6 THÁNG: CÓ 5,2 TRIỆU TỜ KHAI KHẢI QUAN LÀM THỦ TỤC

(HQ Online)- Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính trong 6 tháng/2017, tổng số lượng tờ khai XNK đạt 5,2 triệu tờ, tăng 17,1%, trong đó lượng tờ khai XK ước đạt 2,5 triệu tờ, tăng 16% và số lượng tờ khai NK ước tính 2,7 triệu tờ, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2016. 

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Yên Phong, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng trị giá XNK hàng hoá ước đạt 198,25 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2016; trong đó tổng trị giá XK ước đạt 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% và tổng trị giá NK ước đạt 100,47 tỷ USD, tăng 24,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng/2017 dự kiến nhập siêu 2,7 tỷ USD. 

Một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có kim ngạch hàng hóa XK, NK tăng cao so với cùng kỳ 2016: Bắc Ninh (tăng 26,5%); Tp. Hồ Chí Minh (tăng 19%); Hải Phòng (tăng 14,7%); Bình Dương (tăng 21,5%); Đồng Nai (tăng 13,6%)…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tính cả nước có 540 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh, tăng trên 4% so với cùng kỳ 2016, trong đó số lượt phương tiện xuất cảnh đạt 271 nghìn lượt, tăng 7,8% và nhập cảnh là 269 nghìn lượt, tăng nhẹ trên 1%.

Hải Nam

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

BỘ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN 28 TTHC TRIỂN KHAI DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN MỨC ĐỘ 3,4

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017.

Công chức Chi cục Hải quan Bắc Ninh làm thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Hữu Linh
Danh mục gồm 707 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Trong đó, có 354 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành thực hiện trong năm 2017.

Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện 28 thủ tục hành chính; Bộ Y tế thực hiện 85 thủ tục hành chính; Bộ Văn hóa, thể thao và  Du lịch thực hiện 74 thủ tục hành chính; Bộ Giao thông vận tải thực hiện 56 thủ tục hành chính…

Đối với Bộ Tài chính, một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cần thực hiện là: đăng ký giá của các DN thuộc danh sách đăng ký giá của Bộ; các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Giấy chứng nhân đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; đăng ký thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng…

Trong đó, lĩnh vực Hải quan phải thực hiện 2 thủ tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là: Nhóm liên quan đến phân loại, xác định trước mã số, xác định trước xuất xứ, khai báo, tham vấn, xác định trị giá; nhóm liên quan đến miễn thuế, giảm thuế, nộp thuế, bảo lãnh thuế.

Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Bộ Tài chính phải thực hiện một số nhiệm vụ như: các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán; nộp thuế điện tử đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; hoàn thuế…

Ngoài ra, quyết định của Thủ tướng cũng đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu cho việc vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá, xác định thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2017; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích hợp các dịch vụ công trực tuyến vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ và cấp tỉnh theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về kết nối, tích hợp dịch vụ công để bảo đảm tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin về công dân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (QCVN:109/2017/BTTTT).

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, vận hành Cổng thanh toán tập trung để thanh toán các khoản phí, lệ phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…

Hương Dịu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

ĐẾN HẾT THÁNG 5/2017: TỔNG KIM NGẠCH HÀNG HÓA XNK ĐẠT GẦN 162,45 TỶ USD

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng/2017 đạt gần 162,45 tỷ USD, tăng 21,5% tương ứng tăng gần 28,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 5 tháng/2017 so với 5 tháng/2016

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 (từ 16/5/2017 đến 30/5/2017) đạt 20,08 tỷ USD, tăng 22,9% tương ứng tăng hơn 3,74 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 05/2017.

