nghìn tấn, giảm 24,1%; Trung Quốc: 344 nghìn tấn, giảm 16%… so với cùng kỳ năm trước.

 

Than đá: Lượng nhập khẩu trong tháng là 1,02 triệu tấn, giảm mạnh 48,8% so với tháng trước nhưng gần tương đương với mức trung bình của năm 2016 (1,11 triệu tấn/tháng). Đơn giá trong tháng giảm 20,2% dẫn đến trị giá nhập khẩu than đá tháng 4/2017 giảm mạnh 59,3% so với tháng 3/2017, đạt 88,2 triệu USD. Tính trong 4 tháng/2017, lượng than đá cả nước nhập về là 4,63 triệu tấn, trị giá là 498 triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 71,3% về trị giá do đơn giá nhập khẩu tăng cao (tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2016).

 

Than đá nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Ôxtrâylia là gần 1,4 triệu tấn, giảm 3,8%; In-đô-nê-xi-a: 1,6 triệu tấn, tăng 93,4%; Liên bang Nga: 762 nghìn tấn, giảm 45,9%… so với 4 tháng/2016.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 4/2017 là 6,96 nghìn chiếc, giảm 37,8% so với tháng trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở nhóm hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhập khẩu trong tháng là gần 2,5 nghìn chiếc, trong khi đó con số này của tháng trước là hơn 6,7 nghìn chiếc. Tính đến hết tháng 4/2017, cả nước nhập khẩu 33,4 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 15,6% (tương đương tăng 4,5 nghìn chiếc) so với cùng kỳ năm trước.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan vớ 12 nghìn chiếc trị giá 219 triệu USD, tăng 18,7% về lượng và 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Inđônêxia với gần 6 nghìn chếc trị giá 102 triệu USD, tăng 5,3 lần về lượng và 7,6 lần về trị giá; thị trường Ấn Độ với gần 5 nghìn chiếc, trị giá 22 triệu USD, tăng 1,1 lần về lượng nhưng giảm 3,5% về trị giá;…

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

59 DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN ĐÓNG GÓP 94 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Tính trung bình mỗi doanh nghiệp ưu tiên có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu gần 1,6 tỷ USD.
Biểu đồ: T.Bình.

Đây là thông tin đáng chú ý được Tổng cục Hải quan chuẩn bị phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 (ngày 17/5).

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chế độ doanh nghiệp ưu tiên là một trong những giải pháp quan trọng để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lợi ích cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng (theo quy định của Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn) khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên như: Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

Đồng thời doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan…; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật…

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên, tổng số doanh nghiệp ưu tiên hiện nay của cả nước là 59 doanh nghiệp. Trong năm 2016, tổng trị giá kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này đạt 94 tỷ USD.

Như vậy, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên chiếm đến 26,8% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm ngoái (cả nước đạt 350,74 tỷ USD).

Trong số các doanh nghiệp đang được công nhận có 24 doanh nghiệp trong nước, 13 doanh nghiệp vốn của Nhật Bản, 9 doanh nghiệp vốn của Hàn Quốc và một số doanh nghiệp thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hồng Kông, Đài Loan, Italy, Singapore, doanh nghiệp liên doanh.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHẬP SIÊU GẦN 1,89 TỶ USD

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn khiến nước ta vẫn bị thâm hụt thương mại lớn.

Máy móc thiết bị đang là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Trong ảnh, máy xúc được nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố chiều ngày 9/5, tổng giá trị kim ngạch XNK cả nước trong tháng 4/2017 đạt gần 34,91 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Qua đó, nâng tổng tổng trị giá XNK hàng hoá đạt tính hết 4 đầu năm đạt 126,1 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ 2016.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 62,11 tỷ USD, tăng 16,8% và tổng trị giá nhập khẩu đạt gần 64 tỷ USD, tăng 24%. Như vậy, tính hết tháng 4, Việt Nam đang nhập siêu gần 1,89 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, một số nhóm hàng nhập khẩu có sự biến động đáng chú ý (tăng, giảm) trong tháng 4 vừa qua có thể kể đến như: Máy móc thiết bị tiếp tục tăng 5,7% so với tháng trước, với trị giá kim ngạch đạt 3,44 tỷ USD và lũy kế hết tháng 4 đạt 11,505 tỷ USD và đây là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta.

