CHÍNH PHỦ GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN

(HQ Online)- Chiều 13/12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cùng đại diện các bộ, ngành đã có buổi làm việc, đối thoại với 25 DN thuộc Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc NK ô tô được DN Nhật Bản đưa ra. Ảnh: Internet

Cần tăng độ tin cậy về pháp luật Việt Nam 

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017, GDP của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt con số 6,7%, có được điều này là nhờ sự đóng góp lớn của cộng đồng DN, trong đó có các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Vì thế, với mục tiêu trong năm 2017 là tăng năng suất lao động, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của DN nên Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của DN để có những cải cách sát với thực tế và yêu cầu của DN nhất.

Về phía Nhật Bản, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho thấy không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước trên thế giới đều dành sự quan tâm lớn cho Việt Nam, nên đây là thời điểm để Việt am đón nhận cơ hội mới thu hút đầu tư.

Vì thế, ông Umeda Kunio đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam nên chú trọng đến mục tiêu nâng cao năng suất lao động, Chính phủ nên phát động phong trào cải tiến năng suất trên toàn quốc với sự tham gia của tất cả các bộ ngành liên quan với đầu mối chính là Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, mặc dù những năm vừa qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nhưng nhìn từ con mắt của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn ở vị trí chưa phù hợp lắm cho việc đầu tư, nguyên nhân là do độ tin cậy về pháp luật của Việt Nam còn thấp.

“Để tăng cường độ tin cậy, Chính phủ cần giữ đúng hai nguyên tắc. Thứ nhất là giữ vững những cam kết trước đây đã ký kết với nhà đầu tư. Thứ hai, các cơ quan ban ngành cần tuân theo các thông lệ và quy tắc kinh doanh quốc tế”, ông Umeda Kunio kiến nghị.

Nghiên cứu lùi thời điểm thi hành Nghị định 116

Cũng tại buổi làm việc, ông Karashima Hiroshi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã trình bày 4 kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách cho hoạt động kinh doanh của các DN Nhật Bản.

Đầu tiên, các DN Nhật Bản bày tỏ lo ngại về những khó khăn nếu Dự thảo nghị định liên quan đến việc người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc đi vào thực thi. Bởi nghị định này sẽ làm tăng gánh nặng về tiền bảo hiểm cho nhà tuyển dụng lao động.

Thứ hai là những khó khăn liên quan đến dự thảo nghị định Luật bảo vệ môi trường. Bởi điều khoản trong dự thảo này yêu cầu cơ sở phải có thiết kế bảo đảm chứa nước thải sau xử lý ít nhất 72 giờ, điều này sẽ khiến DN tăng gánh nặng vì việc xây dựng bể chứa cần chi phí lớn.

Thứ ba là các khó khăn liên quan đến Thông tư 23 về NK máy móc cũ. Bởi việc này dẫn đến việc hạn chế đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên cần sự hợp tác của các DN nhỏ và vừa nước ngoài.

Cuối cùng, các DN Nhật Bản nêu ra kiến nghị về Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp, NK ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô. Theo các DN, nhiều điều kiện trong nghị định đang tạo sự bất công giữa xe NK và xe sản xuất trong nước khi yêu cầu xe NK phải có đầy đủ giấy chứng nhận từ nhà sản xuất. Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra xe NK theo lô với tần suất cao sẽ gây khó khăn, tốn thời gian của các DN NK. Do đó, đại diện các DN Nhật Bản kiến nghị nên lùi thời điểm thi hành của Nghị định 116.

Sau khi lắng nghe ý kiến giải đáp của đại diện các bộ, ngành tham dự buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đưa ra nhiều chỉ thị và yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu ý kiến để có những thay đổi phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng DN Nhật Bản.

Đáng chú ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cân nhắc lại từ “được” mua BHXH bắt buộc để DN dễ hiểu, không hiểu theo 2 nghĩa. Bộ Tài chính cần xem xét kỹ vấn đề liên quan đến những chi phí phát sinh, có thể đưa vào phí DN và rà soát các chính sách liên quan đến thuế.

Đối với kiến nghị về Nghị định 116, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tư tưởng của Nghị định 116 là vừa bảo vệ người sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần giấy chứng nhận của các nhà sản xuất để chứng mình xuất xứ hàng hóa, để nhà NK có quyền triệu hồi xe theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Riêng việc kiểm tra từng lô hàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ lưu ý cần tiếp tục cải cách tạo thuận lợi cho nhà sản xuất và nhà NK. Nếu xe đã cùng chủng loại có đánh giá rồi thì xem xét sự tuân thủ của nhà NK và nhà sản xuất để xem xét thông quan, giúp DN đỡ mất thời gian và chi phí.

Đặc biệt, trước những kiến nghị và khó khăn của DN Nhật Bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu để lùi thời gian thi hành của Nghị định 116.

Hương Dịu

CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO XEM XÉT MỨC THU PHÍ CẢNG BIỂN Ở HẢI PHÒNG

(HQ Online)- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo UBND TP.Hải Phòng rà soát, đánh giá việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Hàng hóa nhập khẩu ở cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 16/5 Văn phòng Chính phủ phát đi văn bản số 5036, gửi các bộ ngành, UBND TP.Hải Phòng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: UBND TP. Hải Phòng tổ chức rà soát, đánh giá việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp và trình Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng tại kỳ họp gần nhất để cân nhắc, xem xét điều chỉnh mức thu phí, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật phí, lệ phí và pháp luật khác có liên quan, phù hợp với khả năng đóng góp và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam theo như chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016.

Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, giám sát các địa phương trong ban hành quy định về phí và lệ phí; kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức họp báo, cung cấp các tài liệu, báo cáo về chính sách và việc thực hiện các quy định của pháp luật phí và lệ phí kịp thời, đầy đủ đến các cơ quan báo chí để thông tin rộng rãi tới doanh nghiệp và người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trong thông tin, tuyên truyền về chính sách phí và lệ phí nói chung và chính sách thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch  vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu nói riêng, bảo đảm đúng với quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Như Báo Hải quan đã có nhiều tin, bài phản ánh, phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng được thực hiện từ ngày 1/1/2017 theo Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND của HĐND TP Hải Phòng.

Điểm mới trong Nghị quyết 148 so với trước đây là bổ sung đối tượng thu phí liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thông thường thông qua khu vực cảng Hải Phòng. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ phải chịu mức phí 250 nghìn đồng/container 20 feet; và 500 nghìn đồng/container 40 feet; đối với hàng rời, hàng lỏng mức phí là 20 nghìn đồng/tấn. 

Trong khi đó, mức phí đối với các loại hàng hóa liên quan đến tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, quá cảnh, chuyển cửa khẩu vẫn duy trì theo mức thu của năm 2016.

Theo quy định của Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu” thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Được biết, UBND TP.Hải Phòng bắt đầu thực hiện việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng từ tháng 12-2013. Đối tượng thu từ năm 2013 đến 2016 chỉ liên quan đến hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu, quá cảnh. Số thu trong tháng đầu tiên của năm 2013 đạt 29 tỷ đồng. Sang năm 2014 số thu tăng lên 281 tỷ đồng và đến năm 2015 là 462 tỷ đồng, và theo số liệu cập nhật đến hết tháng 10/2016, số thu phí này của Hải Phòng được gần 550 tỷ đồng.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/