MỞ RỘNG THU THẬP THÔNG TIN ĐẾN DOANH NGHIỆP VẬN TẢI, KHO BÃI

(HQ Online)- Các DN trong chuỗi dây chuyền cung ứng các dịch vụ liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa (gồm đại lý hải quan, DN vận tải, kho bãi…) cũng được Tổng cục Hải quan đặt trọng tâm triển khai thu thập thông tin trong năm 2017.

Cơ quan Hải quan thu thập, xử lý thông tin phục vụ áp dụng quản lý rủi ro. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thủy An, Cục Hải quan Thừa-Thiên Huế.  Ảnh: Q.H.​​​

Theo thông tin từ Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), về cơ bản công tác thu thập, xử lý thông tin phục vụ quản lý rủi ro (QLRR) đã được quy định đầy đủ tại các văn bản Luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Tuy nhiên, ở một số nhóm thông tin cơ quan Hải quan cần thu thập từ các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng ngoài ngành để hỗ trợ việc theo dõi nâng cao năng lực đánh giá tuân thủ, xếp hạng rủi ro DN và xác định trọng điểm vẫn chưa được đặc biệt chú trọng. Một số cục hải quan tỉnh, thành phố do đặc thù địa bàn lớn, nguồn lực có hạn, chưa bám sát đặc điểm tình hình tại địa bàn của đơn vị để xác định nhu cầu trọng tâm trong việc thu thập thông tin nên việc triển khai chưa thực sự hiệu quả.

 Cục Quản lý rủi ro cho rằng, việc thu thập thông tin liên quan đến DN hoạt động XNK cần tập trung vào xác định tình trạng hoạt động thực tế, các mối quan hệ trong và ngoài DN, tình hình vi phạm pháp luật do các cơ quan chức năng xử lý. Do vậy, các DN trong chuỗi dây chuyền cung ứng các dịch vụ liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa (gồm đại lý hải quan, DN vận tải, kho bãi…) cũng được Tổng cục Hải quan đặt trọng tâm triển khai thu thập thông tin trong năm 2017.

Nhờ thu thập thông tin về các DN, Cục Quản lý rủi ro đã hướng dẫn các đơn vị Quản lý rủi ro cấp cục hải quan tỉnh, thành phố phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm, chuyển thông tin để tổ chức thực hiện soi chiếu trước. Kết quả, lực lượng Hải quan các cấp đã “lật tẩy” nhiều lô hàng cất giấu hàng hóa cấm NK, gian lận thương mại. Các đơn vị đã tập trung phân tích thông tin, xác định chính xác một số lô hàng NK về Việt Nam có giấu ngà voi thông qua hoạt động “soi chiếu trước” và sự phối hợp kiểm tra thực tế hàng hóa của các lực lượng chức năng.

Việc ban hành Kế hoạch thu thập xử lý thông tin năm 2017 dựa trên nền tảng các văn bản quy định về QLRR, bám sát Kế hoạch Kiểm soát rủi ro của ngành Hải quan năm 2017 và những yêu cầu về thông tin phục vụ công tác nghiệp vụ trong năm 2017; tiếp thu và điều chỉnh từ kết quả triển khai thực tế năm 2016 tại các đơn vị hải quan trên toàn quốc.

Để công tác thu thập, xử lý thông tin QLRR phát triển toàn diện và chiều sâu, trở thành công tác nghiệp vụ cơ bản của ngành Hải quan, trong Kế hoạch thu thập, xử lý thông tin QLRR của ngành Hải quan năm 2017 đề ra mục tiêu thu thập, cập nhật, thẩm định thông tin, phê duyệt hồ sơ DN trên hệ thống được hoàn thành đối với 30.000 hồ sơ DN hoạt động XNK được chia làm 12 đối tượng DN khác nhau. Trong đó, cơ quan Hải quan đặt ra các tiêu chí cụ thể theo từng nhóm DN. Đơn cử như  70% DN hoạt động gia công, sản xuất hàng XK, chế xuất trên địa bàn; DN; 100% DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh; 100% DN làm dịch vụ trên địa bàn được xác định theo chuyên đề kiểm soát rủi ro. Bên cạnh đó, 100% DN kinh doanh kho ngoại quan; DN kinh doanh cảng, kho bãi; DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động… cũng được thực hiện thu thập, xử lý thông tin xây dựng hồ sơ DN.

