XUẤT KHẨU THỦY SẢN DỰ KIẾN ĐẠT 7,4 TỶ USD

(HQ Online)- Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo tăng trưởng vào khoảng 5% đến 6%, với trị giá kim ngạch đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Biểu đồ tỉ lệ (%) về thị trường xuất khẩu thủy sản tính hết tháng 4/2017. Biểu đồ: T.Bình.

4 tháng qua, xuất khẩu thủy sản- ngành hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá 10,1%, với trị giá kim ngạch 2,15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều về bức tranh xuất khẩu thủy sản của cả nước vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ.

Năm 2016, thủy sản xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 7,043 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo ông Trương Đình Hòe, sự tăng trưởng nêu trên cho thấy đơn giá bình quân năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái (vì sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều).

“Đơn giá bình quần tăng cao có thể do yếu tố doanh nghiệp tăng sản phẩm có hàm lượng gia trị gia tăng; do yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tăng giá sản phẩm bán ra; hoặc trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới không đạt như dự báo cũng có thể là yếu tố để tăng giá sản phẩm”- Tổng Thư ký VASEP nói.

Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lĩnh vực thủy sản đang dựa chủ yếu vào 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác.

Với thực tế hiện nay và quy luật nhiều năm qua, ông Trương Đình Hòe dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành hàng này tăng khoảng 5% đến 6% và đạt 7,4 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Thư ký VASEP thông tin là ở thị trường Hoa Kỳ- một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của ngành hàng thủy sản, sản phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia…; các rào cản thương mại của Hoa Kỳ, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá.

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, cả nước có 4 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trị giá kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 361 triệu USD, Nhật Bản đạt 360 triệu USD, Trung Quốc đạt 230 triệu USD và Hàn Quốc đạt 200 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn:http://www.baohaiquan.vn/

Bao Cong thuong

MỸ HỦY BỎ ĐIỀU TRA ĐỐI VỚI SẢN PHẨM MẮC ÁO THÉP VIỆT

Ngày 5/5/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo liên bang về việc hủy bỏ điều tra rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mắc áo thép của Việt Nam trong giai đoạn từ 1/2/2016 – 31/1/2017.

Trước đó, ngày 10/4/2017, căn cứ trên yêu cầu rà soát của công ty M&B Metal Products Company, Inc (Nguyên đơn), DOC đã đăng thông báo về việc tiến hành rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nói trên. Yêu cầu rà soát bao gồm 66 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến ngày 24/4/2017, Nguyên đơn đã rút yêu cầu rà soát hành chính đối với 66 doanh nghiệp liệt kê trong Thông báo khởi xướng điều tra. Căn cứ Quy định 19 CFR 351.213 (d) (1), DOC sẽ hủy bỏ điều tra rà soát hành chính nếu bên liên quan rút yêu cầu đúng thời hạn (90 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra rà soát). Trong vụ việc này, Nguyên đơn đã xin rút yêu cầu rà soát đúng hạn, thêm vào đó, không có bên liên quan nào khác yêu cầu rà soát nên DOC sẽ hủy bỏ rà soát hành chính đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam cho giai đoạn 1/2/2016 – 31/1/2017. Do DOC hủy bỏ rà soát, nên thuế chống bán phá giá đối với những lô hàng nhập khẩu trong giai đoạn nói trên sẽ được thu tương đương với mức tiền đặt cọc thuế tạm tính tại thời điểm nhập khẩu hoặc xuất kho để tiêu thụ.

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam đã bị DOC áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2013 với mức tương ứng: 157% – 220.68% và 31.58% – 90.42%.

Thu Hà

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

KIỂM TRA LẠI MÃ SỐ KINH DOANH HỢP LỆ VỚI CỤC QUẢN LÝ THỰC PHẨM VÀ DƯỢC PHẨM HOA KỲ

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến cáo các công ty xuất nhập khẩu hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Hoa Kỳ cần kiểm tra mã số kinh doanh có còn hợp lệ hay không. 

Không đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện, hàng thực phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt không thể vào Hoa Kỳ

Theo quy định của Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA), cứ hai năm một lần, nghĩa là vào các năm chẵn, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Hoa Kỳ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại nước này với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới. Tất cả các công việc này đều cần phải hoàn tất trước khi xuất hàng.