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ đạt kim ngạch gần 13,13 tỷ USD, tăng 22,1% tương ứng tăng 2,38 tỷ USD so với nửa đầu tháng 05/2017. 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 106,5 tỷ USD, tăng 23,7% tương ứng tăng 20,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 5/2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 540 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 5 tháng/2017 về mức thâm hụt gần 2,5 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 đạt hơn 10,31 tỷ USD, tăng 35,3% (tương ứng tăng gần 2,69 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 5/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 5/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 5/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 34,7%, tương ứng tăng 611 triệu USD; hàng dệt may tăng 42,5%, tương ứng tăng 339 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 56,7%, tương ứng tăng 265 triệu USD; giầy dép các loại tăng 34%, tương ứng tăng 200 triệu USD; … Trong khi đó, chỉ một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với kỳ trước như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 12,8%, tương ứng giảm 17 triệu USD; than đá giảm 8,1%, tương ứng giảm 2 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 5 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 79,98 tỷ USD, tăng 18,4% tương ứng tăng hơn 12,45 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 05/2017 đạt gần 7,28 tỷ USD, tăng 33,3% tương ứng tăng hơn 1,82 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 05/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên  gần 56,66 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 đạt hơn 9,77 tỷ USD, tăng 12,1% (tương ứng tăng hơn 1,05 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 5/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 5/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 5/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau:  máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 17,1%, tương ứng tăng 232 triệu USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác tăng 10,7%, tương ứng tăng 177 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 33,9%, tương ứng tăng 159 triệu USD; hạt điều tăng 126,2%, tương ứng tăng 113 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 39,1%, tương ứng tăng 89 triệu USD; … Ở chiều ngược lại, nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 46,9%, tương ứng giảm 81 triệu USD, đậu tương giảm 65%, tương ứng giảm 25 triệu USD; than đá giảm 45,4%, tương ứng giảm 24 triệu USD; …

Như vậy, tính đến hết tháng 5/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 82,47 tỷ USD, tăng 24,7% (tương ứng tăng gần 16,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 5,85 tỷ USD, tăng 10,6%  tương ứng tăng 560 triệu USD so với kỳ 1 tháng 5/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 5 tháng/2017 đạt hơn 49,84 tỷ USD, tăng 28,1% tương ứng tăng gần 10,94 tỷ USD so với  5 tháng/2016.

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

3 CÔNG TY CỦA SAMSUNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC VỀ TỔNG KIM NGẠCH XNK

(HQ Online)- Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2017, 3 DN có tổng kim ngạch XNK dẫn đầu cả nước đều thuộc về các công ty của Samsung.

Ảnh minh họa.

Đó là: Công ty TNHH Samsung Electronics VN Thái Nguyên với tổng kim ngạch XNK cao nhất cả nước, đạt 14,94 tỷ USD, tăng 69,7% so với cùng kỳ năm trước; Công ty TNHH Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam có tổng kim ngạch XNK đạt 9,8 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016; Công ty TNHH Samsung Display có tổng kim ngạch XNK đạt 6,62 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Được biết, số lượng DN tham gia hoạt động XNK trong 5 tháng đầu năm 2017 là 57,6 nghìn DN, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có thêm 7.167 DN tham gia hoạt động XNK.

5 tháng đầu năm 2017, tổng trị giá XNK hàng hoá của Việt Nam đạt 162,48 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó tổng trị giá XK đạt 82,54 tỷ USD, tăng 24,8% và tổng trị giá NK đạt 79,9 tỷ USD, tăng 18,4%. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2017 Việt Nam nhập siêu gần 2,6 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu là 3,2%.

Số lượng tờ khai XNK trong tháng 5/2017, tổng số tờ khai XNK đạt gần 981 nghìn tờ, tăng 12% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2017, tổng số lượng tờ khai xuất nhập khẩu đạt 4,39 triệu tờ, trong đó tờ khai XK đạt 2,11 triệu tờ và tờ khai NK là 2,28 triệu tờ.

Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KHÔNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH CHỒNG CHÉO ĐỐI VỚI MỘT MẶT HÀNG

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa giao các bộ liên quan phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo.

Kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 70% thời gian làm thủ tục thông quan của doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan.

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo đúng Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ.

Đồng thời các bộ này phối hợp với bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, làm rõ căn cứ pháp lý và mục đích yêu cầu của từng loại giấy tờ kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp xác định loại chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau thì sửa đổi, điều chỉnh theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các công việc trên trong tháng 6 này.

Trước đó, để thống nhất việc đổi mới kiểm tra chuyên ngành phù hợp theo hướng giảm các loại giấy tờ, chứng nhận nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành.