Tổng cục Hải quan cũng đặt ra yêu cầu, thông tin được thu thập, cập nhật vào hệ thống hoặc cung cấp cho người có trách nhiệm phải đầy đủ, chính xác, kịp thời. Thông tin được lưu trữ, quản lý tập trung thống nhất tại Tổng cục Hải quan; được xử lý, cung cấp kịp thời cho đơn vị Hải quan các cấp trong thực hiện, áp dụng QLRR và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Theo đó, nguyên tắc chung của việc thu thập, xử lý thông tin QLRR phải được phân công cho tất cả các đơn vị, công chức có liên quan trên cơ sở phù hợp với chức năng nhiệm vụ theo quy định đối với từng cấp, đơn vị.

Quang Hùng

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HOÀN THIỆN PHÁP LÝ ĐỂ MỞ RỘNG KẾT NỐI HẢI QUAN VỚI DOANH NGHIỆP KHO, BÃI, CẢNG

(HQ Online)- Song song với việc hoàn thiện hệ thống CNTT, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ việc mở rộng trao đổi, kết nối thông tin giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng phục vụ công tác giám sát hàng hóa XNK.

Đối tượng hàng hóa được phối hợp giám sát sẽ mở rộng thêm hàng rời, hàng lỏng. Trong ảnh: Hàng hóa nhập khẩu tại cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình​​​.

Việc phối hợp, kết nối hệ thống CNTT giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh cảng để giám sát hàng hóa XNK được Tổng cục Hải quan thực hiện từ tháng 9/2015 tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng). Đến nay, có 9/14 cảng khu vực cảng biển Hải Phòng và cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Cát Lái (TP.HCM) thực hiện nội dung này. Đối tượng đầu tiên được Tổng cục Hải quan lựa chọn triển khai kết nối để phối hợp giám sát hàng hóa XNK là doanh nghiệp kinh doanh cảng biển với đối tượng hàng hóa được vận chuyển bằng container. Sắp tới, Tổng cục Hải quan sẽ mở rộng đối tượng doanh nghiệp kết nối (thêm doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi) và đối tượng hàng hóa (hàng rời, hàng lỏng).

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn đánh giá, quá trình triển khai vừa qua đạt kết quả khả quan nhưng vẫn phát sinh một số vướng mắc về CNTT và cơ sở pháp lý. Đơn cử, mỗi cảng biển, doanh nghiệp kinh doanh cảng có đặc thù khác, mặt hàng, cũng như CNTT và chỉ tiêu thông tin quản lý khác nhau… Vì vậy, hệ thống CNTT, các chỉ tiêu thông tin áp dụng tại cảng này chưa chắc phù hợp hoàn toàn với cảng khác, áp dụng đúng với đặc thù mặt hàng này chưa chắc đúng với mặt hàng khác…

Mặt khác, cơ sở pháp lý quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển trong giám sát hải quan (giám sát hàng hóa XNK) đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 34 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Tuy nhiên, quy định về chỉ tiêu thông tin sẽ trao đổi giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng còn chung chung, chưa cụ thể.

Ông Cao Hồng Phong- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nam Hải Đình Vũ (doanh nghiệp đầu tiên thực hiện phối hợp giám sát với cơ quan Hải quan) cho biết, quá trình phối hợp kết nối vừa qua giữa doanh nghiệp với Hải quan Hải Phòng diễn ra thuận lợi. Giải pháp này đã từng bước khẳng định hiệu quả trong đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK, góp phần giúp cảng Nam Hải Đình Vũ tăng được sản lượng hàng hóa thông quan cảng từ 400.000 container năm 2015 lên 550.000 container năm 2016 và hết quý I/2017 đạt 200.000 container và dự kiến kết thúc năm nay là 750.000 container. Tuy nhiên, ông Cao Hồng Phong cũng bày tỏ băn khoăn thời gian tới hàng hóa được phối hợp giám sát sẽ mở rộng (hàng rời, hàng lỏng) là thách thức cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, hệ thống CNTT đảm bảo cho việc kết nối.

