4 NHÓM PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ PHẢI DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ vừa quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu. Ảnh: H.Dịu

Theo đó, có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Thứ nhất là nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ. Thứ hai là nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay. Thứ ba là nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện. Cuối cùng là nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.

Về lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng, đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với các thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nhiệp sau: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, nồi cơm điện, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy giặt lồng đứng, máy thu hình, máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện. Thực thiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31/12/2019 và bắt buộc từ ngày 1/1/2020 đối với sản phẩm đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.

Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với tủ giữ lạnh thương mại. Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in. Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31/12/2019 và bắt buộc từ ngày 1/1/2020 đối với máy tính xách tay.

Đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải (sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới): Thực hiện dãn nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống. Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ đến hết ngày 31/12/2017; đối với xe mô tô, xe gắn máy đến hết ngày 31/12/2019. Từ ngày 1/1/2018 thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ và đối với xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 1/1/2020.

Nhà nước khuyến khích thực hiện việc dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với phương tiện, thiết bị không thuộc quy định trên.

Hương Dịu

Từ 10/2, doanh nghiệp được tự dán nhãn năng lượng

(HQ Online)- Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng đến Bộ Công Thương doanh nghiệp được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm đã đăng ký.

Doanh nghiệp tự dán nhãn năng lượng và chịu trách nhiệm với các thông tin đã công bố. Ảnh: Quang Tấn.

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012/TT-BCT về dán nhãn năng lượng. Nếu trước kia, theo Thông tư 07, để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất hay các công ty nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định. Việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra.

Đã có rất nhiều doanh nghiệp phản ánh về sự rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí… cho doanh nghiệp khi làm thủ tục dán nhãn năng lượng theo Thông tư 07.

Do đó, sự ra đời của Thông tư 36 được coi là sự “cởi trói” cho doanh nghiệp thực hiện dán nhãn năng lượng. Thông tư này quy định, trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị đó phải lập 1 bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng và gửi về Bộ Công Thương.

Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng đến Bộ Công Thương doanh nghiệp được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm đã đăng ký. 

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin đã công bố trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng và thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng.

Thông tư 36 cũng cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm). 

Đây cũng là một điểm gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trước đó. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần đối với cùng một model sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng do quy định về chứng nhận dán nhãn năng lượng theo lô hàng hóa nhập khẩu, hiệu lực của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng chỉ kéo dài trong 6 tháng.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục năng lượng – Bộ Công Thương) nhấn mạnh, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý hậu kiểm sau khi doanh nghiệp tiến hành dán nhãn và lưu thông trên thị trường.

Doanh nghiệp rất ủng hộ quyết định sửa đổi Thông tư 36 theo hướng tạo điều kiện thông thoáng cho thủ tục dán nhãn năng lượng, thông thoáng trong xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có đánh giá cụ thể về tác động của Thông tư 36 đến doanh nghiệp như thế nào cần phải có thời gian.

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/