(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI CUỐI: NÂNG CAO TÍNH TỰ ĐỘNG HÓA TRONG GIÁM SÁT HẢI QUAN

(HQ Online)- Tiếp nối loạt bài viết về Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không do Báo Hải quan thực hiện (xem từ số 88, phát hành ngày 25/7), để có thông tin tổng quát, đầy đủ, Báo Hải quan đã phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh xoay quanh các nội dung của Đề án quan trọng này.

 

Đề nghị Phó Tổng cục trưởng cho biết vì sao ngành Hải quan triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không trong thời điểm này? Việc triển khai Đề án có ý nghĩa thế nào trong tiến trình cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK theo chủ trương của Chính phủ?

Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa hải quan, trong đó ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào các khâu nghiệp vụ hải quan. Nhờ đó đã cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thay đổi phương thức hoạt động vẫn chưa được cải thiện đáng kể; sự kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với các doanh nghiệp kinh doanh cảng còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc theo dõi, quản lý hàng tại cảng của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn; thời gian lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp lâu, chi phí lưu kho bãi của hàng hóa lớn.

Để có thể nhanh chóng giảm bớt được thủ tục hành chính, thời gian giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không, giảm thời gian và chi phí cho DN, việc kết nối hệ thống CNTT theo dõi, quản lý hàng hóa của DN kinh doanh cảng, kho, bãi với hệ thống CNTT của cơ quan Hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014 để chia sẻ kịp thời và đầy đủ thông tin hàng hóa, phương tiện vận tải là yêu cầu cấp bách.

Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu quản lý như trên, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không.

Đề án này sẽ tạo ra bước đột phá mới trong công tác quản lý hải quan tại cảng biển, cảng hàng không. Thông qua hệ thống CNTT tập trung, cơ quan Hải quan sẽ trao đổi, cập nhật thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Khi được triển khai, Đề án sẽ giúp nâng cao tính tự động hóa của hệ thống giám sát hải quan trong việc hỗ trợ công tác kiểm tra, đối chiếu và đánh giá rủi ro, giám sát và kiểm soát hải quan. Đề án cũng giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xác định rõ trách nhiệm của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu, rút ngắn thời gian, chi phí làm thủ tục của người khai hải quan.

Thưa Phó Tổng cục trưởng, Đề án này không chỉ tác động đến hoạt động của cơ quan Hải quan mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị có liên quan (các cơ quan quản lý của các bộ, ngành, các DN kho bãi, cảng, hãng vận tải, đại lý hãng tàu…). Vậy, nhiệm vụ đặt ra cho từng cơ quan liên quan là gì?

Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không với việc áp dụng hệ thống CNTT tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai Đề án này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đối tượng, đơn vị liên quan như: Hải quan, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Về phía cơ quan Hải quan, để xây dựng yêu cầu bài toán, quy trình nghiệp vụ và các yêu cầu kỹ thuật, Tổng cục Hải quan đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực tế công tác quản lý, quy trình nghiệp vụ tại cảng biển, sân bay tại hai địa bàn Thành phố Hải Phòng và Hà Nội. Đồng thời tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị nghiệp vụ thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan cũng như các hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và các đơn vị có liên quan đối với Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, sân bay, kho bãi. Ngày 21/6/2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch 4098/KH-TCHQ về việc chuẩn bị triển khai Đề án, trong đó yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố liên quan cụ thể các công việc gồm: Thành lập ban triển khai, rà soát hạ tầng kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch triển khai. Tổng cục Hải quan cũng sẽ tổ chức các đợt tập huấn cho các bộ, công chức hải quan trước khi triển khai Đề án. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi và các đơn vị có liên quan nhanh chóng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh, không để xáo trộn hay làm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan khi triển khai Đề án này.

Đối với các doanh nghiệp, liên quan đến nhiều đối tượng, trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, bên cạnh việc phối hợp với cơ quan Hải quan trong xây dựng quy trình thực hiện, yêu cầu bài toán, các doanh nghiệp cần rà soát nâng cấp, xây dựng hệ thống CNTT để có thể kết nối với Hệ thống của cơ quan Hải quan thực hiện việc trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong quá trình triển khai.

Liên quan đến các hãng tàu, các đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận: Cần khai báo đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến manifest, vận đơn thông qua Cơ chế một cửa quốc gia để đảm bảo nguồn thông tin cho việc quản lý rủi ro, cấp số định danh hàng hóa, quản lý đối chiếu thông tin trước khi hàng đến.

