THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ ĐÃ QUA SỬ DỤNG THUỘC DIỆN CẤM NK

(HQ Online)- Báo Hải quan nhận được câu hỏi của bạn đọc hỏi về việc muốn nhập các hàng thiết bị điện tử từ Nhật Bản và chính sách thuế nhập khẩu mặt hàng này. 

Một lô hàng điện lạnh, điện gia dụng cấm nhập khẩu bị cơ quan Hải quan phát hiện tại cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT). Ảnh: Nguyễn Huế.

Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc, Tổ tư vấn Báo Hải quan xin tư vấn như sau:

Căn cứ Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thì sản phẩm điện tử đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu.

Đề nghị bạn đọc nghiên cứu Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm NK (Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ) để thực hiện theo đúng quy định. Danh mục này áp dụng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch, phi mậu dịch; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới; hàng hóa viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ.

Tổ tư vấn pháp luật

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG MẠNH ĐẠT GẦN 108 TỶ USD

(HQ Online)- Dù tổng trị giá kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4 có sụt giảm so với 15 ngày cuối tháng 3 trước đó, nhưng xét tổng thể từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao và đạt trị giá kim ngạch gần 108 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu nước ta đang có những khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2017. Trong ảnh, hoạt động xuất nhập nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Hàng xuất khẩu chủ lực giảm

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đạt hơn 7,93 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2017.

Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt  gần 52,51 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng hơn 6,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Căn cứ vào dữ liệu của cơ quan Hải quan có thể thấy, nguyên nhân cơ bản khiến kim ngạch xuất khẩu 15 ngày vừa qua giảm mạnh xuất phát từ sự biến động mạnh theo chiều hướng giảm ở nhiều nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta.

Đáng chú ý, 2 mặt hàng lớn là dệt may và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong nửa cuối tháng 3 trước đó đều đạt trị giá kim ngạch hơn 1 tỷ USD nhưng sang nửa đầu tháng này đã bị sụt giảm mạnh.

Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 27,8%, tương ứng giảm 319 triệu USD (đạt 829,7 triệu USD); hàng dệt may giảm 20,4%, tương ứng giảm 255 triệu USD (chỉ đạt 879,6 triệu USD).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác có mức sụt giảm mạnh như sắt thép các loại giảm 62,8%, tương ứng giảm 108 triệu USD; gỗ và và sản phẩm gỗ giảm 23,8%, tương ứng giảm 93 triệu USD…

Trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta, chỉ có điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng nhẹ so với con số đạt 1,842 tỷ USD, tăng 53 triệu USD so với trước đó. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa đủ sức kéo được tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước đi lên.

Liên quan đến hoạt động nhập khẩu, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong cùng thời điểm trên đạt hơn 8,43 tỷ USD, giảm 11,9% so với 15 ngày cuối tháng 3. Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 55,07 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Hướng tới mốc 400 tỷ USD

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, đến nửa đầu tháng 4, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Theo dõi hoạt động ngoại thương cả nước những năm gần đây cho thấy chu kỳ “100 tỷ USD” trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đang được rút ngắn nhanh chóng. Hết năm 2007, lần đầu tiên nước ta cán mốc 100 tỷ USD (cả năm đạt 111,2 tỷ USD).

Trong khi đó, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan (công bố từ năm 2009), thì trong năm 2009 phải mất 10 tháng nước ta mới đạt được dấu mốc này (hết tháng 10 đạt 102,589 tỷ USD); sang năm 2010 phải đến đầu tháng 9… và đến năm ngoái 2016 phải hết tháng 4.

Nhưng bước sang năm 2017, thời gian tiếp tục được giảm thêm 15 ngày. Với trị giá kim ngạch bình quân mỗi ngày đạt hơn 1 tỷ USD thì thời gian giảm thêm 15 ngày là hết sức có ý nghĩa.

Và nếu duy trì được mức tăng trưởng trên 18% như thời gian vừa qua, kết thúc năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt và vượt mốc 400 tỷ USD (năm 2016 mới đạt hơn 350 tỷ USD).

Điều này là có cơ sở vì theo quy luật, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta thường tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, nhất là trong quý III.

Sự tăng trưởng trên không chỉ chứng tỏ quy mô của hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta ngày càng lớn mà còn tạo được sự phát triển ổn định và đa dạng về cơ cấu, nhất là trong hoạt động xuất khẩu.

Trước đây hoạt động xuất khẩu dựa chủ yếu vào tài nguyên khoáng sản (dầu thô, than đá…) hay yếu tố lợi thế về lao động (dệt may, gia dày…) nhưng những năm gần đây chủng loại hàng hóa xuất khẩu đa dạng hơn với sự góp mặt của các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, phương tiện vận tải…

Thái Bình

HÀNG ĐIỆN TỬ, RAU QUẢ TĂNG TỐC SANG TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả… đang có mức tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc.
Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng rau quả sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.
Theo thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố về hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia, vũng lãnh thổ trọng điểm, hết tháng 2, cả nước xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 825,5 triệu USD. Đây là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này, chiếm gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Kết quả quả trên là sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2016, khi đạt sự tăng trưởng ở mức 3 con số. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng nay tăng trưởng 145%, tương đương con số tăng thêm hơn 488 triệu USD.

Biểu đồ tỷ lệ (%) 3 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc và các nhóm hàng còn lại, tính đến hết tháng 2/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Hiện, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện khi chiếm đến gần 25% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Đứng thứ hai trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc là rau quả với trị giá kim ngạch đạt 310 triệu USD, tương đương mức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2016. Mức tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc cũng cao hơn mức tăng trưởng chung của nhóm hàng này (hết tháng 2, xuất khẩu rau quả cả nước tăng 27,3%).

Đáng chú ý, hiện thị trường Trung Quốc chiếm đến 73,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước.

Trong khi đó, mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với mức tăng trưởng hơn 97%, đạt trị giá kim ngạch 305,6 triệu USD là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ ba vào thị trường Trung Quốc.

Tính chung hết tháng 2, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), với tổng giá trị kim ngạch đạt 3,767 tỷ USD.

Kết quả trên tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương con số tăng thêm hơn 1,34 tỷ USD và chiếm  13,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Thái Bình