NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN THỐNG NHẤT VỀ KHAI BÁO ĐỊNH MỨC HÀNG GIA CÔNG, SẢN XUẤT XK

(HQ Online)- Làm cách nào để tạo thuận lợi cho DN gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trong quá trình làm thủ tục hải quan, đồng thời cơ quan Hải quan có cơ sở để quản lý, tránh thất thu thuế? Đây là vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC do Tổng cục Hải quan tổ chức, ngày 27/9. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các DN XNK liên quan lĩnh vực điện tử, dệt may, da giầy, cơ khí và thủy sản.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư-gia công (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.LINH

Loại hình nhiều đặc thù

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định, quan điểm của cơ quan Hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho DN, không gây khó khăn so với quy định hiện hành, song phải đảm bảo quản lý của cơ quan Hải quan đối với hoạt động sản xuất của DN.

Đại diện ban soạn thảo, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, trong quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC, Tổng cục Hải quan đã nhận được ý kiến tham gia của một số DN, Hiệp hội DN về nội dung dự thảo Thông tư. Những vấn đề DN gia công, sản xuất XK phản ánh liên quan tới định mức; báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư NK. Nhiều vấn đề đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa. Tại hội nghị này sẽ tiếp tục thảo luận về những vấn đề trên nhằm đưa ra giải pháp quản lý tốt nhất cho cả hai bên.

Trao đổi về những vấn đề DN phản ánh trong quá trình hoàn thiện dự thảo, ông Âu Anh Tuấn cho biết, mỗi nhóm DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau lại có những đặc thù riêng.

Nhóm DN điện tử phản ánh, do tính chất đặc thù của ngành hàng điện tử, trước khi sản xuất sản phẩm DN xây dựng định mức kỹ thuật chưa tính hao hụt trong quá trình sản xuất. Định mức kỹ thuật của sản phẩm và các tài liệu liên quan đến thay đổi định mức đều được lưu trữ trên phần mềm. Khi sản xuất sử dụng định mức kỹ thuật để tính toán lượng nguyên liệu thực tế đưa vào sản xuất và ghi nhận lượng nguyên liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất bằng hệ thống theo dõi riêng của DN.

Cùng một mã sản phẩm của nhiều đơn hàng khác nhau thì DN chỉ tính toán “định mức trung bình tháng” dựa trên định mức của từng đơn hàng. Như vậy, DN cho rằng thực tế khi kết thúc quá trình sản xuất, DN không tính toán định mức thực tế bao gồm tỷ lệ phế liệu, phế phẩm mà có hệ thống theo dõi toàn bộ lượng nguyên liệu hao hụt được ghi nhận trên hệ thống và trên sổ sách kế toán thay vì phải phân bổ thành tỷ lệ hao hụt trong định mức. Kiến nghị của nhóm DN ưu tiên điện tử và Công ty Samsung Thái Nguyên là sử dụng định mức trung bình tháng= tổng lượng từng nguyên liệu cấp cho các lệnh sản xuất/tổng lượng sản phẩm và bán thành phẩm của các lệnh sản xuất.

Nhóm DN dệt may phản ánh: Hiện nay, công ty may mặc đang ký kết hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài theo dạng hợp đồng nguyên tắc có thời hạn thực hiện từ 1 đến 5 năm. Vì vậy khi ký hợp đồng gia công hai bên chưa có đầy đủ các thông tin của các đơn hàng sẽ sản xuất, khi có đơn hàng phát sinh cụ thể hai bên ký phụ lục thực hiện. Do vậy, quy định thông báo định mức kỹ thuật khi thông báo hợp đồng gia công chưa phù hợp với thực tế.