Theo báo cáo Bộ Tài chính, văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng có lĩnh vực chưa đầy đủ, còn có sự chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý

Qua rà soát cho thấy có nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Chẳng hạn, mặt hàng sữa chua, pho-mát phải chịu sự quản lý và kiểm tra chuyên ngành của hai bộ, vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Hay như các giống cây trồng, gạch, đá, kính phải kiểm tra chất lượng và cấp Giấy chứng nhận hợp quy; trang thiết bị y tế, thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc… vừa xin giấy phép nhập khẩu, vừa kiểm tra chất lượng.

Thậm chí mặt hàng phân bón phải chịu 3 loại quản lý/kiểm tra, gồm giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy.

Bên cạnh đó, có trường hợp một mặt hàng nhưng lại chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ quản lý chuyên ngành. Ví dụ mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật; thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mặt hàng thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế vừa xin giấy phép nhập khẩu, vừa phải kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế. Nồi hơi vừa phải kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu và kiểm tra chất lượng/an toàn lao động. Đây cũng là mặt hàng chịu cùng một hình thức quản lý/kiểm tra của hai Bộ quản lý chuyên ngành, trong đó, Bộ Công Thương và Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cùng kiểm tra chất lượng, Bộ Công Thương kiểm tra hiệu suất năng lượng.

Bộ Tài chính cho rằng việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng  xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, tăng biên chế của cơ quan quản lý, lãng phí ngân sách nhà nước mà đôi khi còn gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thông quan hàng hóa.

Phương thức quản lý chưa thống nhất

Nguyên nhân của tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành được Bộ Tài chính chỉ ra là do các bộ quản lý chuyên ngành chưa thống nhất trong phương thức quản lý; khi ban hành chưa đánh giá tác động đầy đủ. Danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra quá rộng, không chi tiết tên hàng, không có mã số HS. Nhiều văn bản ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được bãi bỏ.

Các chế độ quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của các bộ, ngành quy định không thống nhất (về thủ tục, cách thức thực hiện), dẫn đến có nhiều loại chứng từ do các bộ quản lý chuyên ngành cấp cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhưng không rõ chứng từ nào là giấy phép, giấy chứng nhận điều kiện xuất, nhập khẩu, giấy phép tự động, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, công bố sự phù hợp, xác nhận khai báo hóa chất…

Theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ, trong quý I/2017, các bộ phải ban hành Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh sang hậu kiểm; rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục; không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, đến nay chưa có bộ nào ban hành Danh mục hàng hóa theo hướng rút gọn mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan.

Theo Chinhphu.vn

CHÍNH SÁCH THUẾ, HẢI QUAN CỦA VIỆT NAM RẤT LINH HOẠT

(HQ Online)- Trước đề nghị của Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) về việc, Chính phủ Việt Nam cần linh hoạt hơn nữa trong các quy định về thuế, hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, chính sách thuế, hải quan của Việt Nam hiện nay đã rất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN NK hàng hóa và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

CBCC Hải quan Hải Phòng hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan. Ảnh: H.Nụ

Eurocham mong muốn, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện việc thực thi các quy định hải quan. Trong đó, cần linh hoạt hơn nữa trong các quy định về hải quan, hạn chế truy thu thuế của những kỳ thuế đã đóng đối với trường hợp nghiêm trọng nhất.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, Quốc Hội đã ban hành Luật số 106/2016/QH13, Luật thuế XNK số 107/2016/QH13. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định 134/2016/NĐ- CP ngày 1/9/2016 theo hướng tạo thuận lợi cho DN.

Ví dụ chuyển một số hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế sang đối tượng miễn thuế như: hàng NK để sản xuất XK, hàng có trị giá hoặc số tiền phải nộp dưới mức tối thiểu; máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng NK phục vụ cho hoạt động in, đúc tiền; hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định.

Ông Vũ Văn Hải nhấn mạnh, chính sách thuế, hải quan của Việt Nam hiện nay đã rất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN NK hàng hóa và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Ông Vũ Văn Hải cho biết thêm, đối với việc truy thu thuế (ấn định thuế) đã được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật Quản lý thuế. Do đó, đề nghị Eurocham, cộng đồng DN có các vướng mắc liên quan có thể tìm hiểu và thực hiện theo đúng quy định. 

