VIỆT NAM – CAMPUCHIA THỐNG NHẤT XÂY CAO TỐC TP.HCM – PHNOM PÊNH

Việt Nam và Campuchia vừa ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện nghiên cứu, xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Phnom Pênh.

 
NHAT8957

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia 

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 24 – 25/4/2017, ngày 25/4/2017 tại thủ đô Phnom Pênh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã có buổi hội đàm chính thức. Tham gia Hội đàm về phía Bộ Giao thông vận tải có Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa.

Tại buổi hội đàm, hai Thủ tướng đã hài lòng ghi nhận những thành tựu tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, sâu sắc và toàn diện, láng giềng đoàn kết hữu nghị và hợp tác. Trong thời gian tới, hai Bên mong muốn tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, hỗ trợ nhau hội nhập tích cực và sâu rộng trong tình hình mới.

Về giao thông vận tải, hai Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vận tải qua lại hai nước, đặc biệt là kết nối đường bộ mà điển hình là dự án đường 78 cùng đoạn nối từ đường 78 – QL19 của Việt Nam qua cặp cửa khẩu Lệ Thanh – Yoyadav (được xây dựng bằng vốn ưu đãi của Chính phủ Việt Nam), cầu Long Bình – Chrey Thom (vừa khánh thành ngày 24/4/2017)…

Để tăng cường kết nối hai nền kinh tế mạnh mẽ hơn, hai Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thảo luận để sớm đi đến ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT, theo đó nhấn mạnh nội dung: kết nối hạ tầng giao thông; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải và thương mại qua lại hai nước; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho Campuchia trong thời gian tới.

Ky 1

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol ký Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài và Phnom Pênh – Bà Vẹt

Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc thúc đẩy Nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (65km) và Phnom Pênh – Bà Vẹt (130km). Đây là một trong bốn văn kiện quan trọng được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tại Campuchia.

 Theo Bản ghi nhớ này, hai Bên thống nhất phối hợp nghiên cứu để đầu tư, xây dựng cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh – Thủ đô Phnom Pênh, tương ứng với việc mỗi bên sẽ nghiên cứu để đầu tư xây dựng các đoạn cao tốc tương ứng trên lãnh thổ mình.

Cao tốc Phnom Pênh – Bà Vẹt được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu khả thi. Phía Việt Nam ghi nhận kết quả nghiên cứu của phía Campuchia, ghi nhận hướng tuyến, quy mô và quy hoạch sơ bộ điểm đấu nối. Hai Bên phối hợp kết nối hài hoà giữa 2 đoạn tuyến cao tốc về cụ thể điểm nối, mặt cắt ngang phù hợp… đồng thời thống nhất bố trí quy hoạch không gian phù hợp cho khu vực Trạm kiểm soát liên hợp, khu vực kiểm hoá chung (CCA)… Hai Bên giao Ban quản lý dự án an toàn giao thông đại diện cho Bộ Giao thông vận tải và Cục Cao tốc Campuchia đại diện cho Bộ Giao thông công chính Campuchia làm đầu mối đôn đốc dự án cao tốc này.

Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ đi gần song song với Quốc lộ 22 và cách Quốc lộ 22 về phía Bắc khoảng 4 km với tổng chiều dài khoảng 65 km. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km, tổng mức đầu tư khoảng 650 triệu USD.

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được nghiên cứu và đầu tư sẽ giảm tải cho tuyến Đường bộ xuyên Á (quốc lộ 22 – là tuyến quốc lộ duy nhất nối Tp.HCM với cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, cửa ngõ quốc tế thông thương Quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN), giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đến/đi từ thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận; góp phần hoàn chỉnh mạng đường cao tốc theo qui hoạch, đó là phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được được đầu tư xây dựng trong khu vực phía Nam bao gồm: cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đã hoàn thành), TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đang xây dựng); liên kết với các tuyến quốc lộ 1, 22, 22B, đường Hồ Chí Minh, cùng hệ thống giao thông đường sắt đô thị, đường sắt nhẹ, đường hàng không, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, tuyến dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN (Bangkok – Phnom Pênh – TP.HCM).

Trước đó, ngày 24/4/2017, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng hai Thủ tướng Chính phủ tham gia Lễ Khánh thành dự án cầu Long Bình – Chrey Thom (sử dụng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam).