Trong khi đó, mặt hàng gây được nhiều sự chú ý là ô tô nguyên chiếc các loại tiếp tục có chiều hướng suy giảm với việc giảm 38,1% về lượng và giảm 7% về trị giá. Trong 4 tháng qua, cả nước nhập khẩu 33.404 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 663 triệu USD.

Ở chiều xuất khẩu, điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá kim ngạch đạt 12,148 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may dù vẫn đứng ở vị trí thứ 2 (đạt 7,478 tỷ USD) nhưng đã bị nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện bám sát với khoảng cách chỉ còn 128 triệu USD…

Thái Bình

UAE CẤM NHẬP RAU QUẢ TỪ 5 NƯỚC, CƠ HỘI CHO VIỆT NAM

(HQ Online)- Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5/2017 để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất UAE.

Trong bối cảnh Chính phủ UAE đang thắt chặt quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại rau củ quả nhập khẩu, đây là cơ hội cho Việt Nam. Ảnh internet.

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) ngày 8/5 phát đi thông tin, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu (MOCCAE) Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số loại rau quả từ 5 nước Trung Đông gồm Ai Cập, Oman, Jordan, Lebanon và Yemen do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5/2017 để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng UAE.

Theo đó, các loại rau củ quả bị cấm nhập khẩu gồm: Các loại ớt chuông từ Ai Cập; bắp cải, cải thảo, rau diếp, bí, đậu và cà tím từ Jordan; các loại táo từ Lebanon; các loại dưa, cà rốt và cải xoong từ Oman; và tất cả các loại trái cây từ Yemen.

Bộ này cũng yêu cầu các bộ chức năng của 5 quốc gia trên cần tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của UAE, lệnh cấm sẽ được hủy bỏ khi các yêu cầu về an toàn thực phẩm được đáp ứng và 5 quốc gia trên cung cấp được các giấy tờ chứng nhận sản phẩm rau củ quả của nước mình không chứa quá nhiều dư lượng thuốc trừ sâu.

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, việc chính phủ UAE cấm nhập khẩu các loại rau và trái cây từ 5 quốc gia nói trên có thể sẽ đẩy giá các loại rau và trái cây tại UAE lên cao trong ngắn hạn do bị hạn chế nguồn cung để chuẩn bị cho mùa lễ Ramadan sẽ diễn ra trong khoảng cuối tháng 5 tới đây. Trong số các quốc gia nói trên, Ai Cập, Jordan đứng thứ 5 và 6 các nước xuất khẩu các loại rau nhiều nhất sang UAE với kim ngạch tương ứng 78 triệu USD và 72 triệu USD (theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế – ITC).

Do điều kiện tự nhiên, khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên UAE phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Theo số liệu của ITC, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của UAE năm 2014 đạt gần 3,2 tỷ USD, 2015 đạt khoảng 2,6 tỷ USD và trên 2,5 tỷ USD năm 2016. 

Trong đó, UAE nhập khẩu từ khoảng 20 quốc gia, chủ yếu từ Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi, với các loại trái cây như táo, lê, các loại trái cây họ cam, rau củ tươi… Hàng hóa nhập khẩu vào UAE không chỉ để phục vụ tiêu dùng của người dân UAE mà còn để phục vụ khách du lịch và người lao động nhập cư.

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam xuất khẩu sang UAE chỉ đạt 14,2 triệu USD năm 2014, 16,2 triệu USD năm 2015 và 22,8 triệu USD năm 2016. Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước đó nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỉ trọng không đáng kể trong tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của UAE.