Đảo Lê

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất trong 4 tháng/2017 đạt 41,96 tỷ USD, chiếm 65,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng/2017

Trong đó, đạt kim ngạch lớn nhất là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,51 tỷ USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng xăng dầu các loại là nhóm hàng có mức tăng về trị giá là lớn nhất 41,8%; sắt thép các loại đạt mức đứng thứ 2 với 10,9%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4 là 3,44 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng/2017 lên 11,5 tỷ USD, tăng 39,3% so với 4 tháng/2016; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 7,22 tỷ USD, tăng 60,1% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 4,28 tỷ USD, tăng 16,1%.

 

Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc, trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 với trị giá là 3,79 tỷ USD, tăng 135%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 3,4 tỷ USD, tăng 31%; Nhật Bản: 1,39 tỷ USD, tăng 7,4%; Đài Loan: 408 triệu USD, giảm 3,4%…

 

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2017 đạt 2,85 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 10,44 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với 3,84 tỷ USD, tăng 39,2%; thị trường Trung Quốc với 2,09 tỷ USD, tăng 26,1%; thị trường Đài Loan với 1,06 tỷ USD, tăng 15,4%;…

 

Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,2%. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 4,02 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Trung Quốc với 2,13 tỷ USD, tăng 6,3%; thị trường Hàn Quốc đạt 1,43 tỷ USD, tăng 31,5%;…

 

Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 4/2014 đạt 1,44 triệu tấn, trị giá 866 triệu USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 0,8% về trị giá. Đưa lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 4 tháng/2017 đạt 5,64 triệu tấn, trị giá 3,23 tỷ USD, gảm 8,3% về lượng, tuy nhiên tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

 

Thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Trung Quốc với 2,76 triệu tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Nhật Bản với 747 nghìn tấn, trị giá 447 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và tăng 32,4% về trị giá; thị trường Hàn Quốc đạt 535 nghìn tấn, trị giá 383 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và tăng 38,4% về trị giá;…

 

Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng là hơn 1,05 triệu tấn, trị giá là 543 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 18% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2017, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,98 triệu tấn, giảm 3,2%. Đơn giá nhập khẩu bình quân tăng tới 46,5% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu là gần 2,15 tỷ USD, tăng 41,8% so với 4 tháng/2016.

 

Trong 4 tháng/2017, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 1,65 triệu tấn, giảm 9,5%; Hàn Quốc: 986 nghìn tấn, gấp 2 lần; Ma-lai-xi-a: 770 nghìn tấn, giảm 24,1%; Trung Quốc: 344 nghìn tấn, giảm 16%… so với cùng kỳ năm trước.

 

Than đá: Lượng nhập khẩu trong tháng là 1,02 triệu tấn, giảm mạnh 48,8% so với tháng trước nhưng gần tương đương với mức trung bình của năm 2016 (1,11 triệu tấn/tháng). Đơn giá trong tháng giảm 20,2% dẫn đến trị giá nhập khẩu than đá tháng 4/2017 giảm mạnh 59,3% so với tháng 3/2017, đạt 88,2 triệu USD. Tính trong 4 tháng/2017, lượng than đá cả nước nhập về là 4,63 triệu tấn, trị giá là 498 triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 71,3% về trị giá do đơn giá nhập khẩu tăng cao (tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2016).

 

Than đá nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Ôxtrâylia là gần 1,4 triệu tấn, giảm 3,8%; In-đô-nê-xi-a: 1,6 triệu tấn, tăng 93,4%; Liên bang Nga: 762 nghìn tấn, giảm 45,9%… so với 4 tháng/2016.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 4/2017 là 6,96 nghìn chiếc, giảm 37,8% so với tháng trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở nhóm hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhập khẩu trong tháng là gần 2,5 nghìn chiếc, trong khi đó con số này của tháng trước là hơn 6,7 nghìn chiếc. Tính đến hết tháng 4/2017, cả nước nhập khẩu 33,4 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 15,6% (tương đương tăng 4,5 nghìn chiếc) so với cùng kỳ năm trước.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan vớ 12 nghìn chiếc trị giá 219 triệu USD, tăng 18,7% về lượng và 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Inđônêxia với gần 6 nghìn chếc trị giá 102 triệu USD, tăng 5,3 lần về lượng và 7,6 lần về trị giá; thị trường Ấn Độ với gần 5 nghìn chiếc, trị giá 22 triệu USD, tăng 1,1 lần về lượng nhưng giảm 3,5% về trị giá;…

