PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: KIM NGẠCH XNK 400 TỶ USD CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG VỚI NỀN KINH TẾ

(HQ Online)- Chiều nay, 19/12, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự Lễ ghi nhận sự kiện Việt Nam đạt mốc mới 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), đánh dấu bước phát triển quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Kim ngạch, Xuất nhập khẩu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: T.Bình.

Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách

Cùng tham dự, ghi nhận sự kiện quan trọng này có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn…

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định dấu mốc 400 tỷ USD trong hoạt động XNK có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và đánh dấu những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau 10 năm gia nhập WTO (năm 2007) đến nay các thứ bậc về quy mô xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng vượt bậc và vào nhóm 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có trị giá kim ngạch XNK lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, không chỉ quy mô, mà cơ cấu về hàng hóa, thị trường XNK của Việt Nam đều có những chuyển biến tích cực. Đồng thời cán cân thương mại được cải thiện từ việc nhập siêu lớn những năm trước đây Việt Nam đã xuất siêu hàng tỷ USD trong năm 2016 và những tháng đã qua của năm 2017.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, những kết quả ấn tượng của hoạt động XNK đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động XNK của Việt Nam cũng nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin, trong cuộc tiếp xúc vào tháng 9 vừa qua giữa Phó Thủ tướng với Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi, Tổng thư ký UNCTAD bày tỏ ngưỡng mộ về sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động XNK của Việt Nam. Bởi năm 1994, toàn châu Phi xuất khẩu 60 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới đạt 2,4 tỷ USD, nhưng tới năm 2016 thì chỉ số này của châu Phi mới tăng 90 tỷ USD trong khi Việt Nam đã tăng lên gần gấp đôi kim ngạch của cả châu Phi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đạt được kết quả nêu trên, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đây là sự nỗ lực cao độ của các bộ, ngành, cộng đồng DN, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, góp phần quan trọng giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

10 năm quy mô tăng 4 lần

Theo Tổng cục Hải quan, bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch XNK cả nước mới ở con số khiêm tốn, hơn 30 tỷ USD.

Sau 6 năm (năm 2007)  tổng kim ngạch đã đạt con số 100 tỷ USD; 4 năm sau (năm 2011) tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD; và đạt 300 tỷ USD vào năm 2015.

Đặc biệt, sau đó chỉ cần 2 năm (giữa tháng 12/2017), tổng giá trị kim ngạch XNK của Việt Nam đã chinh phục mốc 400 tỷ USD. Như vậy tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp 4 lần.

Kim ngạch, Biểu đồ
Sự thay đổi về quy mô XNK của Việt Nam. Biểu đồ: Tổng cục Hải quan.

Cùng với đà tăng trưởng đó, thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng thương mại toàn cầu (theo xếp hạng của WTO) cũng có sự cải thiện rất lớn.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 (năm 2007) lên 26 vào năm 2016; cùng với đó, nhập khẩu tăng lên từ vị trí thứ 41 lên 25.

“Chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017”- đại diện Tổng cục Hải quan thông tin.

Cán cân thương mại đảo chiều

Đáng chú ý, cán cân thương mại của nước ta ngày càng được cải thiện. Trong giai đoạn 2006-2010, cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt lớn với mức nhập siêu khoảng 12,5 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn 2011-2015, nhập siêu hàng hóa đã giảm mạnh, chỉ vào khoảng 2 tỷ USD/năm.  Bước sang năm 2016, áp lực nhập siêu đã giảm khi cán cân thương mại của Việt Nam thay đổi lớn khi thặng dư 1,78 tỷ USD và trong 11 tháng của năm 2017 lên tới 3,17 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, hết tháng 11/2017, khối doanh nghiệp FDI thặng dư 23,85 tỷ USD, trong khi khối các doanh nghiệp có vốn trong nước thâm hụt tới 20,67 tỷ USD.

Trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có quan hệ thương mại, Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường Việt Nam đang chịu thâm hụt thương mại lớn. Tuy nhiên, trong 11 tháng năm 2017, thâm hụt thương mại với các thị trường có sự chuyển dịch đáng chú ý khi nhập siêu từ Trung Quốc giảm tới 15,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng từ Hàn Quốc lại tăng mạnh tới 55,8% và Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường có thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức gần 29 tỷ USD (Trung Quốc là 21,6 tỷ USD).

Theo Tổng cục Hải quan, trong số hơn 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu của Việt Nam có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (tính hết tháng 11/2017).

Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 5 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD.Tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 257,4 tỷ USD, tăng tới 25,7% so với cùng kỳ năm trước và là châu lục chiếm tỉ trọng cao nhất (67%) trong tổng kim ngạch XNK cả nước.

Tiếp theo là khu vực châu Mỹ với kim ngạch 62,16 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực châu Đại Dương đạt 7,07 tỷ USD, tăng 24,5%; khu vực châu Phi là 6,25 tỷ USD, tăng 27,6%.

Thái Bình