Ngọc Thuyên. Ảnh: TTXVN

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

SỚM KHỞI CÔNG CAO TỐC DẦU GIÂY – TÂN PHÚ

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Ban PPP khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm khởi công thành phần 1 dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đoạn Dầu Giây – Tân Phú.

 
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng

Chiều nay (14/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh này.

Tại buổi làm việc, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án thành phần 1 của dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đoạn Dầu Giây – Tân Phú (TMĐT giai đoạn 1 khoảng 7.974 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT) để khởi công theo tiến độ đề ra (dự kiến quý IV/2017).

Cùng đó, ông Hiệp kiến nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần 2 của cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là đoạn Tân Phú – Bảo Lộc (TMĐT khoảng 17.821 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA khoảng 14.359 tỷ đồng và vốn đối ứng của Chính phủ khoảng 2.872 tỷ đồng). Ông Hiệp cũng đề xuất dự án thành phần 3 (đoạn Bảo Lộc – Liên Khương) để hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai có cơ sở lập hồ sơ, thủ tục thu hồi phạm vi sử dụng đất và triển khai nội dung khác trong công tác bồi thường, GPMB…

“Đối với các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để sớm nâng cấp các tuyến QL27 đoạn Km83-Km174, QL27 đoạn tránh sân bay Liên Khương và tuyến QL55 đoạn Km205+140 – Km229+140”, ông Hiệp nói.

Sau khi nghe ý kiến của đại biểu và cơ quan tham mưu, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Ban PPP khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm khởi công thành phần 1 dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đoạn Dầu Giây – Tân Phú.

Đối với thành phần 2 của dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (đoạn Tân Phú – Bảo Lộc), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, trong bối cảnh trần nợ công đang ở mức cao, để dự án khả thi, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Lâm Đồng đăng ký vay lại nguồn vốn ODA, còn lại nguồn vốn đối ứng thực hiện công tác bồi thường, GPMB và tái định cư sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ,…

Đình Quang
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

CAO TỐC TP.HCM – LONG THÀNH–DẦU GIÂY CÓ TRUNG TÂM QUẢN LÝ THÔNG MINH

Cao tốc TP.HCM – Long Thành –Dầu Giây chuẩn bị đưa trung tâm quản lý thông minh vào hoạt động.

_MG_0337

Cao tốc TP.HCM – Long Thành –Dầu Giây chuẩn bị đưa trung tâm quản lý thông minh vào hoạt động qua đó giám sát toàn bộ hoạt động trên tuyến. Ảnh: Linh Hoàng.

Ngày 4/3, ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sẽ chuẩn bị đưa vào khai thác Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) trên tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Theo ông Chung, trung tâm ITS được đặt tại Km6+300 thuộc phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM. Trung tâm này thuộc gói thầu số 4 – Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với mức đầu tư hơn 756 tỷ đồng và hơn 1,5 triệu Yên Nhật. Trung tâm này được thực hiện trong vòng 940 ngày.

Cũng theo ông Chung, trung tâm sẽ có 16 camera giám sát dọc tuyến và 52 camera thăm dò phương tiện. Qua đó giúp nhân viên giám sát nhận biết mật độ phương tiện đang lưu thông trên tuyến, nhanh chóng phát hiện các sự việc, sự cố giao thông xảy ra trên tuyến một cách chính xác.

Toàn bộ dữ liệu hình ảnh, video trên tuyến được truyền về trung tâm ITS bằng phương tiện liên lạc không dây, sẽ được nhân viên trực, theo dõi và xử lý 24/24. Qua đó chủ động và nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc.

Bên cạnh đó, hệ thống còn có bảng thông tin điện tử được đặt tại trạm dịch vụ Km41+100, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình giao thông trên tuyến cũng như điều kiện thời tiết.

Ngoài ra, hệ thống trạm cân được lắp đặt trước các Trạm thu phí Long Phước, Trạm thu phí Quốc lộ 51 và Trạm thu phí Dầu Giây sẽ kiểm soát tải trọng tất cả các phương tiện trước khi lưu thông vào đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đồng thời, hệ thống ITS cũng cung cấp đầy đủ hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm cho lực lượng chức năng xử lý, xử phạt…

Dự kiến ngày 10/3 trung tâm ITS sẽ chính thức đưa vào hoạt động.

Linh Hoàng
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/