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

BUÔN LẬU CHƯA BAO GIỜ HẾT “NÓNG”

(HQ Online)- Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại biên giới một số tỉnh phía Bắc vẫn diễn biến khá phức tạp, các lực lượng chức năng đang dồn lực lượng để tiến hành đấu tranh phát hiện sai phạm song do khó khăn từ nhiều phía nên hiệu quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông Đàm Thanh Thế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: DN

Ngày 19/5, tại Cao Bằng, Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2017 với một số tỉnh trọng điểm biên giới phía Bắc.

Tại Hội nghị, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Thủ tướng Chỉnh phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. 

Do đó, hàng loạt các văn bản chỉ đạo được phát đi từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã được các lực lượng thành viên: Hải quan, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát Biển cụ thể hóa bằng hàng trăm nghìn vụ việc đã được xử lý. 

Cụ thể, số vụ việc phát sinh, số thu nộp vào ngân sách Nhà nước qua công tác này năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo đó, những tháng đầu năm công tác thu ngân sách Nhà nước đạt gần 22.000 tỷ đồng, xử lý gần 6.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách 6.128 tỷ đồng, tăng 19,28% so với cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, nhưng ông Đàm Thanh Thế cũng thẳng thắn nhìn nhận: Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa tương xứng với thực tế. Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu thuốc lá, xăng dầu, vấn đề gian lận thương mại, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán công khai, gây nhức nhối trong dư luận. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: D.N

Bên cạnh đó, hoạt động của các đối tượng buôn lậu cũng tinh vi hơn, xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn mới, có tổ chức. Hàng hóa vi phạm cũng khá đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu…

Còn theo đại diện Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung chủ yếu vào mặt hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vẫn còn hoành hành. 

Bên cạnh đó, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi. Các đối tượng sử dụng mánh khóe tìm mua hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá thành rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường.

“Nhằm đánh lừa người tiêu dùng, các sản phẩm giả mạo được bán trà trộn với hàng thật, một phần nhỏ đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ không chỉ gây hại cho sức khỏe con người và làm tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, vị này cho biết. 

Về khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo đại diện Cục Phòng Chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan như địa bàn phức tạp, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy định… sự hạn chế của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan.

“Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc… Đáng chú ý một bộ phận cán bộ chiến sỹ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, vị này chỉ rõ.

Theo đại diện Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tình hình gian lận thương mại cũng diễn ra phổ biến, lợi dụng quy trình thủ tục hải quan để gian lận, trốn thuế như khai báo sai mã hàng, số lượng, chủng loại so với khai báo. Đặc biệt là lợi dụng chính sách quà tặng để NK trái quy định hàng hóa có giá trị cao. Có trường hợp DN khai NK một mặt hàng nhưng khi lực lượng Hải quan kiểm tra phát hiện nhập tới chín mặt hàng. Đối với một số mặt hàng có thuế NK cao như: Rượu, thuốc lá, vải ngoại, hàng điện tử… có hiện tượng hình thành đường dây buôn lậu được phân chia công đoạn từ nhập lậu, vận chuyển đến tiêu thụ.

Trước tình hình số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia vẫn diễn biến phức tạp, theo đại diện Cục Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Công an, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ vai trò trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng tại cơ sở đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn thành phố, thị xã, các phường, xã, huyện biên giới trọng điểm; các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không… 

Đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiến nghị, các lực lượng chức năng cần bám sát diễn biến thực tế, xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, các lực lượng chủ động xây dựng kế hoạch tập trung đánh mạnh vào phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng chủ mưu, nhóm mặt hàng, cũng như đề ra phương án, giải pháp đấu tranh; phân công, giao chỉ tiêu cho các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng trực tiếp quản lý địa bàn theo hướng tăng các cuộc thanh tra, kiểm tra, số vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý hành chính, hình sự… 

“Song song với đó, các bộ, ngành địa phương cần tập trung thanh tra, kiểm tra, đấu tranh mạnh, kiểm soát chặt nhóm hàng cấm, hàng có thuế suất cao; các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường”, đại diện Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nêu.

