“ĐAU ĐẦU” XỬ LÝ NỢ THUẾ

(HQ Online)- Bên cạnh những khoản nợ khó thu đã tồn từ nhiều năm nay, hiện cơ quan Hải quan đang phải xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn cho tờ khai đã thông quan do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang​​​.

Dù đã rất tích cực và quyết liệt, nhưng cơ quan Hải quan đang gặp không ít khó khăn do công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và do những quy định liên quan chưa bao trùm hết được những tình huống xảy ra trong thực tiễn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn cho tờ khai đã thông quan tính đến thời điểm 30/4/2017 của toàn ngành Hải quan là 5.542,9 tỷ đồng, tăng 64,7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016 (5.478 tỷ đồng), giảm 233,8 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2017 (5.776,7 tỷ đồng). Nguyên nhân tăng nợ chủ yếu là do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Trước đó, đến thời điểm 31-12-2016, tổng số thu hồi nợ thuế của toàn ngành Hải quan là khoảng 555,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn đối với các tờ khai đã thông quan đến thời điểm 31-12-2016 là 5.527,6 tỷ đồng, tăng 1.095,6 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2015. Theo phân tích của đại diện Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), trong tổng số 1.095,6 tỷ đồng nợ thuế tăng thì có 157,7 tỷ đồng nợ thuế chờ xóa, xét miễn thuế; 139,4 tỷ đồng là nợ khó thu và 798,4 tỷ đồng là nhóm nợ có khả năng thu.

Sở dĩ nhóm nợ khó thu tăng là bởi tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố sau khi thực hiện xác minh tình trạng của DN đã phân loại lại nợ thuế, xác định không có khả năng thu hồi, vì vậy đã chuyển số nợ thuế này từ nhóm có khả năng thu sang nhóm khó thu. Bên cạnh đó, nhóm nợ có khả năng thu tăng là do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã rất tích cực và quyết liệt trong công tác xử lý và thu hồi nợ. Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình nợ thuế, xác định rõ nguyên nhân tăng giảm nợ thuế tại các cục hải quan địa phương; đối với chỉ tiêu nợ thuế thu hồi đã giao cho các đơn vị đôn đốc, chỉ đạo thu hồi đúng theo chỉ tiêu được giao. Qua đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện gửi báo cáo số liệu nợ thuế đầy đủ, đúng thời hạn để kịp phục vụ công tác chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Đồng thời, để giảm nợ thuế, Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo rà soát các khoản nợ tại các đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế, trình tự thanh toán tiền nợ thuế và các biện pháp để thu hồi hết các khoản nợ có khả năng thu; Kiểm tra, rà soát các DN đóng trên địa bàn còn nợ thuế, nợ phạt, làm việc với UBND tỉnh, thành phố đề nghị có ý kiến chỉ đạo đối với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để thu hồi nợ thuế.

Công tác thu hồi nợ thuế thời gian qua đã gặp không ít khó khăn do việc đánh giá, phân loại của địa phương đối với từng khoản nợ chưa chính xác; do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn không tìm được đối tác, đa số DN làm ăn thua lỗ dẫn đến bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động và trây ỳ không nộp thuế. Nhiều DN bị phá sản, tài sản bị ngân hàng tịch thu và phát mãi nhưng chưa ai mua nên khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc thu hồi được nợ đọng thuế.

Theo phản ánh của Hải quan các tỉnh, thành phố, hiện công tác quản lý nợ thuế đã được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Việc phân loại nợ và theo dõi đôn đốc thu hồi nợ thuế được thực hiện theo Quy trình quản lý nợ thuế, nợ tiền chậm nộp, nợ phạt đối với hàng hóa XK, NK. Đối với các khoản nợ khó thu, các chi cục hải quan đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhằm thu đúng, thu đủ các khoản nợ thuế phát sinh. Đồng thời, tích cực đưa ra các giải pháp thu đòi nợ đọng; tổ chức, theo dõi, quản lý các đối tượng nợ tiền thuế, tiền phạt; thường xuyên phân loại đối tượng nợ, các khoản nợ để đôn đốc, thu nợ trước thời điểm áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Tuy nhiên, công tác quản lý nợ, thu hồi nợ đọng các đơn vị hải quan địa phương cũng gặp không ít khó khăn do công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và do những quy định liên quan chưa bao trùm hết được những tình huống xảy ra trong thực tiễn.

Hiện nay, hầu hết các khoản nợ đọng trong diện quản lý của cơ quan Hải quan là nợ đã quá 10 năm của các DN bỏ trốn, mất tích, cơ quan Hải quan không thể thực hiện được các biện pháp cưỡng chế như quy định. Vì vậy, đối với những khoản nợ này, cơ quan Hải quan không thu được và cũng không đủ điều kiện xóa vì không áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thì các khoản nợ quá 10 năm kể từ ngày nộp thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật mới được xóa nợ. Đây là điều kiện rất khó để cơ quan Hải quan thực hiện xóa nợ bởi các khoản nợ phát sinh khá lâu, DN nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành nên việc gửi văn bản và tổ chức xác minh mất nhiều thời gian và không đem lại hiệu quả.

Đây là vướng mắc chung của hầu hết Hải quan các tỉnh, thành phố.  Không chỉ khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, Hải quan các tỉnh, thành phố còn gặp khó trong công tác thu hồi và xóa nợ vì thiếu sự phối hợp của của cơ quan chức năng. Phản ánh về cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng khác, nhiều đơn vị hải quan cho biết, cơ quan Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Ngân hàng, Ủy ban nhân dân phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… song nhiều trường hợp không có phản hồi, nên gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ xóa nợ.

Khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nợ thuế, triển khai công tác thu hồi nợ đọng năm 2017, Cục Thuế XNK đã đặt ra mục tiêu đưa công tác kế toán thuế đối với hàng hóa XNK vào nề nếp, kiểm tra báo cáo kế toán với các báo cáo nợ và thu hàng tháng. Phân loại các khoản nợ chính xác theo từng loại nợ thuế, đưa ra những biện pháp cụ thể đối với từng khoản nợ. Tiếp tục rà soát, kiểm tra báo cáo kế toán với báo cáo nợ và thu hàng tháng, đồng thời phân loại các khoản nợ chính xác theo từng loại nợ thuế, đi sâu phân tích những khoản nợ khó đòi để đưa ra những biện pháp cụ thể đối với từng khoản nợ…
Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Comments for this post are closed.