NGÀNH HẢI QUAN TẬP HUẤN VỀ BIỂU THUẾ MỚI

(HQ Online)- Để chuẩn bị cho việc thực hiện Nghị định 125/2017/NĐ-CP và các Nghị định ban hành các Biểu thuế FTA, ngày 15/12/2017, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị tập huấn giới thiệu những thay đổi của các biểu thuế cho đại diện các đầu mối nghiệp vụ, chi cục hải quan cửa khẩu của hải quan  các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Từ ngày 1/1/2018, hàng loạt các Biểu thuế XNK sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực với sự thay đổi thuế suất của hàng nghìn mặt hàng XNK. Trực tiếp phân tích những điểm mới của Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Quyết định 45/2017/QĐ-TTg,  bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP là nhằm thống nhất với danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65; giải quyết các kiến nghị của DN phát sinh trong thời gian từ 1/9/2016 đến nay; hạn chế tác động của việc xoá bỏ thuế NK theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN. Với sự ra đời của Nghị định này, thuế suất thuế XNK của nhiều mặt hàng như ô tô cũ, linh kiện ô tô, thủy hải sản, thực phẩm tươi sống… sẽ có nhiều thay đổi.

Phân tích về  Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 36/2016/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa NK, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết: Hàng hóa NK không có tên trong Danh mục của Biểu thuế suất NK thông thường tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này và không thuộc trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều 5 Luật thuế XK, thuế NK ngày 6/4/2016 thì áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất NK ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 125.

Giới thiệu lộ trình cắt giảm thuế quan tại Nghị định Biểu thuế FTA cho giai đoạn 2018- 2022, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ Tài chính cũng đang dự thảo 10 nghị định biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA giữa: ASEAN, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Ấn Độ, ASEAN – Australia – New Zealand, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chi lê, Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu. Việc dự thảo các nghị định mới này là để thực hiện cam kết trong nội khối ASEAN. Trong đó, thuế NK của nhiều mặt hàng sẽ giảm mạnh, thậm chí về 0% như: ô tô nguyên chiếc, xăng dầu; thịt heo, thịt bò tươi; phụ tùng linh kiện; máy tính; sản phẩm điện tử… 

Cũng tại hội nghị tập huấn, hải quan các địa phương đã trao đổi với các đơn vị soạn thảo các biểu thuế về điều kiện và thủ tục áp dụng các chương trình ưu đãi thuế, thời điểm áp dụng ưu đãi thuế cũng như chia sẽ kinh nghiệm về nội dung các biểu thuế FTA…

Các thắc mắc của hải quan địa phương tại Hội nghị tập huấn xoanh quanh các nội dung: các điều kiện NK linh kiện NK lắp ráp ô tô, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 125/2017/NĐ-CP với nhóm hàng 8702 và 8703; thời điểm áp dụng các hạn ngạch thuế quan….

Được biết, sau Hội nghị tập huấn này, các CBCC dự hội nghị sẽ về tập huấn  cho các CBCC tại đơn vị mình về những điểm mới cũng như những thay đổi của các biểu thuế để áp dụng biểu thuế mới từ ngày 1/1/2018. 

Hải Nam

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

BIỂU THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI MỚI ÁP DỤNG TỪ 1/1/2018

(HQ Online)- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

thuế
Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Ảnh: Internet

Trong đó, ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục I – Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Phụ lục III – Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng; Phụ lục IV – Danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho từng nhóm mặt hàng, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu.

Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng có số thứ tự (STT) 211 tại Biểu thuế xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan kê khai tên hàng và mã hàng của mặt hàng đó theo mã hàng 8 chữ số tương ứng với mã hàng 8 chữ số của mặt hàng đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và ghi mức thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm có STT 211 là các mặt hàng đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện:

Thứ nhất là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không thuộc các nhóm có STT từ 1-210 tại Biểu thuế xuất khẩu.

Thứ hai là có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Việc xác định tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thực hiện theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Thuế nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ô tô đã qua sử dụng.