Về phía Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh văn phòng Đàm Thanh Thế cho biết, Văn phòng đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời triển khai các kế hoạch đấu tranh đối với các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… 

“Mặt khác, cần kiên quyết xác định, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ công chức, sỹ quan quản lý, phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”, Chánh Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo 389 quốc gia nêu.

D.Ngân

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KÉO GIẢM THỜI GIAN THÔNG QUAN HÀNG XUẤT KHẨU 70 GIỜ

(HQ Online)- Đây là một trong những mục tiêu cụ thể được Tổng cục Hải quan đặt ra để thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP  của Chính phủ.
Ngành Hải quan đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK. Trong ảnh, hàng hóa XNK tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Theo thông tin được Tổng cục Hải quan phát đi vào hôm nay 17/5, trên cơ sở mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 19, Tổng cục Hải quan đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực Hải quan.

Các chỉ tiêu đáng chú ý được Tổng cục Hải quan đặt ra là: Phấn đấu hết năm 2017, rút ngắn thời gian thông quan còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; đến hết năm 2020, thời gian tlần lượt xuống dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, hết năm 2017, cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới từ thứ hạng 93 về thứ hạng dưới 82 (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới).

“Trong năm 2017, 100% dịch vụ công của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4”- thông tin từ Tổng cục Hải quan chỉ rõ.

Theo Tổng cục Hải quan, trên cơ sở mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, ngành Hải quan đã tổ chức rà soát toàn bộ các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao để đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, 29 giải pháp gắn với 39 sản phẩm đầu ra cụ thể trong Kế hoạch hành động ban hành kèm theo Quyết định số 737/QĐ-TCHQ (ngày 8/3/2017 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP).

Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực Hải quan; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN…

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

“ĐAU ĐẦU” XỬ LÝ NỢ THUẾ

(HQ Online)- Bên cạnh những khoản nợ khó thu đã tồn từ nhiều năm nay, hiện cơ quan Hải quan đang phải xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn cho tờ khai đã thông quan do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang​​​.

Dù đã rất tích cực và quyết liệt, nhưng cơ quan Hải quan đang gặp không ít khó khăn do công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và do những quy định liên quan chưa bao trùm hết được những tình huống xảy ra trong thực tiễn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn cho tờ khai đã thông quan tính đến thời điểm 30/4/2017 của toàn ngành Hải quan là 5.542,9 tỷ đồng, tăng 64,7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016 (5.478 tỷ đồng), giảm 233,8 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2017 (5.776,7 tỷ đồng). Nguyên nhân tăng nợ chủ yếu là do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Trước đó, đến thời điểm 31-12-2016, tổng số thu hồi nợ thuế của toàn ngành Hải quan là khoảng 555,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn đối với các tờ khai đã thông quan đến thời điểm 31-12-2016 là 5.527,6 tỷ đồng, tăng 1.095,6 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2015. Theo phân tích của đại diện Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), trong tổng số 1.095,6 tỷ đồng nợ thuế tăng thì có 157,7 tỷ đồng nợ thuế chờ xóa, xét miễn thuế; 139,4 tỷ đồng là nợ khó thu và 798,4 tỷ đồng là nhóm nợ có khả năng thu.

Sở dĩ nhóm nợ khó thu tăng là bởi tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố sau khi thực hiện xác minh tình trạng của DN đã phân loại lại nợ thuế, xác định không có khả năng thu hồi, vì vậy đã chuyển số nợ thuế này từ nhóm có khả năng thu sang nhóm khó thu. Bên cạnh đó, nhóm nợ có khả năng thu tăng là do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã rất tích cực và quyết liệt trong công tác xử lý và thu hồi nợ. Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình nợ thuế, xác định rõ nguyên nhân tăng giảm nợ thuế tại các cục hải quan địa phương; đối với chỉ tiêu nợ thuế thu hồi đã giao cho các đơn vị đôn đốc, chỉ đạo thu hồi đúng theo chỉ tiêu được giao. Qua đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện gửi báo cáo số liệu nợ thuế đầy đủ, đúng thời hạn để kịp phục vụ công tác chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Đồng thời, để giảm nợ thuế, Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo rà soát các khoản nợ tại các đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế, trình tự thanh toán tiền nợ thuế và các biện pháp để thu hồi hết các khoản nợ có khả năng thu; Kiểm tra, rà soát các DN đóng trên địa bàn còn nợ thuế, nợ phạt, làm việc với UBND tỉnh, thành phố đề nghị có ý kiến chỉ đạo đối với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để thu hồi nợ thuế.