Trong quy định về định mức có đưa ra hai khái niệm về định mức kỹ thuật và định mức thực tế. DN đề nghị làm rõ nội hàm của từng khái niệm và giá trị sử dụng của cả phía DN cũng như cơ quan Hải quan. Tránh trường hợp định mức kỹ thuật, định mức thực tế có sự sai khác là lý do để cơ quan Hải quan kiểm tra, xử lý thuế. Hơn nữa, các DN dệt may cho rằng việc xác định định mức thực tế dựa vào định mức kỹ thuật và các chứng từ như xuất bù nguyên phụ liệu, chứng từ thu lại nguyên phụ liệu, sản phẩm hư hỏng, phế liệu, hạch toán vào hệ thống kế toán theo từng kỳ kế toán, điều này gây khó khăn cho DN và kiến nghị không phải thông báo định mức kỹ thuật chỉ yêu cầu định mức thực tế sử dụng của đơn hàng khi kết thúc sản xuất cùng với thời điểm nộp báo cáo quyết toán. DN có trách nhiệm xây dựng, lưu giữ tài liệu và chứng minh định mức thực tế sản xuất cho từng mã hàng của mình.

Cần giải pháp chung nhất

Những ý kiến phản hồi của DN trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được ban soạn thảo tiếp thu và giải trình cụ thể. Một trong những vấn đề được làm rõ là khái niệm định mức kỹ thuật, bao gồm định mức sử dụng và lượng hao hụt của từng nguyên liệu, vật tư dự kiến (riêng đối với DN điện tử khi xây dựng định mức kỹ thuật không xác định hao hụt sẽ ghi nhận và quy định phù hợp với đặc thù của DN điện tử). DN sẽ tổ chức sản xuất theo định mức kỹ thuật do DN tự xây dựng. Trong quá trình tổ chức sản xuất của sản phẩm theo định mức kỹ thuật này, thực tế lượng nguyên liệu, vật tư sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm (bao gồm phế liệu, phế phẩm, phế thải trong quá trình sản xuất) thì được gọi là định mức thực tế.                           

Tiếp thu ý kiến các DN dệt may, tại thời điểm thông báo hợp đồng gia công có thể không có định mức thỏa thuận trên hợp đồng và thực tế khi DN xây dựng định mức kỹ thuật để sản xuất hàng hóa cho hợp đồng cũng có thể sai khác so với định mức thỏa thuận tại hợp đồng. Mặt khác, căn cứ thực tế sản xuất tại các DN trước khi tổ chức sản xuất đều đã xây dựng định mức kỹ thuật của từng mã sản phẩm và đình định mức kỹ thuật này trong sản xuất tại DN. Do vậy, ban soạn thảo gộp khái niệm về định mức kỹ thuật đối với cả loại hình gia công, sản xuất XK là định mức do DN xây dựng trước khi tổ chức sản xuất và chỉ phải thông báo định mức kỹ thuật này cho cơ quan Hải quan khi XK mã sản phẩm đầu tiêu.

Liên quan đến mục đích sử dụng định mức, ban soạn thảo cho biết, cơ quan Hải quan chỉ sử dụng định mức thực tế khi kiểm tra việc khai báo chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm của DN, khi hoàn thuế, không thu thuế hoặc khi kiểm tra, thanh tra DN. Về định mức kỹ thuật, khi tiêp nhận cơ quan Hải quan dùng để phân tích, đánh giá quá trình hoạt động của DN để xác định đối tượng rủi ro, bất thường. 

Tuy nhiên, do các DN với quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau nên tại hội nghị này, đại diện các DN ở các lĩnh vực, ngành nghề tiếp tục cho ý kiến góp ý về xác định định mức thực tế sử dụng tại DN, thời điểm thông báo định mức. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của DN để nghiên cứu, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác được DN tham gia ý kiến như: Hồ sơ hải quan; thời điểm thông báo kết quả phân luồng tờ khai hải quan; giám sát hải quan… cũng được ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa.

Về vấn đề báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nguyên liệu, phản ánh của nhiều DN là giữ nguyên tần suất báo cáo quyết toán theo năm tài chính và một số DN cho rằng mẫu báo cáo quyết toán này quay trở lại cách quản lý truyền thống. Đồng thời về quy định cơ quan Hải quan sẽ xây dựng hệ thống kết nối để DN cung cấp thông tin với cơ quan Hải quan. DN quan ngại quá nhiều thông tin cung cấp và khối lượng thông tin lớn dấn đến chi phí cao và chất lượng kết nối để chuyển thông tin từ DN đến Hải quan không đảm bảo ổn định.