Theo ông Âu Anh Tuấn, để mở rộng hoạt động phối hợp giám sát, thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện về hệ thống CNTT, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện về cơ sở pháp lý phục vụ việc kết nối, trao đổi thông tin để giám sát hàng hóa XNK giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng được thực hiện thuận lợi. Đồng thời, cơ sở pháp lý đang được hoàn thiện sẽ xây dựng theo hướng mở rộng việc áp dụng cho tất cả cảng biển, cảng hàng không và các cảng nội địa (ICD), kho ngoại quan, kho hàng lẻ (CFS), kho hàng không kéo dài, địa điểm tập kết hàng hóa XNK… trên toàn quốc. Theo ông Âu Anh Tuấn, các nội dung trên sẽ được đưa vào Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Tại Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển” do Tổng cục Hải quan tổ chức tại Hải Phòng tuần qua, để ghi nhận ý kiến đóng góp của các đơn vị hải quan địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết: Việc sửa đổi Thông tư 38 liên quan đến nội dung trên được thực hiện theo hướng, quy định trách nhiệm của tất cả các đối tượng tham gia vào quá trình vận chuyển, lưu giữ, giao nhận hàng hóa XNK đang chịu sự giám sát hải quan tại cảng, kho, bãi, địa điểm tập kết hàng hóa XNK. Đồng thời quy định rõ nguyên tắc kết nối, trao đổi thông tin và những thông tin cần trao đổi giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng…  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh:

Kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng để quản lý hàng hóa XNK là giải pháp quan trọng đang được ngành Hải quan tập trung thực hiện. Bởi thực tế việc ứng dụng CNTT phục vụ kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng vẫn còn hạn chế cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việc kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Để thực hiện việc kết nối, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện Đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống điện tử”.

Nhằm thực hiện việc kết nối trong thực tiễn được thực hiện một cách hiệu quả, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị hải quan, nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ý kiến đóng góp tại Hội thảo, quá trình chuẩn bị doanh nghiệp có phát sinh thêm ý kiến đóng góp có thể gửi về Cục CNTT và Thống kê Hải quan; Cục Giám sát quản lý về hải quan; Cục Hải quan Hải Phong; Báo Hải quan…

(Phát biểu tại Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển”)

Thái Bình

BỐN “ÔNG LỚN” XIN ĐẦU TƯ MỞ RỘNG TÂN SƠN NHẤT

Dù điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất mới đang được cơ quan chức năng xem xét, nhưng khá nhiều tên tuổi lớn “xếp hàng” xin được đầu tư dự án nhà ga hành khách mới tại CHK này.

Tân Sơn Nhất là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Ảnh: Tạ Tôn.

Điểm mặt anh hào

 
Trong tờ trình mới nhất của Cục Hàng không VN gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không VN quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách CHK này lên 43-45 triệu khách/năm. Cục Hàng không VN cũng đề xuất giao ACV chủ trì kêu gọi, huy động vốn góp của các tổ chức, nhà đầu tư quan tâm.
 

Cái tên đầu tiên phải kể đến trong danh sách những nhà đầu tư đang “xếp hàng” xin được đầu tư vào Nhà ga hành khách T4 tại Tân Sơn Nhất là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP). Nhắc đến IPP, nhiều người nghĩ ngay đến “ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.Đây không phải lần đầu tiên ông Hạnh Nguyễn tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng không. Thực tế, IPP chính là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC, thành lập tháng 2/2016) – dự án đang được đầu tư với công suất từ 4 – 8 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư hơn 3.735 tỷ đồng. IPP cũng chính là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) – đơn vị có kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2016 tăng gấp 3,3 lần năm 2015 (từ 84 tỷ đồng lên 282 tỷ đồng).

Bày tỏ mong muốn được “góp công sức cùng Chính phủ, Bộ GTVT và TP.HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải cấp thiết của Tân Sơn Nhất”, IPP đề xuất được cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4 theo đúng quy hoạch và chủ trương được duyệt đồng thời cam kết hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công dự án.

Đứng thứ hai trong danh sách nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (AHT-TJC). AHT hiện đang là chủ đầu tư dự án Nhà ga quốc tế Đà Nẵng – dự án xã hội hóa đầu tiên trong lĩnh vực hạ tầng hàng không.

Đề xuất được kết hợp với TCT Cảng hàng không VN (ACV) để thành lập công ty dự án, tiến hành đầu tư Nhà ga hành khách T4 tại Tân Sơn Nhất, đại diện liên danh này cũng cho biết, nếu được chấp thuận, liên danh sẽ thành lập công ty dự án ngay trong tháng 6, nộp đủ vốn đầu tư theo quy định, hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án trước khi khởi công; Hoàn thành dự án trong tháng 12/2018 và chạy thử 1 tháng trước khi chính thức vận hành dự án trước Tết Âm lịch 2019.