Cụ thể, xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 (ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02: xe có động cơ chở 10 người trở lên, kể cả lái xe), kể cả ô tô chở người có khoang hành lý chung và ô tô đua) áp dụng mức thuế tuyệt đối.

Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh trên 1.000cc thuộc nhóm hàng 87.03 và xe ô tô chở người từ 10-15 chô ngồi, kể cả lái xe thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế hỗn hợp.

Xe ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên (kể cả lái xe) thuộc nhóm hàng 87.02 và xe có động cơ dùng để chở hàng hóa có khối lượng toàn bộ theo thiết kế không quá 5 tấn, thuộc nhóm hàng 87.04: xe có động cơ dùng để chở hàng (trừ ô tô đông lạnh, ô tô thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, ô tô xi téc, ô tô bọc thép để chở hàng hóa có giá trị; ô tô chở xi măng kiểu bồn và ô tô chở bùn có thùng rời nâng hạ được) áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.

Các loại xe ô tô khác thuộc các nhóm hàng 87.02, 87.03, 87.04 áp dụng mức thuế suất bằng 1,5 lần so với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của xe ô tô mới cùng chủng loại thuộc cùng nhóm hàng.

Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2018.

Hương Dịu

THỐNG NHẤT QUY TRÌNH PHÂN LOẠI HÀNG HÓA ĐỂ CHỐNG THẤT THU

(HQ Online)- Nâng cao hiệu quả quản lý khai báo mã số hàng hóa song song với việc hoàn thiện chính sách về mặt hàng là công việc quan trọng mà ngành Hải quan đã và đang triển khai để phòng ngừa và chống thất thu thuế qua khai báo phân loại hàng hóa. Hoạt động này không chỉ đảm bảo chống thất thu cho NSNN mà còn giúp tạo điều kiện lành mạnh hoá môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa…

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh). Ảnh: T.Trang.
 
Một trong những công tác trong tâm trong công tác phân loại là Cục Thuế XNK đang hoàn thiện Thông tư của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam (thay thế thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 1-7-2015). Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phân loại hàng hóa để Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam theo Danh mục AHTN 2017, Biểu thuế MFN và các Biểu thuế FTA, các danh mục quản lý chuyên ngành theo AHTN 2017 đảm bảo đồng bộ và hợp nhất, hỗ trợ cho công tác phân loại hàng hóa được thuận lợi và chính xác.
 

Phân loại hàng hóa XK, NK là việc căn cứ vào tên gọi, mô tả về tính chất, thành phần, cấu tạo, công dụng, quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hóa để xác định, sắp xếp hàng hóa vào một mã số nhất định theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Từ các mã số hàng hóa này sẽ tương ứng với mức thuế XK, NK theo Biểu thuế XK, NK. Quy trình phân loại hàng hóa này đã thống nhất được các quan điểm phân loại hàng hóa khác nhau giữa các đơn vị trước khi ban hành thông báo kết quả phân loại hàng hóa. Qua đó, hình thành được hệ thống phần mềm MHs lưu giữ kết quả PTPL trong toàn ngành, hải quan địa phương có thể dễ dàng tra cứu các kết quả phân loại hàng hóa.Cùng với đó, quy định về xác định trước mã số hàng hóa, xuất xứ của hàng hóa được Tổng cục Hải quan triển khai thời gian qua cũng đã giúp DN chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, đồng thời giúp cơ quan Hải quan tăng hiệu quả quản lý. Hầu hết hồ sơ gửi đến đều được Cục Thuế XNK giải quyết trong thời hạn 30 ngày, những trường hợp hàng hóa phức tạp cũng được giải quyết trong thời hạn tối đa 60 ngày.

Việc thực hiện quy định xác định trước mã số hàng hóa mang lại lợi ích cho cả Hải quan và DN. Cơ quan Hải quan nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý nhờ đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phân bổ nguồn lực hợp lý vào các giai đoạn trước, trong và sau thông quan. Trong khi đó, DN sẽ căn cứ vào những thông tin được cung cấp trước có tính ràng buộc pháp lý để nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và tính toán lợi nhuận. Điều này làm tăng độ chắc chắn và có thể dự doán được cho các DN khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế… Những thông báo phân loại hàng hóa cũng được cập nhật trên Website của Tổng cục Hải quan để giúp DN thuận tiện hơn trong việc tham khảo áp dụng vào việc phân loại hàng hóa của chính DN.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn có tình trạng DN khai sai mã số hàng hóa để hưởng mức thuế thấp hơn hoặc cũng có tình trạng tại 1 đơn vị hải quan vẫn chấp nhận việc DN phân loại hàng hóa vào những mã số hàng khác với những mặt hàng có cùng đặc tính, chủng loại.