Về vấn đề này, ban soạn thảo cho biết, trong dự thảo thông tư đã quy định rõ trường hợp thực hiện kết nối hệ thống thì không phải thực hiện quy định về báo cáo quyết toán. Như vậy, đối với những trường hợp chưa sẵn sàng thực hiện kết nối với cơ quan Hải quan sẽ phải thực hiện báo cáo quyết toán định kỳ với cơ quan Hải quan. Hiện tại giải pháp công nghệ thông tin kết nối dữ liệu giữa DN và cơ quan Hải quan nhằm quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đang được Tổng cục Hải quan xây dựng, sẽ có những chỉ tiêu thông tin để quản lý xuất-nhập-tồn kho nguyên liệu, vật tư, sản phẩm XK của hàng hóa gia công, sản xuất XK, DN chế xuất.

Ngọc Linh

THỰC HIỆN LẤY MẪU PHÂN TÍCH KHI CÓ NGHI NGỜ VỀ KHAI BÁO

(HQ Online)- Cơ quan Hải quan thực hiện lấy mẫu phân tích đối mới mặt hàng thuộc Danh mục không lấy mẫu phân tích nhưng có nghi ngờ khai báo không chính xác hoặc có khả năng gian lận và tự phân loại trên cơ sở kết quả phân tích của Cục Kiểm định Hải quan.

CBCC Cục Kiểm định thực hiện phân tích mẫu hàng hóa. Ảnh: Mạnh Hùng.

Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trước vướng mắc của Cục Hải quan TP.HCM trong việc xác định mã số hàng hóa của mặt hàng nhôm thỏi xuất khẩu.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “trường hợp cơ quan Hải quan không đủ cơ sở để xác định chính xác việc phân loại hàng hóa của người khai hải quan thì thực hiện phân tích để phân loại hàng hóa”.

Bên cạnh đó, tại điểm 4 công văn 11314/TCHQ-TXNK ngày 1-12-2016 Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn cụ thể: trường hợp hàng hóa khai báo thuộc Danh mục mặt hàng không phải lấy mẫu phân tích nhằm mục đích phân loại nhưng nghi ngờ việc khai báo không chính xác hoặc có khả năng gian lận thì các đơn vị thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa không thuộc Danh mục mặt hàng không phải lấy mẫu phân tích.

Theo đó, đối với vướng mắc trong việc xác định mã số hàng hóa của mặt hàng nhôm thỏi xuất khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM thực hiện lấy mẫu phân tích đối mới mặt hàng và tự phân loại trên cơ sở kết quả phân tích của Cục Kiểm định Hải quan.

Thu Trang

BỔ SUNG KHAI BÁO HẢI QUAN ĐỂ QUẢN LÝ THEO CHUỖI

(HQ Online)- Để quản lý hải quan hiện đại (quản hàng hóa XNK theo chuỗi), tạo thuận lợi cho DN, ngăn chặn gian lận thương mại, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC lần này, phần khai báo hải quan sẽ có thay đổi để phù hợp với thực tế.  

Hàng lậu do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.H

Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 38 hướng dẫn các nguyên tắc khai báo đối với tờ khai hải quan tại khâu trong thông quan và Phụ lục II hướng dẫn khai báo các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan, việc khai báo thông tin manifest đối với hàng nhập khẩu và thông tin hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh không có kết nối với tờ khai hải quan. 

Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn, quy định trên dẫn đến bất cập khi thực hiện đối với cơ quan Hải quan: Chưa phù hợp với cách quản lý hải quan hiện đại là quản lý theo chuỗi. Đó là, đối với hàng hóa xuất khẩu, quản lý từ khi có dự kiến xuất khẩu đến khi hàng hóa thực tế xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh; Đối với hàng hóa nhập khẩu, quản lý từ khi hàng hóa dự kiến nhập khẩu cho đến khi thông quan hàng hóa.