Trong khi đó, đối tác xây dựng hệ thống phần mềm đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan để thiết kế, xây dựng hệ thống và tiếp thu ý kiến của các đơn vị Hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh cảng và các đối tượng có liên quan để tiếp tục hoàn thiện Hệ thống phần mềm, đảm bảo triển khai Hệ thống đúng kế hoạch đề ra.

Về phía các bộ, ngành liên quan đến quá trình giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không, theo lộ trình và phạm vi triển khai sẽ kết nối trao đổi thông tin, phối hợp với cơ quan Hải quan trong giám sát, quản lý hàng hóa tại cảng. Trong đó, tập trung vào một số nội dụng cụ thể như: Phối hợp trong kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng…); quản lý số định danh hàng hóa liên thông giữa các khâu quản lý, giám sát và làm thủ tục hải quan với thực hiện thủ tục cấp phép và kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành.

Bãi chứa container của cảng Đình Vũ

Thưa Phó Tổng cục trưởng, qua thực tế công tác chuẩn bị tại địa bàn Hải Phòng, Báo Hải quan ghi nhận phản ánh của một số DN kinh doanh cảng về vướng mắc liên quan đến sự cố về máy chủ của cơ quan Hải quan, đường truyền kết nối với máy chủ cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan vẫn có tình trạng quá tải; hay chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm quản lý, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại doanh nghiệp cảng… Tổng cục Hải quan có hướng giải quyết các vướng mắc này như thế nào?

Để xử lý các vướng mắc, Tổng cục Hải quan đã lên phương án ở cả khâu chuẩn bị và khi tổ chức triển khai.

Ở khâu chuẩn bị triển khai, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi xây dựng và kiểm thử để hoàn thiện hệ thống phần mềm. Trong đó, những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp đã được cơ quan Hải quan ghi nhận và đưa ra giải pháp để xử lý.

Mặt khác, trong Kế hoạch 4098/KH-TCHQ, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố liên quan chủ động rà soát và yêu cầu các chi cục đánh giá hiện trạng, mức độ sẵn sàng của hạ tầng CNTT của cơ quan Hải quan tại các địa điểm dự kiến triển khai (máy tính, mạng, đường truyền…), đề xuất các nội dung cần nâng cấp; báo cáo kết quả rà soát về Tổng cục Hải quan để có phương án nâng cấp hạ tầng đáp ứng cho yêu cầu triển khai.

Về mặt hệ thống phần mềm, trên cơ sở yêu cầu bài toán, quy trình nghiệp vụ, yêu cầu kỹ thuật đã thống nhất, Tổng cục Hải quan đã và đang hoàn thiện các chức năng hệ thống quản lý hải quan, thiết lập hạ tầng CNTT cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi xây dựng phần mềm, kiểm tra, kết nối với hệ thống của cơ quan Hải quan.

Về mặt pháp lý, các nội dung quy định pháp lý cho việc triển khai Đề án đã được rà soát, sửa đổi và đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC và Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn thực hiện cụ thể trước khi triển khai Đề án.

Như vậy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Tổng cục Hải quan cả về hạ tầng kỹ thuật cũng như cơ sở pháp lý sẽ đảm bảo sẵn sàng cho việc triển khai Đề án và hạn chế tối đa những tồn tại, vướng mắc và sự cố phát sinh trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, Tổng cục Hải quan cũng đã thiết lập các phương án dự phòng đối với trường hợp gặp sự cố liên quan đến hạ tầng như đường truyền, máy chủ…

Về nguồn lực, Bộ phận hỗ trợ (Helpdesk) của Tổng cục Hải quan sẽ hỗ trợ liên tục các doanh nghiệp và công chức hải quan trong suốt quá trình triển khai, đặc biệt ở giai đoạn đầu.

Các hướng dẫn trong trường hợp gặp sự cố hệ thống, đường truyền… đã được đưa vào các quy định trong các dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC và các văn bản liên quan.

Thực tế triển khai thí điểm trước đây với hàng hóa container tại khu vực cảng biển Hải Phòng cho thấy, giai đoạn đầu thực hiện vẫn tiếp tục phát sinh các vướng mắc đột xuất, có tính chất tình huống, Tổng cục Hải quan đã có phương án xử lý thế nào với các tình huống tượng tự (có thể xảy ra) khi triển khai Đề án về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không, thưa Phó Tổng cục trưởng?