Tuy nhiên, theo thống kê gần đây của FDA, trước thời gian cho phép đăng ký lại, Việt Nam có tổng cộng 1.485 cơ sở sản xuất được FDA cấp mã số kinh doanh hợp lệ nhưng con số này hiện giảm xuống chỉ còn 806. Như vậy, có tới 679 cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã bị hủy mã số kinh doanh do không tiến hành đăng ký lại hoặc có tiến hành đăng ký lại với FDA, nhưng không đúng thủ tục hiện hành.

Xin lưu ý, kể từ năm 2017, FDA đã thay đổi phương pháp thẩm tra để cấp mã số kinh doanh mới và quy định thêm: Sau khi được các cơ sở sản xuất chỉ định và đăng ký với FDA, Người đại diện tại Hoa Kỳ bắt buộc phải có thư hoặc văn bản gửi cho FDA xác nhận đồng ý làm Người đại diện tại Hoa Kỳ cho cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Nếu FDA không nhận được thư hoặc văn bản này thì việc đăng ký lại coi như chưa hoàn tất và mã số kinh doanh sẽ bị hủy.

Các cơ sở sản xuất tại Việt Nam do không biết mã số kinh doanh với FDA đã bị hủy và không còn giá trị vẫn cứ xuất hàng vào Hoa Kỳ sẽ bị từ chối không cho giao hàng hoặc tàu chở hàng bị từ chối không cho cập cảng. Hơn nữa, việc không có mã số kinh doanh hợp lệ của FDA mà vẫn cứ tiến hành giao hàng sẽ cấu thành tội “bị cấm nhưng vẫn làm” và có thể bị xử lý hình sự hoặc bị phạt rất nặng theo Đạo luật về Thực phẩm, Thuốc và Mỹ phẩm của nước này.

Đào Trần Nhân – Tham tán Công sứ Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

RAU QUẢ XUẤT KHẨU MANG VỀ GẦN 190 TỶ ĐỒNG/NGÀY

(HQ Online)- Rau quả tiếp tục là điểm sáng ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm của nước ta với con số tăng trưởng cao ở mức 2 con số, mang về số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu rau quả và mặt hàng nông sản nói chung của nước ta sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

73% xuất sang Trung Quốc

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của nước ta đạt 857 triệu USD, tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ mới đạt 661 triệu USD), tương giá trị tuyệt đối tăng thêm 196 triệu USD.

Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoản ngoại tệ gần 8,2 triệu USD, tương đương số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê).

Đáng chú ý, mặt hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn thủy sản (chỉ đạt 7,8%) và cà phê (đạt 21%) nên khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này với hai nhóm hàng đứng trên đang được thu hẹp dần.

Biểu đồ tỷ lệ trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả chia theo thị trường quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, theo quan sát của chúng tôi, hiện mặt hàng rau quả của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ châu Á, châu Â, châu Mỹ… Trong đó có nhiều thị trường vốn nổi tiếng đòi hỏi cao về chất lượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc các quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan…

Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Thống kê mới nhất chia theo thị trường của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I vừa qua, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 512 triệu USD, chiếm đến 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.

Trong số các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, địa bàn xuất khẩu mặt hàng rau quả đang tập trung chủ yếu ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và khu vực cửa khẩu Lào Cai…

Đa dạng hóa thị trường

Đánh giá về kết quả xuất khẩu mặt hàng rau quả thời gian qua, ngày 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS Nguyễn Hữu Đạt- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng kết quả này rất khả quan.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, kết quả xuất khẩu rau quả ngày càng tạo được khởi sắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước tiên là kết quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đã và đang tạo được những kết quả tích cực. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU…

“Dù trị giá kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trên chưa lớn, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính, có yêu cầu rất cao về chất lượng giúp tăng uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam”- TS Đạt chia sẻ.

Mặt khác, theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Đạt, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm này của nước ta hiện nay cũng như thời gian tới.

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng được TS Nguyễn Hữu Đạt đặc biệt nhấn mạnh là vai trò của nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và cả các nhà sản xuất, hộ nông dân trong nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đối với rau quả Việt Nam.