Do đó, việc quy định như hiện hành khó tiếp tục đột phá cải cách hiện đại hóa hải quan. Chẳng hạn, rất khó triển khai việc trao đổi, kết nối thông tin với doanh nghiệp cảng. Không ngăn chặn được các hành vi lợi dụng để thực hiện gian lận và buôn lậu, làm giảm hiệu quả quản lý hải quan do phát sinh tờ khai ảo, tờ khai trùng để lựa chọn phân luồng; khó kiểm soát các tờ khai có chung vận đơn để xác định hành vi gian lận về lượng khi khai báo…

Bất cập khi thực hiện đối với doanh nghiệp, chưa hỗ trợ cho người khai hải quan trong việc tra cứu, quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể, không hỗ trợ tra cứu được các thủ tục liên quan đến hàng hóa đã được bên liên quan thực hiện hay chưa (hãng tàu, forwarder, DN cảng…) để xác định chính xác lỗi (nếu có) là do đối tượng nào gây ra và trạng thái chính xác của hàng hóa đang ở vị trí nào trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Không hỗ trợ kết nối thông tin tờ khai với thông tin cấp phép của các cơ quan quản lý chuyên ngành…Chưa tạo tiền đề để hỗ trợ người khai hải quan xử lý các sai sót trong quá trình khai báo như: Không hỗ trợ người khai trong việc phát hiện và khai trùng thông tin tờ khai (với những doanh nghiệp không cố tình thực hiện).

Bên cạnh đó, quy đinh hiện hành cũng phát sinh bất cập đối với DN kinh doanh kho bãi: Việc kết nối được thông tin hàng hóa dỡ xuống bãi cảng với thông tin được phép đưa qua khu vực giám sát thiếu chính xác, dẫn đến: Khó áp dụng với toàn bộ hình thức vận chuyển hàng hóa, hiện tại chỉ áp dụng được với hàng hóa vận chuyển bằng container (các loại khác không có số quản lý hàng hóa duy nhất để nhận biết); Không làm tăng cường hiệu suất khai thác cảng do thông tin trao đổi không đầy đủ và chính xác, DN không thể chủ động việc xếp/dỡ. Khó áp dụng quy trình thực hiện thủ tục lấy hàng online của cảng, dẫn đến khó có thể giảm thời gian thông quan của hàng hóa.

Với những bất cập nêu trên, cần thiết phải thay đổi cách thức khai báo để kết nối được các khâu trong việc thực hiện thủ tục hải quan của các đối tượng khác nhau (manifest cho hãng tàu khai, tờ khai do người khai hải quan khai, thông tin giấy phép do Hệ thống một cửa gửi đến, việc xếp hàng lên phương tiện vận tải do DN cảng thực hiện).

Do đó, dự thảo Thông tư sửa đồi, bổ sung Thông tư 38 dự kiến thay đổi: trong khâu khai báo cần thiết phải có 1 chỉ tiêu thông tin chung kết nối các khâu với nhau, đó là số quản lý hàng hóa duy nhất.

Cụ thể, đối với tờ khai nhập khẩu, sử dụng tiêu chí “số vận đơn”. Theo phân tích của Cục Giám sát quản lý, về ưu điểm, đây là tiêu chí có sẵn trên tờ khai và đã được DN khai báo nên có thể áp dụng ngay; Nhược điểm, để tránh số vận đơn được dùng ở nhiều tờ khai khác nhau cần quy định để mỗi tờ khai chỉ có một số vận đơn để đảm bảo tính duy nhất.

Theo đó, bổ sung quy định khi khai hải quan tại Điều 18 như sau: Một vận đơn chỉ được khai báo trên một tờ khai hải quan. Trường hợp một vận đơn khai báo cho nhiều tờ khai hải quan thì phải đăng ký tách vận đơn với cơ quan Hải quan trước khi đăng ký tờ khai hải quan. Việc tách vận đơn sẽ do DN tự xác định số lượng vận đơn cần tách, số lượng hàng tương ứng trên mỗi vận đơn, cơ quan Hải quan không kiểm tra và phê duyệt.

Đối với tờ khai xuất khẩu, do không có tiêu chí sẵn có trên tờ khai xuất khẩu có khả năng nối kết giữa khâu trước, trong thông quan và khâu đưa hàng qua khu vực giám sát để xếp lên phương tiện vận tải nên cần phải đưa ra một số quản lý hàng hóa duy nhất. 