Hai cái tên rất quen thuộc khác cũng đang bày tỏ tham vọng được đầu tư vào Nhà ga hành khách T4 là Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) và Công ty CP Hàng không Vietjet. Trong khi Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đề nghị được tham gia đầu tư vào Dự án Nhà ga hành khách T4 “để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ dây chuyền khai thác, vận chuyển hàng không” thì Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cũng bày tỏ mong muốn được “Bộ GTVT xem xét chấp thuận tham gia cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4. Đại diện Vietjet cũng cam kết sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp với ACV hoàn thành dự án này trong 18 tháng.

Nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất hấp dẫn mức nào?

Chỉ cần nhìn 4 tên tuổi “đáng nể” nói trên đang xếp hàng đầu tư cũng đủ biết sức hấp dẫn của nhà ga hành khách thứ 4 tại Tân Sơn Nhất. Thực tế, cùng với Nội Bài, Tân Sơn Nhất chính là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Nói như người đứng đầu Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh, Tân Sơn Nhất chính là một trong số rất ít CHK trong toàn bộ hệ thống 22 cảng mà ACV quản lý, khai thác đang có lãi. Hay nói cách khác, Tân Sơn Nhất đang đóng vai trò “gánh lỗ”, “anh nuôi” cho đa phần các CHK còn lại của ACV trừ Nội Bài.

Thực tế này cũng được chính Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng thừa nhận trước đó tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào ACV. Cụ thể, theo ông Hùng, kết quả kiểm toán trong tổng số 22 CHK do ACV quản lý, chỉ có Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có lãi, còn lại đều thua lỗ.

Theo thông tin của Báo Giao thông, năm 2016, lượng hành khách qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt 32,5 triệu khách, vượt khá xa năng lực hiện có của nhà ga này là 28 triệu khách. Trong các năm tới, nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 15%/năm trở lên. Điều này cũng có nghĩa, Nhà ga hành khách T4 ngay khi hoàn thành và đi vào khai thác sẽ không lo thiếu khách. Với công suất 15 triệu khách/năm, chưa tính khoản thu từ kinh doanh dịch vụ phi hàng không vốn được đánh giá là “siêu lợi nhuận”, chỉ cần làm một phép tính đơn giản là lấy số hành khách thông qua nhân với giá phục vụ hành khách (quốc tế là 20 USD/khách, quốc nội 70.000 đồng/khách đã bao gồm VAT) mà doanh nghiệp này thu được, có thể thấy khoản thu tương đối lớn mà nhà đầu tư nhận được mỗi năm so với tổng số tiền đầu tư (dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng).

Liên quan đến phương thức đầu tư dự án này, Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện quy hoạch điều chỉnh CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn chưa được duyệt. “Bộ GTVT đang giao Cục Hàng không VN nghiên cứu, đề xuất dự án cũng như phương án lựa chọn nhà đầu tư sao cho đúng và trúng, đảm bảo khách quan, minh bạch và hiệu quả”, ông Huy nói.

Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa thể quyết định ACV sẽ trực tiếp đầu tư (như Nhà ga T2 Nội Bài) hay theo mô hình hợp tác đầu tư với một liên danh khác (như AHT – Đà Nẵng, CRTC Cam Ranh). “Vấn đề BOT hay không BOT nhà ga này đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, dù có theo hình thức hợp đồng nào thì nhà đầu tư vẫn phải tuân thủ theo Luật Hàng không và Luật Giá”, ông Thanh khẳng định.

Mặc dù vậy, cuối giờ chiều qua (25/4), trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng nhận định, trong điều kiện hiện nay, khi xã hội hóa đang được đẩy mạnh, khả năng cao là Bộ GTVT sẽ quyết định triển khai dự án này theo hình thức BOT.

Theo Baodautu.vn

Nhận đất Quốc phòng:Sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng xong trước Tết 2018

Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT ký kết biên bản bàn giao phần đất sân đỗ quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất…

 
1

Gần 20ha đất được Bộ Quốc phòng bàn giao để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: Phan Tư

Sáng 21/2, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT ký kết biên bản bàn giao phần đất sân đỗ quân sự tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT để triển khai đầu tư nâng cấp, xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay. Đại diện hai Bộ tham dự ký kết biên bản bàn giao có Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

Giao gần 20ha đất quốc phòng để làm sân đỗ

Trước khi ký kết, lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng trực tiếp khảo sát lại các mốc giới phân định khu đất. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam và Cục Phòng không – Không quân sau đó ký biên bản ghi nhận các mốc giới. Khu đất Bộ Quốc phòng giao cho Bộ GTVT được xác định bởi 11 mốc. Phía Bắc giáp với đường lăn song song W11; Phía Nam giáp khu đất Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, khu doanh trại Lữ đoàn 918, nhà xưởng hangar (nhà chứa máy bay) 917/Sư đoàn 370. Phía Đông giáp khu 7,6ha mà Bộ Quốc phòng đã bàn giao để làm sân đỗ cho tàu bay dân dụng. Phía Tây giáp Sư đoàn 370 và Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt. Tổng diện tích được kiểm đếm chính xác là 19,79ha.