Trong những năm qua, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã phối hợp với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp của hai nước tổ chức các sự kiện quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây của Việt Nam tại các siêu thị của UAE như: Ngày vải thiều tại UAE, Tuần lễ hàng nông sản Việt Nam tại UAE… đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng UAE. 

Hiện tại, nhóm hàng nông sản và trái cây Việt Nam đã tiếp cận được một số hệ thống siêu thị của UAE, các mặt hàng rau quả như chuối, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, hồng xiêm, xoài, ổi đang được bán tại các siêu thị với giá tốt, được người tiêu dùng UAE ưa chuộng.

Trong bối cảnh Chính phủ UAE đang thắt chặt quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại rau củ quả nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu đang làm ăn hoặc đang có ý định tiếp cận thị trường UAE cần lưu ý tới các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của UAE đặc biệt đối với vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội tốt cho sản phẩm rau củ quả của Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại thị trường UAE.

Phan Thu

THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ ĐÃ QUA SỬ DỤNG THUỘC DIỆN CẤM NK

(HQ Online)- Báo Hải quan nhận được câu hỏi của bạn đọc hỏi về việc muốn nhập các hàng thiết bị điện tử từ Nhật Bản và chính sách thuế nhập khẩu mặt hàng này. 

Một lô hàng điện lạnh, điện gia dụng cấm nhập khẩu bị cơ quan Hải quan phát hiện tại cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT). Ảnh: Nguyễn Huế.

Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc, Tổ tư vấn Báo Hải quan xin tư vấn như sau:

Căn cứ Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thì sản phẩm điện tử đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu.

Đề nghị bạn đọc nghiên cứu Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm NK (Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ) để thực hiện theo đúng quy định. Danh mục này áp dụng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch, phi mậu dịch; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới; hàng hóa viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ.

Tổ tư vấn pháp luật

TÍNH THUẾ GTGT ĐỐI VỚI TRANG THIẾT BỊ Y TẾ NK

(HQ Online)- Trước đề nghị của Công ty TNHH DV Hàng hóa Trí Việt về hướng dẫn quy định về thuế GTGT đối với mặt hàng trang thiết bị y tế, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cụ thể về nội dung này. 

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Phó Bảng, Cục Hải quan Hà Giang. Ảnh: T.Trang.

Theo Tổng cục Hải quan, đối với một số mặt hàng không có văn bản xác nhận của Bộ Y tế, nhưng có mã số HS tại Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính thì trong một số trường hợp sẽ có cách tính thuế GTGT khác nhau.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Thông tư 83/2014/TT-BTC thì: Trường hợp hàng hoá được quy định cụ thể thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% hoặc 10% theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT thì thực hiện theo quy định tại các văn bản đó. Riêng hàng hoá là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản; thiết bị, dụng cụ y tế chuyên dùng thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 4, Thông tư  83/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, tại khoản 5, Điều 4, Thông tư 83/2014/TT-BTC quy định thì: Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: Các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác thực hiện theo quy định tại Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư 83/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Được biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có một số công văn hướng dẫn về thuế GTGT đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu để thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 8, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính. 

Cụ thể: Công văn số 8159/BTC-TCT ngày 18/6/2015 của Bộ Tài chính; Công văn số 17278/BTC-TCT ngày 20/11/2015 của Bộ Tài chính; Công văn số 743/BTC-TCHQ ngày 17/1/2017 của Bộ Tài chính; Công văn số 2446/TCHQ-TXNK ngày 12/4/2017 của Tổng cục Hải quan. Trong đó, điểm 1 công văn số 743/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính đã hướng dẫn rõ vấn đề này.

Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty TNHH DV Hàng hóa Trí Việt nghiên cứu quy định nêu trên để thực hiện. Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan để được hướng dẫn cụ thể.

Thu Trang