HÀNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH Ở HẢI PHÒNG CÓ CHIỀU HƯỚNG GIẢM

(HQ Online)- Tỉ lệ tờ khai hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trên tổng số tờ khai xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan Hải Phòng đang có chiều hướng giảm.

Ô tô nhập khẩu là hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (thủ tục đăng kiểm). Trong ảnh, ô tô tải nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, năm 2015, toàn Cục giải quyết thủ tục cho gần 1,1 triệu tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chiếm tỉ lệ 17,2%, tương đương 183.362 bộ tờ khai.

Bước sang năm 2016, dù tổng lượng tờ khai toàn Cục tăng lên gần 1,3 triệu bộ, nhưng tổng số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành chỉ còn 166.160 bộ, tượng đương tỉ lệ 12,82%.

Trong quý I/2017, tỉ lệ tờ khai thuộc diện kiêm tra chuyên ngành tiếp tục giảm xuống 9,27% với 31.198 tờ khai trong tổng số tờ khai toàn Cục là 336.375 bộ.

Đáng chú ý, không chỉ số lượng tờ khai giảm mà thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đang được kéo giảm. Cụ thể, năm 2015, thời gian thông quan trung bình đối với tờ khai phải kiểm tra chất lượng (từ khi đăng ký đến khi nhận được kết quả) là 14,39 ngày; đối với tờ khai phải kiểm tra an toàn thực phẩm là 16,46 ngày. Nhưng đến năm 2016, thời gian trung bình giảm xuống còn khoảng 12 ngày.

Mặc dù trên bình diện chung hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành có chiều hướng giảm, nhưng hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở một số chi cục thuộc Cục Hải quan Hải Phòng lại có chiều hướng gia tăng.

Đơn cử như tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III, năm 2016, lượng tờ khai nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chiếm hơn 41% tổng số tờ khai nhưng sang quý I/2017 tỉ lệ này tăng lên 51%…

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

VIỆT NAM NK TRỞ LẠI MỘT SỐ MẶT HÀNG NÔNG SẢN TỪ ẤN ĐỘ

(HQ Online)- Từ ngày 10/5/2017, các mặt hàng nông sản từ Ấn Độ bị tạm ngừng nhập khẩu trước đây sẽ được tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam. 

Các mặt hàng nông sản từ Ấn Độ bị tạm ngừng nhập khẩu trước đây sẽ được tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam Ảnh: Internet.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa ban hành Quyết định số 1644/QĐ-BNN-BVTV về việc tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng có nguy cơ cao mang theo mọt lạc serratus từ Ấn Độ. Các mặt hàng nông sản bao gồm: Lạc (Arachis hypogaea), hạt muồng (Cassia spp.), hạt ca cao (Theobroma cacao), hạt đậu cô-ve (Phaseolus spp.) và quả me (Tamarindus indica).

Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của Ấn Độ tăng cường kiểm dịch thực vật nhằm đảm bảo ngăn chặn triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật trên hàng xuất khẩu sang Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với nông sản nêu trên từ Ấn Độ nhằm đảm bảo không để đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/3, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 558/QĐ-BNN-BVTV tạm ngừng nhập khẩu các nông sản trên do nguy cơ nhiễm mọt Caryedon serratus Olivier, loại mọt có thể gây tổn thất lớn cho các loại nông sản bảo quản trong kho, gây hại lạc, hạt muồng, hạt ca cao, đậu cô-ve và quả me

Xuân Thảo

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Sản phẩm sữa nhập khẩu phải kiểm dịch

(HQ Online)- Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới đây đã có công văn trả lời DN và Tổng cục Hải quan về những kiến nghị liên quan đến kiểm dịch NK sữa bột, trong đó nêu: Sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

CBCC hải quan kiểm tra hàng hóa XNK.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc một mặt hàng (sữa bột đóng hộp) do hai bộ cùng quản lý.

Cụ thể là trường hợp Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Nhật Minh làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng sữa bột đóng hộp dành cho trẻ em nhãn hiệu Pediasure của Úc, đóng trong hộp sắt tráng thiếc, 800g/hộp, bao bì đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Lô hàng sữa bột trên đã được chứng nhận hợp quy và kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế trước khi thông quan.

Căn cứ Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm trên cạn thì sản phẩm sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Trong khi căn cứ Quyết định số 3648/QĐ-BCT ngày 8-9-2016 của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì mặt hàng sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan.

Như vậy, căn cứ hai văn bản hướng dẫn trên, đối với mặt hàng sữa bột đóng hộp vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đề nghị: Đối với mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến sâu (như: Sữa chua, thực phẩm đóng hộp…) vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình một trong hai chứng từ để thông quan hàng hóa.

Phản hồi ý kiến của cơ quan Hải quan và DN, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Thú y giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, theo đó sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.

Lý giải về điều này, Cục Thú y nêu những quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex về chứng nhận kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa trong thương mại quốc tế; thỏa thuận về yêu cầu vệ sinh thú y đối với Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch XK sữa và sản phẩm sữa (gồm cả sữa chế biến) từ các nước vào Việt Nam. 

Hiện nay, việc kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa do cơ quan thú y tại cửa khẩu thực hiện. Việc kiểm dịch gồm: Kiểm tra các nội dung chứng nhận trong Giấy chứng nhận kiểm dịch có đúng với nội dung đã thỏa thuận hay không; kiểm tra cảm quan và các chỉ tiêu vệ sinh thú y gồm các vi sinh vật truyền lây giữa người và động vật; hoặc tùy vào tình hình dịch bệnh của nước XK để kiểm tra.

N.Linh