Trong biên bản ghi rõ mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng tạm bàn giao mặt bằng khu đất này cho Bộ GTVT để đầu tư, nâng cấp, mở rộng sân đỗ tàu bay và hệ thống đường lăn. Khi có tình huống phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, diện tích này phải được ưu tiên cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng công trình và quản lý sử dụng đất đúng mục đích, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Sau khi CHK quốc tế Long Thànhhoàn thành, Bộ GTVT bàn giao lại toàn bộ diện tích mặt bằng khu đất trên để Bộ Quốc phòng sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng mà không phải bồi thường giá trị tài sản trên đất. Trường hợp có nhu cầu sử dụng tiếp, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

2
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ xem sơ đồ thực địa khu vực gần 20ha mà Bộ Quốc phòng bàn giao cho Bộ GTVT để xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay – Ảnh: Phan Tư

Hoàn thành trước Tết 2018

Khu vực đất quốc phòng hiện hữu đang là khu sân đỗ cho tàu bay quân sự, hiện có 7 tàu bay quân sự đang đỗ ở đây. Hệ thống sân đỗ, đường lăn này đã được đầu tư từ lâu, chỉ đáp ứng cho những tàu bay nhỏ đỗ. Vì vậy, sau khi bàn giao, Cục Hàng không VN sẽ tiến hành nâng cấp toàn bộ khu đất này để đáp ứng điều kiện kỹ thuật cho những tàu bay dân dụng loại lớn có thể đỗ được.

Về giao thông kết nối bên ngoài sân bay, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, đã có kế hoạch mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình) ra 25m. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng cầu vượt trên đường Trường Sơn, cải tạo đường Cộng Hòa đoạn gần khu vực Lăng Cha Cả… để đảm bảo kết nối giao thông vào sân bay, kể cả việc kết nối với nhà ga lưỡng dụng sau này.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, với diện tích vừa được bàn giao, sau khi nâng cấp sẽ xây dựng được khoảng từ 30 – 35 vị trí đỗ tàu bay. Trong đó, sẽ dành 6 vị trí cho tàu bay quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng. “Hiện, Tân Sơn Nhất có 50 vị trí đỗ tàu bay, sau khi hoàn thành nâng cấp khu vực này có thể đáp ứng nhu cầu đỗ tàu bay khi Tân Sơn Nhất nâng công suất khai thác khoảng trên 40 triệu hành khách/năm”, ông Thanh nói và cho biết, một trong những điểm tắc của Tân Sơn Nhất là năng lực thông qua của khu bay. Tàu bay sau khi hạ cánh thoát ra khỏi đường cất/hạ cánh chậm dẫn đến việc ùn tắc trên trời. Tại khu vực gần 20ha được bàn giao, sau khi cải tạo, ngoài việc thêm các vị trí sân đỗ còn có thêm các đường lăn tạo điều kiện giải thoát nhanh tàu bay trên khu bay, từ đó giải quyết nhanh năng lực của vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông liệu với một khu vực diện tích lớn, quá trình thi công phức tạp bao giờ thì nâng cấp xong? Ông Thanh cho biết, sau khi tiếp nhận khu đất này, Bộ GTVT giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bắt tay lập dự án triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp. Về phương án thi công, đơn vị tư vấn là Công ty ADCC cũng tính toán, đưa ra các giải pháp. “Tinh thần là sẽ thực hiện cuốn chiếu theo từng khu vực nhỏ. Khu vực nào hoàn thành đưa vào khai thác luôn, nhưng tổng thể, phấn đấu hoàn thành và đưa và khai thác toàn bộ trước Tết 2018”, ông Thanh nói.

Đối với các hạng mục đầu tư nhà ga lưỡng dụng và đường kết nối vào nhà ga, ông Thanh cho biết, hạng mục này đang nghiên cứu và sẽ có quyết định sau khi Chính phủ thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất sắp tới.

Phan Tư

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/