Công tác thu hồi nợ thuế thời gian qua đã gặp không ít khó khăn do việc đánh giá, phân loại của địa phương đối với từng khoản nợ chưa chính xác; do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn không tìm được đối tác, đa số DN làm ăn thua lỗ dẫn đến bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động và trây ỳ không nộp thuế. Nhiều DN bị phá sản, tài sản bị ngân hàng tịch thu và phát mãi nhưng chưa ai mua nên khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc thu hồi được nợ đọng thuế.

Theo phản ánh của Hải quan các tỉnh, thành phố, hiện công tác quản lý nợ thuế đã được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Việc phân loại nợ và theo dõi đôn đốc thu hồi nợ thuế được thực hiện theo Quy trình quản lý nợ thuế, nợ tiền chậm nộp, nợ phạt đối với hàng hóa XK, NK. Đối với các khoản nợ khó thu, các chi cục hải quan đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhằm thu đúng, thu đủ các khoản nợ thuế phát sinh. Đồng thời, tích cực đưa ra các giải pháp thu đòi nợ đọng; tổ chức, theo dõi, quản lý các đối tượng nợ tiền thuế, tiền phạt; thường xuyên phân loại đối tượng nợ, các khoản nợ để đôn đốc, thu nợ trước thời điểm áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Tuy nhiên, công tác quản lý nợ, thu hồi nợ đọng các đơn vị hải quan địa phương cũng gặp không ít khó khăn do công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và do những quy định liên quan chưa bao trùm hết được những tình huống xảy ra trong thực tiễn.

Hiện nay, hầu hết các khoản nợ đọng trong diện quản lý của cơ quan Hải quan là nợ đã quá 10 năm của các DN bỏ trốn, mất tích, cơ quan Hải quan không thể thực hiện được các biện pháp cưỡng chế như quy định. Vì vậy, đối với những khoản nợ này, cơ quan Hải quan không thu được và cũng không đủ điều kiện xóa vì không áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thì các khoản nợ quá 10 năm kể từ ngày nộp thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật mới được xóa nợ. Đây là điều kiện rất khó để cơ quan Hải quan thực hiện xóa nợ bởi các khoản nợ phát sinh khá lâu, DN nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành nên việc gửi văn bản và tổ chức xác minh mất nhiều thời gian và không đem lại hiệu quả.

Đây là vướng mắc chung của hầu hết Hải quan các tỉnh, thành phố.  Không chỉ khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, Hải quan các tỉnh, thành phố còn gặp khó trong công tác thu hồi và xóa nợ vì thiếu sự phối hợp của của cơ quan chức năng. Phản ánh về cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng khác, nhiều đơn vị hải quan cho biết, cơ quan Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Ngân hàng, Ủy ban nhân dân phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… song nhiều trường hợp không có phản hồi, nên gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ xóa nợ.

Khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nợ thuế, triển khai công tác thu hồi nợ đọng năm 2017, Cục Thuế XNK đã đặt ra mục tiêu đưa công tác kế toán thuế đối với hàng hóa XNK vào nề nếp, kiểm tra báo cáo kế toán với các báo cáo nợ và thu hàng tháng. Phân loại các khoản nợ chính xác theo từng loại nợ thuế, đưa ra những biện pháp cụ thể đối với từng khoản nợ. Tiếp tục rà soát, kiểm tra báo cáo kế toán với báo cáo nợ và thu hàng tháng, đồng thời phân loại các khoản nợ chính xác theo từng loại nợ thuế, đi sâu phân tích những khoản nợ khó đòi để đưa ra những biện pháp cụ thể đối với từng khoản nợ…
Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/