GIẤU SỪNG TÊ GIÁC TRONG HỘP ĐỒ CHƠI TRẺ EM

(HQ Online)-Ngày 8/5/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Cục Hải quan TP.HCM cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan và Đội Kiểm soát – Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, tạm giữ một nam hành khách 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép 3 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng gần 1,5kg mang theo trong hành lý cá nhân. 

Tang vật sừng tê giác nhập lậu.
Đây là sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi (Diceros bicornis) rất quý hiếm, giá trị tang vật ước tính khoảng 2 tỷ đồng. 

Đối tượng này đã cất giấu rất tinh vi số sừng tê giác trên trong hành lý cá nhân, đặc biệt là trong các hộp đồ chơi trẻ em nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát và thu thập thông tin, cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc trên. 

Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang hoàn tất thủ tục để tiến hành khởi tố vụ án và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ đường dây, ổ nhóm, hành vi vi phạm của các đối tượng.

Trước đó, trong tháng 4/2017, Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) – Bộ công an và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 5 kg sừng tê giác và hơn 4 kg các sản phẩm chế tác từ  ngà voi châu Phi và vảy Tê Tê. Vụ việc đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khởi tố về tội vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới.

Qua vụ bắt giữ này một lần nữa cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong cam kết bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Lê Thu

BẮT GIỮ LÔ HÀNG THIẾT BỊ Y TẾ CẤM NHẬP KHẨU

(HQ Online)-Ngày 3/5/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, một lô hàng thiết bị y tế cấm nhập khẩu vừa được phát hiện khi đối tượng ngụy trang trong lô hàng quá cảnh. 

Chiếc máy chụp cắt lớp đã đã sử dụng ẩn lậu trong lô hàng quá cảnh.
Lô hàng trên được Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất  phối hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) – Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM theo dõi phát hiện.

Được biết, lô hàng này đang làm thủ tục quá cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ. Lô hàng thiết bị y tế cấm nhập khẩu là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng (khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ Nhật Bản) gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng. 

Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong có địa chỉ tại 39B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình, Tp.HCM do ông Đinh Hữu Thạnh, sinh năm 1975  thường trú tại phường Cẩm Thượng, Tp.Hải Dương làm Giám đốc khi làm thủ tục quá cảnh, đại diện doanh nghiệp đã khai báo lô hàng nhập khẩu mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương.

Trước đó vài ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã ra Quyết định khởi tố hình sự về tội buôn lậu đối với Công ty TNHH Khoa học và Kỹ thuật Olympic địa chỉ tại số 1/54 Lữ Gia, phường 15, quận 11, Tp.HCM do ông Nguyễn Kiến Hưng sinh năm 1987, CMND số 385384231 cấp ngày 08/01/2016 có hộ khẩu thường trú tại: 423 Ấp 1, thị trấn Gia Rai, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu làm Giám đốc đã tổ chức nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế là 50 Máy Đo điện tim, khai báo sai tên hàng nhằm trốn tránh việc xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, trị giá lô hàng hơn 500 triệu đồng.

Theo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng tuyến đường hàng hóa quá cảnh đi Campuchia để buôn lậu – đây là thủ đọan buôn lậu mới. Cơ quan Hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến đường này, liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, có những vụ đối tượng phá niêm phong, đánh tráo hàng ngay trên đường vận chuyển, thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ hoặc hàng vận chuyển qua đến Campuchia rồi tìm cách quay ngược trở lại bằng các tuyến đường bộ giữa Campuchia và Tây Ninh, An Giang hoặc Bình Phước… để thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Lê Thu