“Doanh nghiêp xuất khẩu rau quả đa phần còn hạn hẹp về tài chính những đã có nhiều nỗ lực trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Mặt khác trong một hai năm gần đây đã có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân, những người sản xuất, vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định, qua đó ngày càng tạo được uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới”- lãnh đạo VINAFRUIT nhận định.

Năm 2016, mặt hàng rau quả mang về trị giá kim ngạch 2,457 tỷ USD, với mức tăng trưởng 33,6% so với năm 2015. Đây là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong lĩnh vực nông, thủy sản (sau thủy sản và cà phê) và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đứng thứ trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực được Tổng cục Hải quan thống kê (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm với mức tăng trưởng 44,4%).
Thái Bình

HÃNG HÀNG KHÔNG VIỆT SẮP MỞ ĐƯỜNG BAY THẲNG TỚI MỸ

Vietnam Airlines đã chuẩn bị mở đường bay thẳng sang Mỹ cách đây gần 10 năm nhưng chưa thực hiện được…

Hãng hàng không Việt sắp mở đường bay thẳng tới Mỹ

Việt Nam đang duy trì theo các tiêu chuẩn an toàn hàng không của ICAO, nhưng để được FAA phê chuẩn CAT1 thì phải nâng tiêu chuẩn theo quy định của Mỹ.

KIỀU LINH

Vietnam Airlines đã chuẩn bị mở đường bay thẳng sang Mỹ cách đây gần 10 năm nhưng chưa thực hiện được do nhiều cản trở. Trong đó có việc cơ quan chức trách Việt Nam chưa đạt năng lực giám sát an toàn theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Thông tin mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ đến Việt Nam rà soát kỹ thuật vào tháng 5 tới. Đây là tiền đề để các hãng hàng không nước ta được mở đường bay thẳng đến Mỹ, không phải quá cảnh ở nước thứ 3.

“Hiện, chúng tôi đã sẵn sàng cho đợt rà soát kỹ thuật này. Kết quả tích cực của đợt rà soát sẽ là cơ sở quan trọng cho đợt Đánh giá an toàn hàng không toàn cầu (IASA) sắp tới của FAA với Cục Hàng không Việt Nam trước khi cấp phê chuẩn CAT1”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nói.

Việt Nam đang duy trì theo các tiêu chuẩn an toàn hàng không của ICAO, nhưng để được FAA phê chuẩn CAT1 thì phải nâng tiêu chuẩn theo quy định của Mỹ.

Công việc đầu tiên và quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các tài liệu hướng dẫn liên quan đến an toàn và giám sát an toàn.

Kế đó, phải xây dựng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không đảm bảo cả số lượng và chất lượng, xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện giám sát viên từ cơ bản đến nâng cao. Xây dựng kế hoạch, chương trình để có thể kiểm soát toàn bộ công việc, kết quả làm việc của giám sát viên.

Theo ông Lại Xuân Thanh, đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không hiện nay đều được cử đi đào tạo cả trong và ngoài nước để có được hàng loạt các chứng chỉ theo yêu cầu của phía FAA.

“Trước đây, Cục Hàng không Việt Nam không có phi công nào là công chức, nhưng bây giờ, theo tiêu chuẩn của FAA, phải có tối thiểu 2 giám sát bay (là phi công) làm việc toàn thời gian. Các giám sát viên phải thực hiện đầy đủ tất cả quy trình, nội dung giám sát với cả việc khai thác tàu bay cũng như đảm bảo tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của tàu bay”, ông Thanh thông tin thêm.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng phải hoàn thiện hệ thống chế tài, vừa xử phạt vi phạm hành chính, vừa khuyến cáo, kiểm soát việc thực hiện khuyến cáo của nhà chức trách hàng không đối với việc đảm bảo an toàn…

Sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại nước ta nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ, không phải quá cảnh ở nước thứ ba.

Hiện tại, hãng hàng không Vietnam Airlines đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ Giao thông Vận tải Mỹ. Trên cơ sở đánh giá CAT1 của FAA, Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu, lập kế hoạch khai thác đến thị trường Mỹ vào thời điểm thích hợp, dự kiến vào cuối năm 2018.

Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 689.000 khách. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 – 2016 đạt 8,4%/năm. Trong đó, dung lượng khách giữa Việt Nam – Los Angeles là lớn nhất với 137.000 lượt khách, Việt Nam – San Francisco lớn thứ 2, đạt hơn 90.000 khách/năm.