Để đảm bảo tính duy nhất, số quản lý này sẽ do Hệ thống hải quan cấp tự động khi DN thông báo có lô hàng xuất khẩu.

Lê Thu

KHAI BÁO HẢI QUAN ĐỐI VỚI LÔ HÀNG THANH TOÁN NHIỀU LẦN

(HQ Online)- Báo Hải quan nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc nhập một lô hàng từ Italy, thanh toán lô hàng chia làm hai lần, việc báo hải quan sẽ thực hiện như thế nào?

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Hà Tây. Ảnh: N.Linh

Cụ thể, Công ty có nhập một lô hàng từ Italy, giá trị thanh toán lô hàng: 14000 Eur, thanh toán được chia làm 2 lần: lần 1 là 7000 Eur (gồm: 3000 Eur bằng TTR và 4000 Eur là khoản bù trừ công nợ), lần 2 là 7000 Eur thanh toán sau 6 tháng kể từ ngày nhận được hàng. Tại thời điểm nhập hàng, Invoice bên Italy xuất cho chúng tôi thể hiện số tiền: 7000 Eur.

Vậy khi khai báo hải quan, chúng tôi để tổng giá trị hóa đơn là 7000 Eur và điều chỉnh cộng mã Q (AD): 3000 và điều chỉnh cộng mã M(AD): 4000 có hợp lý không? 

Trả lời câu hỏi của bạn đọc, Cục Thuế XNK cho biết, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 15/3/2015 của Bộ Tài chính thì người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quán theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan, Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung kê khai và kết quả tự xác định trị giá hải quan.

Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan hàng NK là giá thực tế phải tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BTC.

Việc khai báo trị giá hải quan thực hiện theo quy định tại Phụ lục II Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào quy định nêu trên, tổng trị giá tính thuế là 14000 euro, được khai báo như nội dung tại câu hỏi.

Tổ tư vấn pháp luật

Khai báo trong trường hợp nhiều tờ khai XK, NK chung container

(HQ Online)- Với trường hợp DN khai báo nhiều tờ khai XK, NK chung container, cách thức khai báo các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai như thế nào? Các bước thực hiện đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể.

Hàng hóa XNK ở cảng Green Port, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo đó, trường hợp hàng đóng trong một hoặc nhiều container nhưng phải khai nhiều tờ khai do vượt quá 50 dòng hàng hoặc khai theo một hoặc nhiều vận đơn của cùng một chủ hàng: Với tiêu chí “số tờ khai đầu tiên”, tại ô 1: Đối với tờ khai đầu tiên nhập vào chữa “F”, từ tờ khai thứ 2 trở đi thì nhập số tờ khai đầu tiên. Ô 2: Nhập số thứ tự của tờ khai trên tổng số tờ khai của lô hàng. Ô 3: Nhập tổng số tờ khai của lô hàng.

Với tiêu chí “Mã hiệu phương thức vận chuyển”: nhập là mã 2 (container đường biển).

Danh sách container: Khai báo tại tờ khai đầu tiên.

Trường hợp hàng đóng chung container của nhiều chủ hàng chia tách, đóng ghép ngoài CFS, công chức hải quan giám sát thực hiện theo các trường hợp cụ thể: Trường hợp tất cả các tờ khai thuộc container đã được khai báo đầy đủ và đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát thì hướng dẫn người khai hải quan liên hệ với DN cảng để làm tiếp thủ tục xác nhận hàng qua khu vực giám sát theo quy định.

Trường hợp một trong các tờ khai thuộc container chưa đủ điều kiện qua khu vực giám sát (cho dù thông tin của các tờ khai đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát đã gửi cho hệ thống của cảng hay chưa) thì sử dụng chức năng trên Hệ thống của DN cảng để dừng container và hướng dẫn người khai hoàn thiện thủ tục hải quan cho các tờ khai còn lại. Sau khi người khai xuất trình đầy đủ tờ khai và xác định tất cả các tờ khai đủ điều kiện qua khu vực giám sát thì bỏ dừng trên Hệ thống của cảng.

N.Linh
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/