 
Danh mục quản lý rủi ro về phân loại được Tổng cục Hải quan xây dựng và triển khai trong toàn ngành, trong đó bao gồm khoảng 380 mặt hàng cấp độ 8 chữ số và 7 nhóm hàng cấp độ 6 chữ số bao gồm cả hàng NK và XK. Đây là tài liệu quan trọng, là công cụ quản lý trong công tác phân loại hàng hóa của cơ quan Hải quan trong cả khâu trong và sau thông quan.
 

Lý giải thực này, ông Trịnh Mạc Linh- Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK-Tổng cục Hải quan phân tích, hiện nay hàng hóa XNK ngày càng đa dạng về chủng loại, công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của những mặt hàng đa chức năng, đa công dụng. Vì vậy, công tác phân loại của cơ quan Hải quan gặp không ít khó khăn, bởi nhận thức về bản chất hàng hóa có nhiều ý kiến khác nhau, hơn thế nữa nhân lực của cơ quan Hải quan làm công tác phân loại hàng hóa còn hạn chế.Cũng trong thời gian qua, đã có những mặt hàng NK phức tạp, có nhiều ý kiến trái chiều như các mặt hàng: Đồ uống không có ga, đồ uống có chứa collagen; kem bôi sẹo; trứng artemia- làm thức ăn chăn nuôi; thiết bị kết nối dùng cho internet; máy điều hòa không khí âm trần; dụng cụ mài lưỡi dao; đá cẩm thạch… Để phân loại đúng bản chất mặt hàng này, Cục Thuế XNK đã nhiều lần phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn và phải tổ chức họp bàn. Có những mặt hàng phức tạp, Tổng cục Hải quan còn phải tổ chức đối thoại với DN để  vừa lắng nghe vừa đưa ra được hướng dẫn trong việc phân loại hàng hóa.

Theo ông Trịnh Mạc Linh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế, đảm bảo thực hiện phân loại hàng hóa thống nhất trên phạm vi toàn quốc, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp khai báo và áp mã số, mức thuế không thống nhất… là mục tiêu mà ngành Hải quan sẽ triển khai trong công tác phân loại, xác định mức thuế trong năm 2017.

Thực hiện mục tiêu này, Cục Thuế XNK đã tổ chức rà soát trên hệ thống thông tin dữ liệu liên quan để phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời việc thực hiện không đúng quy định về phân loại, áp dụng mức thuế theo các biểu thuế hiện hành; kiểm tra thực tế về công tác phân loại hàng hóa tại một số đơn vị hải quan địa phương… Cục đã ban hành công văn hướng dẫn kiểm tra phân loại hàng hóa để thống nhất thực hiện trong toàn ngành, trong đó hướng dẫn chi tiết từng bước kiểm tra trong tất cả các khâu thông quan và sau thông quan.

Bên cạnh đó, Cục sẽ tập trung xử lý vướng mắc có liên quan công tác phân loại, mức thuế của hải quan địa phương, DN kịp thời, theo đúng quy định. Đồng thời, chủ động bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho CBCC để nâng cao hiệu quả công tác, đảm bảo thực hiện công tác phân loại hàng hóa đúng quy định.

Cùng với đó, phối hợp với Cục CNTT thực hiện, vận hành, khai thác có hiệu quả Hệ thống MHs, phối hợp nâng cấp Hệ thống phù hợp với văn bản chính sách mới ban hành cũng như thực tế khai thác, sử dụng. Song song với đó là thường xuyên rà soát, sửa đổi, cập nhật Danh mục hàng hóa XNK rủi ro về phân loại. 

Thu Trang