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Điều 41 Luật Hải quan trước đây, đặc biệt có nhiều vướng mắc đột xuất, có tính chất tình huống chưa được lường trước, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ các phương án và giải pháp.

Trong đó, công tác chuẩn bị được tiến hành kỹ lưỡng như: Phân tích sâu và đầy đủ yêu cầu bài toán làm cơ sở xây dựng hệ thống; ban hành kế hoạch để chuẩn bị triển khai một cách đồng bộ (Kế hoạch số 4098/KH-TCHQ); hoàn thiện, nâng cấp hệ thống và hạ tầng CNTT; hoàn thiện cơ sở pháp lý; tổ chức đào tạo, tuyên truyền.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng tổ chức triển khai một cách thận trọng và có lộ trình phù hợp. Theo đó sẽ triển khai thí điểm trước tại Hải Phòng, Hà Nội sau đó triển khai mở rộng tại các đơn vị có cảng biển, cảng hàng không trọng điểm và mở rộng ra cả nước

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng các phương án, kịch bản xử lý các vướng mắc, tình huống phát sinh như: Tổ chức bộ phận hỗ trợ triển khai (cấp Tổng cục và các Cục Hải quan) để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh, đặc biệt trong giai đoạn đầu thực hiện; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp XNK, các hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi trong việc khai báo, cung cấp, trao đổi thông tin; có cơ chế phối hợp giữa Hải quan và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện cũng như xử lý các vướng mắc phát sinh; lập bộ phận tiếp nhận và giải đáp vướng mắc (Helpdesk)…

Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Sẵn sàng kết nối ở cảng biển lớn nhất miền Bắc hôm nay, 15/8

Ngày 14/8, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện lãnh đạo Phòng Kế hoạch và Thống kê (Công ty CP cảng Hải Phòng) cho biết, đơn vị đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện kết nối hệ thống CNTT với cơ quan Hải quan để giám sát hàng hóa XNK tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng (thuộc Công ty CP cảng Hải Phòng) vào ngày mai (15/8) theo đúng kế hoạch đặt ra trong Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không.

Đại diện doanh nghiệp cho biết thêm, việc tổ chức kết nối lần này cả cơ quan Hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, nhà thầu cung cấp phần mềm đều có sự chuẩn bị rất tốt và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ khâu nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật, bố trí nhân lực, tổ chức đào tạo, tập huấn…

“Hiện nay cảng Tân Vũ là cảng lớn nhất địa bàn Hải Phòng và cả khu vực miền Bắc với lưu lượng hàng hóa XNK lớn, đa dạng về loại hình, nếu thực hiện thành công ở địa bàn này sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công Đề án ở các khu vực còn lại trên địa bàn”- lãnh đạo Phòng Kế hoạch và Thống kê (Công ty CP cảng Hải Phòng) nói.

Về phía cơ quan Hải quan, Hải quan Hải Phòng cũng sẵn sàng để tổ chức kết nối với doanh nghiệp cảng. Đáng chú ý, các công việc quan trọng như xây dựng quy trình nghiệp vụ; hạ tầng CNTT, công tác đào tạo… đã được hoàn tất trước thời điểm triển khai chính thức.

Ngoài sự chủ động của Hải quan Hải Phòng và Công ty CP cảng Hải Phòng, các đơn vị nghiệp vụ ở Tổng cục Hải quan, nhất là Cục CNTT và Thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan… cũng luôn sát cánh để việc triển khai Đề án diễn ra thuận lợi.

Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết: Để phục vụ việc kết nối vào ngày 15/8, Cục CNTT và Thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tổ chức bộ phận xuống Hải Phòng hỗ trợ trực tiếp để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Theo lộ trình vừa được Hải quan Hải Phòng và các doanh nghiệp thống nhất, việc triển khai được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu với thời gian thực hiện 1 tuần/DN. Cụ thể, Công ty CP Cảng Hải Phòng (quản lý Chi nhánh Tân Vũ) thực hiện từ ngày 15 đến 22/8; Công ty TNHH Tiếp vận Nam Phát thực hiện từ ngày 23 đến 31/8; Công ty CP Đầu tư phát triển cảng Đình Vũ thực hiện từ ngày 5 đến 11/9.

Sau khi thực hiện đối với 3 doanh nghiệp nêu trên, Hải quan Hải Phòng tiếp tục mở rộng kết nối, phối hợp giám sát với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng khác trên địa bàn.

Thái Bình

Thái Bình- Ngọc Linh (thực hiện)
Comments for this post are closed.