XUẤT KHẨU THỦY SẢN DỰ KIẾN ĐẠT 7,4 TỶ USD

(HQ Online)- Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo tăng trưởng vào khoảng 5% đến 6%, với trị giá kim ngạch đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Biểu đồ tỉ lệ (%) về thị trường xuất khẩu thủy sản tính hết tháng 4/2017. Biểu đồ: T.Bình.

4 tháng qua, xuất khẩu thủy sản- ngành hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá 10,1%, với trị giá kim ngạch 2,15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều về bức tranh xuất khẩu thủy sản của cả nước vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ.

Năm 2016, thủy sản xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 7,043 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo ông Trương Đình Hòe, sự tăng trưởng nêu trên cho thấy đơn giá bình quân năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái (vì sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều).

“Đơn giá bình quần tăng cao có thể do yếu tố doanh nghiệp tăng sản phẩm có hàm lượng gia trị gia tăng; do yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tăng giá sản phẩm bán ra; hoặc trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới không đạt như dự báo cũng có thể là yếu tố để tăng giá sản phẩm”- Tổng Thư ký VASEP nói.

Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lĩnh vực thủy sản đang dựa chủ yếu vào 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác.

Với thực tế hiện nay và quy luật nhiều năm qua, ông Trương Đình Hòe dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành hàng này tăng khoảng 5% đến 6% và đạt 7,4 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Thư ký VASEP thông tin là ở thị trường Hoa Kỳ- một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của ngành hàng thủy sản, sản phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia…; các rào cản thương mại của Hoa Kỳ, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá.

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, cả nước có 4 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trị giá kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 361 triệu USD, Nhật Bản đạt 360 triệu USD, Trung Quốc đạt 230 triệu USD và Hàn Quốc đạt 200 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn:http://www.baohaiquan.vn/

NHÓM HÀNG NÀO PHẢI THỰC HIỆN THAM VẤN TRỊ GIÁ?

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan vừa có công văn hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá hải quan, trong đó đã đưa ra 9 nhóm hàng NK và 3 nhóm hàng XK mà cơ quan Hải quan phải thực hiện kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá trong khâu thông quan.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan hướng dẫn DN sử dụng kết quả tham vấn 1 lần để áp dụng cho các lần XNK tiếp theo. Ảnh: T.Trang.

Theo đó, 9 nhóm hàng NK mà cơ quan Hải quan phải thực hiện kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá trong khâu thông quan là các nhóm mặt hàng: rượu bia; thiết bị điện gia dụng thuộc mã 8418, 8450, 8516, 8415, 8414, 8509, 8422; cá tươi ướp lạnh, cá đông lạnh; thịt gia súc gia cầm đông lạnh, ướp lạnh; xe mô tô 2 bánh, 3 bánh; ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống thuộc mã 8703; ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên thuộc mã 8702; ô tô tải; xe đạp diện thuộc mã 8711. 

Đối với hàng XK, có 3 nhóm hàng Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các địa phương phải thực hiện kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá trong khâu thông quan, đó là các nhóm mặt hàng: Cát nhiễm mặn, cát vàng, cát trắng; quặng mangan, sắt, crom, kẽm, Ilmenite, Rutile, Monazite, Antimon, bột quặng Apatit; mặt hàng sắt, thép phế liệu và chì.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác kiểm tra trị giá đúng quy định, đảm bảo không bỏ sót các trường hợp khai báo trị giá hải quan thấp hơn cơ sở dữ liệu mà không đánh dấu nghi vấn theo quy định. Đối với các trường hợp xác định dấu hiệu nghi vấn chuyển kiểm tra sau thông quan, phải tập trung kiểm tra hồ sơ, yêu cầu DN giải trình làm rõ những nghi vấn về mức giá để bác bỏ trị giá khai báo. Không để tình trạng chấp nhận trị giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu trị giá hoặc hồ sơ tồn đọng không ban hành Quyết định kiểm tra sau thông quan trong thời hạn 60 ngày theo quy định tại khoản 4 Điều 142 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đưa ra danh sách các mặt hàng phải thực hiện kiểm tra sau thông trong thời hạn 30 ngày, đó là các mặt hàng: lốp thuộc mã 4011, ắc quy; gạch, kính xây dựng, nhựa; động cơ nổ, động cơ thủy, máy kéo, máy bơm nước; hoa quả, trái cây các loại, bánh kẹo, dầu ăn; thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá; bài lá; thép không hợp kim; tổ máy phát điện.

Cũng trong công văn này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan hướng dẫn DN sử dụng kết quả tham vấn 1 lần để áp dụng cho các lần XNK tiếp theo nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: hàng hóa XNK cùng hợp đồng mua bán; được XK hoặc NK theo nhiều chuyến khác nhau; thông tin, dữ liệu để kiểm tra, xác định trị giá hải quan không thay đổi; người khai hải quan có văn bản đề nghị tham vấn 1 lần, trong đó nêu rõ cam kết sử dụng kết quả tham vấn cho các lần XK hoặc NK tiếp theo.

Thu Trang
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/