CHỐNG BUÔN LẬU TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT: CÒN NHIỀU TỒN TẠI

(HQ Online)- Việc thực hiện kiểm tra không theo trình tự hay không thông báo kết quả kiểm tra… đang là những tồn tại trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường sắt thời gian qua.

Lực lượng chức năng kiểm tra toa tàu chứa hàng lậu vào tháng 6/2016. (Ảnh do C74 cung cấp).
 
Thông tư 83/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia, trong đó có quy định chặt chẽ giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa.

Cụ thể, người thuê vận tải có trách nhiệm giao cho doanh nghiệp tại ga gửi hàng hóa đầy đủ những giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật; ghi đầy đủ vào tờ khai gửi hàng, đồng thời phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do không có, không đủ giấy tờ hoặc giấy tờ không đúng quy định. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo quản đầy đủ các giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa, gửi kèm theo toa xe hàng và giao cho người nhận hàng. Nếu doanh nghiệp làm mất, hư hỏng giấy tờ kèm theo hóa đơn gửi hàng hóa thì phải lập biên bản xác nhận sự việc xảy ra để gửi kèm theo toa xe hàng…

 

Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 Bộ Giao thông vận tải, từ đầu năm 2017 đến hết tháng 8/2017, ngành Giao thông đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 24 trường hợp hàng hóa, hành lý được vận chuyển trên các toa tàu; tại kho, bãi, các ga đi, ga đến (tăng 6 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016), lập biên bản tạm giữ hàng chục tấn hàng hóa để xác định xuất xứ, nguồn gốc. Đáng chú ý, qua các lần kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 5 vụ việc liên quan đến hành vi vận chuyển thuốc lá, động vật quý hiếm và ma túy tổng hợp.Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt có gần 300 ga, trong đó có 200 ga tiếp nhận hàng hóa, hàng hóa bao gửi. Riêng số cán bộ, nhân viên làm công tác vận tải đường sắt tại Hà Nội có trên 4.000 người; TP. Hồ Chí Minh có gần 3.000 người. Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản quy định rõ về vận chuyển hàng hóa, hàng hóa bao gửi; quán triệt tới toàn thể cán bộ, nhân viên không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và kiên quyết xử lý các sai phạm. Đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong các đợt kiểm tra đột xuất, theo kế hoạch, đồng thời, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ giao thông vận tải trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn, gian lận thương mại. Tuy nhiên, theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong quá trình phối hợp, lực lượng chức năng chưa thực hiện đúng thủ tục pháp lý về kiểm tra, tạm giữ hàng hóa.

Điển hình như ngày 1/6, tại ga Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 26 và Phòng An ninh kinh tế, Công an TP. Hà Nội đến ga xuất trình Quyết định kiểm tra song tổ công tác tiến hành kiểm tra toa xe khác, không có trong quyết định kiểm tra. Tương tự, ngày 14/8, tại kho hành lý ga Sài Gòn, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, tạm giữ hàng hóa trên 2 toa xe HL71503 và toa xe hành lý số 231444 trong thành phần đoàn tàu TN1 nhưng không xuất trình quyết định kiểm tra, không xuất trình quyết định tạm giữ hàng hóa trên 2 toa xe nói trên.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hầu hết các biên bản tạm giữ phương tiện hàng hóa của lực lượng chức năng còn sơ sài; thông báo quyết định, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng còn thiếu, chậm trễ. Như trong 2 năm 2015 và 2016, đơn vị không nhận được bất kỳ thông báo, kết luận kiểm tra nào của lực lượng chức năng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2017, có 7/24 vụ được cơ quan chức năng thông báo kết quả kiểm tra, nhưng còn chậm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74-Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với đơn vị kinh doanh vận tải đường sắt phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ trên tuyến này nhất là hàng hóa có nguồn gốc NK. Để phát hiện, xử lý mỗi vụ việc kéo dài hàng tháng, có khi lên đến vài năm. Chính vì vậy, để đảm bảo tính bí mật, khó có thể đáp ứng yêu cầu của ngành Đường sắt trong việc thông báo kết quả kiểm tra, kết quả điều tra ngay được.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất, tại các địa phương cần thành lập các trạm liên ngành để kiểm soát hàng hóa trước đi đưa lên tàu. Song song với đó, cơ quan chức năng cần thực hiện đúng trình tự kiểm tra, cung cấp các thông tin, sở hở, thiếu sót về âm mưu thủ đoạn, các đối tượng cầm đầu để ngành Đường sắt nắm bắt thông tin, đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm, cũng như có biện pháp giáo dục phòng ngừa. Nếu có đơn vị, cá nhân vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ thì ngành Đường sắt kiên quyết, xử lý kỷ luật nghiêm túc các đối tượng có hành vi tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại.

Về công tác phối hợp dừng, cắt toa tàu vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ trên tuyến đường sắt, đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, vẫn còn những tồn tại trong công tác phối hợp của ngành Đường sắt với các lực lượng chức năng liên quan đến thủ tục, quy trình kiểm tra, lập biên bản… Việc kiểm tra cần thống nhất ở ga đầu và ga cuối, ngoại trừ trường hợp vận chuyển hàng cấm, hàng hóa dễ chạy nổ… phải cắt toa để xử lý.  Đối với hàng nguyên toa, hàng hóa kinh doanh thông thường… việc thực hiện kiểm tra ở ga đầu và ga cuối tránh ảnh hưởng đến hàng hóa không thuộc đối tượng kiểm tra, lịch trình chạy tàu và uy tín của ngành đường sắt. Trong trao đổi, chia sẻ thông tin (hàng hóa, phương thức thủ đoạn, đối tượng vi phạm, kết quả điều tra, bắt giữ…) phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Đề nghị, ngành Đường sắt bám sát Quyết định số 19 về ban hành Quy chế phối hợp của các lực lượng, UBND các cấp; Quyết định số 361/QĐ-BCĐ389 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Quy chế phối hợp của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương để xây dựng cơ chế, quy trình phối hợp cung cấp thông tin.

Quang Hùng